• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/08/2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 181/2005/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Nai, ngày 19 tháng 7 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

Quy định về phân loại, xếp hạng các tổ

chức sự nghiệp, dịch vụ công lập

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Quyết định này quy định việc phân loại, xếp hạng đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập, có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu riêng, thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Mục đích

Thực hiện việc phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập nhằm:

1. Tiếp tục kiện toàn và tăng cường công tác quản lý đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập; khắc phục sự thiếu tính thống nhất về phân loại, xếp hạng và khuynh hướng nâng hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập.

2. Thực hiện phân cấp quản lý cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc phạm vi quản lý của từng cấp.

3. Phục vụ cho việc thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập là một căn cứ để quy định việc áp dụng chế độ phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của từng loại tổ chức theo các mức xếp hạng tương ứng, bảo đảm sự thống nhất trong cả nước.

4. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập trong từng ngành, lĩnh vực; đổi mới phương thức đầu tư cho mỗi loại tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập theo hệ thống phân loại, xếp hạng.

Điều 3. Nguyên tắc

Phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thực hiện theo những nguyên tắc sau:

1. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, phù hợp với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo chính sách cải cách tiền lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Trên cơ sở phân loại để xếp hạng theo nguyên tắc tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc hệ thống phân loại nào thì xếp hạng trong cùng hệ thống phân loại đó.

2. Bảo đảm tương quan về thứ bậc và mối quan hệ hợp lý giữa hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc hệ thống tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức tham mưu, thực thi pháp luật thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.

3. Căn cứ vào các nhóm tiêu chí phân loại, xếp hạng và khung xếp hạng quy định tại Quyết định này và những tiêu chí cụ thể do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực.

4. Đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thành lập mới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, quy định việc phân loại, xếp hạng tổ chức đó trong Quyết định thành lập.

Điều 4. Thời hạn xếp lại hạng tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập

1. Thời hạn xem xét việc xếp lại hạng tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc từng cấp quản lý là năm năm, kể từ ngày có Quyết định xếp hạng lần trước.

2. Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập được đầu tư phát triển liên tục bảo đảm đạt tiêu chí cao hơn thì có thể rút ngắn thời gian và được xếp lại vào hạng liền kề.

Điều 5. Các nhóm tiêu chí phân loại, xếp hạng

Việc phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập căn cứ vào các nhóm tiêu chí sau đây:

1. Các nhóm tiêu chí phân loại, bao gồm:

a) Nhóm tiêu chí về loại hình và tính chất tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập; ngành, lĩnh vực hoạt động theo các luật, pháp lệnh chuyên ngành tương ứng điều chỉnh;

b) Nhóm tiêu chí về cấp quản lý, chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước hoặc dịch vụ công đối với từng loại tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập;

c) Nhóm tiêu chí về ngành nghề, chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Các nhóm tiêu chí xếp hạng, bao gồm:

a) Nhóm tiêu chí về quy mô tổ chức, khối lượng công việc;

b) Nhóm tiêu chí về cơ cấu, trình độ lao động và độ phức tạp quản lý;

c) Nhóm tiêu chí về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện làm việc;

d) Nhóm tiêu chí về hiệu quả sử dụng các nguồn lực, kết quả hoạt động có thu và mức độ đáp ứng nhu cầu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; phát huy vai trò, tác dụng thực tế.

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ PHÂN LOẠI, XẾP HẠNG
TỔ CHỨC SỰ NGHIỆP, DỊCH VỤ CÔNG LẬP

Điều 6. Khung xếp hạng

1. Khung xếp hạng đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc các ngành, lĩnh vực gồm có mười một hạng: hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn, hạng năm, hạng sáu, hạng bảy, hạng tám, hạng chín, hạng mười.

2. Đối với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, số lượng hạng trong khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác nhau.

Điều 7. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp thuộc Chính phủ

Các cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ xếp chung một hạng: hạng đặc biệt.

Điều 8. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành giáo dục và đào tạo

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành giáo dục và đào tạo do Trung ương và địa phương quản lý có mười một hạng: hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn, hạng năm, hạng sáu, hạng bảy, hạng tám, hạng chín, hạng mười. Cụ thể như sau:

1. Cấp đại học xếp ba hạng, trong đó:

a) Đại học quốc gia, Học viện Hành chính quốc gia: hạng đặc biệt;

b) Đại học vùng, các trường đại học trọng điểm: hạng một;

c) Các trường đại học còn lại: hạng hai.

2. Các trường cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng dạy nghề) xếp hai hạng: hạng ba, hạng bốn.

3. Các trường trung học chuyên nghiệp (bao gồm cả trung học dạy nghề) xếp ba hạng: hạng bốn, hạng năm, hạng sáu.

4. Các trường dạy nghề, Trung tâm dạy nghề, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm xếp hai hạng: hạng sáu, hạng bảy.

