• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 11/09/1997
  • Ngày hết hiệu lực: 27/06/2006
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 63/TC-CSTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đồng Tháp, ngày 11 tháng 9 năm 1997

THÔNG TƯ

Hướng dẫn bổ sung sửa đổi một số quy định về việc tổ chức thu và quản lý biên lai thu tiền phạt hành chính của Thông tư số 52 TC/CSTC ngày 12 tháng 9 năm 1996

Căn cứ Luật ngân sách Nhà nước ngày 20 tháng 03 năm 1996; căn cứ Thông tư số 14 TC/NSNN ngày 28 tháng 03 năm 1997 của Bộ Tài chính cho phép Ban tài chính xã có quyền thu một số khoản thu, trong đó có thu các khoản tiền phạt hành chính phát sinh trên địa bàn xã.
Để tránh ách tắc trong việc quản lý thu tiền phạt hành chính, Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi quy định của điểm 2b/, điểm 2d/ và bổ sung thêm điểm 2f/ vào Phần II, mục A của Thông tư số 52 TC/CSTC ngày 12 tháng 09 năm 1996 của Bộ Tài chính như sau:

"b/ Kho bạc Nhà nước có thể uỷ nhiệm việc thu tiền phạt cho các đơn vị có đủ tư cách pháp nhân, có khả năng thu và nộp kịp thời tiền thu phạt như cơ quan bưu điện, cơ quan thuế, ngân hàng và các đơn vị khác, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc người xử phạt không trực tiếp thu tiền phạt.

Trong một số trường hợp đặc biệt, việc xử phạt cần phải thu tiền phạt ngay, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm chỉ định đơn vị được uỷ quyền thu tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước.

d. Tổng Cục thuế có trách nhiệm phát hành và quản lý thống nhất biên lai thu tiền phạt giao cho các cơ quan thuế địa phương để cấp phát cho các cơ quan Kho bạc Nhà nước trên địa bàn sử dụng theo kế hoạch.

Đối với các khoản thu phạt hành chính thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân xã, Ban Tài chính xã nhận biên lai thu tiền phạt từ Chi cục thuế huyện, quận và sử dụng thống nhất loại biên lai thu tiền phạt này cho tất cả các khoản thu phạt tại xã.

Trong trường hợp Kho bạc Nhà nước uỷ quyền thu phạt cho các tổ chức khác thì Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm cấp biên lai cho đơn vị được uỷ quyền.

f. Việc uỷ quyền thu phạt phải có hợp đồng ký kết giữa đơn vị Kho bạc Nhà nước trực tiếp uỷ quyền với đơn vị được uỷ quyền. Trong hợp đồng uỷ quyền phải nêu cụ thể các quy định về trách nhiệm và quyền lợi của các bên như sau:

* Đối với đơn vị Kho bạc Nhà nước trực tiếp uỷ quyền:

- Giao đầy đủ biên lai và các chứng từ liên quan đến việc thu tiền phạt cho đơn vị được uỷ quyền. Việc giao nhận biên lai thu tiền phạt được thực hiện như quy định về việc giao biên lai cho các bàn thu tiền phạt được quy định tại điểm 3 mục II của Công văn số 527 KB/CĐ ngày 25/7/1995 của Kho bạc Nhà nước.

- Hướng dẫn các đơn vị được uỷ quyền sử dụng các liên biên lai và nộp tiền vào Kho bạc theo đúng chế độ quy định.

- Thanh toán đầy đủ phí uỷ quyền cho bên được uỷ quyền.

* Đối với cơ quan được uỷ quyền:

- Nhận, sử dụng, bảo quản và quyết toán biên lai thu tiền phạt theo đúng quy định của Kho bạc Nhà nước uỷ quyền.

- Chịu mọi trách nhiệm về vật chất như quy định tại tiết 6.1 điểm 6 mục II tại Công văn số 527 KB/CĐ ngày 25/7/1995 nếu làm hư hỏng, mất mát biên lai thu tiền phạt.

- Tuân thủ đúng quy định thu tiền phạt do Kho bạc Nhà nước quy định.

* Phí uỷ quyền do hai bên là đơn vị Kho bạc Nhà nước trực tiếp uỷ quyền và đơn vị được uỷ quyền trao đổi thống nhất và sử dụng trong số kinh phí do Sở Tài chính - Vật giá cấp để thanh toán cho đơn vị được uỷ quyền. Phí uỷ quyền được trích từ khoản thu về tiền phạt để lại cho ngân sách địa phương.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký; đồng thời quy định nêu tại phần II, mục A, điểm 2b/ và điểm 2c của Thông tư số 52 TC/CSTC ngày 12 tháng 09 năm 1996 của Bộ Tài chính hết hiệu lực thi hành.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Vũ Mộng Giao

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.