Sign In

PHÁP LỆNH

Về tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam

____________________

Để tăng cường quản lý nhà nước về kinh tế, tạo điều kiện để nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế quốc tế có hiệu quả, hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do việc gia tăng bất thường nhập khẩu hàng hoá vào Việt Nam;

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;

Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002;

Pháp lệnh này quy định về các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định về các biện pháp tự vệ, điều kiện và thủ tục áp dụng các biện pháp đó trong trường hợp nhập khẩu hàng hoá quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước.

Điều 2. Quyền áp dụng các biện pháp tự vệ

Chính phủ Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp tự vệ trong trường hợp một loại hàng hoá nhất định được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 3. Các biện pháp tự vệ

Các biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam bao gồm:

1. Tăng mức thuế nhập khẩu;

2. áp dụng hạn ngạch nhập khẩu;

3. Áp dụng các biện pháp khác do Chính phủ quy định.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Pháp lệnh này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Nhập khẩu hàng hoá quá mức" là việc nhập khẩu hàng hoá với khối lượng, số lượng hoặc trị giá gia tăng một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước.

2. "Thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước" là tình trạng ngành sản xuất đó suy giảm một cách đáng kể về sản lượng, mức tiêu thụ trong nước, lợi nhuận sản xuất, tốc độ phát triển sản xuất; gia tăng mức tồn đọng hàng hoá; ảnh hưởng xấu đến việc làm, mức tiền lương, đầu tư và tới các chỉ tiêu khác của ngành sản xuất trong nước sản xuất hàng hoá đó.

3. "Đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước" là khả năng chắc chắn, rõ ràng và chứng minh được về sự thiệt hại nghiêm trọng gây ra cho ngành sản xuất trong nước.

4. "Ngành sản xuất trong nước" là toàn bộ các nhà sản xuất hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện hợp pháp của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hoá của ngành đó được sản xuất ra ở trong nước.

5. "Hàng hoá tương tự" là hàng hoá giống hệt nhau hoặc giống nhau về chức năng, công dụng, chỉ số chất lượng, tính năng kỹ thuật và các thuộc tính cơ bản khác.

6. "Hàng hoá cạnh tranh trực tiếp" là hàng hoá có khả năng được người mua chấp nhận thay thế cho hàng hóa thuộc phạm vi áp dụng các biện pháp tự vệ do ưu thế về giá và mục đích sử dụng.

Điều 5. Nguyên tắc áp dụng các biện pháp tự vệ

1. Các biện pháp tự vệ được áp dụng trong phạm vi và mức độ cần thiết nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và tạo điều kiện để ngành sản xuất đó nâng cao khả năng cạnh tranh.

2. Việc áp dụng các biện pháp tự vệ phải căn cứ vào kết quả điều tra quy định tại Chương II của Pháp lệnh này, trừ trường hợp áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời.

3. Các biện pháp tự vệ được áp dụng trên cơ sở không phân biệt đối xử và không phụ thuộc vào xuất xứ hàng hoá.

Điều 6. Điều kiện áp dụng các biện pháp tự vệ

Các biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá nhập khẩu gia tăng đột biến một cách tuyệt đối hoặc tương đối so với khối lượng, số lượng hoặc trị giá của hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước;

2. Việc gia tăng khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hoá nhập khẩu quy định tại khoản 1 Điều này gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp trong nước.

Điều 7. Tham vấn

1. Bộ Thương mại có thể tiến hành tham vấn với các bên liên quan đến quá trình điều tra và áp dụng các biện pháp tự vệ theo yêu cầu của họ nhằm tạo điều kiện cho tất cả các bên liên quan trình bày ý kiến và cung cấp thông tin cần thiết.

2. Các bên liên quan không bắt buộc phải có mặt tại các cuộc tham vấn; nếu bên nào không có mặt tại các cuộc tham vấn thì lợi ích của họ liên quan đến biện pháp tự vệ vẫn được bảo đảm.

Điều 8. Bù đắp thiệt hại

1. Việc bù đắp và mức độ bù đắp thiệt hại do áp dụng các biện pháp tự vệ được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

2. Việc bù đắp và mức độ thiệt hại được xác định trên cơ sở kết quả tham vấn giữa các bên liên quan.

Chương 2:

ĐIỀU TRA ĐỂ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ

Điều 9. Cơ quan chịu trách nhiệm tiến hành điều tra

Bộ Thương mại chịu trách nhiệm tiến hành điều tra trước khi quyết định áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp tự vệ.

