Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý

__________________

 

Trong thời gian vừa qua, với sự nỗ lực của các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp, công tác trợ giúp pháp lý miễn phí đã được triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc và có hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều người nghèo và đối tượng chính sách hiểu biết pháp luật, giúp họ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Công tác trợ giúp pháp lý đã và đang trực tiếp hướng dẫn nhân dân sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, thực hiện nghĩa vụ công dân, giữ đoàn kết trong cộng đồng, bảo đảm cho các quyền của công dân được tôn trọng trong thực tế, góp phần ổn định trật tự xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Nhà nước, pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các cấp gần đây đã chú trọng việc đầu tư, hỗ trợ cho hoạt động này, nhưng thực tế vẫn chưa được quan tâm đúng mức, đội ngũ chuyên viên trợ giúp còn thiếu so với nhiệm vụ được giao, nhiều nơi chưa có trụ sở phù hợp để dân có thể tiếp cận, thậm chí một số tỉnh chưa thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý ... Đồng thời, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, tổ chức hữu quan trong việc bảo đảm điều kiện thực hiện hoạt động trợ giúp cũng chưa chặt chẽ và chưa thành cơ chế cụ thể, thường xuyên. Vì vậy, việc đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý miễn phí cho các đối tượng vẫn còn hạn chế, chưa phát huy đầy đủ tác dụng của công tác này.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày một tăng của nhân dân, khẳng định vai trò nòng cốt của Nhà nước đối với việc giúp đỡ pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách, đồng thời thu hút sự tham gia của đoàn thể, tổ chức và cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị :

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức hữu quan cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về hoạt động trợ giúp pháp lý. Trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, có mục đích bảo vệ pháp chế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của công dân. Công tác này là một bộ phận quan trọng trong tổng thể chính sách thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng cường kỷ cương, phép nước và thực hiện công bằng xã hội.

2. Bộ Tư pháp là đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác trợ giúp pháp lý; tập trung chỉ đạo các cơ quan tư pháp địa phương và tổ chức trợ giúp pháp lý đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ; khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Qũy trợ giúp pháp lý, mở rộng, phát triển có hiệu quả quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ công tác trợ giúp pháp lý; hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những tổ chức trợ giúp pháp lý thuộc các tổ chức chính trị - xã hội.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp và các đơn vị trực thuộc, khi nhận được văn bản kiến nghị của các tổ chức trợ giúp pháp lý phải xem xét, giải quyết kịp thời và trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị.

3. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và Bộ Tư pháp phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phương án kịp thời bố trí biên chế trong tổng số biên chế ủy ban nhân dân đã được giao, kiện toàn tổ chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý, bảo đảm đáp ứng có hiệu quả nhu cầu trợ giúp pháp lý của các đối tượng.

Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ chuyên viên trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp chỉ đạo việc sử dụng mạng lưới cộng tác viên, mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý đến cấp huyện và cấp xã để người nghèo và đối tượng chính sách ở vùng sâu, vùng cao, vùng xa thực sự nhận được sự trợ giúp pháp lý.

Chuyên viên trợ giúp pháp lý và cộng tác viên có nghĩa vụ không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, tu dưỡng rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, phục vụ nhân dân tận tụy, giữ gìn và nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong trợ giúp pháp lý.

4. Bộ Văn hóa - Thông tin, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo phổ biến rộng rãi, miễn phí thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo cho nhân dân về hoạt động này; từng bước thiết lập các chuyên trang, chuyên mục trợ giúp pháp lý miễn phí với thời lượng thích đáng.

5. Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ tài chính để ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm cho các Trung tâm trợ giúp pháp lý có cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cần thiết.

6. ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc Sở Tư pháp, Ban Tổ chức chính quyền, Sở Tài chính và các đơn vị hữu quan ở địa phương phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm trợ giúp pháp lý thực hiện có hiệu quả công tác này tại địa phương.

ở các tỉnh chưa thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý, ủy ban nhân dân tỉnh cần khẩn trương có kế hoạch thành lập và tạo điều kiện cho Trung tâm trợ giúp pháp lý sớm đi vào hoạt động.

7. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị - xã hội và các đoàn thể quần chúng tích cực phối hợp để thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch cụ thể triển khai các công việc đã nêu.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và báo cáo thủ tướng Chính phủ ./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải