• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/12/2014
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 55/2014/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Tháp, ngày 20 tháng 10 năm 2014

THÔNG TƯ

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài (sau đây gọi tắt là Nghị định số 187/2013/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT).

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT

1. Sửa đổi khoản 2 Điều 3 như sau:

“2. Xe cơ giới cùng kiểu loại là các xe cơ giới của cùng một chủ sở hữu công nghiệp (nhà sản xuất), cùng nhãn hiệu (Brand, Trade Mark), cùng thiết kế (Model Code hoặc Type Approval Number), cùng các thông số kỹ thuật cơ bản, cùng nước sản xuất.”

2. Sửa đổi Điều 6 như sau:

“Điều 6. Hồ sơ đăng ký kiểm tra

1. Bản chính Giấy đăng ký kiểm tra, trong đó ghi rõ số khung, số động cơ và năm sản xuất của xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Bản sao chứng từ nhập khẩu có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu bao gồm: Hóa đơn thương mại hoặc các giấy tờ tương đương; Tờ khai hàng hóa nhập khẩu.

3. Bản sao tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu, trong đó có thể hiện các nội dung quy định tại mục 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp không cung cấp được tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật thì thay thế bằng Bản đăng ký thông số kỹ thuật xe cơ giới nhập khẩu do tổ chức, cá nhân nhập khẩu lập theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng thì ngoài tài liệu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải nộp các tài liệu sau:

a) Bản chính Phiếu kiểm tra xuất xưởng do nhà sản xuất cấp cho từng xe cơ giới, trong đó có ghi số khung, số động cơ hoặc bản chính Giấy chứng nhận chất lượng (C/Q) do nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới nhập khẩu. Các tài liệu này được áp dụng đối với xe cơ giới thuộc phương thức kiểm tra xác nhận kiểu loại quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

b) Bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu của một trong các tài liệu khí thải của xe cơ giới sau: Báo cáo thử nghiệm khí thải do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp cho kiểu loại xe cơ giới hoặc động cơ xe cơ giới (đối với xe ô tô hạng nặng), trong đó có thể hiện kết quả thử nghiệm của các phép thử quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; Giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp kèm theo Báo cáo thử nghiệm tương ứng xác nhận kiểu loại xe cơ giới hoặc động cơ xe cơ giới (đối với xe ô tô hạng nặng) đã thỏa mãn yêu cầu về khí thải theo quy định hiện hành hoặc cao hơn đối với từng loại xe và phép thử quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

c) Yêu cầu về tài liệu khí thải quy định tại điểm b khoản này không áp dụng đối với các đối tượng sau: Xe cơ giới không tham gia giao thông công cộng, hoạt động chủ yếu tại khu vực mỏ, bến cảng, sân bay, kho bãi, nhà máy, khu du lịch và vui chơi giải trí; Xe cơ giới nhập khẩu theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Xe cơ giới nhập khẩu là hàng viện trợ không hoàn lại hoặc quà tặng cho cơ quan, tổ chức nhà nước; Xe cơ giới nhập khẩu của các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam; Xe cơ giới đã qua sử dụng; Xe cơ giới có phê duyệt kiểu của EU; Xe cơ giới có kiểu loại đã được đăng ký lưu hành tại các nước thuộc nhóm G7.”

5. Đối với xe ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng, ngoài các tài liệu quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu còn phải bổ sung bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu của một trong các loại giấy tờ sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;

b) Giấy chứng nhận lưu hành;

c) Giấy hủy Giấy chứng nhận đăng ký hoặc Giấy hủy Giấy chứng nhận lưu hành do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi xe ô tô được đăng ký lưu hành cấp cho phương tiện.

d) Đối với trường hợp xe cơ giới đã thay đổi chủ sở hữu nhiều lần trước khi nhập khẩu về Việt Nam và trên Giấy chứng nhận đăng ký hoặc các giấy tờ thay thế không có đủ cơ sở để xác định thời gian đăng ký sử dụng xe thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải bổ sung các bằng chứng hợp pháp thể hiện các lần đăng ký trước của cơ quan hoặc tổ chức chuyên ngành về quản lý phương tiện tại các nước xuất khẩu xe.

6. Miễn nộp tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật quy định tại khoản 3 và tài liệu khí thải quy định tại điểm b khoản 4 Điều này đối với xe cơ giới nhập khẩu cùng kiểu loại với loại xe đã được kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận chất lượng).

7. Các tài liệu như: Tờ khai hàng hóa nhập khẩu, Bản đăng ký thông số kỹ thuật xe cơ giới nhập khẩu, tài liệu khí thải có thể được tổ chức, cá nhân nhập khẩu nộp trước khi tiến hành kiểm tra phương tiện.”

3. Sửa đổi Điều 7 như sau:

“Điều 7. Kiểm tra đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng

Xe cơ giới chưa qua sử dụng (bao gồm cả xe ô tô sát xi) được kiểm tra theo quy định sau đây:

1. Kiểm tra xác nhận kiểu loại

a) Phương thức kiểm tra này áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng, được sản xuất trước thời điểm nhập khẩu không quá 03 năm, có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này và đáp ứng một trong các điều kiện sau: Xe cơ giới đã được kiểm tra theo Hiệp định hoặc Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn và sự phù hợp mà Việt Nam tham gia, ký kết; Xe cơ giới được sản xuất tại Cơ sở sản xuất nước ngoài đã được Cơ quan kiểm tra thực hiện việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất (Conformity of Production, sau đây gọi tắt là đánh giá COP) theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Thông tư này và có cùng kiểu loại với loại xe đã được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng.

b) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra sự phù hợp về kiểu loại xe thể hiện trong hồ sơ đăng ký kiểm tra so với các kiểu loại đã được kiểm tra chứng nhận; Kiểm tra tình trạng số khung, số động cơ của từng chiếc xe nhập khẩu có cùng kiểu loại với kiểu loại thể hiện trong hồ sơ đăng ký kiểm tra.

2. Kiểm tra thử nghiệm xe mẫu

a) Phương thức kiểm tra này áp dụng đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau: Xe cơ giới có kiểu loại chưa được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận về kiểu loại và chưa được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng; Xe cơ giới có kiểu loại đã được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận về kiểu loại nhưng chưa được Cơ quan kiểm tra thực hiện việc đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất nước ngoài hoặc chưa được kiểm tra thử nghiệm xe mẫu.

b) Nội dung kiểm tra: Lấy ngẫu nhiên 01 xe mẫu của mỗi kiểu loại xe có trong hồ sơ đăng ký kiểm tra và tiến hành kiểm tra thử nghiệm tất cả các hạng mục (hoặc một số hạng mục bổ sung cần thiết đối với những xe cơ giới nhập khẩu được sản xuất, lắp ráp từ xe đã được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng) theo quy định hiện hành và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, trừ việc thử nghiệm các linh kiện thuộc đối tượng bắt buộc phải thử nghiệm; kiểm tra đối chiếu xe mẫu thực tế so với nội dung nêu trong Báo cáo thử nghiệm khí thải bằng cách kiểm tra kết cấu liên quan đến khí thải của xe thực tế hoặc thông qua thông tin tra cứu từ dữ liệu của nhà sản xuất sử dụng để tra cứu, nhận dạng các phụ tùng, tổng thành của chiếc xe nhập khẩu; kiểm tra tình trạng số khung, số động cơ của từng chiếc xe nhập khẩu có cùng kiểu loại với xe mẫu.

