• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/10/2002
CHÍNH PHỦ
Số: 11/2002/NQ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Nai, ngày 4 tháng 10 năm 2002

NGHỊ QUYẾT

Phiên họp Chính phủ thường kỳ số 11/2002/NQ-CP ngày 04 tháng 10

năm 2002 tháng 9 năm 2002

_______________

 

Trong 2 ngày 30 tháng 9 và 01 tháng 10 năm 2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 năm 2002, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch năm 2002 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2003; Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2001, tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2002 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2003.

Năm 2002, nền kinh tế nước ta liên tục phải đương đầu với những khó khăn lớn, thiên tai xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của nhân dân, đầu tư nước ngoài tiếp tục suy giảm, xuất khẩu khó khăn, giá cả hàng xuất khẩu chưa được cải thiện... Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và linh hoạt, tập trung tháo gỡ vướng mắc, triển khai nhiều biện pháp cụ thể, phát huy nội lực, chủ động đối phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đẩy mạnh sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, giải quyết các vấn đề bức xúc về xã hội... Do vậy, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,9 - 7%. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2002, dự báo cơ bản được hoàn thành. Các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân được huy động tốt. Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Sản xuất nông nghiệp bước đầu có chuyển dịch về cơ cấu cây trồng và vật nuôi, đặc biệt là thuỷ sản phát triển nhanh. Thu ngân sách đạt khá, ước tăng khoảng 8,7% so với năm 2001, bội chi ngân sách ở mức cho phép. Hoạt động tiền tệ cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế và kiểm soát được lạm phát. Chỉ số giá được cải thiện và ổn định. Tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng được đảm bảo.

Năm 2003 là năm nước ta hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và khu vực, thách thức rất nặng nề, đặc biệt trong điều kiện khả năng cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế còn thấp kém, tình hình thế giới còn tiềm ẩn nguy cơ không ổn định. Đây cũng là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết của Quốc hội khoá X về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự phấn đấu vượt bậc, có những bước đột phá về cơ chế, chính sách, đổi mới cơ bản và toàn diện về quản lý điều hành nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện hiệu quả lộ trình cam kết AFTA.

Kế hoạch 2003 cần tập trung thực hiện những mục tiêu chính là:

- Tiếp tục duy trì khả năng phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững; chuyển mạnh về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và cơ cấu đầu tư để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

- Huy động mọi nguồn lực, quản lý và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, giảm mạnh chi phí sản xuất, nhằm tạo bước đột phá về chất lượng phát triển.

- Thực hiện có hiệu quả các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với khai thác tốt thị trường trong nước.

- Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong các hoạt động kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của nhân dân; giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc; giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch, ngân sách năm 2002 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2003, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XI.

Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội báo cáo Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2001.

2. Chính phủ đã nghe Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước dự án Thuỷ điện Sơn La báo cáo bổ sung về dự án thuỷ điện Sơn La.

Thuỷ điện Sơn La là dự án có quy mô lớn, tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế - xã hội. Yêu cầu đặt ra cho phương án xây dựng nhà máy là: phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hạ du và thủ đô Hà Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp; đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc.

Chính phủ nhất trí với kiến nghị của Hội đồng Thẩm định Nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La về chọn phương án 3 bậc trong quy hoạch khai thác bậc thang thuỷ điện sông Đà, với quy mô công trình Thuỷ điện Sơn La (tuyến Pa Vinh) có mức nước dâng bình thường là 215m. Về quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La, phải gắn quy hoạch địa bàn di dân đến với quy hoạch sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho đồng bào có đời sống tốt hơn nơi ở cũ.

Giao Hội đồng Thẩm định Nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo trên trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XI.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình dự thảo các Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính, Viễn thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em.

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Bưu chính, Viễn thông, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành trong tháng 10/2002.

4. Chính phủ đã xem xét báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2002 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.

Nhiệm vụ trong các tháng còn lại của năm 2002 vẫn còn nặng nề trước hậu quả thiên tai và diễn biến kinh tế, chính trị thế giới rất khó lường.

Các Bộ, ngành và địa phương cần tập trung mọi nỗ lực, tích cực chỉ đạo quyết liệt thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2002; đặc biệt là các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 05/2002/NQ-CP ngày 24/4/2002 về một số giải pháp để triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội năm 2002. Trong chỉ đạo điều hành cần tập trung cao độ việc đẩy mạnh sản xuất và đầu tư, nhất là đối với các dự án quan trọng, tìm mọi biện pháp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, thực hiện ráo riết các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.