Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc ban hành Quy chế về tổ chức thôn, làng, buôn, tổ dân phố và nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng thôn, trưởng làng, trưởng buôn, tổ trưởng tổ dân phố

_________________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

- Căn cứ điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND (năm 1994);

- Căn cứ Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11-5-1998 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp và Trưởng ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế về tổ chức thôn, làng, buôn, tổ dân phố và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, Trưởng làng, Trưởng buôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

Điều 2: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức chính quyền tỉnh, các Giám đốc sở, các Thủ trưởng ban, ngành, các cơ quan, đơn vị UBND tỉnh, các Chủ tịch UBND huyện, thành phố, các Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Đào Quang Phổ

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC THÔN, LÀNG, BUÔN, TỔ DÂN PHỐ VÀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN, TRƯỞNG LÀNG, TRƯỞNG BUÔN, TỔ TRƯỞNG TỔ DÂN PHỐ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 61/1999/QĐ-UB ngày 29-7-1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

________________________

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: - Thôn, làng, buôn, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn) được hình thành theo cụm dân cư, địa lý tự nhiên và truyền thống văn hóa của cộng đồng do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) quản lý.

Thôn không phải là một cấp chính quyền nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, là nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi, nơi bàn bạc giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư, đảm bảo đoàn kết dân tộc, tôn trọng phong tục tập quán tốt đẹp, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống nhằm thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân.

Điều 2: Quy mô của thôn và việc chia tách, sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn được thực hiện theo Quyết định số 480/QĐ-UB ngày 24-5-1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.

Điều 3: Ở thôn có Trưởng thôn. Trưởng thôn do nhân dân trong thôn bầu qua hội nghị của thôn. Hình thức bầu: Bỏ phiếu kín hoặc giơ tay biểu quyết và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã phê duyệt.

Điều 4: Tiêu chuẩn của Trưởng thôn.

Trưởng thôn phải là công dân Việt Nam từ 21 tuổi trở lên và cư trú thường xuyên tại thôn; là người gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, có hiểu biết về quản lý Nhà nước và pháp luật, biết tổ chức và phát triển đời sống của nhân dân trong thôn; có khả năng đoàn kết, quy tụ, động viên được nhân dân, tận tụy với công việc và được nhân dân tín nhiệm.

Chương II

SINH HOẠT VÀ NỘI DUNG SINH HOẠT CỦA THÔN

Điều 5: Hội nghị thôn được tổ chức 3 tháng một lần hoặc họp bất thường, gồm toàn thể cử tri hoặc chủ hộ, do trưởng thôn phối hợp với Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể triệu tập và chủ trì nhằm:

1. Thảo luận và quyết định các công việc của thôn về sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, những vấn đề về văn hóa xã hội, vệ sinh môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội phù hợp với pháp luật Nhà nước.

2. Bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, các quyết định của Ủy ban nhân dân xã, nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ cấp trên giao.

3. Thảo luận, góp ý kiến về báo cáo kết quả công tác tự phê bình, kiểm điểm của Trưởng thôn, của Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND xã.

4. Thực hiện việc xây dựng Quy ước, hương ước của thôn; bầu, cho thôi chức Trưởng thôn; cử các ban, nhóm tự quản, ủy viên thanh tra nhân dân, tổ hòa giải, tổ bảo vệ sản xuất. Trong trường hợp bầu hoặc thôi chức Trưởng thôn thì phải có đại diện của Ủy ban nhân dân xã đến dự và chủ trì hội nghị.

Nghị quyết Hội nghị thôn có giá trị khi có ít nhất quá nửa số người dự họp biểu quyết tán thành và không trái với pháp luật.