3. Kiểm tra xác suất

a) Phương thức kiểm tra này áp dụng đối với kiểu loại xe cơ giới chưa qua sử dụng thuộc một trong các trường hợp sau: Xe cơ giới có kiểu loại đã được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chứng nhận về kiểu loại, đã được Cơ quan kiểm tra thực hiện việc đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất nước ngoài nhưng chưa được kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng; Xe cơ giới có cùng kiểu loại với loại xe đã được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng trước đó nhưng chưa được thực hiện việc đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất nước ngoài; Xe cơ giới có kích thước, khối lượng cơ bản của xe sai lệch so với kiểu loại xe đã được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng lần đầu nhưng không vượt quá sai số cho phép theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12 : 2011/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sai số cho phép và làm tròn số đối với kích thước, khối lượng của xe cơ giới” do có sự thay đổi về trang thiết bị nội thất (trim level) hoặc trang trí ngoại thất (body kit), thay đổi về kích thước và thể tích thùng xe.

b) Nội dung kiểm tra: Lấy ngẫu nhiên 01 xe mẫu của mỗi kiểu loại xe có trong hồ sơ đăng ký kiểm tra và tiến hành kiểm tra các hạng mục kiểm tra tổng quát, kiểm tra động cơ, kiểm tra hệ thống phanh, kiểm tra hệ thống treo, kiểm tra hệ thống lái, kiểm tra trang thiết bị điện, đèn chiếu sáng và tín hiệu theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này; kiểm tra đối chiếu xe mẫu thực tế so với nội dung nêu trong Báo cáo thử nghiệm khí thải bằng cách kiểm tra kết cấu liên quan đến khí thải của xe thực tế hoặc thông qua các chương trình tra cứu của nhà sản xuất sử dụng để tra cứu, nhận dạng các phụ tùng, tổng thành của chiếc xe nhập khẩu; kiểm tra tình trạng số khung, số động cơ của từng chiếc xe nhập khẩu có cùng kiểu loại với xe mẫu.

4. Kiểm tra từng xe

a) Phương thức này áp dụng đối với: Xe cơ giới không thuộc các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; Xe cơ giới có cùng kiểu loại với loại xe đã được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng nhưng được sản xuất trước thời điểm nhập khẩu quá 03 năm; Xe cơ giới có cùng kiểu loại với các xe phải kiểm tra theo phương thức quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này nhưng bị hư hại trong quá trình vận chuyển hoặc có số khung, số động cơ nghi vấn bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại; Xe cơ giới nhập khẩu của các đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam; Xe cơ giới nhập khẩu là hàng viện trợ không hoàn lại hoặc quà tặng cho các cơ quan tổ chức nhà nước; Xe cơ giới nhập khẩu theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Xe cơ giới không tham gia giao thông đường bộ, hoạt động chủ yếu tại khu vực mỏ, bến cảng, sân bay, kho bãi, nhà máy, khu du lịch và vui chơi giải trí; Xe cơ giới nhập khẩu để triển lãm giới thiệu sản phẩm; Xe cơ giới nhập khẩu để làm mẫu tập huấn, giảng dạy.

b) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra theo các hạng mục kiểm tra tổng quát, kiểm tra động cơ, kiểm tra hệ thống phanh, kiểm tra hệ thống treo, kiểm tra hệ thống lái, kiểm tra trang thiết bị điện, đèn chiếu sáng tín hiệu theo quy định tại Điều 8 của Thông tư này; Kiểm tra đối chiếu xe mẫu thực tế so với nội dung nêu trong Báo cáo thử nghiệm khí thải bằng cách kiểm tra kết cấu liên quan đến khí thải của xe thực tế hoặc thông qua các chương trình tra cứu của nhà sản xuất sử dụng để tra cứu, nhận dạng các phụ tùng, tổng thành của chiếc xe nhập khẩu.

5. Kiểm tra thử nghiệm khí thải (trừ phép thử bay hơi)

a) Phương thức kiểm tra này áp dụng đối với xe cơ giới không có tài liệu khí thải theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 6 của Thông tư này; Xe cơ giới có tài liệu khí thải nhưng tài liệu không thể hiện được sự phù hợp về hạng mục thử nghiệm, phương pháp thử nghiệm và kết quả thử nghiệm so với các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05 : 2009/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới”; Xe cơ giới có tài liệu khí thải nhưng có kết cấu liên quan đến khí thải không phù hợp với tài liệu khí thải.

b) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra, thử nghiệm 01 mẫu lấy ngẫu nhiên của mỗi kiểu loại xe theo các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05 : 2009/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới”. Việc kiểm tra thử nghiệm khí thải (trừ phép thử bay hơi) được thực hiện tại Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới, đường bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc tại các Cơ sở thử nghiệm đáp ứng việc thử nghiệm khí thải theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành.”