5. Các trường phổ thông, trong đó:

a) Trường trung học phổ thông xếp ba hạng: hạng sáu, hạng bảy, hạng tám;

b) Trường trung học cơ sở xếp ba hạng: hạng bảy, hạng tám, hạng chín;

c) Trường tiểu học xếp ba hạng: hạng tám, hạng chín, hạng mười;

d) Đối với các loại trường gồm cả trung học phổ thông và trung học cơ sở thì xếp hạng theo trường trung học phổ thông; đối với loại trường gồm cả trung học cơ sở và tiểu học thì xếp hạng theo trường trung học cơ sở.

6. Các trường mầm non xếp hai hạng: hạng chín, hạng mười.

7. Các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, các Trung tâm giáo dục thường xuyên, các loại hình trung tâm khác do cấp tỉnh, cấp huyện quản lý xếp năm hạng: hạng ba, hạng bốn, hạng năm, hạng sáu, hạng bảy.

Điều 9. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành y tế

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành y tế do Trung ương, địa phương và Tổng công ty nhà nước quản lý xếp năm hạng: hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn. Cụ thể như sau:

1. Hệ Y tế điều trị bao gồm: các Bệnh viện, Trung tâm y tế và một số tổ chức y tế điều trị khác xếp bốn hạng: hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba;

2. Hệ Y tế dự phòng bao gồm: Viện, Trung tâm và một số tổ chức y tế dự phòng khác xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn;

3. Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh xếp hạng theo tiêu chuẩn xếp hạng bệnh viện và được tính thêm tỷ lệ phần trăm (%) của công tác y tế dự phòng.

Điều 10. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành khoa học và công nghệ

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành khoa học và công nghệ do Trung ương và địa phương quản lý xếp năm hạng: hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn. Cụ thể như sau:

1. Tổ chức nghiên cứu và phát triển cấp quốc gia: hạng đặc biệt.

2. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển, dịch vụ khoa học và công nghệ cấp ngành và cơ sở xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

Điều 11. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành văn hoá - thông tin

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành văn hoá - thông tin do Trung ương, địa phương và Tổng công ty nhà nước quản lý xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn. Cụ thể như sau:

1. Bảo tàng xếp ba hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba;

2. Thư viện xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn;

3. Nhà hát, đoàn nghệ thuật và tổ chức nghệ thuật khác xếp ba hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba;

4. Ban quản lý Khu di tích, Di tích xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn;

5. Khu sáng tác, Trung tâm triển lãm văn hoá nghệ thuật, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch xếp hai hạng: hạng một, hạng hai.

6. Báo in, báo nói (đài phát thanh), báo hình (đài truyền hình), tạp chí và tổ chức sự nghiệp báo chí, dịch vụ công lập khác xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

7. Các tổ chức sự nghịêp văn hoá - thông tin cơ sở bao gồm: Nhà văn hoá, Trung tâm văn hoá - thông tin, Trung tâm văn hoá - thông tin - triển lãm, Trung tâm văn hoá - thông tin - thể thao và các tổ chức sự nghiệp văn hoá - thông tin khác xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

Điều 12. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành thể dục thể thao

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành thể dục thể thao do Trung ương và địa phương quản lý xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn. Cụ thể như sau:

1. Khu liên hợp thể thao quốc gia, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia I, II, III: hạng một;

2. Trung tâm thể thao, Trung tâm văn hoá thể thao, Nhà thi đấu, Nhà luyện tập và các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thể dục thể thao khác xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn;

3. Câu lạc bộ thể dục thể thao xếp hai hạng: hạng ba, hạng bốn.

Điều 13. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành lao động - thương binh, xã hội và bảo hiểm xã hội

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành lao động - thương binh, xã hội và bảo hiểm xã hội do Trung ương và địa phương quản lý có bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn. Cụ thể như sau:

Các Trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng, Trung tâm giới thiệu việc làm, Trung tâm bảo trợ xã hội, Trung tâm giáo dục lao động xã hội, Trung tâm tổ chức quản lý dạy nghề cho người sau cai nghiện, Trung tâm điều dưỡng thương binh, người có công và các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác thuộc ngành lao động - thương binh và xã hội xếp bốn hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

Điều 14. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường do Trung ương và địa phương quản lý có sáu hạng: hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn, hạng năm. Cụ thể như sau:

1. Các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập ngành khí tượng thuỷ văn xếp năm hạng: hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn;

2. Các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập ngành địa chất - khoáng sản bao gồm: các Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản, các Trung tâm Địa chất và Khoáng sản xếp hai hạng: hạng hai, hạng ba;

3. Các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập phục vụ quản lý đất đai, đo đạc và bản đồ, viễn thám xếp năm hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn, hạng năm;

4. Các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm Trung tâm Tư vấn môi trường, Trung tâm Quan trắc và môi trường, Trạm Quan trắc và một số tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác về tài nguyên và môi trường xếp ba hạng: hạng ba, hạng bốn, hạng năm.

