Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc ban hành Phương án bán trả chậm nhà, vật liệu làm nhà ở

cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân thuộc diện chính sách

_______________________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994;

- Căn cứ Quyết định số 154/2002/QĐ-TTg, ngày 12/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ;

- Theo đề nghị của Liên Sở: Kế hoạch - đầu tư, Xây dựng, Tài chính - vật giá;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành Phương án giải quyết bán trả chậm nhà, vật liệu làm nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân thuộc diện chính sách.

Điều 2: Các Ông (bà) Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban ngành của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Nguyễn Vỹ Hà


PHƯƠNG ÁN

Về việc giải quyết bán trả chậm nhà, vật liệu làm nhà ở cho các
hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân thuộc diện chính sách

(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2003/QĐ-UB

ngày 02/4/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

________________

I. TÌNH HÌNH CHUNG

1/ Tình hình nhà ở của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai:

- Tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai ước khoảng 92.500 hộ, gồm 448.800 khẩu, trong đó:

+ Hộ sống ở vùng nông thôn: 90.527 hộ

+ Hộ sống ở vùng thành thị: 1.973 hộ

- Tổng số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số: 38.597 hộ, gồm 156.147 khẩu chiếm 42% tổng số hộ đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó:

+ Hộ sống ở vùng nông thôn: 29.086 hộ

+ Hộ sống ở khu vực đô thị: 1.531 hộ

2/ Tình hình nhà ở của đối tượng chính sách:

- Tổng số đối tượng thuộc diện chính sách trên toàn tỉnh: 27.983 đối tượng, trong đó:

+ Số đối tượng đã được hỗ trợ 3.000.000 đồng: 4.652 đối tượng.

+ Số hộ được hỗ trợ theo Quyết định 20/TTg của Thủ tướng Chính phủ: 16 đối tượng, với số tiền 572.119.000 đ.

+ Số hộ được hỗ trợ theo Quyết định 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ: 14 hộ, với số tiền 454.813.000 đ.

Theo thống kê 80% số hộ đồng bào dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh đã có nhà ở; số chưa có nhà ở, nhà ở chung nhiều thế hệ chiếm tỷ trọng không lớn (khoảng 20%). Đặc điểm đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Gia Lai tuy điều kiện kinh tế nghèo hơn nhưng hầu hết đã có nhà mặc dù chưa kiên cố, nhu cầu cải thiện, sửa chữa nhà ở là số đông, số nhà xây mới hoàn toàn không lớn. Mặt khác, vật liệu làm nhà tại địa phương tương đối phong phú và khai thác tại địa phương tương đối thuận lợi.

Nhìn chung các đối tượng cần hỗ trợ hiện nay đều ở nhà tạm hoặc cấp 4, đã hư hỏng, nhiều hộ ở chung một nhà, nhiều thế hệ, chưa đáp ứng điều kiện tối thiểu so với mặt bằng chung xã hội.

II. MỤC TIÊU CỦA PHƯƠNG ÁN

Đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ thuộc diện chính sách có cuộc sống ổn định, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, hạn chế thấp nhất tập tục du canh, du cư, bảo vệ môi trường thiên nhiên, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn toàn tỉnh.

III. NGUYÊN TẮC BÁN NHÀ, VẬT LIỆU LÀM NHÀ Ở TRẢ CHẬM CHO CÁC ĐỐI TƯỢNG:

1/ Có đơn xin mua nhà ở hoặc mua vật liệu làm nhà ở.

2/ Có cam kết trả nợ đúng hạn được chính quyền địa phương xác nhận.

3/ Là những hộ có khó khăn về nhà ở, đất ở.

4/ Có cam kết mua nhà, mua vật liệu làm nhà chỉ dùng vào mục đích để ở không bán, cầm cố, thế chấp dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian chưa trả hết nợ.

5/ Có khả năng đóng góp của hộ xin mua nhà trả chậm bằng công sức và vật liệu xây dựng của gia đình, dòng họ, thôn bản.