4. Sửa đổi điểm a khoản 1, điểm a khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 8 như sau:

a) Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 8 như sau:

“a) Xe cơ giới nhập khẩu phải có số động cơ (trừ rơ moóc, sơ mi rơ moóc), số khung hoặc số VIN (nếu có) và không bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại.”

b) Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 8 như sau:

“a) Đúng kiểu loại hoặc loại có công suất tương đương. Công suất động cơ cho 01 tấn khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe ô tô phải đạt từ 7,35 kW trở lên (yêu cầu này không áp dụng cho xe chuyên dùng, xe điện và xe có khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông từ 30 tấn trở lên). Trường hợp xe cơ giới có công suất động cơ cho 01 tấn khối lượng toàn bộ của xe không thỏa mãn yêu cầu thì Cơ quan kiểm tra sẽ điều chỉnh lại khối lượng chuyên chở và khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe cho phù hợp với quy định.”

c) Sửa đổi điểm b khoản 7 Điều 8 như sau:

“b) Vô lăng lái: bố trí ở bên trái của xe (trừ các loại xe cơ giới có vô lăng lái bố trí ở bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp và không tham gia giao thông đường bộ gồm: xe cần cẩu; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay; xe bơm bê tông), đúng kiểu loại, không nứt, gãy; độ rơ góc của vô lăng lái phải thỏa mãn yêu cầu: sự dịch chuyển của một điểm trên vành vô lăng lái không vượt quá 1/5 đường kính vành vô lăng lái.”

5. Bổ sung điểm d khoản 1 Điều 9 như sau:

“d) Trường hợp xe cơ giới thuộc các đối tượng: khung gầm của xe ô tô (xe ô tô sát xi không có buồng lái) đã qua sử dụng (kể cả khung gầm mới có gắn động cơ đã qua sử dụng hoặc khung gầm đã qua sử dụng có gắn động cơ mới); xe ô tô cứu thương đã qua sử dụng; xe ô tô các loại đã qua sử dụng quá 05 (năm) năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu; xe ô tô các loại đã qua sử dụng và đã thay đổi kết cấu để chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu; xe ô tô có số khung, số động cơ, số VIN (nếu có) bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại; Xe cơ giới có vô lăng lái bố trí không ở bên trái thì Cơ quan kiểm tra tiến hành dừng các thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu và lập Biên bản ghi nhận tình trạng xe cơ giới nhập khẩu vi phạm quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này. Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận vi phạm, Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến tổ chức, cá nhân nhập khẩu và Cơ quan Hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu) để giải quyết theo quy định.”

6. Sửa đổi khoản 2 Điều 9 như sau:

“2. Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Thông báo miễn kiểm tra đối với xe cơ giới nhập khẩu (bản chính hoặc bản điện tử) được sử dụng để giải quyết các thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật lần đầu, đăng ký phương tiện và thủ tục nhập khẩu khi có yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền”.

7. Sửa đổi điểm c và điểm g khoản 3 Điều 9 như sau:

a) Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 9 như sau:

“c) Trường hợp xe cơ giới chuyên dùng có kích thước, khối lượng lớn hơn quy định thì được kiểm tra để nhập khẩu nhưng trong chứng chỉ chất lượng phải ghi chú: Chiếc xe này chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp, khi tham gia giao thông đường bộ phải được phép của Cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền. Trường hợp xe cơ giới nhập khẩu không tham gia giao thông hoặc các phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp được phép nhập khẩu quy định tại mục 6 phần II Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP thì được kiểm tra để nhập khẩu nhưng trong chứng chỉ chất lượng ghi là: Chiếc xe này không được phép tham gia giao thông đường bộ.”

b) Sửa đổi điểm g khoản 3 Điều 9 như sau:

“g) Trường hợp trên xe có nhiều số khung, số động cơ không bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại thì Cơ quan kiểm tra sẽ ghi nhận cụ thể về tình trạng của số khung hoặc số động cơ vào chứng chỉ chất lượng của xe. Khi có nghi vấn về tình trạng số khung hoặc số động cơ của xe thì Cơ quan kiểm tra sẽ trưng cầu giám định tại Cơ quan giám định chuyên ngành để xử lý cụ thể.”

8. Bổ sung điểm i và điểm k khoản 3 Điều 9 như sau:

“i) Trường hợp xe cơ giới chưa qua sử dụng được kiểm tra thử nghiệm theo phương thức kiểm tra thử nghiệm xe mẫu hoặc được kiểm tra theo phương thức kiểm tra từng xe nhưng có những hạng mục sau không thỏa mãn yêu cầu theo quy định thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu được phép khắc phục để Cơ quan kiểm tra kiểm tra lại: hướng ống xả; rào chắn của xe; chân chống của sơ mi rơ moóc; bố trí đèn tín hiệu phía sau của xe (trừ xe chở người); chiều cao đệm ngồi của ghế khách; số lượng búa phá cửa sự cố và các chỉ dẫn; kích thước, thể tích thùng xe.

k) Xử lý các trường hợp xảy ra trong quá trình kiểm tra đối chiếu các kết cấu liên quan đến khí thải của xe: Trường hợp xe hoặc động cơ xe cơ giới nhập khẩu có tài liệu khí thải do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp nhưng không kiểm tra được kết cấu liên quan đến khí thải của xe thực tế thì Cơ quan kiểm tra quyết định việc lấy mẫu để thử nghiệm khí thải; Trường hợp xe hoặc động cơ xe cơ giới nhập khẩu có Báo cáo thử nghiệm khí thải do Cơ sở thử nghiệm khí thải trong nước cấp nhưng không kiểm tra được kết cấu liên quan đến khí thải của xe thực tế thì giải quyết cấp chứng chỉ chất lượng cho các xe có cùng kiểu loại và cùng lần kiểm tra với xe mẫu nêu trong Báo cáo thử nghiệm khí thải. Đối với những xe nhập khẩu tiếp theo, nếu vẫn không thể kiểm tra, đối chiếu được kết cấu liên quan đến khí thải thì Cơ quan kiểm tra quyết định việc lấy mẫu thử nghiệm khí thải theo từng lần kiểm tra; Xe nhập khẩu có cùng kiểu loại xe và thông tin nhận dạng về khí thải (Ví dụ: cùng “Test group” đối với trường hợp xe nhập khẩu từ Mỹ, cùng số chứng nhận phê duyệt kiểu đối với xe nhập khẩu từ cộng đồng châu Âu) hoặc cùng kiểu loại và “Model code” (đối với xe hạng nhẹ) hoặc cùng “Engine code” (đối với xe hạng nặng) với xe đã được thử nghiệm khí thải trong nước hoặc xe đã được kiểm tra, đối chiếu kết cấu liên quan đến khí thải thì không thực hiện việc kiểm tra đối chiếu kết cấu liên quan đến khí thải.”

9. Bổ sung khoản 4 Điều 9 như sau:

“4. Việc đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất nước ngoài được thực hiện đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng theo phương thức và nội dung đánh giá như sau:

