• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 25/02/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 12/2008/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Nai, ngày 30 tháng 1 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 176 của Bộ luật Lao động về hoãn hoặc ngừng đình công và giải quyết quyền lợi của tập thể lao động

________________________________________

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật  sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Điều 176 của Bộ luật Lao động được sửa đổi, bổ sung năm 2006 về việc hoãn hoặc ngừng đình công và giải quyết quyền lợi của tập thể lao động.

Nghị định này áp dụng đối với mọi người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các doanh nghiệp không được đình công theo quy định của Chính phủ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoãn đình công là lùi thời điểm bắt đầu thực hiện cuộc đình công mà Ban Chấp hành Công đoàn hoặc đại diện tập thể lao động đã ấn định trong bản yêu cầu gửi người sử dụng lao động, cơ quan lao động cấp tỉnh và Liên đoàn Lao động cấp tỉnh theo quy định tại Điều 174b của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006 sang thời điểm khác muộn hơn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Ngừng đình công là việc tạm thời chấm dứt có thời hạn cuộc đình công đang diễn ra cho đến khi không còn nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân và lợi ích công cộng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Cuộc đình công bị hoãn hoặc bị ngừng khi có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng trong những trường hợp sau đây:

1. Đình công dự kiến tổ chức vào những ngày lễ của quốc gia đã được quy định trong Bộ luật Lao động hoặc tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi đang diễn ra hội nghị quốc tế do Nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức.

2. Đình công tại các doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm dịch vụ công ích từ 03 ngày trở lên có nguy cơ gây mất an toàn tới sức khoẻ, đời sống của nhân dân trong khu vực quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

3. Đình công tại công trình trọng điểm quốc gia đang thi công.

4. Đình công vào thời điểm xuất hiện tình trạng khẩn cấp do thảm hoạ thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn xảy ra đình công.

5. Cuộc đình công diễn biến không đúng với mục đích tranh chấp lao động như trong bản yêu cầu của tập thể lao động mà Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động (nơi không có tổ chức công đoàn) đã gửi cho người sử dụng lao động, cơ quan lao động cấp tỉnh và Liên đoàn lao động cấp tỉnh. 

Chương 2.

THỦ TỤC HOÃN, NGỪNG ĐÌNH CÔNG VÀ VIỆC GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI CỦA TẬP THỂ LAO ĐỘNG

Mục 1. THỦ TỤC HOÃN, NGỪNG ĐÌNH CÔNG

Điều 4. Thủ tục hoãn đình công

1. Khi nhận được thông báo của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động (nơi không có tổ chức công đoàn) về quyết định tổ chức cuộc đình công quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này thì trong vòng 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được thông báo, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2. Trong vòng 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nếu xét thấy đình công sẽ có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng thời gửi báo cáo đến Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên doanh nghiệp nơi tập thể lao động dự kiến đình công, địa điểm dự kiến đình công;

b) Thời điểm bắt đầu đình công (ngày …tháng… năm……);

c) Yêu cầu của tập thể lao động;

d) Nguyên nhân đình công;

đ) Tranh chấp lao động về quyền hay về lợi ích;

e) Số lượng người lao động đăng ký tham gia đình công;

g) Nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc gia, lợi ích công cộng;

h) Kiến nghị hoãn đình công, thời hạn hoãn đình công và các biện pháp để thực hiện quyết định hoãn đình công của Thủ tướng Chính phủ.

3. Quyết định về việc hoãn đình công hoặc ý kiến về việc không đồng ý hoãn cuộc đình công của Thủ tướng Chính phủ được thông báo đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

4. Thời hạn hoãn đình công trong Quyết định hoãn đình công của Thủ tướng Chính phủ tuỳ thuộc vào nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng nhưng tối đa không quá 50 ngày.

5. Khi nhận được Quyết định hoãn cuộc đình công của Thủ tướng Chính phủ thì trong vòng một (01) giờ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải công bố kịp thời cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động (nơi không có tổ chức công đoàn), người sử dụng lao động biết và tổ chức thực hiện quyết định hoãn đình công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

6. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được Quyết định hoãn đình công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Quyết định hoãn đình công bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Kết quả thực hiện hoãn đình công;

b) Các biện pháp đã và đang thực hiện để giải quyết yêu cầu của tập thể lao động.

