Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc ban hành Quy chế cán bộ tăng cường cơ sở

_____________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ Điều 49 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

- Căn cứ Công văn số 15/KL-TU ngày 26-01-2002 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về kế hoạch tăng cường cán bộ cơ sở, Công văn số 218-CV/TC ngày 13-03-2002 của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế cán bộ tăng cường cơ sở.

Điều 2: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện và cán bộ tăng cường cơ sở chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Đề nghị các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội tỉnh, huyện phối hợp thực hiện Quyết định này kể từ ngày ký.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Vỹ Hà


QUY CHẾ

CÁN BỘ TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2002/QĐ-UB
 ngày 08-4-2002 của UBND tỉnh Gia Lai)

__________________

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng cán bộ tăng cường cơ sở (cán bộ tăng cường xã, phường, thị trấn), gồm:

a) Cán bộ, công chức trong biên chế của tỉnh và của huyện, thành phố (gọi chung là huyện) đã và đang tăng cường cơ sở.

b) Cán bộ xã này luân chuyển sang xã khác, sinh viên tốt nghiệp, cán bộ, viên chức không thuộc biên chế Nhà nước được điều động về cơ sở (sẽ có quy định cụ thể sau).

Điều 2:

- Cán bộ tăng cường cơ sở chịu sự lãnh đạo, quản lý và phân công nhiệm vụ của Ban thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện và tham gia sinh hoạt Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.

- Cán bộ tăng cường cơ sở chịu trách nhiệm cùng với Cấp uỷ, HĐND- UBND, Mặt trận và các Đoàn thể chính trị xã hội xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; đảm bảo hoạt động quản lý, điều hành xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng ở xã có hiệu lực, hiệu quả.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CÁN BỘ TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ

Điều 3: Cán bộ tăng cường cơ sở có nhiệm vụ:

a) Tham gia xây dựng củng cố thực lực chính trị cơ sở, xây dựng Đảng là then chốt; giúp cấp uỷ cơ sở xây dựng củng cố Bộ máy HĐND-UBND, Mặt trận Tổ quốc và các Tổ chức chính trị xã hội. Xây dựng lực lượng nòng cốt trong các Tổ chức chính trị xã hội và nhân dân ở địa phương.

b) Nắm tình hình về kinh tế - xã hội, an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, phát hiện kịp thời những vụ việc phát sinh, báo cáo cấp trên và giúp cơ sở giải quyết dứt điểm những vấn đề vướng mắc, tồn đọng.

c) Tham mưu cho cấp uỷ và trực tiếp tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nâng cao nhận thức về âm mưu "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, đồng thời tuyên truyền để quần chúng hiểu được chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

d) Tham mưu và giúp cấp uỷ tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng phương án sản xuất, xoá đói giảm nghèo, từng bước làm chuyển biến tình hình kinh tế - xã hội ở xã.

g) Chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cơ sở và Ban Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện, được báo cáo và làm việc trực tiếp với đồng chí Thường vụ Huyện ủy hoặc Huyện ủy viên phụ trách xã đó.

Điều 4: Cán bộ tăng cường cơ sở có quyền:

1. Được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử giữ chức vụ, chức danh ở cơ sở. Được thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quan hệ công tác theo chức vụ, chức danh được phân công. Được tham gia đôn đốc toàn bộ hoạt động lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp uỷ, Chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở.

Cụ thể là:

- Tham gia các cuộc họp định kỳ, đột xuất của cấp uỷ, HĐND, UBND, Mặt trận và các Đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở.

- Hàng năm tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận đánh giá, phân loại hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ cơ sở và Đại biểu HĐND xã mình phụ trách.

- Tham gia đề xuất về công tác cán bộ ở cơ sở như: quy hoạch, sắp xếp bố trí cán bộ, đào tạo bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật.

- Tham gia kiểm tra, giám sát việc sử dụng ngân sách ở địa phương, việc thực hiện các chính sách đối với cán bộ cơ sở, cán bộ nghỉ việc, thương binh, gia đình liệt sĩ và các đối tượng chính sách xã hội khác.

- Tham gia giám sát, kiểm tra các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã.

Qua kiểm tra, giám sát nếu phát hiện có dấu hiệu sai trái, vi phạm, phải có ý kiến với cấp ủy, chính quyền cơ sở, có trách nhiệm báo cáo với Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện để giải quyết kịp thời.