a) Đánh giá lần đầu được thực hiện trên cơ sở Tiêu chuẩn ISO/TS 16949 “Yêu cầu cụ thể đối với hệ thống quản lý chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe cơ giới và linh kiện xe cơ giới”. Nội dung đánh giá lần đầu bao gồm: Xem xét, đánh giá Quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp và quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm; quy định lưu trữ và kiểm soát hồ sơ chất lượng; Xem xét, đánh giá nhân lực phục vụ sản xuất, lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm; trang thiết bị kiểm tra chất lượng xuất xưởng sản phẩm; Xem xét, đánh giá hoạt động của hệ thống kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất, lắp ráp sản phẩm, kiểm tra chất lượng xuất xưởng và đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường. Miễn thực hiện đánh giá COP trong các trường hợp sau: Kiểu loại sản phẩm thực tế kiểm tra được sản xuất theo quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra tương tự hoặc không có sự thay đổi cơ bản so với quy trình công nghệ và quy trình kiểm tra của kiểu loại sản phẩm đã được đánh giá COP trước đó; Tổ chức, cá nhân nhập khẩu cung cấp được tài liệu thể hiện kết quả đánh giá COP (còn hiệu lực) theo quy định ECE, EC tại cơ sở sản xuất nước ngoài được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc tổ chức đánh giá độc lập được cơ quan có thẩm quyền nước ngoài công nhận.

b) Đánh giá đột xuất được thực hiện khi có khiếu nại về chất lượng sản phẩm hoặc khi Cơ quan kiểm tra có bằng chứng về việc xe nhập khẩu thực tế không thỏa mãn các quy định liên quan đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.”

10. Sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 10 như sau:

“b) Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra, Cơ quan kiểm tra xem xét, đối chiếu hồ sơ đăng ký kiểm tra với các quy định hiện hành và xử lý như sau: Nếu hồ sơ đăng ký kiểm tra chưa hợp lệ thì Cơ quan kiểm tra hướng dẫn tổ chức, cá nhân nhập khẩu bổ sung, hoàn thiện lại ngay trong ngày làm việc. Nếu hồ sơ đăng ký kiểm tra hợp lệ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này thì Cơ quan kiểm tra xác nhận vào Giấy đăng ký kiểm tra.

11. Sửa đổi khoản 1 và khoản 2 Điều 12 như sau:

“1. Chịu trách nhiệm về các nội dung sau: Tính trung thực và chính xác của các hồ sơ tài liệu đã cung cấp cho Cơ quan kiểm tra; chuyển mẫu thử nghiệm đến Cơ sở thử nghiệm theo yêu cầu của Cơ quan kiểm tra; phối hợp với Cơ quan kiểm tra trong quá trình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc thực hiện việc đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất nước ngoài.

2. Đảm bảo giữ nguyên trạng xe cơ giới để Cơ quan kiểm tra thực hiện việc kiểm tra; Đảm bảo xe cơ giới nhập khẩu tiếp theo có cùng kiểu loại với mẫu điển hình đã được chứng nhận trước đó thỏa mãn quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phù hợp với hồ sơ đăng ký kiểm tra.”

12. Sửa đổi khoản 3 Điều 13 như sau:

“3. Xây dựng hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới nhập khẩu và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật để xác định tình trạng xe cơ giới trong quá trình kiểm tra.”

13. Sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục của Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT như sau:

a) Sửa đổi các Phụ lục: I, II, III, IV và Phụ lục V của Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT bằng các Phụ lục I, II, III, IV và Phụ lục V tương ứng ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Bổ sung Phụ lục VI vào Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT tương ứng Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp

1. Chứng chỉ chất lượng cấp theo quy định tại Thông tư số 31/2011/TT-BGTVT cho các xe nhập khẩu có ngày xe cập cảng hoặc cửa khẩu Việt Nam trước ngày 31 tháng 12 năm 2014 vẫn có giá trị sử dụng để giải quyết các thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật lần đầu, đăng ký phương tiện và thủ tục nhập khẩu khi có yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc đánh giá COP tại Cơ sở sản xuất nước ngoài theo quy định tại khoản 4 Điều 9 của Thông tư này được thực hiện theo lộ trình sau:

a) Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đối với các kiểu loại xe cơ giới chưa được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng.

b) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đối với các kiểu loại xe cơ giới đã được Cơ quan kiểm tra cấp Giấy chứng nhận chất lượng.

Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2014.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.