• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/06/2013
BỘ Y TẾ
Số: 13/2013/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Điện Biên, ngày 17 tháng 4 năm 2013

THÔNG TƯ

Hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm

 

 

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng;

Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư Hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm bao gồm:

1. Đối tượng, hình thức, địa điểm và nội dung giám sát bệnh truyền nhiễm.

2. Quy trình giám sát bệnh truyền nhiễm.

3. Quy trình điều tra bệnh dịch/ổ dịch và hoạt động phòng, chống dịch.

4. Trách nhiệm trong tổ chức giám sát bệnh truyền nhiễm.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ổ dịch là nơi xuất hiện đồng thời trường hợp bệnh truyền nhiễm xác định, tác nhân gây bệnh và yếu tố trung gian truyền bệnh trong một khoảng thời gian nhất định tại cùng địa điểm.

2. Ổ chứa là nơi tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể tồn tại và phát triển.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, ĐỊA ĐIỂM VÀ NỘI DUNG GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 3. Đối tượng và bệnh truyền nhiễm cần giám sát

1. Đối tượng giám sát:

a) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm;

b) Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;

c) Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.

2. Bệnh truyền nhiễm cần giám sát được quy định tại Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bao gồm một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Phụ lục danh mục một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B phải được cách ly y tế ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 4. Hình thức và loại hình giám sát

Giám sát bệnh truyền nhiễm là hình thức thu thập thông tin liên tục, có hệ thống về tình hình, chiều hướng của bệnh truyền nhiễm nhằm cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, triển khai và đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

1. Hình thức giám sát:

a) Giám sát chủ động: thông qua hoạt động điều tra chủ động tại các điểm giám sát.

b) Giám sát thụ động: thông qua báo cáo của các tuyến trong hệ thống giám sát.

2. Loại hình giám sát:

a) Giám sát thường xuyên: thông qua việc theo dõi và kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại một khu vực hoặc trên phạm vi cả nước.

b) Giám sát trọng điểm: thông qua các đơn vị giám sát đã được lựa chọn trong một khoảng thời gian nhất định.

c) Giám sát dựa vào cộng đồng: thông qua hoạt động giám sát của nhân viên y tế, thú y tuyến xã, thôn, ấp, bản và khai báo của người dân.

d) Giám sát dựa vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: thông qua báo cáo của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

đ) Giám sát dựa vào phòng xét nghiệm: thông qua báo cáo của các phòng xét nghiệm.

Điều 5. Địa điểm giám sát

Giám sát bệnh truyền nhiễm được thực hiện trên toàn bộ phạm vi quản lý được phân công, đặc biệt ở các địa điểm sau:

1. Khu vực đang có ổ dịch, khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3. Khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm.

4. Nơi cư trú, học tập, lao động của người được chẩn đoán xác định là mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh truyền nhiễm.

5. Khu vực cửa khẩu.

6. Khu vực đã hoặc đang xảy ra thiên tai, thảm họa.

Điều 6. Nội dung giám sát

1. Giám sát nguồn bệnh truyền nhiễm:

a) Người mắc bệnh hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm;

b) Người mang mầm bệnh truyền nhiễm;

c) Động vật mắc bệnh hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm;

d) Động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm.

2. Giám sát tác nhân gây bệnh truyền nhiễm:

a) Vi khuẩn;

b) Vi rút;

c) Rích-két-si-a;

d) Ký sinh trùng.

3. Giám sát ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ:

a) Côn trùng, động vật, thực vật;

b) Thực phẩm;

c) Môi trường: đất, nước, không khí;

d) Địa lý, khí hậu, thời tiết;

đ) Các yếu tố kinh tế - xã hội: kinh tế, điều kiện sống, hành vi, lối sống, phong tục tập quán, cơ cấu dân cư, cơ cấu dân tộc;

e) Bệnh phẩm;

g) Huyết thanh.

Chương III

QUY TRÌNH GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 7. Các bước tiến hành giám sát

1. Thu thập thông tin.

2. Phân tích số liệu và đánh giá kết quả.

3. Nhận định tình hình bệnh truyền nhiễm.

4. Đề xuất biện pháp can thiệp.