Chương III

BẦU CỬ TRƯỞNG THÔN

Điều 6: Những người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị pháp luật tước quyền công dân, không bị tâm thần, không mất trí được tham gia bầu cử trưởng thôn. Cuộc bầu cử được tổ chức nếu có 2/3 số hộ dân trong thôn đến tham gia mới có giá trị; người trúng cử phải là người có số phiếu bầu cao nhất và đạt trên 50% số phiếu bầu. Trường hợp có từ 2 người trở lên ngang phiếu nhau sẽ bầu lại lần 2, nếu vẫn ngang phiếu nhau thì phải lập biên bản báo cáo Ủy ban nhân dân xã xét quyết định.

Điều 7: Ủy ban nhân dân xã ra Quyết định chỉ định Trưởng thôn trong các trường hợp sau đây:

- Thôn mới được thành lập, chia tách, sáp nhập;

- Đã tổ chức bầu cử Trưởng thôn hai lần, nhưng không ai trúng cử hoặc đối với những trường hợp có số phiếu ngang nhau.

Việc chỉ định Trưởng thôn có giá trị không quá 6 tháng, hết thời gian chỉ định phải  tổ chức bầu Trưởng thôn mới.

Điều 8: Trưởng thôn do Ủy ban nhân dân xã quản lý trực tiếp và có nhiệm kỳ hoạt động là 2 năm.

Điều 9: Trưởng thôn không hoàn thành nhiệm vụ, mất tín nhiệm với nhân dân, nếu có 2/3 số dân trong thôn yêu cầu bầu lại Trưởng thôn thì Ủy ban nhân dân xã xét quyết định cho nhân dân bầu lại Trưởng thôn mới.

Chương IV

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN

Trưởng thôn là người đại diện nhân dân thôn giúp Ủy ban nhân dân xã thực hiện công tác quản lý ở thôn, chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Ủy ban nhân dân xã.

Điều 10: Nhiệm vụ của Trưởng thôn.

1. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định, Chỉ thị của Ủy ban Nhân dân xã và thực hiện các nghĩa vụ công dân như nộp thuế, lao động công ích, nghĩa vụ quân sự, tham gia bảo vệ công trình của Nhà nước, tập thể trên địa bàn.

2. Phối hợp với Ban Công tác Mặt trận thôn chủ trì cuộc họp của thôn; tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị của thôn.

3. Phối hợp với tổ chức kinh tế, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể hướng dẫn, vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển ngành thủ công truyền thống, xoá đói giảm nghèo, phấn đấu phát triển kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh.

4. Vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, thực hiện chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình, bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh, phòng chống các dịch bệnh, vận động trẻ em đến trường, không bỏ học.

5. Giúp Ủy ban nhân dân xã trong công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, đăng ký tạm trú, tạm vắng trong thôn, phát hiện và báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng những hành vi vi phạm pháp luật trong thôn; phối hợp với các lực lượng và nhân dân bảo vệ hiện trường để cơ quan chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ.

6. Phối hợp, thực hiện hoà giải kịp thời các tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Chủ động điều hoà không để xảy ra đánh nhau, cãi nhau gây mất trật tự trong thôn.

7. Định kỳ 6 tháng một lần phải báo cáo công tác và phê bình kiểm điểm trước nhân dân tại Hội nghị thôn, hàng tháng có trách nhiệm công khai những khoản thu, những khoản đóng góp của nhân dân trong thôn (nếu có) trước nhân dân.

8. Hàng tuần phản ánh tình hình hoạt động của thôn với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Hằng tháng phải báo cáo bằng văn bản về tình hình công tác quản lý hành chính và ý kiến của nhân dân trong thôn lên Ủy ban nhân dân xã; chấp hành nghiêm chỉnh sự lãnh đạo của tổ chức Đảng cơ sở; có sổ sách ghi chép, lưu trữ đầy đủ số liệu, tình hình các mặt công tác được giao; tham gia đầy đủ các cuộc họp do cấp trên triệu tập. Khi  nghỉ công tác phải bàn giao đầy đủ sổ sách, số liệu và tình hình cho người thay thế, có sự chứng kiến của Ủy ban nhân dân xã.