IV. ĐỔI TƯỢNG ĐƯỢC MUA NHÀ TRẢ CHẬM:

1/ Là đồng bào dân tộc thiểu số ở tại chỗ có khó khăn về nhà ở (hộ chưa có nhà ở, có nhà ở tạm, nhà ở hư hỏng nặng). Ưu tiên trước hết cho những đối tượng nghèo chưa có nhà ở, gia đình neo đơn, tật nguyền, không nơi nương tựa.

2/ Là những hộ thuộc diện chính sách, trước mắt là những hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và hộ dân có khó khăn nhà ở mà chưa được hỗ trợ lần nào.

3/ Đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất ở thì chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí đất ở cho các hộ theo Quyết định 96/2002/QĐ-UB ngày 03/12/2002 của UBND tỉnh Gia Lai V/v ban hành Quy định giải quyết đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, kết hợp với việc bán nhà trả chậm.

V. KẾT CẤU, KINH PHÍ HỖ TRỢ XÂY DỰNG NHÀ Ở:

- Kết cấu nhà ở: Là nhà sàn bằng bê tông cốt thép Lắp ghép, nhà gỗ hoặc nhà trệt cấp 4 theo thiết kế định hình có diện tích sàn 42m2, diện tích sử dụng 30m2.

+ Đối với các hộ có khung nhà còn bền vững hoặc đã chuẩn bị được cột gỗ nhưng phần mái, bao che, tấm lát sàn hư hỏng thì hỗ trợ bằng vật liệu địa phương tận thu như: Gỗ, ván, tôn, vật liệu phụ khác, mức hỗ trợ cho vay tối đa là 7 triệu đồng ưu đãi theo Quyết định 154/2002/QĐ-TTg, ngày 11/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Đối với những hộ chưa có nhà ở hoặc nhà ở còn tạm bợ, tuỳ theo trường hợp (hộ ít người hay đông người), sẽ khảo sát thực tế để đưa ra quy mô diện tích nhiều loại nhà phù hợp trên cơ sở vật liệu hiện có của địa phương như gỗ xẻ, tôn lợp nhà, thép cuốn hay bê tông đúc sẵn. Mức vay tối đa là 7 triệu đồng ưu đãi theo Quyết định 154.

VI. THỦ TỤC XIN MUA NHÀ, VẬT LIỆU LÀM NHÀ Ở VÀ THỜI HẠN TRẢ NỢ

Hồ sơ mua nhà gồm:

1/ Đơn xin mua nhà ở, vật liệu làm nhà ở (có mẫu) có xác nhận và đề xuất của chính quyền địa phương sở tại.

2/ Văn bản cam kết trả nợ đúng hạn được chính quyền địa phương xã  (phường, thị trấn) sở tại xác nhận.

3/ Hợp đồng mua nhà ở với đơn vị thi công có chứng kiến của UBND xã (phường, thị trấn).

4/ Hộ dân chỉ được nhận nhà, vật liệu làm nhà ở trả chậm sau khi đã ký hợp đồng nhận mua nhà ở trả chậm với chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Gia Lai.

5/ Lãi suất trả 3%/năm.

6/ Thời hạn trả nợ: 10 năm, bắt đầu trả từ năm thứ 6 kể từ thời điểm ký hợp đồng nhận nợ mua nhà.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Chủ tịch UBND huyện, thành phố:

- Chỉ đạo UBND cấp dưới tiến hành phổ biến Quyết định 154/2002/QĐ-TTg ngày 11/11/2002 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn để nhân dân biết chương trình này.

- Hướng dẫn các hộ đăng ý mua nhà, mua vật liệu làm nhà ở trả chậm hoặc sửa chữa nhà ở tại UBND xã, phường, thị trấn.

- Chỉ đạo phòng, ban nghiệp vụ phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tiến hành khảo sát đo vẽ nhà ở, đất ở. Đánh giá hiện trạng chất lượng còn lại của nhà ở, đề xuất phương án (làm nhà mới hay cải tạo sửa chữa), hướng quy hoạch khu ở cho các cụm dân cư mới phù hợp điều kiện đất ở của từng địa phương.