Điều 15. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc các ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn do Trung ương, địa phương và Tổng công ty nhà nước quản lý có ba hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba. Cụ thể như sau:

1. Các Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; các Ban quản lý rừng, vườn quốc gia và các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác xếp ba hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba;

2. Các tổ chức bảo vệ thực vật, bảo vệ động vật, sự nghiệp thú y, xếp hai hạng: hạng hai, hạng ba.

Điều 16. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành giao thông vận tải

Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành giao thông vận tải do Trung ương, địa phương và Tổng công ty nhà nước quản lý xếp hai hạng: hạng hai, hạng ba. Cụ thể như sau:

1. Các Trung tâm đăng kiểm, kiểm định kỹ thuật và một số tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác xếp hai hạng: hạng hai, hạng ba;

2. Trung tâm quản lý bay dân dụng xếp hạng hai;

3. Các Ban quản lý cảng, cụm cảng, cảng vụ, cầu, đường và các ban quản lý khác xếp hai hạng: hạng hai, hạng ba.

Điều 17. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc các ngành, lĩnh vực khác

1. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành tư pháp do Trung ương và địa phương quản lý, bao gồm: Tổ chức trợ giúp pháp lý và các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập tư pháp khác xếp ba hạng: hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

2. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành tài chính do Trung ương, địa phương và Tổng công ty nhà nước quản lý, bao gồm: Tổ chức sự nghiệp dịch vụ quản lý tài chính về đất đai - bất động sản, Tổ chức về thông tin, tư vấn, dịch vụ tài sản và bất động sản, Tổ chức dịch vụ chứng khoán và các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập tài chính khác xếp ba hạng: hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

3. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin do Trung ương, địa phương và Tổng công ty nhà nước quản lý, bao gồm: các Trung tâm tần số vô tuyến điện, tin học và một số tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác xếp ba hạng: hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

4. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành kế hoạch và đầu tư do Trung ương và địa phương quản lý, bao gồm: Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác xếp ba hạng: hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

5. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành dân số, gia đình và trẻ em do Trung ương và địa phương quản lý, bao gồm: Tổ chức sự nghiệp về truyền thông dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và một số tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác xếp ba hạng: hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

6. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành thuỷ sản do Trung ương, địa phương và Tổng công ty nhà nước quản lý, bao gồm: các Trung tâm khuyến ngư, các Trung tâm giống thủy sản và các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác xếp ba hạng: hạng một, hạng hai, hạng ba.

7. Khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc các ngành, lĩnh vực khác còn lại xếp ba hạng: hạng hai, hạng ba, hạng bốn.

CHƯƠNG III
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ TRƯỞNG, THỦ TRƯỞNG
CƠ QUAN NGANG BỘ, THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN THUỘC
CHÍNH PHỦ, CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH,
THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ

1. Căn cứ vào nhóm tiêu chí phân loại, xếp hạng và khung xếp hạng quy định tại Quyết định này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính xây dựng, ban hành các tiêu chí cụ thể xếp hạng của ngành, lĩnh vực; chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng các tiêu chí trong xếp hạng đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành, lĩnh vực.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ vào tiêu chí phân loại chung và tiêu chí cụ thể của từng ngành, lĩnh vực để xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc cấp mình quản lý và gửi báo cáo xếp hạng về Bộ Nội vụ.

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Căn cứ vào nhóm tiêu chí chung và tiêu chí cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc cấp mình quản lý và gửi báo cáo xếp hạng về Bộ Nội vụ.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đối với các sở, ban, ngành của tỉnh và ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập theo phân cấp.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ

1. Quyết định công nhận xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập hạng đặc biệt và tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng quản lý theo ngành, lĩnh vực và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trừ các tổ chức sự nghiệp mà thẩm quyền xếp hạng đã được quy định trong các luật, pháp lệnh chuyên ngành hoặc trong các nghị định hướng dẫn thi hành và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

2. Trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại, xếp hạng đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập.

3. Quyết định hoặc hướng dẫn công nhận xếp hạng đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập chưa được quy định tại Quyết định này.

4. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện phân loại, xếp hạng cụ thể đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập theo quy định tại Quyết định này.

Điều 21. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bảo đảm chế độ phụ cấp chức vụ đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập sau khi có quyết định về phân loại, xếp hạng; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.