7. Trong thời hạn hoãn đình công được ghi trong Quyết định hoãn đình công của Thủ tướng Chính phủ thì kể từ ngày công bố Quyết định đó, tập thể lao động không được đình công. 

Điều 5. Thủ tục ngừng đình công

1. Khi xét thấy cuộc đình công đang diễn ra có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng thuộc một trong các quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 3 Nghị định này thì trong thời gian 24 giờ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về cuộc đình công đó.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau khi nhận được báo cáo về cuộc đình công, nếu xét thấy cuộc đình công có nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng thì trong thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời gửi báo cáo đến Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc ngừng đình công bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên doanh nghiệp đang diễn ra đình công, địa điểm đình công;

b) Thời điểm bắt đầu đình công (ngày…tháng…năm……);

c) Phạm vi đình công;

d) Nguyên nhân đình công;

đ) Số lượng người lao động đang tham gia đình công;

e) Yêu cầu của tập thể lao động;

g) Tranh chấp lao động về quyền hay về lợi ích;

h) Nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế, lợi ích công cộng;

i) Kiến nghị về việc ngừng đình công, thời hạn ngừng đình công và các biện pháp để thực hiện Quyết định ngừng đình công của Thủ tướng Chính phủ.

3. Quyết định về việc ngừng cuộc đình công hoặc ý kiến không đồng ý ngừng cuộc đình công của Thủ tướng Chính phủ được thông báo ngay đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

4. Thời hạn ngừng đình công trong Quyết định ngừng đình công của   Thủ tướng Chính phủ tùy thuộc vào nguy cơ xâm hại nghiêm trọng nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng nhưng tối đa không quá 60 ngày.

5. Khi nhận được Quyết định ngừng cuộc đình công của Thủ tướng Chính phủ, trong vòng 01 giờ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải công bố  quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngừng cuộc đình công với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể lao động (nơi không có tổ chức công đoàn) và người sử dụng lao động.

6. Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được Quyết định ngừng đình công của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thực hiện ngừng cuộc đình công.

Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện Quyết định ngừng đình công bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Kết quả ngừng đình công;

b) Tình hình an ninh trật tự của doanh nghiệp và khu vực;

c) Các biện pháp đã và đang  thực hiện để giải quyết yêu cầu của tập thể lao động theo quy định của pháp luật lao động.

7. Trong thời hạn ngừng đình công được ghi trong Quyết định ngừng đình công của Thủ tướng Chính phủ thì kể từ thời điểm công bố quyết định đó, tập thể lao động không được đình công.

Điều 6. Thi hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Tổ chức công đoàn, đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của Thủ tướng Chính phủ. Người có hành vi kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; người tham gia đình công trái với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì tùy theo mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Mục 2. GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI CỦA TẬP THỂ LAO ĐỘNG

Điều 7. Giải quyết yêu cầu của tập thể lao động

1. Khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hoãn hoặc ngừng đình công, nếu nguyên nhân đình công xuất phát từ tranh chấp về quyền thì Thủ tướng Chính phủ giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật, nếu nguyên nhân đình công xuất phát từ tranh chấp về lợi ích thì Thủ tướng Chính phủ giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu các bên thương lượng, hoà giải có sự tham gia của cơ quan lao động cấp tỉnh và Liên đoàn lao động cấp tỉnh để giải quyết thoả đáng các yêu cầu hợp pháp của tập thể lao động.

2. Hết thời hạn hoãn hoặc ngừng đình công theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà người sử dụng lao động không giải quyết thoả đáng yêu cầu hợp pháp của tập thể lao động theo sự giải quyết và hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền thì tập thể lao động có quyền tiếp tục thực hiện cuộc đình công. 

Điều 8. Giải quyết quyền lợi của tập thể lao động trong thời gian hoãn, ngừng đình công

Quyền lợi của người lao động trong thời gian ngừng đình công được giải quyết theo quy định tại Điều 174d của Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2006.      

Chương 3.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 10. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.