5. Báo cáo.

Điều 8. Thông tin cần thu thập trong giám sát

1. Nguồn bệnh truyền nhiễm

a) Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và người tử vong do bệnh truyền nhiễm:

- Tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, nơi lưu trú;

- Địa điểm và thời gian mắc bệnh;

- Diễn biến bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và quá trình điều trị;

- Tiền sử và yếu tố dịch tễ liên quan.

b) Các thông tin về côn trùng, động vật, thực vật, vật nghi là nguồn truyền nhiễm: loài gây bệnh, đặc điểm sinh vật học, mật độ, mối liên hệ với con người.

2. Xác định tác nhân gây bệnh truyền nhiễm: chủng, nhóm, týp, phân týp, các đặc tính sinh học về tính kháng thuốc, biến đổi về hình thể và gen.

3. Đường lây truyền: lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, tiếp xúc da, niêm mạc, máu, qua trung gian truyền bệnh.

4. Ổ chứa, trung gian truyền bệnh và các yếu tố nguy cơ.

a) Côn trùng, động vật, thực vật, vật mang tác nhân gây bệnh. Đối với côn trùng gây bệnh phải xác định được: số lượng, mật độ, thành phần loài, các chỉ số giám sát, tính nhạy cảm với hóa chất;

b) Thực phẩm: nguyên liệu, phương thức chế biến, bảo quản;

c) Môi trường: đất, nước, không khí;

d) Địa lý, khí hậu, thời tiết: khu vực địa dư, mùa, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm;

đ) Điều kiện kinh tế - xã hội: mức sống, lối sống, điều kiện sống, phong tục tập quán, cơ cấu dân cư, cơ cấu dân tộc;

e) Bệnh phẩm;

g) Huyết thanh.

5. Hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm

a) Các biện pháp kiểm soát bệnh truyền nhiễm;

b) Hiệu quả của các biện pháp đã triển khai;

c) Khó khăn và thuận lợi.

Chương IV

QUY TRÌNH ĐIỀU TRA BỆNH DỊCH/Ổ DỊCH VÀ HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Điều 9. Các bước tiến hành điều tra bệnh dịch/ổ dịch

1. Chuẩn bị điều tra bệnh dịch/ổ dịch.

2. Xác định sự tồn tại của bệnh dịch/ổ dịch.

3. Xác định tiêu chuẩn chẩn đoán người mắc bệnh, người bị nghi ngờ mắc bệnh đầu tiên.

4. Mô tả quá trình diễn biến của bệnh dịch/ổ dịch theo thời gian, địa điểm, con người.

5. Tìm hiểu đặc điểm dân số học, kinh tế - xã hội để phát hiện nhóm cảm thụ hoặc nhóm nguy cơ đối với bệnh dịch/ổ dịch đã được xác định.

6. Điều tra các yếu tố liên quan đến bệnh dịch/ổ dịch quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 8 của Thông tư này.

7. Tổng hợp, phân tích, đánh giá và đưa ra chẩn đoán xác định bệnh dịch/ổ dịch, xác định nguồn truyền nhiễm, đường truyền nhiễm và nhóm nguy cơ mắc bệnh.

8. Nhận định, tiên lượng tình hình dịch.

9. Đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch.

10. Báo cáo kết quả điều tra bệnh dịch/ổ dịch.

Điều 10. Thu thập, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi, tiêu hủy mẫu bệnh phẩm

1. Việc thu thập, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng, nghiên cứu, trao đổi, tiêu hủy mẫu bệnh phẩm thực hiện theo Thông tư số 43/2011/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm.

2. Trong trường hợp cơ sở y tế không có khả năng thực hiện các xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh cần liên hệ với cơ sở y tế tuyến trên để gửi mẫu bệnh phẩm cũng như hướng dẫn thu thập, bảo quản và vận chuyển bệnh phẩm.

Điều 11: Hoạt động xử lý ổ dịch

1. Chuẩn bị:

a) Nhân lực;

b) Ngân sách cho điều tra và các hoạt động xử lý ổ dịch;

c) Thuốc, hoá chất, sinh phẩm, trang thiết bị xử lý ổ dịch, trang thiết bị cấp cứu và các dụng cụ y tế khác;

d) Đề xuất hỗ trợ phòng, chống dịch (nếu cần): xác định tuyến sẽ hỗ trợ, cơ sở, phương thức, thời gian, nội dung hỗ trợ của tuyến trên và liên ngành.

2. Thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch

Các hoạt động xử lý phòng, chống bệnh dịch/ổ dịch tùy theo từng bệnh hoặc hội chứng bệnh trên cơ sở kết quả điều tra bệnh dịch/ổ dịch, bao gồm các biện pháp sau đây:

a) Xử lý nguồn bệnh:

- Thu dung, điều trị và quản lý các trường hợp mắc bệnh;

- Cách ly y tế;

- Điều trị người lành mang mầm bệnh truyền nhiễm;

- Xử lý chất thải của người, động vật và các nguồn truyền nhiễm khác.

b) Xử lý đường truyền bệnh:

- Thực hiện các biện pháp phòng chống trung gian truyền bệnh;

- Vệ sinh môi trường, khử trùng tẩy uế khu vực có dịch.

c) Bảo vệ người lành:

- Vệ sinh, trang bị bảo vệ cá nhân;

- Bảo đảm an toàn thực phẩm;

- Triển khai công tác tiêm chủng;

- Thông tin, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cộng đồng.

Điều 12. Thông tin, báo cáo

Thực hiện theo Thông tư số 48/2010/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm.

Chương V

TRÁCH NHIỆM TRONG TỔ CHỨC GIÁM SÁT BỆNH TRUYỀN NHIỄM

Điều 13. Trách nhiệm của Cục Y tế dự phòng

1. Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc xây dựng, phối hợp, chỉ đạo toàn bộ hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm trên toàn quốc.

2. Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc hệ y tế dự phòng, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng tuyến tỉnh thực hiện hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm.

3. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm.

4. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế tình hình bệnh truyền nhiễm trong nước và thế giới hàng tuần, hàng tháng, hàng năm hoặc đột xuất.

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Quản lý khám, chữa bệnh

1. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc chỉ định đơn vị chuyên trách giám sát bệnh truyền nhiễm và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn để thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm và chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm quy định tại Thông tư số 48/2010/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm.

Điều 15. Trách nhiệm của các Viện thuộc hệ Y tế dự phòng

1. Hướng dẫn, chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm tại các đơn vị ở các tuyến thuộc khu vực và lĩnh vực được giao phụ trách.

2. Thu thập, phân tích, đánh giá, lưu trữ số liệu giám sát bệnh truyền nhiễm, thực hiện việc thông tin, báo cáo hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm của các đơn vị theo khu vực và lĩnh vực được giao phụ trách.

3. Phối hợp và chia sẻ thông tin giám sát bệnh truyền nhiễm giữa các cơ sở y tế thuộc hệ Y tế dự phòng.

Điều 16. Trách nhiệm của Sở Y tế

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn quản lý thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm.

Điều 17. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế

1. Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý. Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các đơn vị tuyến dưới thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm.

2. Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm tại các cửa khẩu quốc gia, quốc tế trên địa bàn quản lý.

3. Các Trung tâm Y tế khác thuộc hệ thống y tế dự phòng chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

4. Trung tâm Y tế tuyến huyện triển khai thực hiện hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý.

5. Trạm Y tế xã thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn quản lý.

Điều 18. Trách nhiệm của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Chỉ định đơn vị chuyên trách giám sát bệnh truyền nhiễm và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm.

3. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế thuộc hệ y tế dự phòng trong việc điều tra và thông báo kết quả thông tin về người bệnh, lấy mẫu và chia sẻ mẫu bệnh phẩm hoặc chủng tác nhân gây bệnh để chẩn đoán xác định.

Điều 19. Trách nhiệm của y tế các Bộ, Ngành

1. Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm.

2. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật giám sát bệnh truyền nhiễm.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Điều khoản tham chiếu

Trong trường hợp các văn bản được dẫn chiếu trong văn bản này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì thực hiện theo văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2013.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để xem xét, giải quyết.

 

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG


(Đã ký)


Nguyễn Thanh Long

PHỤ LỤC

DANH MỤC MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM THUỘC NHÓM B PHẢI ĐƯỢC CÁCH LY Y TẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2013/TT-BYT ngày 17 tháng 4 năm 2013 hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm)

Bao gồm các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

1. Bệnh bạch hầu.

2. Bệnh ho gà.

3. Bệnh sởi.

4. Bệnh than.

5. Bệnh do não mô cầu.

6. Bệnh tay chân miệng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.