Điều 10. Căn cứ tiến hành điều tra

1. Bộ Thương mại tiến hành điều tra khi có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước với điều kiện toàn bộ hàng hoá do tổ chức, cá nhân đó sản xuất chiếm ít nhất 25% sản lượng hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước. Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu phải chịu trách nhiệm về các thông tin trong hồ sơ.

2. Bộ Thương mại chủ động tiến hành điều tra trong trường hợp có bằng chứng chứng minh sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp tự vệ.

Điều 11. Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ

Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ được gửi cho Bộ Thương mại bao gồm:

1. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ theo mẫu do Bộ Thương mại quy định;

2. Các tài liệu và thông tin có liên quan đến loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ và hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp.

Điều 12. Quyết định tiến hành điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ

1. Trong trường hợp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ chưa đầy đủ thông tin thì chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Thương mại phải thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu bổ sung thông tin. Thời hạn bổ sung thông tin ít nhất là 30 ngày, kể từ ngày tổ chức, cá nhân đó nhận được yêu cầu bổ sung thông tin. Bộ Thương mại không ra quyết định tiến hành điều tra, nếu các thông tin đó không được cung cấp trong thời hạn quy định.

2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung có đầy đủ thông tin, Bộ Thương mại phải ra quyết định tiến hành điều tra.

3. Khi chưa có quyết định chính thức về việc tiến hành điều tra, Bộ Thương mại không được tiết lộ nội dung của hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ.

4. Trường hợp không ra quyết định tiến hành điều tra, Bộ Thương mại phải thông báo lý do cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ.

5. Bộ Thương mại không ra quyết định tiến hành điều tra nếu tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ rút hồ sơ, trừ trường hợp có bằng chứng cho thấy cần thiết phải tiếp tục điều tra.

Điều 13. Các bên liên quan đến quá trình điều tra

Các bên liên quan đến quá trình điều tra bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sản xuất và xuất khẩu loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra;

2. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra;

3. Hiệp hội ngành hàng nước ngoài đại diện cho đa số các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra;

4. Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra;

5. Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ;

6. Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp;

7. Hiệp hội ngành hàng trong nước đại diện cho đa số các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp;

8. Tổ chức công đoàn đại diện cho quyền lợi của người lao động trong ngành sản xuất trong nước;

9. Hội nông dân Việt Nam;

10. Tổ chức bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam;

11. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

12. Tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến quá trình điều tra hoặc có thể giúp ích cho quá trình điều tra.

Điều 14. Cung cấp thông tin cho quá trình điều tra

1. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra và cung cấp thông tin cần thiết theo yêu cầu của Bộ Thương mại.

2. Bộ Thương mại có trách nhiệm bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Quản lý nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng điều tra

1. Quá trình điều tra để xem xét khả năng áp dụng các biện pháp tự vệ không được gây trở ngại cho việc làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu đang là đối tượng điều tra.

2. Kể từ khi có quyết định tiến hành điều tra cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, Bộ Thương mại có thể thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu đối với loại hàng hoá đang là đối tượng điều tra. Việc cấp giấy phép đó chỉ nhằm mục đích thống kê, không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hoá nhập khẩu.

Điều 16. Nội dung điều tra

Việc điều tra phải bảo đảm khách quan, có tính đến các yếu tố đặc trưng của tình hình sản xuất trong nước và làm rõ các nội dung sau đây:

1. Sự gia tăng nhập khẩu của loại hàng hoá thuộc đối tượng điều tra một cách đột biến về khối lượng, số lượng hoặc trị giá;

2. Thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước trên cơ sở đánh giá:

a) Những thay đổi về tình hình tiêu thụ hàng hoá là đối tượng điều tra tại thị trường trong nước;

b) Những thay đổi về khối lượng sản xuất hàng hoá, các chỉ số năng suất lao động, hệ số sử dụng công suất sản xuất, mức lãi và lỗ, tỷ lệ người có công ăn việc làm trong ngành sản xuất hàng hoá là đối tượng điều tra;

c) Tỷ trọng hàng hoá nhập khẩu là đối tượng điều tra trong tổng khối lượng hàng hoá tương tự hoặc hàng hoá cạnh tranh trực tiếp đang tiêu thụ tại thị trường trong nước.

