• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/1997
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 386/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Điện Biên, ngày 7 tháng 6 năm 1997

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phân cấp cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996;

Căn cứ Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phân cấp cấp giấy phép đầu tư đối với các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 12 tháng 11 năm 1996 cho các Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là Uỷ ban nhân dân các tỉnh) sau đây:

1. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.

2. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

3. Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

4. Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

5. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

6. Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

7. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

8. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nêu tại Điều 1 Quyết định này có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ dự án, thẩm định và cấp giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài đầu tư tại địa phương nói tại Điều 3 của Quyết định này.

Điều 3. Các dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Phù hợp với quy hoạch phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được duyệt.

2. Có quy mô vốn đầu tư đến 10 triệu đôla Mỹ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đến 5 triệu đôla Mỹ đối với các dự án đầu tư trên địa bàn các tỉnh, thành phố khác, trừ những dự án quy định tại Điều 4 Quyết định này.

3. Có tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm đáp ứng quy định do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành trong từng thời kỳ.

4. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bên nước ngoài hợp doanh tự đảm bảo nhu cầu về tiền nước ngoài.

5. Thiết bị, máy móc và công nghệ phải đáp ứng các quy định hiện hành; trường hợp không đáp ứng các quy định đó phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật chấp thuận bằng văn bản trước khi cấp giấy phép đầu tư.

6. Đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, an toàn lao động và phòng chống cháy nổ.

Điều 4. Không phân cấp cấp giấy phép đầu tư cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sau đây:

1. Các dự án thuộc nhóm A theo quy định tại Điều 93 Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

2. Các dự án thuộc lĩnh vực sau đây:

Thăm dò, khai thác và dịch vụ dầu khí.

Sản xuất điện.

Xây dựng cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, đường sắt.

Xi măng, luyện kim, sản xuất đường, sản xuất rượu, bia, thuốc lá.

3. Các dự án trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Điều 5.

1. Hồ sơ dự án đầu tư được thành lập theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Việc thẩm định dự án được thực hiện theo quy định tại các Điều 83, 92, 94, 96 và 100 Nghị định số 12/CP ngày 18 tháng 2 năm 1997 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến các Bộ, ngành về các vấn đề thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành mà chưa được quy định cụ thể.

Các Bộ, ngành được lấy ý kiến về dự án, kể cả trường hợp bổ sung, sửa đổi, có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; quá thời hạn đó mà Bộ, ngành không có ý kiến bằng văn bản thì coi như chấp thuận dự án.

3. Giấy phép đầu tư được soạn thảo theo mẫu thống nhất của Bộ Kê hoạch và Đầu tư.

Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày cấp giấy phép đầu tư, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh gửi bản gốc giấy phép đầu tư tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và bản sao giấy phép đầu tư tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Bộ quản lý ngành kinh tế - kỹ thuật.

Điều 6. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc bổ sung, sửa đổi giấy phép đầu tư đối với các dự án đã được phân cấp giấy phép đầu tư.

Trường hợp do bổ sung, sửa đổi giấy phép đầu tư mà vượt quá mức được phân cấp thì phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận bằng văn bản trước khi bổ sung, sửa đổi.

Điều 7. Hàng quý, 6 tháng và hàng năm, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp việc cấp giấy phép đầu tư, bổ sung, sửa đổi giấy phép đầu tư và gửi báo cáo tới Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 8. Căn cứ vào tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh điều kiện phân cấp và bổ sung danh sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phân cấp cấp giấy phép đầu tư.

Điều 9. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1997.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.