Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc ban hành quy định tạm thời cơ chế hỗ trợ kinh phí, vật tư, thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương

----------------------------------------------------

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

+ Căn cứ điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21-6-1994.

+ Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ "Về chính sách và cơ chế tài chính thực hiện kiên cố hoá kênh mương". Thông tư số 72/2000/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương và Thông tư số 134/1999/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Xét Tờ trình số 121/TT-SNN&PTNT-TL ngày 03 tháng 5 năm 2001 "V/v cơ chế hỗ trợ kinh phí, vật tư thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương". Ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính - Vật giá.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định tạm thời về việc cơ chế hỗ trợ kinh phí, vật tư thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Điều 2: Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp với các Sở: Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành quy định tạm thời cơ chế hỗ trợ kinh phí, vật tư cho chương trình kiên cố hoá kênh mương.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính - Vật giá, Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này. 

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

T/M UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CƠ CHẾ HỖ TRỢ KINH PHÍ, VẬT TƯ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HOÁ KÊNH MƯƠNG

(Kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-UB ngày 23-5-2001 của UBND tỉnh Gia Lai)

________________________

Để triển khai chương trình kiên cố hoá kênh mương nhằm mục đích nâng cao năng lực tưới ở các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, đồng thời huy động mọi khả năng đóng góp của người dân trong vùng hưởng lợi tham gia theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai quy định tạm thời về cơ chế hỗ trợ kinh phí, vật tư thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương như sau:

Điều 1: Quan điểm lựa chọn kênh mương để kiên cố hoá:

- Các tuyến kênh nổi, đất cát thấm lớn, kênh đi qua vùng địa chất xấu không ổn định, kênh đi qua vùng có địa hình phức tạp.

- Các công trình là hồ chứa, đập dâng, trạm bơm đầu mối được xây dựng kiên cố đã phục vụ ổn định diện tích tưới từ 10 ha trở lên.

- Các công trình có nguồn nước hạn chế nhưng phải phục vụ diện tích tưới lớn có khả năng mở rộng để khai thác.

- Ưu tiên đầu tư kiên cố các tuyến kênh chính, tuyến kênh xây dựng ở vùng có diện tích tưới lớn thiếu nước nghiêm trọng, dễ bị sạt lở, kênh xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa nhưng khai thác sử dụng có hiệu quả.

Điều 2: Cơ chế mức hỗ trợ kinh phí vật tư:

UBND tỉnh sẽ hỗ trợ vốn và vật tư chính để thực hiện đối với những công trình kiên cố hoá kênh mương thuộc diện quản lý của xã, vốn do nhân dân tự đóng góp để thực hiện phần nhân công. Mức đóng góp tuỳ thuộc vào khả năng của nhân dân ở từng địa phương trên cơ sở thông qua đại hội xã viên (những nơi có hợp tác xã) hoặc thông qua Hội đồng nhân dân xã.

Mức hỗ trợ kinh phí, vật tư (tính cho 1 km chiều dài kênh) như sau:

a) Kênh mương kiên cố bằng đá xây (M100):

- Loại mặt cắt kênh hình hộp có kích thước: Chiều rộng kênh b = 0,6 m; chiều cao kênh h = 0,8 m và chiều dài xây là 0,3 m.

+ Xi măng: 160 tấn (Một trăm sáu mươi tấn).

+ Tiền: 110 triệu đồng (một trăm mười triệu đồng).

- Loại mặt cắt kênh hình hộp có kích thước: Chiều rộng kênh b = 0,4 m; chiều cao kênh h = 0,6 m và chiều dài xây là 0,3 m.

+ Xi măng: 125 tấn (một trăm hai mưới lăm tấn).

+ Tiền: 95 triệu đồng (chín mươi lăm triệu đồng).

b) Kênh mương kiên cố bằng gạch thẻ xây (M75):

- Loại mặt cắt kênh hình hộp có kích thước: Chiều rộng b = 0,6 m; chiều cao kênh h = 0,8 m và chiều dày xây là 0,2 m.

+ Xi măng: 60 tấn (Sáu mươi tấn).

+ Tiền: 130 triệu đồng (một trăm ba mươi triệu đồng).

- Loại mặt cắt hình hộp có kích thước: chiều rộng kênh b = 0,4 m; chiều cao kênh h = 0,6 m và chiều dày xây là 0,2 m.

+ Xi măng: 45 tấn (bốn mươi lăm tấn)

+ Tiền: 105 triệu đồng (Một trăm lẻ năm triệu đồng).

Điều 3: Trình tự lập, xét duyệt thủ tục thiết kế dự toán và cấp phát nghiệm thu:

- Các công trình kiên cố hoá chủ yếu làm kênh cấp 3 (nước vào ruộng ngay) Nhà nước và nhân dân cùng làm, chỉ cần lập thiết kế và dự toán (có ý kiến tham gia của Sở Nông nghiệp & PTNT). Uỷ ban nhân dân các cấp huyện, thành phố phê duyệt và tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ vật tư, kinh phí. Sở Tài chính - Vật giá căn cứ quyết định hỗ trợ của tỉnh cho từng địa phương cấp phát bằng tiền hoặc bằng vật tư về cho huyện, thành phố. UBND huyện, thành phố thực hiện cấp phát cho từng xã, từng công trình thực hiện, tổ chức giám sát nghiệm thu, quyết toán theo quy định hiện hành (đối với phần vốn tỉnh vay để hỗ trợ thì áp dụng như đối với nguồn vốn trợ cấp có mục tiêu. Đối với phần vốn dân đóng góp áp dụng theo Nghị định 24/1999/NĐ-CP của Chính phủ).

Điều 4: Phân giao nhiệm vụ:

1. Ở tỉnh:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ tổng hợp bố trí kế hoạch cho từng dự án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

+ Sở Tài chính - Vật giá phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư, thực hiện cấp phát và theo dõi quyết toán đúng chế độ và các quy định của Nhà nước hiện hành.

+ Sở Nông nghiệp và PTNT có nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp đề xuất hỗ trợ vật tư kinh phí cho các huyện, thành phố trình UBND tỉnh duyệt, kiểm tra và báo cáo kết quả quá trình thực hiện.

2. Ở huyện, thành phố: UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo việc lập thủ tục kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn mình, huy động lực lượng kỹ thuật giúp các xã lập thiết kế dự toán trình duyệt để thực hiện.

3. Các xã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, vật tư thì có thể thành lập Ban Quản lý gồm:

- Trưởng ban: Là một đồng chí Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã.

- 01 kế toán: Là đồng chí có nghiệp vụ tài chính kế toán làm uỷ viên.

- 01 kỹ thuật: Là đồng chí có nghiệp vụ kỹ thuật làm uỷ viên.

- Lập Ban Giám sát có đại diện Hội đồng nhân dân xã..., Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, Hội Nông dân xã và đại diện của nông dân nơi có công trình.

Trong quá trình triển khai áp dụng quy định này ở các địa phương có gì vướng mắc báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết.

Quy định này áp dụng với các công trình kênh mương do dân đóng góp để làm, Nhà nước hỗ trợ.