2. Cán bộ tăng cường cơ sở chịu sự kiểm tra, giám sát của Hệ thống chính trị cơ sở, của nhân dân trong thời gian công tác tăng cường tại địa phương.

- Cấp uỷ Chính quyền xã có trách nhiệm bố trí chỗ ở, nơi làm việc, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động, công tác để cán bộ tăng cường cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 5: Trách nhiệm của cán bộ tăng cường là gắn với việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, trong sạch; tổ chức và góp phần tổ chức chỉ đạo thực hiện đầy đủ mọi chức năng, nhiệm vụ của cấp xã; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát triển đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn.

- Chế độ sinh hoạt và hội họp của cán bộ tăng cường cơ sở; ngoài sinh hoạt chi bộ, được họp cấp uỷ, HĐND - UBND, Mặt trận và các Đoàn thể chính trị xã hội cơ sở, hàng tháng cán bộ tăng cường, Tổ công tác (xã có lập Tổ công tác) họp đánh giá kết quả hoạt động của tổ và tình hình cơ sở báo cáo cấp trên. Thường vụ Huyện uỷ, UBND huyện theo dõi và có nhận xét đánh giá hàng tháng đối với cán bộ tăng cường cơ sở.

Chương III

THỜI GIAN, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI

CÁN BỘ TĂNG CƯỜNG

Điều 6: Thời gian thực hiện nhiệm vụ của cán bộ tăng cường cơ sở ít nhất là 2 năm kể từ ngày có quyết định.

Điều 7: Chế độ chính sách:

1- Cán bộ trưng tập đi tăng cường cơ sở được giữ nguyên lương, phụ cấp và các quyền lợi khác (nếu có) tại cơ quan, đơn vị cũ. Ngoài ra được hưởng một số chế độ, chính sách hỗ trợ sau:

a- Được hỗ trợ ban đầu 1.000.000 đồng/người để mua sắm chăn màn và vật dụng cần thiết.

b- Được trợ cấp thêm 400.000 đồng/người/tháng ngoài lương đối với cán bộ, công chức trong biên chế; 500.000 đồng/người/tháng ngoài lương hay phụ cấp đối với cán bộ, viên chức, sinh viên ngoài biên chế.

c- Được hưởng phụ cấp khu vực tại nơi công tác (nếu cao hơn).

d- Được xét nâng lương trước thời hạn là 1/3 thời gian nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ. 

e- Biên chế được bảo đảm tại cơ quan, đơn vị cũ sau khi hoàn thành nhiệm vụ nếu muốn trở về.

- Trước mắt chỉ áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh và huyện tăng cường cho cơ sở.

2- Cấp phát và chi trả:

- Đối với cán bộ tăng cường trong biên chế của tỉnh: Sở Tài chính-Vật giá cấp cho cơ quan, đơn vị có người đi tăng cường để thực hiện chi trả.

- Đối với cán bộ tăng cường trong biên chế của huyện; Sở Tài chính-Vật giá cấp về Phòng Tài chính huyện để thực hiện chi trả.

- Các cơ quan, đơn vị tỉnh, huyện có cán bộ tăng cường cơ sở căn cứ quy định này lập dự toán thực hiện chi trả cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị mình.

- Nguồn kinh phí chi trả hỗ trợ (ngoài quỹ lương trong biên chế) cho các đối tượng trên Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá đề xuất, UBND tỉnh quyết định.

Điều 8: Khen thưởng, kỷ luật:

- Cán bộ tăng cường cơ sở có ý thức trách nhiệm, chấp hành tổ chức kỷ luật tốt, hiệu quả công tác cao được xét khen thưởng hàng năm, được xét nâng lương trước thời hạn, được xem xét đề bạt, bổ nhiệm chức vụ cao hơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ tăng cường cơ sở.

- Cán bộ tăng cường cơ sở nếu ý thức trách nhiệm và chấp hành tổ chức kỷ luật kém; hiệu quả công tác thấp, không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật và không được áp dụng các điểm d, e, mục 1, điều 7 quy định tại Quy chế này trong năm đó.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9: Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, chính quyền cơ sở và cán bộ tăng cường chịu trách nhiệm thi hành quy chế này.

Đề nghị cấp ủy Đảng, Tổ chức Chính trị xã hội các cấp phối hợp thực hiện có kết quả quy chế này.

- Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị phản ánh bằng văn bản về Uỷ ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, khi chưa có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của Uỷ ban nhân dân tỉnh, không được làm trái quy định trên.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà