NGHỊ QUYẾT
Ban hành Quy định chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và
công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và
hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên
trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
___________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013; Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ sáng kiến; Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ; Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;
Xét Tờ trình số 86/TTr-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về việc ban hành Nghị quyết Quy định chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá - Xã hội Hội đồng nhân dân Tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân Tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Khoá X, Kỳ họp thứ tám thông qua ngày 01 tháng 7 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 11 tháng 7 năm 2024./.
Nơi nhận: CHỦ TỊCH
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Tài chính; (Đã ký)
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL); Phan Văn Thắng
- TT.TU, TT.HĐND, UBND, UBMTTQVN Tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh;
- Đại biểu HĐND Tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, tổ chức CT-XH Tỉnh;
- HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Công báo Tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử Tỉnh;
- Lưu: VT, Phòng Công tác HĐND.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỈNH ĐỒNG THÁP Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
__________ _______________________
QUY ĐỊNH
Chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở
giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ hoạt động sáng tạo
của đối tượng không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/2024/NQ-HĐND
ngày 01 tháng 7 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp)
______________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định một số chính sách khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị quyết này áp dụng đối với:
1. Các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề tài khoa học công nghệ (gọi chung là đề tài); cơ quan quản lý đề tài, cơ quan phê duyệt hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên; các tổ chức được giao chủ trì thực hiện đề tài được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
2. Đối tượng hoạt động khoa học và công nghệ được điều chỉnh theo Quy định này bao gồm: Học sinh (trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh đang học chương trình trung cấp), học viên, sinh viên (không bao gồm sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học) đang học tập tại các cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tỉnh.
3. Đối tượng hoạt động sáng tạo không chuyên được điều chỉnh theo Quy định này bao gồm: Cá nhân, nhóm cá nhân chưa có bằng tốt nghiệp từ cao đẳng trở lên; cá nhân, nhóm cá nhân có bằng tốt nghiệp (bằng) từ cao đẳng trở lên có giải pháp sáng tạo không thuộc lĩnh vực chuyên môn với ngành nghề đã được đào tạo.
Điều 3. Nguyên tắc, phương thức hỗ trợ
1. Việc hỗ trợ theo quy định này đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng.
2. Đảm bảo hỗ trợ đúng nội dung, đối tượng và phát huy hiệu quả.
3. Việc hỗ trợ phải được thông qua Hội đồng tư vấn. Trường hợp đối tượng được hỗ trợ không hoàn thành sản phẩm, nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quyết định hỗ trợ thì Hội đồng tư vấn có trách nhiệm xác định mức kinh phí mà đối tượng được hỗ trợ phải hoàn trả cho ngân sách nhà nước (trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng).
4. Trường hợp cùng một nội dung hỗ trợ, nếu có các mức ưu đãi, hỗ trợ khác nhau tại các chính sách khác của Tỉnh thì các tổ chức, cá nhân được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ có lợi nhất.
5. Ưu tiên hỗ trợ các giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên phục vụ phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến.
6. Phương thức hỗ trợ: Thực hiện theo tiến độ của đề tài, giải pháp sáng tạo được cấp thẩm quyền phê duyệt.
Chương II
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC,
CƠ SỞ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
Điều 4. Nội dung hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ
Hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được triển khai bằng hình thức đề tài gồm các nội dung sau:
1. Nghiên cứu, triển khai ứng dụng các nội dung thuộc khung chương trình giáo dục, đào tạo, dạy nghề đã được ban hành.
2. Nghiên cứu hình thành và phát triển sản phẩm có tính ứng dụng thuộc chuyên môn đào tạo.
Điều 5. Yêu cầu của đề tài tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp
1. Phù hợp với định hướng, mục tiêu, chương trình và nội dung giảng dạy, đào tạo của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
2. Kết quả nghiên cứu có tính mới, tính sáng tạo hoặc có tính ứng dụng hoặc làm tiền đề tạo ra sản phẩm ứng dụng.
3. Mỗi đề tài do một cá nhân hoặc tập thể học sinh, học viên, sinh viên tham gia thực hiện dưới sự hướng dẫn không quá 02 giảng viên/giáo viên/cán bộ nghiên cứu tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người hướng dẫn là chủ nhiệm đề tài; sản phẩm khoa học của nhiệm vụ do cá nhân hoặc tập thể học sinh, học viên, sinh viên đóng góp ít nhất 70%.
4. Mỗi đề tài chỉ do một cá nhân làm chủ nhiệm, các cá nhân hướng dẫn khác là thành viên tham gia (không có đồng chủ nhiệm). Một cá nhân không đồng thời làm chủ nhiệm từ 02 đề tài trở lên trong cùng một thời gian.
5. Thời gian thực hiện đề tài theo Quy định này không quá 12 tháng và thực hiện theo phương thức giao trực tiếp thực hiện.
Điều 6. Điều kiện hỗ trợ
Đề tài tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được xem xét, hỗ trợ khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
1. Đề tài tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng một trong các nội dung tại Điều 4 và thỏa mãn đồng thời các yêu cầu tại Điều 5 của Quy định này.
2. Sản phẩm đề tài có tính khoa học và có triển vọng ứng dụng vào thực tế.
3. Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đăng ký nội dung hoạt động khoa học và công nghệ phải có đủ điều kiện về nhân lực và vật lực để triển khai các nội dung của đề tài khi được duyệt. Khuyến khích các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng phối hợp triển khai thực hiện.
Điều 7. Định mức hỗ trợ thực hiện đề tài tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Đối với đề tài tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng; gồm các khoản chi như sau:
1. Định mức chi công lao động của nhóm thực hiện đề tài tối đa 120 triệu đồng/12 tháng; trong đó:
a) Chủ nhiệm đề tài: 03 triệu đồng/tháng; tối đa không quá 36 triệu đồng/ tổng kinh phí công lao động.
b) Thành viên hoặc nhóm thành viên thực hiện đề tài: 07 triệu đồng/tháng; tối đa không quá 84 triệu đồng/tổng kinh phí công lao động.
2. Mua vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu hỗ trợ theo thực tế và không vượt quá 150 triệu đồng/ đề tài.
3. Chi khác tối đa không quá 30 triệu đồng; gồm các khoản chi sau:
a) Định mức chi điều tra, khảo sát thu thập số liệu phục vụ nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 137/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định nội dung và mức chi thực hiện các cuộc điều tra thống kê trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, Tổng điều tra thống kê quốc gia.
b) Chi hội thảo, tọa đàm, công tác phí trong nước, phục vụ hoạt động nghiên cứu: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 142/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân Tỉnh quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
c) Chi quản lý chung phục vụ đề tài của tổ chức chủ trì: Dự toán kinh phí quản lý chung đề tài bằng 5% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 8. Nội dung, mức chi phục vụ công tác quản lý đề tài
1. Định mức chi họp Hội đồng tư vấn:
TT
|
NỘI DUNG CHI
|
ĐƠN VỊ TÍNH
|
ĐỊNH MỨC CHI
|
1. Chi họp Hội đồng
|
|
Chủ tịch Hội đồng
|
đồng/người/đề tài
|
450.000
|
|
Phó Chủ tịch Hội đồng; ủy viên Hội đồng
|
đồng/người/đề tài
|
300.000
|
|
Thư ký khoa học
|
đồng/người/đề tài
|
90.000
|
|
Thư ký hành chính
|
đồng/người/đề tài
|
90.000
|
|
Đại biểu (tối đa không quá 10 đại biểu)
|
đồng/người/đề tài
|
60.000
|
2. Chi bài nhận xét, đánh giá
|
|
Bài nhận xét, đánh giá của ủy viên Hội đồng
|
đồng/người/đề tài
|
150.000
|
|
Bài nhận xét, đánh giá của ủy viên phản biện Hội đồng
|
đồng/người/đề tài
|
210.000
|
2. Các khoản chi phục vụ đo kiểm chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, thuê tổ chức, cá nhân đánh giá chất lượng sản phẩm hình thành từ đề tài được quyết toán theo chứng từ thực tế.
Chương III
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG
SÁNG TẠO CỦA ĐỐI TƯỢNG KHÔNG CHUYÊN
Điều 9. Giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên
1. Giải pháp kỹ thuật:
Giải pháp kỹ thuật là cách thức kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ, một vấn đề xác định, bao gồm:
a) Sản phẩm dưới các dạng: Vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); chất (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm); hoặc giống cây trồng, giống vật nuôi.
b) Quy trình (quy trình công nghệ; quy trình chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt).
2. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đời sống:
Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn.
Điều 10. Điều kiện hỗ trợ
Giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên được xem xét, hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện sau:
1. Giải pháp sáng tạo có khả năng nhân rộng trong sản xuất và đời sống; có khả năng thương mại hóa giải pháp hoặc sản phẩm hình thành từ giải pháp.
2. Giải pháp sáng tạo đã được áp dụng hoặc áp dụng thử ít nhất tại 01 (một) cơ sở cụ thể và mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội.
3. Có khả năng đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (dựa trên kết quả tra cứu chuyên sâu tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ).
4. Giải pháp chưa được hỗ trợ kinh phí bằng nguồn ngân sách nhà nước từ lúc thử nghiệm đến khi hoàn thiện.
Điều 11. Nội dung và định mức hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên
Giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên được hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng, gồm các nội dung và định mức hỗ trợ như sau:
1. Hỗ trợ chi phí phân tích, thử nghiệm chất lượng giải pháp hoặc sản phẩm hình thành từ giải pháp tại các đơn vị, tổ chức thử nghiệm sản phẩm, hàng hóa được chỉ định: Không quá 30 triệu đồng/giải pháp.
2. Hỗ trợ giá trị hợp đồng thuê chuyên gia hoàn thiện, cải tiến công nghệ hình thành từ giải pháp: Không quá 100 triệu đồng/giải pháp.
3. Hỗ trợ chi phí hoạt động xúc tiến thương mại đối với giải pháp hoặc sản phẩm hình thành từ giải pháp: Không quá 20 triệu đồng/giải pháp.
4. Hỗ trợ chi phí thuê tư vấn xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với giải pháp: Không quá 10 triệu đồng/giải pháp.
5. Hỗ trợ chi phí công lao động khoa học cho đối tượng sáng tạo không chuyên: 10 triệu đồng/tháng, nhưng không quá 12 tháng.
6. Hỗ trợ chi mua nguyên vật liệu, năng lượng phục vụ hoàn thiện giải pháp: Không quá 20 triệu đồng/giải pháp.
7. Định mức chi họp Hội đồng tư vấn được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Quy định này.
Chương IV
KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
Điều 12. Nguồn kinh phí
1. Nguồn kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ phân bổ hàng năm.
2. Nguồn tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng
kết quả từ hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động sáng tạo.
3. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều 13. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ nguồn lực để nghiên cứu khoa học tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên trên địa bàn Tỉnh. Trên cơ sở đó, được ưu tiên tiếp cận sản phẩm nghiên cứu khoa học và sản phẩm sáng tạo không chuyên để ứng dụng, thương mại hoá theo quy định của pháp luật.
Chương V
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC HỖ TRỢ
Điều 14. Trình tự, thủ tục hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp
1. Tên thủ tục hành chính: Thủ tục hỗ trợ hoạt động khoa học và công nghệ tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp
2. Trình tự thực hiện:
a) Cá nhân/nhóm cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu chính đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp hoặc nộp trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp.
b) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
c) Xem xét hồ sơ và xác định các tiêu chí hỗ trợ đề tài tại cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và thông báo bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung đến cá nhân/nhóm cá nhân, trong đó nêu rõ nội dung, thời hạn sửa đổi, bổ sung.
d) Cơ quan thực hiện hỗ trợ tổ chức thành lập Hội đồng thẩm định nội dung, kinh phí và ra quyết định phê duyệt kinh phí thực hiện.
đ) Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
3. Cách thức thực hiện: Cá nhân/nhóm cá nhân chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu chính đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp hoặc nộp trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp (https://dichvucong.dongthap.gov.vn).
4. Thành phần: Đề nghị hỗ trợ kinh phí thực hiện đề tài (Mẫu số 1 Phụ lục I đính kèm); Thuyết minh đề tài (Mẫu số 2 Phụ lục I đính kèm); Lý lịch khoa học của cá nhân tham gia thực hiện đề tài, dự án (Mẫu số 3 Phụ lục I đính kèm); Bản cam kết (Mẫu số 4 Phụ lục I đính kèm).
5. Thời hạn giải quyết: 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
6. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Các cá nhân, nhóm cá nhân có hoạt động khoa học và công nghệ thuộc khoản 2 Điều 2 của Quy định này.
7. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Sở Khoa học và Công nghệ (Cơ quan thực hiện hỗ trợ) thực hiện hỗ trợ theo đề nghị của cá nhân, nhóm cá nhân cư trú trên địa bàn Tỉnh.
8. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính: Quyết định Phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện đề tài (Mẫu số 5 Phụ lục I đính kèm).
9. Phí, lệ phí: Không.
Điều 15. Trình tự, thủ tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên
1. Tên thủ tục hành chính: Thủ tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên
2. Trình tự thực hiện:
a) Cá nhân/ nhóm cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp hoặc nộp trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp.
b) Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
c) Xem xét hồ sơ và xác định các tiêu chí hỗ trợ hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên và thông báo bằng văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung đến cá nhân/ nhóm cá nhân, trong đó nêu rõ nội dung, thời hạn sửa đổi, bổ sung.
d) Cơ quan thực hiện hỗ trợ tổ chức thành lập Hội đồng thẩm định nội dung, kinh phí; ra quyết định phê duyệt kinh phí thực hiện hoạt động sáng tạo của đối tượng không chuyên.
đ) Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
3. Cách thức thực hiện: Cá nhân/ nhóm cá nhân chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định và nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu chính đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Khoa học và Công nghệ tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Đồng Tháp hoặc nộp trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công tỉnh Đồng Tháp (https://dichvucong.dongthap.gov.vn).
4. Thành phần: Đơn đề nghị hỗ trợ (Mẫu số 1 Phụ lục II đính kèm); Thuyết minh nội dung đề nghị hỗ trợ hoàn thiện giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên (Mẫu số 2 Phụ lục II đính kèm); văn bản xác nhận quyền tác giả, đồng tác giả của sản phẩm sáng tạo (nếu có).
5. Thời hạn giải quyết: 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
6. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Các cá nhân, nhóm cá nhân có hoạt động sáng tạo không chuyên được quy định tại khoản 3 Điều 2 Quy định này.
7. Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan thực hiện hỗ trợ) thực hiện hỗ trợ theo đề nghị của cá nhân/nhóm cá nhân cư trú trên địa bàn Tỉnh.
8. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính: Quyết định phê duyệt nội dung và dự toán kinh phí hỗ trợ hoàn thiện giải pháp sáng tạo của đối tượng không chuyên (Mẫu số 3 Phụ lục II đính kèm).
9. Phí, lệ phí: Không.
CHƯƠNG VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 16. Ủy ban nhân dân Tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.
Điều 17. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu để áp dụng tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản đó./.