HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
________
Số: 383/2015/NQ-HĐND
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
________________________
Điện Biên, ngày 10 tháng 11 năm 2015
|
NGHỊ QUYẾT
V/v quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất
gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
____________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIII – KÌ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11ngày 16/12/2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành;
Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Căn cứ Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;
Xét đề nghị tại tờ trình số 3879/TTr-UBND ngày 4/11/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Báo cáo thẩm tra số: 24/BC-KTNS, ngày 7/11/2015 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Điện Biên như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định cụ thể một số mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn theo quy hoạch và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
2. Đối tượng áp dụng
Doanh nghiệp trong nước; hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân); hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là tổ chức đại diện của nông dân) có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn theo nội dung quy định này.
3. Mức hỗ trợ
a. Hỗ trợ đối với doanh nghiệp
- Mức hỗ trợ: Ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 4, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, doanh nghiệp được hỗ trợ như sau:
+ Hỗ trợ tối đa không quá 30% kinh phí quy hoạch, cải tạo đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mức hỗ trợ cụ thể đối với từng dự án và phương án cánh đồng lớn được UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở đề nghị của các ngành chức năng và điều kiện thực tế của địa phương..
+ Hỗ trợ đào tạo, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật: Hỗ trợ 50% kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng, bao gồm chi phí về tài liệu, ăn, ở, đi lại, tổ chức lớp học theo quy định hiện hành của tỉnh về mức hỗ trợ chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo đối với hoạt động khuyến nông địa phương.
- Điều kiện hưởng hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.
b. Hỗ trợ đối với tổ chức đại diện của nông dân.
- Mức hỗ trợ: Ngoài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1, Điều 5, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, các tổ chức đại diện của nông dân được hỗ trợ như sau:
+ Hỗ trợ 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ chung cho các thành viên. Cơ sở để tính chi phí thực tế áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật mô hình sản xuất nông nghiệp trình diễn đối với hoạt động khuyến nông địa phương theo quy định hiện hành của tỉnh.
+ Hỗ trợ 01 lần 50% kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tập huấn về công tác quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất, bao gồm chi phí ăn, ở theo mức cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá mức chi công tác phí hiện hành của tỉnh; tiền mua tài liệu, học phí theo mức thu do cơ sở đào tạo, tập huấn quy định nhưng không bao gồm tài liệu tham khảo.
+ Hỗ trợ 100% kinh phí tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo hợp đồng, bao gồm chi phí về tài liệu, ăn, ở, đi lại, thuê hội trường, thù lao giảng viên theo mức hỗ trợ chi tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn và đào tạo đối với hoạt động khuyến nông địa phương. Trường hợp có tổ chức tham quan, hỗ trợ 100% kinh phí thuê xe và chi phí liên hệ để tổ chức tham quan cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng và được quy định trong dự án hoặc phương án cánh đồng lớn được duyệt.
- Điều kiên hưởng hỗ trợ: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.
c. Hỗ trợ đối với nông dân.
- Mức hỗ trợ: Ngoài chính sách ưu đãi, hỗ trợ được quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, hộ nông dân được hưởng hỗ trợ như sau:
+ Hỗ trợ lần 01 lần 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống xác nhận trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên theo định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất nông nghiệp trình diễn đối với hoạt động khuyến nông địa phương.
+ Trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm giữ nông sản, được hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại các doanh nghiệp theo giá thuê kho trên địa bàn tại thời điểm tạm trữ trong thời gian tối đa là 3 tháng.
- Điều kiện hưởng hỗ trợ: Hộ nông dân cam kết thực hiện sản xuất và bán nông sản theo đúng hợp đồng đã ký và được UBND cấp xã xác nhận (theo Khoản 2, Điều 6, Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg).
4. Nguyên tắc hỗ trợ
a. Ngân sách tỉnh thực hiện hỗ trợ sau đầu tư (sau khi thanh lý hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa các giữa các bên theo từng vụ sản xuất) cho các đối tượng quy định tại Khoản 2 điều này.
b. Thực hiện hỗ trợ phải theo kế hoạch, dự toán kinh phí được UBND tỉnh phân bổ hàng năm trên cơ sở các đề án hoặc phương án đã được phê duyệt.
c. Lồng ghép các nguồn vốn từ các cơ chế, chính sách có liên quan của Trung ương, của tỉnh để thực hiện các nội dung hỗ trợ.
d. Trong trường hợp cùng thời gian, một số nội dung có nhiều chính sách hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng thụ hưởng được lựa chọn áp dụng một số chính sách hỗ trợ có lợi nhất.
5. Nguồn kinh phí
Nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách từ nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình dự án, nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII, kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 10 tháng 11 năm 2015./.
Nơi nhận:
- UBTV Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ NNPTNT;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- ĐBQH, ĐB HĐND tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- TT HĐND- UBND các huyện,TX, TP;
- Công báo tỉnh;
- Lưu:VT, CV HĐND tỉnh.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Giàng Thị Hoa
|