Ngoài những nhiệm vụ trên, Trưởng thôn có trách nhiệm thực hiện những nhiệm vụ khác mà pháp luật, các cấp, các ngành quy định.

Điều 11: Quyền hạn và quyền lợi của Trưởng thôn.

a) Quyền hạn:

1. Trưởng thôn tổ chức nhân dân xây dựng Quy ước, Hương ước của thôn theo sự hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương.

2. Lập biên bản các trường hợp vi phạm pháp luật trên địa bàn và báo cáo về Ủy ban nhân dân xã xem xét xử lý, hoặc báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

3. Huy động tổ an ninh, tổ bảo vệ trong thôn để ngăn chặn hoặc bắt giữ người đang có hành vi phạm pháp quả tang và tội phạm đang bị truy nã, báo cáo ngay Ủy ban nhân dân xã giải quyết. Vận động nhân dân trong thôn thi hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân.

4. Được mời dự họp HĐND và UBND xã khi bàn về nội dung có liên quan đến thôn và có trách nhiệm trả lời chất vấn của đại biểu HĐND trong kỳ họp. Được phát biểu ý kiến nhưng không được biểu quyết.

5. Tổ chức họp nhân dân trong thôn 03 tháng một lần hoặc bất thường để bàn công tác và nghe ý kiến tham gia, góp ý, đề đạt nguyện vọng của nhân dân.

6. Được quyền xác nhận vào biên bản, đơn đề nghị hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, tập thể trong thôn làm cơ sở để cấp có thẩm quyền xét giải quyết. Khi xác nhận phải ghi rõ nội dung xác nhận và ý kiến của Trưởng thôn.

b) Quyền lợi:

1. Được bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, theo hình thức ngắn hạn do tỉnh, huyện tổ chức và được đài thọ kinh phí đi, về, ăn, ở trong thời gian học tập theo quy định hiện hành.

2. Trưởng thôn có thành tích xuất sắc trong công tác được Ủy ban nhân dân xã, huyện xét khen thưởng theo chế độ hiện hành. Nếu sai phạm thì tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Trưởng thôn được hưởng phụ cấp hoạt động phí hàng tháng theo quy định của pháp luật. Kinh phí phụ cấp hàng tháng do ngân sách xã chi trả (lấy từ nguồn chi thường xuyên của xã).

Chương V

MỐI QUAN HỆ CỦA TRƯỞNG THÔN

Điều 12: Trưởng thôn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã về những việc làm của mình trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Trưởng thôn báo cáo Ủy ban nhân dân xã theo định kỳ hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã; Trường hợp có những vấn đề mới phát sinh thuộc lĩnh vực quản lý hành chính trên địa bàn phải báo cáo ngay với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, khi cần giải quyết công việc của thôn mà không thuộc thẩm quyền của mình, Trưởng thôn làm việc với ủy viên Ủy ban nhân dân phụ trách lĩnh vực có liên quan để cùng xem xét giải quyết công việc theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã.

Điều 13: Trưởng thôn chịu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng ở cơ sở, có trách nhiệm thường xuyên báo cáo về tình hình thôn với Bí thư chi bộ và thực hiện theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn và Nghị quyết của chi bộ.

Điều 14: Trưởng thôn phối hợp với Ban Công tác của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể để tổ chức vận động nhân dân thực hiện tốt công việc của thôn và nhiệm vụ cấp trên giao đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công dân với Nhà nước.

Quan hệ với các thôn khác để giải quyết những công việc có liên quan đến phạm vi địa phận dân cư của mình được giao quản lý.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15: Các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt bản Quy chế này được xét khen thưởng, nếu vi phạm tuỳ mức độ nặng, nhẹ xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 16: Quy chế này được áp dụng thống nhất đối với các thôn, làng, tổ dân phố trong toàn tỉnh và có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 17: Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện những điểm bất hợp lý, chưa hợp thì phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Đào Quang Phổ