3. Quan hệ giữa việc gia tăng hàng hoá nhập khẩu với thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Điều 17. Đình chỉ điều tra

Bộ Thương mại ra quyết định đình chỉ điều tra trong các trường hợp sau đây:

1. Người có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ rút hồ sơ trong quá trình điều tra;

2. Bên nước ngoài liên quan cam kết loại trừ thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước;

3. Các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

Điều 18. Thời hạn điều tra và công bố kết quả điều tra

1. Thời hạn điều tra không quá 6 tháng, kể từ ngày Bộ Thương mại ra quyết định điều tra; trong trường hợp cần thiết, thời hạn điều tra có thể được gia hạn một lần không quá 2 tháng tiếp theo.

2. Sau khi kết thúc điều tra, Bộ Thương mại công bố công khai kết quả điều tra.

Điều 19. Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp tự vệ

1. Trên cơ sở kết quả điều tra, Bộ Thương mại ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp tự vệ sau khi đã tham khảo ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan. Quyết định này phải được công bố công khai.

2. Các biện pháp tự vệ quy định tại Pháp lệnh này có thể không được áp dụng, nếu việc áp dụng các biện pháp đó dẫn đến một trong các hậu quả sau đây:

a) Gây thiệt hại đến kinh tế - xã hội trong nước;

b) Gây thiệt hại đến lợi ích của đa số các nhà tiêu thụ hàng hoá;

c) Các hậu quả khác do Chính phủ xác định.

Chương 3:

ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ

Điều 20. Áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời

1. Bộ Thương mại có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra, nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau.

2. Biện pháp tự vệ tạm thời chỉ được áp dụng với điều kiện Bộ Thương mại tiếp tục tiến hành điều tra.

3. Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời phải được thông báo công khai cho các bên liên quan.

4. Biện pháp tự vệ tạm thời chỉ được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

5. Thời hạn hiệu lực của biện pháp tự vệ tạm thời không được vượt quá thời hạn cần thiết để loại trừ thiệt hại nghiêm trọng hoặc phòng ngừa nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước và để ngành sản xuất trong nước điều chỉnh thích ứng với hoàn cảnh cạnh tranh. Thời hạn có hiệu lực của biện pháp tự vệ tạm thời kết thúc khi có quyết định của Bộ Thương mại về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp tự vệ, nhưng trong mọi trường hợp không được vượt quá 200 ngày, kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời.

6. Bộ Thương mại có thể ra quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước thời hạn trong trường hợp cần thiết.

7. Trong trường hợp kết quả điều tra của Bộ Thương mại cho thấy việc thi hành biện pháp tự vệ tạm thời là chưa cần thiết hoặc chỉ nên ấn định mức tăng thuế nhập khẩu ở mức thấp hơn so với mức tăng thuế nhập khẩu đã áp dụng, thì khoản chênh lệch thuế đó được hoàn trả cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Áp dụng các biện pháp tự vệ

1. Việc áp dụng các biện pháp tự vệ được tiến hành trên cơ sở quyết định đã có hiệu lực của Bộ Thương mại.

2. Các biện pháp tự vệ có thể không được áp dụng đối với hàng hoá có xuất xứ từ các nước kém phát triển.

Điều 22. Thời hạn áp dụng các biện pháp tự vệ

1. Thời hạn áp dụng các biện pháp tự vệ, bao gồm cả thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, là không quá 4 năm.

2. Thời hạn áp dụng các biện pháp tự vệ có thể được gia hạn một lần không quá 6 năm tiếp theo, với điều kiện vẫn còn thiệt hại nghiêm trọng hoặc nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và có các bằng chứng chứng minh rằng ngành sản xuất đó đang điều chỉnh để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Điều 23. Đình chỉ áp dụng các biện pháp tự vệ

Bộ Thương mại ra quyết định đình chỉ áp dụng các biện pháp tự vệ trong các trường hợp sau đây:

1. Khi các điều kiện áp dụng các biện pháp tự vệ không còn tồn tại;

2. Việc tiếp tục áp dụng các biện pháp tự vệ gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội trong nước.

Chương 4:

RÀ SOÁT CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ

Điều 24. Nguyên tắc tiến hành rà soát các biện pháp tự vệ

1. Trong trường hợp thời gian áp dụng các biện pháp tự vệ vượt quá ba năm, Bộ Thương mại phải tiến hành rà soát các biện pháp tự vệ trước khi hết một nửa thời gian này để có kết luận về việc duy trì, huỷ bỏ hoặc giảm nhẹ mức độ áp dụng các biện pháp tự vệ.

2. Việc rà soát các biện pháp tự vệ phải phù hợp với các quy định tại Chương II của Pháp lệnh này.

Điều 25. Quyết định về kết quả rà soát các biện pháp tự vệ

Sau khi rà soát các biện pháp tự vệ, Bộ Thương mại ra một trong các quyết định sau đây:

1. Duy trì các biện pháp tự vệ đang được áp dụng;

2. Giảm nhẹ mức độ áp dụng các biện pháp đó;

3. Đình chỉ các biện pháp tự vệ đang được áp dụng.

