QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Về việc ban hành quy trình kỹ thuật tạm thời làm giàu rừng
_____________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
- Căn cứ điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 21-6-1994;
- Căn cứ quy phạm về các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất gỗ và tre nứa (QPN-14-92) ban hành theo Quyết định số 200/QĐ ngày 31-3-1993 của Bộ Lâm nghiệp, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Xét nhu cầu về quản lý và sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 32/NN-TT ngày 15-6-1999.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay ban hành kèm theo quyết định này văn bản quy trình kỹ thuật tạm thời làm giàu rừng (QTT-01-99).
Điều 2: Quy trình này được áp dụng cho tất cả các cơ sở sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, các cơ sở sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký.
|
TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Đào Quang Phổ
|
QUY TRÌNH
KỸ THUẬT TẠM THỜI LÀM GIÀU RỪNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/1999/QĐ-UB ngày 25-6-1999 của UBND tỉnh Gia Lai)
_______________________
Chương I
MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG LÀM GIÀU RỪNG
Điều 1: Mục đích của làm giàu rừng:
1. Làm giàu rừng là một giải pháp lâm sinh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng có định hướng, bằng cách trồng thêm một số lượng nhất định các loại cây có giá trị kinh tế, kết hợp với cây tái sinh và cây gỗ có giá trị kinh tế của rừng tự nhiên.
2. Làm giàu rừng góp phần duy trì và bảo vệ vốn rừng, nguồn gen tự nhiên và phát huy các tác dụng phòng hộ của rừng.
Điều 2: Đối tượng làm giàu rừng:
1. Rừng nghèo do khai thác chọn không hợp lý, trữ lượng thấp, khả năng tái sinh tự nhiên kém, không đạt yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và nuôi dưỡng, có các đặc trưng sau:
- Mật độ cây gỗ lớn có giá trị kinh doanh dưới 150 cây/ ha.
- Cây tái sinh có giá trị kinh doanh và triển vọng dưới 500 cây/ ha
2. Rừng phục hồi trên nương rẫy có mật độ cây mục đích trên tầng tiên phong và khả năng xúc tiến tái sinh không đạt yêu cầu kinh doanh và nuôi dưỡng trong các trường hợp sau:
- Tầng cây cao có số cây thuộc các loài phù hợp mục tiêu kinh doanh gỗ lớn và có phẩm chất tốt dưới 150 cây/ ha;
- Cây tái sinh có giá trị kinh doanh và triển vọng dưới 500 cây/ ha (tính từ cây tái sinh có chiều cao ≥ 2m).
3. Rừng trồng bằng các loài cây mọc nhanh, chu kỳ kinh doanh ngắn nay cần cải tạo thành rừng cây gỗ lớn, chu kỳ kinh doanh dài và có giá trị kinh tế như rừng trồng thuần loại keo lá tràm, keo tai tượng...
Chương II
KỸ THUẬT LÀM GIÀU RỪNG
Điều 3: Phương thức làm giàu rừng:
Áp dụng phương thức trồng cây theo rạch. Ở một số nơi nếu có đủ điều kiện có thể áp dụng phương thức trồng cây theo đám.
Điều 4: Quy cách rạch trồng và băng chừa.
Được xác định tùy theo tính chịu bóng của cây trồng và chiều cao của băng chừa sau khi xử lý. Nơi có mùa khô khắc nghiệt, có thể giảm chiều rộng rạch trồng cây xuống đến 1/3 chiều cao của tán rừng nhưng không giảm khoảng cách giữa các rạch.
- Chiều rộng rạch trồng: 3 - 8m.
- Chiều rộng băng chừa: 8 - 12m
- Chiều rộng của rạch trồng sẽ được mở rộng hợp lý trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng.
- Cách bố trí rạch:
* Nơi đất dốc lên 100: Rạch song song với đường đồng mức.
* Nơi đất dốc dưới 100: Rạch theo hướng Đông - Tây.
Điều 5: Trồng cây
1. Loài cây trồng: Là những loài cây gỗ lớn địa phương có giá trị kinh tế hoặc những loài cây được đưa từ vùng có điều kiện sinh thái tương tự với nơi làm giàu. Những loài cây này có đặc tính chịu bóng trong giai đoạn đầu, dễ gây trồng và phù hợp với điều kiện sinh thái nơi trồng như Giổi (Talauma gioi), Sao (Hopea sp), Xoan mộc (Toona Febrifuga), các loài cây họ dầu như dầu nước (Dipterocaus Jourdanii), Dầu rái (Dip.altus), Dầu song nàng (Dip.dyeri) v.v...
2. Mật độ trồng:
- Mỗi rạch trồng một hàng cây.
- Đối với đa số các loài cây trồng, cự ly cây trong hàng bằng 1/3 đến 1/2 lần đường kính bình quân tán lá của cây ở tuổi khai thác. Riêng đối với các loài cây như Giổi, Sao, mật độ trồng 222 - 277 cây/ha (cự ly cây x hàng: 3 x 15m hoặc 3 x 12m)
- Cây trồng cách mép rừng tối thiểu 2m.
