• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 28/07/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 26/05/2014
BỘ Y TẾ-BỘ THƯƠNG MẠI
Số: 18/2005/TTLT-BYT-BTM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Nai, ngày 12 tháng 7 năm 2005

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Về quan hệ phối hợp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước

về vệ sinh an toàn thực phẩm

 

Để thi hành Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm số 12/2003/PL-UBTVQH11 ngày 26/07/2003 và Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/09/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm, liên tịch Bộ Y tế và Bộ Thương mại quy định về quan hệ phối hợp giữa hai Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

 

I. QUAN HỆ PHỐI HỢP THỰC HIỆN

1. Về xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, cấp giấy chứng nhận

a) Bộ Y tế:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chung về điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm tươi sống và chế biến; quy định điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm tiêu thụ tại Việt Nam; hướng dẫn ghi nhãn chi tiết đối với thực phẩm bao gói sẵn.

- Quy định nội dung, thủ tục kiểm tra, chỉ định cơ quan kiểm tra hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận để thực hiện các phép thử có liên quan về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu.

- Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao.

- Cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm đối với thực phẩm sản xuất trong nước và thực phẩm nhập khẩu nhằm tiêu thụ tại Việt Nam.

b) Bộ Thương mại:

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống; điều kiện kinh doanh (mua, bán, vận chuyển) thực phẩm tươi sống và chế biến.

- Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc thanh tra, kiểm tra chống sản xuất, buôn bán thực phẩm là hàng giả, quá hạn sử dụng, nhập lậu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các vi phạm pháp luật về ghi nhãn hàng hoá.

2. Về thanh tra, kiểm tra

a) Bộ Y tế:

- Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo công bố của cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc theo tiêu chuẩn Nhà nước quy định; việc thực hiện các quy định chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hoá và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thanh tra, kiểm tra các nhà ăn, bếp ăn tập thể, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nhà hàng, khách sạn trong việc thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, con người) của cơ sở sản xuất, kinh doanh; kiểm tra, thanh tra làm rõ nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trong bữa ăn, thức ăn, đồ uống của các cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng nói trên trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.

- Chủ trì thanh tra, kiểm tra các nội dung chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm (thành phần, cấu tạo, chất lượng, công dụng, tác dụng, hướng dẫn sử dụng) ghi trên nhãn hàng hoá thực phẩm và trong quảng cáo hàng hoá thực phẩm theo quy định của pháp luật.

b) Bộ Thương mại:

- Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra đối với hàng hoá thực phẩm lưu thông trên thị trường trong việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng hàng hoá; về ghi nhãn hàng hoá; kiểm tra, kiểm soát hàng thực phẩm giả, kém chất lượng, quá hạn sử dụng, nhập lậu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng hoá thực phẩm vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống và điều kiện kinh doanh (mua, bán, vận chuyển) thực phẩm tươi sống và chế biến.

3. Về trao đổi thông tin, văn bản

Hai Bộ thường xuyên phối hợp cung cấp, trao đổi các thông tin cần thiết phục vụ công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo trách nhiệm của mỗi ngành, bao gồm:

a) Chủ trương, chính sách, biện pháp, văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu chuyên môn kỹ thuật có liên quan đến công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Tình hình, dự báo thị trường về hàng hoá thực phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

c) Tình hình chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ sở dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng.

d) Thông tin về hoạt động của mỗi ngành trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trong từng thời kỳ cụ thể.

4. Về tuyên truyền, tập huấn, đào tạo

a) Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ Thương mại có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc triển khai thực hiện công tác nói trên khi có yêu cầu.

b) Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại tổ chức tập huấn, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ liên quan đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu của Bộ Thương mại.

5. Về tổ chức kiểm nghiệm, giám định

a) Bộ Y tế xây dựng, phổ biến quy trình, cách thức lấy mẫu trong thanh tra, kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo và thông báo tên, địa chỉ các cơ quan, đơn vị có chức năng kiểm nghiệm, giám định được chỉ định để thực hiện việc giám định, kiểm nghiệm các mẫu thử một cách chính xác, nhanh chóng, phục vụ cho công tác xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan quản lý thị trường các cấp.

b) Bộ Thương mại có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường các cấp thực hiện việc lấy mẫu để giám định, kiểm nghiệm theo đúng quy định.

6. Về tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành

Theo trách nhiệm của mỗi ngành, hai Bộ chủ động tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Trong một số trường hợp cụ thể, cần thiết có sự phối hợp như sau:

a) Theo yêu cầu của bên chủ trì kiểm tra, thanh tra, bên phối hợp cử cán bộ, bố trí phương tiện tham gia các đoàn, tổ công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành.

b) Khi có ngộ độc thực phẩm xẩy ra hoặc nguy cơ ngộ độc thực phẩm có thể xẩy ra, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra ngăn chặn, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm và cứu chữa người bệnh. Nếu ngộ độc được xác định là do hàng hoá đang lưu thông trên thị trường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì thông báo cho Bộ Thương mại chủ trì chỉ đạo việc thanh tra, kiểm tra nhằm ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

c) Trong những dịp cao điểm như: Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lễ hội, sự kiện thể thao, chính trị quan trọng..., khi cần thiết hai Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để phân công trách nhiệm và phối hợp tổ chức các đoàn công tác liên ngành hoặc đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra các ngành, các cấp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc thực hiện pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ được phân công chủ trì có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp kiểm tra liên ngành, ban hành quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành sau khi có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành; tổng hợp tình hình kết quả để báo cáo lãnh đạo hai Bộ và các ngành có liên quan.

d) Các hành vi vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc thẩm quyền của cơ quan nào thì thủ trưởng của cơ quan đó quyết định xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến chuyên môn hoặc áp dụng chính sách, pháp luật thuộc trách nhiệm của Bộ khác thì cơ quan có thẩm quyền xử lý chủ động xin ý kiến Bộ đó để xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm xem xét, trả lời theo yêu cầu của cơ quan xin ý kiến.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện

a) Bộ Y tế giao cho Cục An toàn vệ sinh thực phẩm làm đầu mối hướng dẫn triển khai việc thực hiện Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/09/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Thông tư này; giao cho Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm.

b) Bộ Thương mại giao cho Vụ Chính sách thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Vụ Xuất nhập khẩu nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/09/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Thông tư này; giao cho Cục Quản lý thị trường tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra kiểm soát đối với hàng hoá thực phẩm sản xuất trong nước, thực phẩm nhập khẩu lưu thông trên thị trường và điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm tươi sống và chế biến.

c) Các Sở Y tế, Sở Thương mại và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức quan hệ phối hợp công tác trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn theo các quy định tại Nghị định số 163/2004/NĐ-CP ngày 07/09/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm và Thông tư này.

2. Hiệu lực thi hành

a) Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

b) Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị báo cáo về Bộ Y tế (Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thanh tra Bộ Y tế), Bộ Thương mại (Vụ Chính sách thị trường trong nước và Cục Quản lý thị trường) để liên Bộ xem xét quyết định./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Thương mại
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Chí Liêm

Phan Thế Ruệ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.