Chương 5:

GIA HẠN VÀ TÁI ÁP DỤNG BIỆN PHÁP TỰ VỆ

Điều 26. Gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ

1. Bộ Thương mại xem xét gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ trên cơ sở tổ chức, cá nhân đại diện cho ngành sản xuất trong nước có hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 10 của Pháp lệnh này.

Hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ phải bao gồm bằng chứng cho thấy ngành sản xuất trong nước đó đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh cần thiết để nâng cao khả năng cạnh tranh và phải được gửi cho Bộ Thương mại chậm nhất là 6 tháng trước ngày biện pháp tự vệ đó hết hiệu lực.

2. Các thủ tục về điều tra, công bố, thông báo quy định tại Chương II của Pháp lệnh này được áp dụng tương ứng cho việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ.

3. Mức độ áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian gia hạn không được cao hơn mức độ áp dụng trong thời gian ngay trước đó.

Điều 27. Quy định về việc tái áp dụng biện pháp tự vệ

Một biện pháp tự vệ đã được áp dụng đối với một loại hàng hoá có thể được áp dụng trở lại đối với loại hàng hoá đó theo các quy định sau đây:

1. Trong trường hợp một biện pháp tự vệ đã được áp dụng đối với một loại hàng hoá trên 4 năm thì chỉ được tái áp dụng đối với loại hàng hoá đó sau một thời gian bằng nửa thời gian đó.

2. Trong trường hợp một biện pháp tự vệ được áp dụng đối với một loại hàng hoá từ 6 tháng đến 4 năm thì chỉ được tái áp dụng đối với loại hàng hoá đó sau 2 năm.

3. Trong trường hợp một biện pháp tự vệ được áp dụng đối với một loại hàng hoá có thời hạn dưới 6 tháng thì có thể tái áp dụng biện pháp tự vệ đó khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Ít nhất sau 1 năm, kể từ ngày áp dụng biện pháp tự vệ trước đó;

b) Biện pháp tự vệ đã được áp dụng đối với loại hàng hóa không quá 2 lần trong thời gian 5 năm trước ngày tái áp dụng biện pháp tự vệ.

4. Việc tái áp dụng một biện pháp tự vệ đối với một loại hàng hoá phải được thực hiện theo các thủ tục như khi biện pháp này được áp dụng lần đầu tiên.

Chương 6:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ

Điều 28. Nội dung quản lý nhà nước về áp dụng các biện pháp tự vệ

Nội dung quản lý nhà nước về áp dụng các biện pháp tự vệ bao gồm:

1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về áp dụng các biện pháp tự vệ;

2. Tổ chức thực hiện các biện pháp tự vệ;

3. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các chính sách có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp tự vệ;

4. Tiến hành điều tra để áp dụng các biện pháp tự vệ;

5. Tổ chức và tiến hành tham vấn với các bên liên quan;

6. Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp tự vệ;

7. Hướng dẫn áp dụng các biện pháp tự vệ;

8. Tổ chức thu thập, xử lý và cung cấp thông tin liên quan đến việc áp dụng các biện pháp tự vệ;

9. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về áp dụng các biện pháp tự vệ;

10. Giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm pháp luật về áp dụng các biện pháp tự vệ.

Điều 29. Cơ quan quản lý nhà nước về áp dụng các biện pháp tự vệ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về áp dụng các biện pháp tự vệ.

2. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc thống nhất quản lý nhà nước về áp dụng các biện pháp tự vệ; tổ chức thực hiện việc áp dụng các biện pháp tự vệ trên cơ sở tham khảo ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thương mại trong việc thực hiện quản lý áp dụng các biện pháp tự vệ.

Chương 7:

KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 30. Khiếu nại

1. Các khiếu nại liên quan đến quá trình điều tra và áp dụng các biện pháp tự vệ phải được gửi đến Bộ Thương mại.

2. Bộ Thương mại có trách nhiệm giải quyết khiếu nại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại; trường hợp đặc biệt, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.

3. Trong trường hợp hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà Bộ Thương mại chưa giải quyết khiếu nại hoặc tổ chức, cá nhân khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ Thương mại, thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm

Việc giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 32. Hiệu lực thi hành

Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2002.

Điều 33. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn việc thi hành Pháp lệnh này.

 

 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn An