Sign In

CHỈ THỊ

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc triển khai thực hiện Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

________________________

Để đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, trong thời gian qua, Nhà nước ta rất coi trọng hoạt động xây dựng pháp luật, đã ban hành được một số lượng lớn các văn bản pháp luật các loại, tạo cơ sở pháp lý vững chắc và có hệ thống cho hoạt động mọi mặt của đời sống xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản pháp luật không đầy đủ và thiếu đồng bộ, nhất là ở các địa phương. Nhiều văn bản cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành còn chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, không đảm bảo tính khả thi. Tình trạng này là một trở ngại lớn cho việc kiện toàn Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật.

Nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời định trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản trái pháp luật. Ngày 04/11/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Để Nghị định này được triển khai đồng bộ, có hiệu quả trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Chỉ thị:

1) Các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản phải thường xuyên kiểm tra văn bản mình đã ban hành để đảm bảo tính đúng đắn, thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp huyện, thị xã, thành phố và Ban Tư pháp cấp xã có trách nhiệm giúp HĐND, UBND cùng cấp tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan Tư pháp kịp thời có văn bản đề nghị để HĐND, UBND cùng cấp xử lý văn bản theo quy định.

2) Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp huyện ban hành; Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND cấp xã ban hành. Khi có yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tin đại chúng và của cá nhân, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra các văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện, Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra các văn bản loại này do các cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã ban hành; Văn phòng UBND tỉnh, Văn phòng UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra văn bản loại này do Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp ban hành.

Thủ tục kiểm tra và xử lý văn bản thực hiện theo quy định tại điều 22 Nghị định 135/2003/NĐ-CP.

3) Các cơ quan có văn bản thuộc đối tượng kiểm tra phải tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan kiểm tra văn bản thực hiện nhiệm vụ; Tự kiểm tra, xử lý đúng thời hạn văn bản có dấu hiệu trái pháp luật theo thông báo của cơ quan kiểm tra văn bản.

Ngay sau khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBND cấp huyện phải gửi cho Sở Tư pháp, UBND cấp xã phải gửi cho Phòng Tư pháp 01 bản để kiểm tra. Các cơ quan chuyên môn được giao soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật phải chủ động nghiên cứu soạn thảo văn bản và hoàn thành dự thảo đúng thời gian quy định. Trước khi trình UBND tỉnh, UBND cấp huyện ký ban hành, cơ quan soạn thảo phải gửi bản dự thảo và các văn bản có liên quan đến Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để thẩm định về mặt pháp lý.

4) Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án bố trí tổ chức, biên chế chuyên trách và triển khai thực hiện để đảm bảo thi hành có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra văn bản.

5) Hàng năm, Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan căn cứ vào Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định 135/2003/NĐ-CP và yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra văn bản của đơn vị mình để dự trù kinh phí cho công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo trách nhiệm được phân công.

Sở Tài chính hướng dẫn và tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí theo qui định để các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác kiểm tra văn bản.

 Giao cho Giám đốc Sở Tư pháp theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị này. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo UBND tỉnh.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các Sở, ban ngành triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai có trách nhiệm phổ biến Chỉ thị này trên sóng phát thanh truyền hình tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà