Sign In

THÔNG TƯ

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

_______________________________

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004; Căn cứ Nghị định số 33 /2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điều về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y ban hành kèm theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BNN ngày 08/3/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:

1. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 4. Kiểm dịch động vật vận chuyển trong tỉnh

1. Tổ chức, cá nhân (sau đây được gọi là chủ hàng) khi vận chuyển động vật với số lượng lớn ra khỏi huyện trong phạm vi tỉnh phải đăng ký kiểm dịch với Trạm Thú y quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây được gọi là Trạm Thú y huyện) như sau:

Khai báo trước ít nhất hai ngày nếu động vật đã được áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định và còn miễn dịch; trước ít nhất từ mười lăm đến ba mươi ngày nếu động vật chưa được áp dụng các biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định hoặc không có miễn dịch.

2. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm dịch động vật vận chuyển theo mẫu quy định;

b) Bản sao giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh nơi xuất phát của động vật (nếu có);

c) Bản sao giấy chứng nhận tiêm phòng, phiếu kết quả xét nghiệm bệnh động vật (nếu có).

3. Kiểm tra trước khi đưa động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Kiểm tra nội dung đăng ký và các giấy tờ có liên quan tại khoản 2 của Điều này;

b) Căn cứ tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng, kết quả xét nghiệm bệnh của động vật tại nơi xuất phát, cơ quan kiểm dịch động vật chuẩn bị các điều kiện để kiểm dịch;

c) Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ kiểm dịch hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm xác nhận đăng ký kiểm dịch và thông báo địa điểm, thời gian, nội dung tiến hành kiểm dịch;

d) Kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện vệ sinh thú y đối với khu cách ly kiểm dịch;

đ) Hướng dẫn chủ hàng đưa động vật đến khu cách ly kiểm dịch và phải tiến hành kiểm dịch ngay trong ngày động vật được tập trung tại khu cách ly kiểm dịch.

4. Kiểm tra sau khi đưa động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Kiểm tra số lượng, chủng loại động vật theo hồ sơ đăng ký kiểm dịch;

b) Kiểm tra lâm sàng, tách riêng động vật yếu, động vật có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh truyền nhiễm hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm;

c) Lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định trước khi vận chuyển động vật (đối với động vật sử dụng làm giống, lấy sữa); các bệnh theo yêu cầu của chủ hàng (nếu có);

d) Tiêm phòng hoặc áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác đối với bệnh thuộc Danh mục bệnh phải tiêm phòng khi vận chuyển động vật (trừ động vật sử dụng với mục đích giết mổ) nếu động vật chưa có giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc giấy chứng nhận tiêm phòng không hợp lệ; các bệnh theo yêu cầu của chủ hàng (nếu có);

đ) Đối với động vật xuất phát từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thì không phải làm xét nghiệm, áp dụng các biện pháp phòng bệnh đối với những bệnh được công nhận an toàn dịch bệnh;

e) Diệt ký sinh trùng;

f) Đánh dấu động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y theo quy định.

5. Sau khi thực hiện việc kiểm dịch, nếu động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, đã được tiêm phòng hoặc áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác và có miễn dịch thì kiểm dịch viên động vật thực hiện:

a) Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y trong phạm vi 24 giờ trước khi vận chuyển. Hồ sơ kiểm dịch cấp cho chủ hàng gồm: Giấy chứng nhận kiểm dịch; bảng kê mã số đánh dấu động vật theo quy định;

b) Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển và các vật dụng kèm theo;

c) Thực hiện hoặc giám sát việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc đối với phương tiện vận chuyển và các vật dụng kèm theo ít nhất 06 giờ trước khi bốc xếp hàng để vận chuyển;

d) Trong ngày bốc xếp hàng, kiểm dịch viên động vật thực hiện: Kiểm tra lâm sàng động vật; kiểm tra, giám sát quá trình bốc xếp động vật lên phương tiện vận chuyển; niêm phong phương tiện vận chuyển, dụng cụ chứa đựng (đối với động vật không áp dụng biện pháp đánh dấu); hướng dẫn chủ hàng vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu cách ly kiểm dịch, nơi bốc xếp động vật.

6. Trường hợp động vật không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và tiến hành xử lý theo quy định”.

2. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 5. Kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển trong tỉnh

1. Chủ hàng khi vận chuyển sản phẩm động vật với khối lượng lớn ra khỏi huyện trong phạm vi tỉnh phải đăng ký kiểm dịch với Trạm Thú y huyện như sau:

Khai báo trước ít nhất hai ngày trước khi vận chuyển nếu sản phẩm động vật đã được xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y hoặc gửi qua đường bưu điện; bẩy ngày nếu sản phẩm động vật chưa được xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y.

2. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển theo mẫu quy định;

b) Bản sao phiếu kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y sản phẩm động vật (nếu có);

c) Các giấy tờ khác có liên quan (nếu có).

3. Kiểm tra trước khi đưa sản phẩm động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Kiểm tra nội dung đăng ký kiểm dịch và các giấy tờ có liên quan tại khoản 2 của Điều này;

b) Căn cứ tình hình dịch bệnh động vật tại nơi xuất phát, kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật chuẩn bị các điều kiện để kiểm dịch;

c) Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ kiểm dịch hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm xác nhận đăng ký kiểm dịch và thông báo địa điểm, thời gian, nội dung tiến hành kiểm dịch;

d) Kiểm tra việc thực kiện các quy định về điều kiện vệ sinh thú y khu cách ly kiểm dịch;

đ) Hướng dẫn chủ hàng đưa sản phẩm động vật đến khu cách ly kiểm dịch và phải tiến hành kiểm dịch ngay trong ngày sản phẩm động vật được tập trung tại địa điểm đã chỉ định.

4. Kiểm tra sau khi đưa sản phẩm động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Kiểm tra số lượng, chủng loại sản phẩm động vật theo hồ sơ đăng ký của chủ hàng;

b) Kiểm tra tình trạng bao gói, bảo quản sản phẩm và kiểm tra cảm quan đối với sản phẩm động vật; kiểm tra dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm tươi sống sau giết mổ;

c) Lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật chưa xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo quy định hoặc chưa có dấu kiểm soát giết mổ, tem kiểm tra vệ sinh thú y; theo yêu cầu của chủ hàng (nếu có);

d) Khử trùng tiêu độc đối với lô hàng theo quy định;

đ) Đánh dấu, niêm phong bao bì chứa đựng đối với sản phẩm động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y.

5. Sau khi thực hiện việc kiểm dịch, nếu sản phẩm động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, kiểm dịch viên động vật thực hiện:

a) Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với sản phẩm động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y trong phạm vi 24 giờ trước khi vận chuyển;

b) Theo quy định tại điểm b, c khoản 5 Điều 4 của bản Quy định này;

c) Trong ngày bốc xếp hàng, kiểm dịch viên động vật thực hiện: Kiểm tra, giám sát quá trình bốc xếp sản phẩm động vật lên phương tiện vận chuyển; niêm phong phương tiện vận chuyển; thực hiện hoặc giám sát việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu cách ly kiểm dịch, nơi bốc xếp hàng.

6. Trường hợp sản phẩm động vật không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch và tiến hành xử lý theo quy định”.

3. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Kiểm dịch động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh

1. Chủ hàng khi vận chuyển động vật với số lượng lớn ra ngoài tỉnh phải đăng ký kiểm dịch với Chi cục Thú y và thực hiện kiểm dịch theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 4 Mục 1 của Thông tư này;

2. Kiểm tra sau khi đưa động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Theo quy định tại điểm a, b, đ, e, f khoản 4, khoản 6 Điều 4 Mục 1 của Thông tư này;

b) Lấy mẫu xét nghiệm các bệnh trước khi vận chuyển động vật nếu động vật chưa xét nghiệm bệnh theo quy định; các bệnh theo yêu cầu của chủ hàng (nếu có);

c) Tiêm phòng hoặc áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác: Bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải tiêm phòng khi vận chuyển động vật nếu động vật chưa có giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc giấy chứng nhận tiêm phòng không hợp lệ; các bệnh theo yêu cầu của chủ hàng (nếu có).

3. Sau khi thực hiện việc kiểm dịch, kiểm dịch viên động vật thực hiện theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 4 Mục 1 của Thông tư này”.

4. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển ra ngoài tỉnh

1. Tổ chức, cá nhân khi vận chuyển sản phẩm động vật với khối lượng lớn ra ngoài tỉnh phải đăng ký kiểm dịch với Chi cục Thú y và thực hiện kiểm dịch theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 5 Mục 2 của Thông tư này;

2. Kiểm tra sau khi đưa sản phẩm động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Theo quy định tại điểm a, b,d, đ, khoản 4 Điều 5 Mục 2 của Thông tư này;

b) Lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật chưa làm các xét nghiệm theo quy định; các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo yêu cầu của chủ hàng (nếu có).

3. Sau khi thực hiện việc kiểm dịch, kiểm dịch viên động vật thực hiện theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 4 Mục 2 của Thông tư này”.

5. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 10. Kiểm dịch động vật xuất khẩu

1. Chủ hàng khi xuất khẩu động vật phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Mục 1 của Thông tư này;

2. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch gồm:

a) Theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Mục 1 của Thông tư này;

b) Bản sao yêu cầu vệ sinh thú y của chủ hàng hoặc nước nhập khẩu đối với động vật xuất khẩu (nếu có);

c) Bản sao hợp đồng mua bán (nếu có);

d) Các giấy tờ khác có liên quan (nếu có).

3. Kiểm tra trước khi đưa động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Kiểm tra nội dung đăng ký kiểm dịch và các giấy tờ có liên quan tại khoản 2 Điều này;

b) Căn cứ yêu cầu của chủ hàng hoặc nước nhập khẩu về vệ sinh thú y đối với động vật xuất khẩu; tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm phòng, kết quả xét nghiệm bệnh của động vật tại nơi xuất phát, cơ quan kiểm dịch động vật chuẩn bị các điều kiện để kiểm dịch;

c) Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm dịch hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm vào sổ đăng ký kiểm dịch và thông báo về thời gian, địa điểm, nội dung tiến hành kiểm dịch;

d) Thực hiện theo quy định tại điểm d, đ khoản 3 Điều 4 Mục 1 của Thông tư này.

4. Kiểm tra sau khi đưa động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Theo quy định tại điểm a, b, e, f khoản 4 Điều 4 Mục 1 của Thông tư này;

b) Lấy mẫu xét nghiệm; tiêm phòng hoặc áp dụng các biện pháp phòng bệnh khác theo quy định tại điểm b, c, khoản 2 Điều 6 Mục 3 của Thông tư này và các bệnh khác theo yêu cầu của chủ hàng hoặc nước nhập khẩu.

5. Sau khi kiểm tra, kiểm dịch viên động vật thực hiện theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 4 Mục 1 của Thông tư này;

6. Trường hợp chủ hàng hoặc nước nhập khẩu không yêu cầu kiểm dịch xuất khẩu, cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện kiểm dịch theo quy định tại Điều 4 hoặc Điều 6 Mục 3 của Thông tư này tuỳ theo nơi xuất phát của động vật”.

6. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 11. Kiểm dịch sản phẩm động vật xuất khẩu

1. Chủ hàng khi xuất khẩu sản phẩm động vật phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Mục 5 của Thông tư này;

2. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch gồm:

a) Theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Mục 2; điểm c, d khoản 2 Điều 10 Mục 5 của Thông tư này;

b) Bản sao yêu cầu về vệ sinh thú y của chủ hàng hoặc nước nhập khẩu đối với sản phẩm động vật xuất khẩu (nếu có).

3. Kiểm tra trước khi đưa sản phẩm động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Kiểm tra nội dung đăng ký và các giấy tờ có liên quan tại khoản 2 Điều này;

b) Căn cứ yêu cầu vệ sinh thú y đối với sản phẩm động vật của chủ hàng hoặc nước xuất khẩu, kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y, cơ quan kiểm dịch động vật chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiến hành kiểm dịch;

c) Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm dịch hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm vào sổ đăng ký kiểm dịch và thông báo về địa điểm, thời gian, nội dung tiến hành kiểm dịch;

d/ Theo quy định tại điểm d, đ khoản 3 Điều 5 Mục 2 của Thông tư này.

4. Kiểm tra sau khi đưa sản phẩm động vật đến khu cách ly kiểm dịch:

a) Theo quy định tại điểm a, b, d, e, f khoản 4, Điều 5 Mục 2 của Thông tư này;

b) Lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo yêu cầu của chủ hàng hoặc nước xuất khẩu.

5. Sau khi kiểm tra, kiểm dịch viên động vật thực hiện theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 5 Mục 2 của Thông tư này;

6. Trường hợp chủ hàng hoặc nước nhập khẩu không yêu cầu kiểm dịch xuất khẩu, cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện kiểm dịch theo quy định tại Điều 5 Mục 2 hoặc Điều 7 Mục 4 của Thông tư này tuỳ theo nơi xuất phát của sản phẩm động vật”.

7. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 13. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu qua đường bưu điện

1. Chủ hàng khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật qua đường Bưu điện phải đăng ký kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục Thú y theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 10 Mục 5 đối với động vật, khoản 1, 2 Điều

11 Mục 6 đối với sản phẩm động vật của Thông tư này;

2. Nội dung kiểm dịch được thực hiện như sau:

a) Đối với động vật: Kiểm tra lâm sàng; kiểm tra sổ theo dõi sức khoẻ của động vật (nếu có); làm xét nghiệm, tiêm phòng các bệnh theo yêu cầu của chủ hàng hoặc nước nhập khẩu;

b) Đối với sản phẩm động vật: Kiểm tra cảm quan, làm xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh thú y theo yêu cầu vệ sinh thú y của chủ hàng hoặc nước nhập khẩu;

c) Hướng dẫn chủ hàng thực hiện nhốt giữ động vật, bao gói sản phẩm động vật theo quy định, niêm phong hoặc đánh dấu hàng gửi và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y, được nhốt giữ, bao gói theo đúng quy định;

d) Hướng dẫn chủ hàng xử lý đối với động vật, sản phẩm động vật không đủ tiêu chuẩn vệ sinh thú y để xuất khẩu.

3. Trường hợp chủ hàng hoặc nước nhập khẩu không yêu cầu kiểm dịch xuất khẩu, tuỳ theo số lượng động vật, khối lượng sản phẩm động vật và tuỳ theo nơi xuất phát của động vật, sản phẩm động vật, cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện kiểm dịch theo quy định;

4. Cấm xuất khẩu qua đường bưu điện:

a) Động vật, sản phẩm động vật thuộc Danh mục cấm xuất khẩu theo quy định;

b) Sản phẩm động vật ở dạng tươi sống, sơ chế”.

8. Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 14. Đăng ký kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật

1. Chủ hàng có yêu cầu nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch hoặc động vật, sản phẩm động vật lạ chưa có ở Việt Nam thì gửi hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với Cục Thú y. Hồ sơ đăng ký gồm:

a) Đơn đăng ký kiểm dịch nhập khẩu theo mẫu quy định;

b) Bản sao công chứng giấy đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp trong nước), hoặc giấy phép đầu tư (đối với các doanh nghiệp 100 vốn nước ngoài hoặc liên doanh);

c) Giấy phép của cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định;

d) Tài liệu liên quan đến việc kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật;

Trong thời gian năm ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, căn cứ tình hình dịch bệnh động vật của nước xuất khẩu và tình hình dịch bệnh động vật trong nước, nếu hồ sơ hợp lệ Cục Thú y có trách nhiệm trả lời cho chủ hàng về cơ quan kiểm dịch động vật thực hiện việc kiểm dịch, đồng thời gửi cho các cơ quan kiểm dịch động vật có liên quan để phối hợp thực hiện kiểm dịch.

2. Sau khi được Cục Thú y trả lời về việc kiểm dịch nhập khẩu, chủ hàng đăng ký kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật được Cục Thú y chỉ định ít nhất tám ngày trước khi hàng đến cửa khẩu; hai ngày trước khi hàng đến bưu điện.

Hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm dịch nhập khẩu theo mẫu quy định;

b) Văn bản trả lời của Cục Thú y về việc kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật;

c) Bản sao giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu (nếu có);

d) Các giấy tờ khác có liên quan (nếu có).

3. Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký kiểm dịch hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm thông báo cho chủ hàng địa điểm, thời gian, nội dung kiểm dịch; kiểm tra vệ sinh thú y khu cách ly kiểm dịch đối với lô hàng đưa về khu cách ly kiểm dịch để kiểm dịch”.

9. Khoản 1, 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 18. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu gửi qua đường bưu điện

1. Chủ hàng gửi hồ sơ đăng ký kiểm dịch nhập khẩu cho Cục Thú y theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 14 Mục 8 của Thông tư này;

2. Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm vào sổ đăng ký kiểm dịch và thông báo cho chủ hàng biết về địa điểm, thời gian, nội dung tiến hành kiểm dịch”.

10. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 20. Đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam

1. Chủ hàng có yêu cầu tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật thì gửi hồ sơ đăng ký kiểm dịch cho Cục Thú y. Việc đăng ký kiểm dịch thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Mục 8 của Thông tư này;

2. Sau khi được Cục Thú y trả lời về việc kiểm dịch nhập khẩu, chủ hàng đăng ký kiểm dịch với cơ quan kiểm dịch động vật được Cục Thú y chỉ định ít nhất bốn ngày trước khi hàng đến cửa khẩu;

Hồ sơ đăng ký kiểm dịch gồm:

a) Giấy đăng ký kiểm dịch theo mẫu quy định;

b) Văn bản trả lời của Cục Thú y về việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, chuyển cửa khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

c) Bản sao giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu (nếu có);

d) Các giấy tờ khác có liên quan (nếu có);

Trong thời gian một ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ kiểm dịch hợp lệ, cơ quan kiểm dịch động vật có trách nhiệm thông báo cho chủ hàng địa điểm, thời gian, nội dung tiến hành kiểm dịch.”

11. Hiệu lực thi hành:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Diệp Kỉnh Tần