UỶ BAN NHÂN DÂN LÂM THỜI
TỈNH ĐIỆN BIÊN
______
Số: 03/2004/CT-UBND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
______________________
Điện Biên, ngày 20 tháng 01 năm 2004
|
CHỈ THỊ
V/v đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống
dịch SARS, bệnh Cúm A ở người và dịch Cúm gà
____________________
Thực hiện Công Điện số 71/CP-NN ngày 08/01/2004 của Thủ tướng Chính phủ; ngày 13/01/2004 UBND tỉnh đã có Công Điện số 02/UB-VP chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh triển khai ngay các biện pháp theo dõi, phòng chống dịch Cúm gà; ngày 15/01/2004 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 283/VPCP-VX V/v tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch SARS và bệnh Cúm. Theo báo cáo của Chi cục thú y - Sở NN & PTNT, hiện nay bệnh dịch đối với gia cầm đã xảy ra tại địa bàn huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ. Để nhanh chóng khoanh vùng, phòng chống dịch bệnh đối với gia cầm không để lây lan trên diện rộng và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch SARS, bệnh Cúm A; UBND tỉnh chỉ thị cho UBND các huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh và các ngành triển khai ngay một số việc như sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các cộng đồng dân cư, giác ngộ ý thức người dân, chủ động phòng chống các loại bệnh dịch: SARS, Cúm A ở người và dịch Cúm gà ở gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thân 2004.
2. Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện một số nội dung như sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra vệ sinh, phòng dịch tại các xã, phường; giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tại các bệnh viện và các Phòng khám đa khoa khu vực, phát hiện, khoanh vùng và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi có dịch bệnh sảy ra, thường xuyên báo cáo cấp có thẩm quyền.
- Tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế quốc tế tại các cửa khẩu.
- Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thuốc men, lực lượng cán bộ để phòng chống dịch khi dịch bệnh xảy ra.
- phối hợp với các ngành thực hiện kiểm tra tình hình dịch bệnh ở người và gia cầm trên địa bàn tỉnh; trước mắt cần tập trung vào địa bàn trọng điểm là Huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ.
3. Sở NN & PTNT chỉ đạo Chi cục thú y phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tiến hành kiểm tra, khoanh vùng các loại dịch bệnh sảy ra đối với gia cầm, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm từ các vùng dịch bệnh ra các vùng khác; thực hiện việc tiêu hủy số gia cầm đã chết vì dịch bệnh theo đúng quy định hiện hành; động viên các hộ dân trong vùng dịch bệnh tiêu hủy hết số gia cầm còn sống để tránh lây dịch bệnh sang các vùng khác.
- Phối hợp với các lực lượng Công an, QLTT tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh giết mổ gia cầm, các quán ăn, nhà hàng về công tác vệ sinh ATTP
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Chi cục thú y - Sở NN & PTNT động viên nhân dân trong vùng dịch bệnh thực hiện tiêu hủy gia cầm còn sống; báo cáo UBND tỉnh quyết định về chính sách hỗ trợ cho các hộ dân có gia cầm còn sống bị tiêu hủy.
5. Đài Phát thanh truyền hình tỉnh phối hợp UBND các huyện, thị, thành phố và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền; đưa tin kịp thời với thời lượng thỏa đáng các tin tức về tình hình chống dịch.
6. Sở Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Chi cục thú y sở NN & PTNT và các đơn vị chủ động tư vấn, giám sát việc tiêu hủy gia cầm chết, đảm bảo yêu cầu không ô nhiễm môi trường.
7. Các ngành chức năng như: QLTT, Công an, Cục Thuế, Thương mại tăng cường công tác phối hợp với Chi cục thú y thường xuyên kiểm tra tình hình dịch bệnh, kịp thời báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo sử lý.
8. UBND huyện Điện Biên và Thành phố Điện Biên Phủ thành lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Nông nghiệp, thú y, Công an, QLTT để kiểm tra tình hình dịch bệnh trên địa bàn, có biện pháp sử lý kịp thời.
9. Về kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh; yêu cầu sở NN & PTNT và sờ Y tế làm việc trực tiếp với sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định ( hỗ trợ cho các mục: theo dõi phòng chống bệnh SARS tại cửa khẩu và sân bay Điện Biên Phủ; hóa chất tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch bệnh; chi phí mua sắm vật tư, bảo hộ lao động cho cán bộ chống dịch bệnh)
Đây là một nhiệm vụ cấp bách góp phần bảo vệ ngành chăn nuôi; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN LÂM THỜI
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Bùi Viết Bính
|