CHỈ THỊ
Về một số biện pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông
và ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
________________________
Trong những năm qua, các loại xe ba bánh tự chế chở người và hàng hóa, các loại xe cơ giới dùng cho người tàn tật tương đối phổ biến ở các thành phố lớn của cả nước. Bên cạnh việc góp phần giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân thì các loại xe này còn là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn và ùn tắc giao thông. Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2001/NĐ-CP ngày 10/7/2001 về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, trật tự an toàn giao thông đô thị đã loại bỏ được một số lượng lớn các loại xe này.
Nếu các lực lượng chức năng kiên quyết xử lý và người dân có ý thức chấp hành pháp luật tốt thì các loại phương tiện này đã sớm bị loại bỏ do không đủ điều kiện lưu thông như: Không đăng ký, không đăng kiểm, người điều khiển không có giấy phép lái xe phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số không nhỏ các loại phương tiện trên hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi và cả các thành phố lớn, để kiên quyết xử lý dứt điểm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Gần đây, một số doanh nghiệp tiến hành đầu tư sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu một số lượng lớn xe mô tô ba bánh để đưa ra thị trường, trên góc độ quản lý giao thông vận tải và triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy chỉ trong tương lai gần các loại xe này sẽ lại là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông tại các thành phố như đã từng xảy ra trước đây nên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 21/12/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1992/TTg-CN về việc sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và lưu hành xe ba bánh, xe cơ giới dùng cho người tàn tật nhằm hạn chế các loại xe này về số lượng, chất lượng cũng như phạm vi hoạt động.
Ngày 04/02/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 05/2008/NQ-CP, trong đó không cho phép lưu hành các loại xe tự chế, không cấp phép mới cho lưu hành đối với các xe ba bánh, không cho lưu hành trong nội thành, nội thị và các quốc lộ đối với những xe hiện có đang lưu hành (trừ xe xích lô phục vụ du lịch, xe thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, xe làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật, xe của lực lượng công an, quân đội). Để thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:
1. Công an tỉnh:
- Đối với các xe mô tô, xe gắn máy ba bánh được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu trước ngày 26/02/2008, bắt buộc phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường trước khi cấp biển số cho tham gia giao thông. Không cho phép đăng ký và lưu hành đối với những xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sau ngày 26/02/2008.
- Không cho phép đăng ký và lưu hành xe mô tô, xe gắn máy ba bánh dùng chở người và hàng hóa trong nội ô thành phố Biên Hòa, thị xã Long Khánh và các thị trấn của các huyện (trừ xe quân đội, lực lượng công an và xe cơ giới dùng cho người tàn tật).
- Cho phép các xe mô tô 3, 4 bánh tự chế, xe gắn máy 3, 4 bánh tự chế do thương binh và người tàn tật điều khiển lưu hành đến hết ngày 31/12/2008, trong thời gian này chủ phương tiện (thương binh, người tàn tật) phải thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe phù hợp và sử dụng xe theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường nhằm kiên quyết xử lý để loại bỏ các phương tiện tự chế như: Xe cải tiến, công nông, xe ba gác máy, xe lôi,… xử lý nghiêm các vi phạm và báo về địa phương của người vi phạm để có biện pháp giáo dục, răn đe không tái phạm.
2. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội:
- Nghiên cứu, tham mưu các giải pháp hợp lý trong việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, thay thế phương tiện có đủ điều kiện lưu hành đối với các chủ phương tiện xe mô tô, xe gắn máy ba bánh vận chuyển người và hàng hóa.
3. Sở Tài chính:
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội trong việc đề xuất giải pháp hỗ trợ cho người dân nghèo, người tàn tật chuyển đổi ngành nghề, thay thế phương tiện có đủ điều kiện lưu hành.
- Tham mưu nguồn kinh phí để thực hiện việc hỗ trợ.
4. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa:
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân có ý thức chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Nhà nước, thực hiện nghiêm việc loại bỏ xe tự chế, xe công nông, đình chỉ hoạt động của các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện đường bộ trái phép. Kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội lập danh sách các chủ phương tiện là người tàn tật, người dân nghèo để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, tránh gây xáo trộn trong xã hội. Xem xét, đánh giá tình hình để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các chủ xe thay thế các phương tiện tự chế bằng các loại phương tiện khác có đủ các điều kiện được phép lưu hành.
- Phối hợp với Công an tỉnh trong việc đăng ký xe ba bánh đủ điều kiện lưu thông.
- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải để tổ chức đăng ký, đăng kiểm xe máy kéo nông nghiệp nhỏ, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A4, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A3.
- Quy định cụ thể tuyến đường do địa phương quản lý và thời gian cho phép tham gia giao thông đối với các xe ba bánh chở người và hàng hóa, các xe máy kéo nông nghiệp nhỏ (trừ xe của lực lượng quân đội, công an, xe cơ giới dùng cho người tàn tật).
5. Sở Giao thông Vận tải:
- Chỉ đạo Thanh tra Sở căn cứ chức năng, quyền hạn kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm tại các điểm giao thông tĩnh.
- Phối hợp với các địa phương và các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh tổ chức đăng ký, đăng kiểm cho các xe máy kéo nông nghiệp nhỏ.
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe tổ chức đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A3, A4.
6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai:
- Có kế hoạch phối hợp với Ban An toàn Giao thông tỉnh soạn thảo và phát hành các nội dung, hình thức tuyên truyền Chỉ thị 46/2004/CT-TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia đường bộ, Nghị định 32/2007/NĐ-CP và Nghị quyết 05/2008/NQ-CP để giảm thiểu nguy cơ gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
- Chỉ đạo các cơ quan trực thuộc xây dựng kế hoạch tuyên truyền trực quan và thường xuyên nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những hành vi vi phạm.
7. Sở Tư pháp:
- Phối hợp với Ban An toàn Giao thông tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về các quy định của pháp luật và các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ gây ra tai nạn và ùn tắc giao thông.
- Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội trong việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quy định, chính sách hỗ trợ các chủ phương tiện không được phép lưu hành để họ có điều kiện chuyển đổi phương tiện hoặc nghề nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật.
8. Ban An toàn Giao thông:
- Có kế hoạch phối hợp với Khu Quản lý đường bộ VII và các cơ quan, đơn vị ở địa phương tiến hành lắp biển báo quy định thời gian và phạm vi hoạt động của các xe ba bánh chở người và hàng hóa, các xe máy kéo nhỏ. Lắp đặt các panô, apphích, phát tờ rơi tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt việc loại bỏ xe công nông, xe tự chế; việc đăng ký, đăng kiểm, sát hạch lấy giấy phép lái xe phù hợp.
9. Giám đốc Công an tỉnh; Giám đốc các Sở: Tư pháp, Thông tin & Truyền thông, Lao động - Thương binh & Xã hội, Tài chính, Giao thông Vận tải; Tổng Biên tập Báo Đồng Nai; Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Nai; Trưởng Ban An toàn Giao thông; Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải; Giám đốc các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh & thành phố Biên Hòa chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.