NGHỊ QUYẾT
động đóng góp tự nguyện hàng năm của Nhân dân và mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
_____________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2014;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;
Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng các xã, thị trấn;
Căn cứ Thông tư số 85/1999/TT-BTC ngày 07 tháng 7 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế tổ chức huy động, quản lý và xử lý các khoản đóng góp tự nguyện của Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn;
Sau khi xem xét Tờ trình số 4989/TTr-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về quy định nguyên tắc huy động đóng góp tự nguyện hàng năm của Nhân dân và mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và các ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Tổ và tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí thông qua quy định nguyên tắc huy động đóng góp tự nguyện hàng năm của Nhân dân và mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:
1. Nguyên tắc huy động và mức miễn giảm
a) Đối tượng miễn: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của tỉnh.
b) Đối tượng giảm: Hộ chính sách xã hội, hộ có công nhưng không thuộc diện hộ nghèo mức đóng góp tối đa bằng 50% hộ bình thường, mức huy động tối đa một năm không vượt quá 200.000 đồng/hộ.
c) Đối với các hộ bình thường (hộ không thuộc diện miễn, giảm), hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp: Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng mức đóng góp cho từng đối tượng để lấy ý kiến thống nhất đảm bảo thực hiện hoàn thành dự án, trên nguyên tắc doanh nghiệp đóng góp cao hơn hộ kinh doanh cá thể và hộ kinh doanh cá thể đóng góp cao hơn mức đóng góp bình quân của các hộ bình thường.
d) Khuyến khích các hộ thuộc đối tượng miễn, giảm tự nguyện đóng góp theo khả năng để xây dựng công trình.
2. Hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng xã, phường, thị trấn
a) Ngân sách tỉnh:
- Hỗ trợ 50% giá trị dự toán xây lắp đã có thuế VAT cho các công trình giao thông có giá trị dự toán xây lắp được duyệt từ 50 triệu đồng trở lên thuộc các xã vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi.
- Hỗ trợ 40% giá trị dự toán xây lắp đã có thuế VAT cho các công trình giao thông có giá trị dự toán xây lắp được duyệt từ 100 triệu đồng trở lên cho các công trình thuộc xã vùng nông thôn, thị trấn Tân Phú, Định Quán, thị trấn Gia Ray huyện Xuân Lộc và thị trấn Vĩnh An huyện Vĩnh Cửu.
- Đối với các xã có nhu cầu đầu tư các tuyến đường điện phục vụ Nhân dân nhưng ngành điện chưa có kế hoạch đầu tư thì địa phương có thể tổ chức vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp và ngân sách cấp huyện hỗ trợ theo khả năng.
- Hỗ trợ xây dựng trung tâm văn hoá thể thao cơ sở (xã, phường, thị trấn): Mỗi dự án hỗ trợ 40% dự toán xây lắp được duyệt (đã có thuế VAT) và chi phí bồi thường (nếu có), nhưng tối đa không quá 1.000 triệu đồng cho một công trình.
- Nội dung phân bổ vốn cho các dự án thực hiện xã hội hóa sẽ được phân bổ đồng thời trong kế hoạch vốn phân cấp của UBND cấp huyện đầu năm kế hoạch.
- Trường hợp tổng số vốn cấp huyện đề nghị hỗ trợ vượt cao hơn nguồn hỗ trợ xã hội hóa của tỉnh trong năm thì phân bổ theo tỷ lệ giảm tương ứng với tỷ lệ thiếu nguồn so với nhu cầu.
- Điều kiện hỗ trợ đối với các dự án: Các dự án đề nghị hỗ trợ phải được UBND cấp huyện dự kiến triển khai trong kế hoạch đầu tư công của năm kế hoạch. Trong đó, phần vốn hỗ trợ từ ngân sách huyện phải đảm bảo tỷ lệ hỗ trợ theo quy định; đồng thời phải huy động được tối thiểu 20% tổng số tiền được thống nhất huy động xã hội hóa.
b) Ngân sách huyện hỗ trợ: Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm cân đối hỗ trợ từ ngân sách cấp huyện ít nhất là 20% giá trị xây lắp đã có thuế để đầu tư các dự án xã hội hóa giao thông và có trách nhiệm huy động đóng góp của người dân theo cam kết; các công trình hạ tầng nông thôn khác cấp huyện cân đối ngân sách hỗ trợ theo khả năng.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này. Trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị UBND tỉnh tăng cường công tác kiểm tra và có biện pháp để thu đủ số tiền xã hội hóa.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này theo luật định.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai thông qua. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 77/2006/NQ-HĐND ngày 28/9/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định huy động đóng góp tự nguyện hàng năm của Nhân dân và mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của xã, phường, thị trấn và thay thế Điều 3 Nghị quyết số 152/2009/NQ-HĐND ngày 10/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh về mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Đồng Nai năm 2010 và sửa đổi một số nội dung Nghị quyết số 77/2006/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa VIII, kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 16 tháng 7 năm 2015./.