3. Tiêu chuẩn đất trồng:
- Cây con có bầu với thời gian trên 1 năm tuổi
- Chiều cao cây con phải lớn hơn 0,5m.
- Cây sinh trưởng bình thường, không bị sâu bệnh hay tổn thương cơ giới.
4. Chuẩn bị đất trồng:
- Xử lý thực bì trên rạch: Phát dọn cây bụi, dây leo. Chặt hoặc ken các cây gỗ nhỏ không có giá trị kinh tế cao. Chừa lại những cây gỗ lớn có giá trị kinh tế. Có thể đốt hoặc dọn tàn dư thực vật ra hai bên mép rạch và chú ý không để xảy ra cháy rừng.
- Đào hố: Kích thước hố tối thiểu 40 x 40 x 40cm. Khi đào hố, lớp đất mặt để riêng, lớp đất bên dưới để riêng hai bên hố. Lưu ý ở những chỗ đã có cây gỗ lớn kinh tế có đường kính trên 10cm: không cần phải đào hố trong phạm vi tán cây đó.
- Lấp hố: Lấp lớp đất mặt xuống trước, lớp đất dưới xuống sau, lấp đầy hố trước khi trồng từ 10 - 15 ngày.
- Trồng cây:
+ Phải chọn cây đủ tiêu chuẩn đem trồng.
+ Dùng tay xé bỏ vỏ bầu trước khi trồng, không được làm vỡ bầu hay biến dạng bầu.
+ Dùng cuốc đào một hố nhỏ ở trung tâm hố lớn, đặt cây sao cho phần rễ và thân cây ngay ngắn giữa hố, mặt trên của bầu thấp hơn mặt hố 1 - 2cm.
+ Lấp đất đầy hố, vun thêm đất vào quanh gốc cây.
5. Thời vụ trồng:
Trồng vào đầu mùa mưa khi thời tiết thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển cây trồng.
- Khu vực Đông Trường Sơn: Bắt đầu trồng từ 15 - 9 đến cuối tháng 10.
- Khu vực Tây Trường Sơn: Bắt đầu trồng từ 15 - 6 đến cuối tháng 7.
6. Trồng dặm: Trồng dặm sau khi trồng chính 1 tháng. Trong thời vụ trồng năm thứ hai, nếu tỷ lệ cây trồng chết vượt quá 10% thì phải trồng dặm kịp thời. Tiêu chuẩn cây trồng dặm theo quy định như đối với cây trồng chính.
Điều 6: Chăm sóc sau khi trồng:
Thời gian chăm sóc từ năm thứ 1 đến năm thứ 6.
Năm 1: (năm trồng): Chăm sóc 1 lần, 2-3 tháng sau khi trồng.
+ Phát sạch thực bì, dây leo trong rạch.
+ Dẫy cỏ, xới đất, vun gốc.
+ Quản lý bảo vệ rừng trồng.
Năm 2: Chăm sóc 3 lần.
+ Phát sạch thực bì, dây leo trong rạch: 3 lần.
+ Dẫy cỏ, xới đất, vun gốc: 2 lần.
+ Quản lý bảo vệ rừng trồng.
Năm 3: Chăm sóc 3 lần.
+ Phát sạch thực bì, dây leo trong rạch: 3 lần.
+ Dẫy cỏ, xới đất, vun gốc: 2 lần.
+ Quản lý bảo vệ rừng trồng.
Năm 4: Chăm sóc 2 lần.
+ Phát sạch thực bì, dây leo trong rạch: 2 lần.
+ Dẫy cỏ, xới đất, vun gốc: 1 lần.
+ Quản lý bảo vệ rừng trồng.
Đường kính dẫy cỏ, xới đất, vun gốc ≥ 0,8m
Năm 5, 6: Chăm sóc 2 lần/ năm
+ Nội dung chăm sóc chủ yếu phát sạch thực bì và luỗng phát dây leo trên băng trồng, tỉa cành.
+ Quản lý bảo vệ rừng trồng.
Từ sau năm thứ 6 cho đến khi cây trồng đạt chiều cao 8m. Trong trường hợp đặc biệt, có thể bổ sung 1 - 2 năm chăm sóc tiếp theo. Nội dung tiến hành là phát dọn thực bì trên băng trồng, chặt tỉa cây chồi, cây tạp tái sinh và cành nhánh chèn ép từ các băng chừa đối với cây trồng trên rạch. Thời gian chăm sóc vào đầu, giữa và cuối năm.
Sau lần chăm sóc cuối cùng cho đến 2/3 thời gian của chu kỳ khai thác, tiến hành một lần chặt nuôi dưỡng.
Rừng làm giàu từ sau năm thứ 6 trở đi phải được đưa vào giao khoán cho các hộ dân trên địa bàn để quản lý bảo vệ.
Điều 6: Thiết kế và lập hồ sơ làm giàu rừng.
Các nội dung của công tác thiết kế, lập hồ sơ và quy định về kiểm tra, nghiệm thu làm giàu rừng sẽ có hướng dẫn riêng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 7: Điều khoản thi hành.
Quy trình kỹ thuật tạm thời làm giàu rừng được áp dụng thống nhất cho các cơ sở sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai và có hiệu lực kể từ ngày ban hành