Sign In

CHỈ THỊ

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về tăng cường công tác đảm bảo an ninh học đường

.________________________

Cũng như tình hình chung của cả nước, tỉnh Gia Lai đang có sự phát triển nhanh và tích cực về kinh tế trong môi trường mở cửa, hội nhập; tuy nhiên bên cạnh sự phát triển ấy còn nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết, trong đó có vấn đề an ninh học đường. Trên địa bàn tỉnh ta, nhất là ở thành phố Pleiku, tình hình an ninh trong lứa tuổi thanh thiếu nhi thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp đã trở thành vấn đề bức xúc được cả xã hội quan tâm, lo lắng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2004, toàn tỉnh có 95 vụ phạm pháp hình sự với 150 đối tượng, hàng trăm trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ được xử lý, có nhiều vụ tai nạn thương tích ở lứa tuổi học sinh, sinh viên rất thương tâm. Trong khi đó, nhiều ngành, nhiều cấp còn thiếu sự quan tâm, còn xem đây là trách nhiệm và nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục - đào tạo và công an, thiếu sự phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự xã hội nói chung, an ninh cho lứa tuổi thanh thiếu niên nói riêng

Nhằm tăng cường về nhận thức và hành động về nhiệm vụ bảo đảm an ninh học đường, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể, các trường học tổ chức thực hiện các nội dung sau đây:

l- Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể có các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của từng cán bộ, công chức, từng người dân đối với nhiệm vụ bảo đảm an ninh học đường. Phải xem vấn đề an ninh học đường không chỉ theo nghĩa hẹp trong nhà trường mà đó còn là vấn đề bảo vệ các cháu thanh thiếu niên lứa tuổi học sinh tránh được những tệ nạn xã hội, là vấn đề bảo vệ các cháu cả trong đời sống, sinh hoạt và tinh thần ở mọi lúc, mọi nơi. Từ đó cùng với ngành giáo dục đào tạo và phụ huynh học sinh triển khai các kế hoạch phối hợp, cùng nhau quản lý con em chúng ta trong quá trình học tập ở nhà trường, sinh hoạt tại gia đình và cộng đồng, thực hiện các biện pháp tích cực đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên.

2- Ngành giáo dục - đào tạo thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ công nhân viên, giáo viên, học sinh; tăng cường các biện pháp tổ chức quản lý, theo dõi - nhất là các đối tượng cá biệt, có các biện pháp cụ thể để phòng tránh việc gây mâu thuẫn trong học sinh, ngăn chặn các hiện tượng bỏ học, thành lập băng nhóm, gây rối trong nhà trường dẫn đến hậu quả đáng tiếc đối với học sinh và các thầy cô giáo.

3- Công an các cấp phối hợp với nhà trường xây dựng chương trình phổ biến Luật giao thông đường bộ, các kiến thức về an ninh trật tự, an toàn xã hội để từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên để các em tự tham gia bảo vệ an ninh học đường trong qua trình học tập tại nhà trường, sinh hoạt tại cộng đồng. Theo dõi, điều tra phát hiện và phối hợp, hỗ trợ nhà trường ngăn kịp thời các hiện tượng đi học mang theo hung khí, gây rối trong nhà trường, xử lý nghiêm các học sinh chưa đến tuổi quy định đi học bằng xe máy. Đồng thời tổ chức các biện pháp hỗ trợ như: hộp thư tố giác, đường dây nóng, kiểm tra tụ điểm tập trung của các đối tượng thanh thiếu niên... tạo thuận tiện để nhà trường, phụ huynh, học sinh, sinh viên tố giác tội phạm, đồng thời phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho người tố giác.

4- Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em phối hợp với các ngành và các địa phương thực hiện chương trình phổ biến Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của từng cán bộ, công chức, từng người dân đối với trẻ em, đảm bảo cho các em có cuộc sống an toàn, vui tươi, hạnh phúc.

5- Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên, Hội đồng đội các cấp cùng với nhà trường tổ chức tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức cho Đoàn viên, Hội viên, Đội viên trong các trường học; tổ chức các phong trào, các sinh hoạt lành mạnh, thiết thực nhằm thu hút học sinh, sinh viên tham gia, đồng thời có các biện pháp phát hiện, phòng chống các hoạt động không lành mạnh

6- Các Hội, Đoàn thể các cấp xây dựng các chuyên đề để tuyên truyền giáo dục vận động các thành viên của tổ chức mình tăng cường giáo dục, thường xuyên quan tâm theo dõi, quản lý con em mình để cùng với nhà trường và toàn xã hội thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh cho trẻ em trong lứa tuổi học sinh.

 7- Các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền thích hợp nhằm truyền tải các chủ trương của Đảng và Nhà nước, các biện pháp phòng tránh tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường, tránh các tai nạn thương tích, kịp thời nêu những gương tốt và những bài học kinh nghiệm về an ninh học đường.

8 - Uỷ ban nhân dân các cấp báo cáo với cấp uỷ Đảng để xây dựng kế hoạch chuyên đề bảo đảm an ninh học đường và kịp thời chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch này một cách hiệu quả, thiết thực, kịp thời và phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Nhận được chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện và thường xuyên báo cáo kết quả tình hình an ninh học đường về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giáo dục - đào tạo)./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Thế Dũng