• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 23/06/2013
CHÍNH PHỦ
Số: 122/2007/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Tháp, ngày 27 tháng 7 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

Quy định Danh mục doanh nghiệp không được đình công và việc giải quyết

yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 06 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 04 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định Danh mục doanh nghiệp không được đình công và việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời (sau đây gọi tắt là Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở) ở doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp không được đình công.

Điều 3. Danh mục doanh nghiệp không được đình công

1. Các doanh nghiệp không được đình công gồm doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích và doanh nghiệp có vai trò thiết yếu trong nền kinh tế quốc dân (Danh mục được ban hành kèm theo Nghị định này).

2. Danh mục doanh nghiệp an ninh, quốc phòng không được đình công do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục doanh nghiệp không được đình công theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 4. Việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động

1. Người sử dụng lao động phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế do doanh nghiệp xây dựng theo quy định của pháp luật về lao động; chủ động giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện.

2. Định kỳ 6 tháng một lần, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn và đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghe ý kiến của người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp không được đình công để kịp thời giải quyết yêu cầu chính đáng của tập thể lao động.

3. Khi có yêu cầu của tập thể lao động, người sử dụng lao động chủ trì, phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để giải quyết. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu mà các bên không giải quyết được thì người sử dụng lao động phải báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở phải báo cáo với tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp để phối hợp giải quyết.

4. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với tổ chức công đoàn và cơ quan có liên quan để giải quyết.

Trường hợp không giải quyết được hoặc vượt quá thẩm quyền thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải báo cáo ngay với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phối hợp với Bộ, ngành có liên quan giải quyết.

Điều 5. Việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể

1. Khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp không được đình công thì mỗi bên hoặc cả hai bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết.

2. Trong thời hạn tối đa 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu, Hội đồng trọng tài lao động phải tiến hành hòa giải và giải quyết.

Trường hợp một bên hoặc cả hai bên không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Bãi bỏ Nghị định số 51/CP ngày 29 tháng 08 năm 1996 của Chính phủ về việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở doanh nghiệp không được đình công; Nghị định số 67/2002/NĐ-CP ngày 09 tháng 07 năm 2002 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung danh mục doanh nghiệp không được đình công ban hành kèm theo Nghị định số 51/CP ngày 29 tháng 08 năm 1996 của Chính phủ.

Điều 7. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp không được đình công chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.