Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường thực hiện một số biện pháp cấp bách đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ

___________________________________

Trong những năm qua việc triển khai thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy được chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị quan tâm, chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp thực hiện đạt được những kết quả quan trọng. Công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã có những chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nề nếp, phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC được nâng cao … Những kết qủa đó từng bước kiền chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tư an toàn xã hội, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình cháy trong những năm gần đây diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và trật tự an toàn xã hội. Từ năm 2005 đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 153 vụ cháy, làm chết 5 người, bị thương 6 người, thiệt hại về tài sản gần 45 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy phần lớn là do bất cản trong sinh hoạt, nhất là sử dụng lửa, sử dụng điện, sử dụng gas … không tuân thủ quy định an toàn PCCC. Bên cạnh đó, một số nơi cấp chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; việc quản lý, tổ chức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy chưa tốt, ý thức trách nhiệm của một số bộ phận lãnh đạo, cán bộ công chức và quần chúng nhân dân đối với công tác PCCC chưa cao; công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý lực lượng chức năng chưa thường xuyên …

Thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trong tâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời chủ động phòng ngừa, khắc phục những tồn tại trong công tác PCCC không để xảy ra cháy, nổ nhằm bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, UBND tỉnh yêu cầu:

1.Thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố phải xác định công tác PCCC là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mình; chỉ đạo kiểm việc thực hiện các quy định về PCCC, khắc phục ngay những sở hở thiếu sót có nguy cơ phát sinh cháy nổ; Thường xuyên tổ chức thực hiện và duy trì điều kiện an toàn PCCC tại các đơn vị, cơ sở trong phạm vi mình quản lý; Chỉ đạo triển khai các biện pháp PCCC đối với nhà Chung cư, Nhà cao tầng, khu đô thị, chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu dân cư, các kho tàng, cơ sản xuất kinh doanh dịch vụ có nhiều nguy hiểm cháy, nổ. Đầu tư kinh phí mua sắm bổ sung, dụng cụ phương tiện chữa cháy, cũng cố lực lượng PCCC tại chỗ, dùy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng. Xây dựng điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC, kịp thời động viên khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC.

Người đứng đầu các cấp, các ngành, đơn vị cơ sở phải chụi trách nhiệm về việc để xảy ra cháy, nổ trong phạm vi mình chụi trách nhiệm và chụi trách nhiệm trước  Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy, nổ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại đơn vị và địa phương.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai đẩy mạnh tuyên truyền công tác PCCC, phổ biến, hướng dẫn pháp luật và các biện pháp PCCC trên các phương tiên thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân về công tác PCCC, tự nguyện thực hiện tốt các quy định về PCCC.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm có kế hoạch khai thác các biện pháp PCCC rừng trong mùa khô. Tổ chức kiểm tra PCCC các khu rừng trọng điểm, hướng dẫn cho nhân dân các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi làm nương rẫy và các hoạt động khác trong rừng. Rà soát bổ sung các phương án chữa cháy rừng trọng điểm, chú ý đến các phương án huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy.

4. Công an tỉnh phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn triển khai thực hiện các biện pháp PCCC phù hợp với tình hình kinh tế các đơn vị, cơ sở, địa phương; tăng cường công tác hướng dẫn kiểm tra an toàn PCCC đối với các đơn vị, cơ sở; Triển khai biện pháp đấu tranh ngăn chặn cháy lan, cháy lớn, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC; Nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về PCCC nhằm thức đẩy phong trào toàn dân PCCC.

Xây dựng kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng cháy và chữa cháy; Hướng dẫn các sở, ngành, UBND địa phương, các cơ quan, đơn vị, cơ sở tổ chức tổng kết triển khai các hoạt động hưởng ứng đạt kết quả tốt.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí kinh phí để thực hiện đề án Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở về phòng cháy chữa cháy của tỉnh Gia Lai đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trước mắt bố trí kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư mua sắm một số phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong tình hình mới.

6. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các sở, ngành, UBND địa phương theo chức năng nhiệm vụ của mình xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, chủ động về lực lượng, phương tiện, thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ để sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

7. Giao cho Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND địa phương tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chỉ thị này; Hàng năm các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực hiện công tác PCCC (qua Công an tỉnh), để Công an tỉnh tổng hợp báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Thế Dũng