- Lập danh sách các hộ đăng ký và cam kết mua nhà tổng hợp gửi về Ban chỉ đạo tỉnh (Sở Xây dựng) để tổng hợp, báo cáo, xét duyệt.

- Thực hiện giám sát xây dựng, cải tạo nhà ở theo thiết kế được duyệt.

- Phối hợp các Sở, ban, ngành và Ngân hàng chính sách xã hội nghiệm thu bàn giao, giám sát việc ký hợp đồng nhận nợ mua nhà trả chậm ở địa phương mình quản lý.

- Cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội giám sát và đôn đốc việc trả nợ đúng định kỳ của các đối tượng mua nhà hoặc vay cải thiện nhà ở.

- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở sau khi đối tượng mua nhà, cải tạo sửa chữa nhà ở đã trả hết nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

2/ Giám đốc Sở Xây dựng có trách nhiệm:

- Lập thiết kế mẫu nhà ở (thiết kế định hình) phù hợp với phong tục tập quán của từng dân tộc trên cơ sở nguồn kinh phí lãi suất trả chậm và khả năng đóng góp của dân.

- Tiến hành quy hoạch chi tiết đất ở cho từng cụm dân cư, từng nhóm nhà phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương và từng dân tộc.

- Chỉ đạo đôn đốc việc thi công xây dựng nhà ở theo đúng thiết kế, kế hoạch mà hai bên đã ký kết hợp đồng được duyệt quyết toán bàn giao nhà ở đúng quy định về xây dựng cơ bản hiện hành.

- Phối hợp với UBND huyện, thành phố và các Sở, ban, ngành đề xuất các giải pháp và hình thức hỗ trợ để thực hiện chính sách hỗ trợ phù hợp với điều kiện từng địa phương.

- Tổng hợp, phân tích kết quả các cơ chế chính sách, hình thức hỗ trợ theo Quyết định 154/2002/QĐ-TTg có phân theo khu vực đô thị và nông thôn trình Ban chỉ đạo và UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

- Thẩm định dự án quy hoạch, thiết kế kỹ thuật, xây dựng cải tạo sửa chữa nhà ở thuộc diện theo Quyết định 154/2002/QĐ-TTg.

3/ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Có trách nhiệm triển khai và lập danh sách đối tượng thuộc diện chính sách cần được cải thiện nhà ở và nhu cầu sử dụng của các gia đình chính sách theo Quyết định 154/2002/QĐ-TTg. Chú ý các đối tượng ưu tiên.

4/ Sở Tài chính - vật giá, Kế hoạch Đầu tư: Căn cứ kế hoạch đầu tư xây dựng và cải tạo cải thiện nhà ở lập kế hoạch vốn do ngân sách trung ương cấp kể cả phần bù lãi suất hàng năm, phần vốn do Ngân hàng Chính sách huy động. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc chế độ thanh quyết toán kinh phí xây dựng cơ bản đối với công tác cải thiện nhà ở cho các đối tượng.

5/ Ngân hàng Chính sách xã hội: Có trách nhiệm thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay theo Quyết định 154/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

6/ Ban Dân tộc & tôn giáo: Trên cơ sở Quyết định số 154/2002/QĐ-TTg, phối hợp với Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động, phổ biến, tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số được biết sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến nhà ở của đồng bào.

7/ Kế hoạch triển khai:

- Trong năm 2003 thực hiện thí điểm 200 hộ sau đó tổng kết rút kinh nghiệm để năm 2004 mở ra diện rộng.

- Giao Sở Xây dựng làm việc với Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Vinaconex, tiến hành xây dựng nhà máy chế tạo nhà khung theo thiết kế định hình. Trước mắt tập trung xây dựng nhà máy sản xuất cấu kiện lắp ráp tại khu công nghiệp Trà Đa. Tiến hành sản xuất một số mẫu nhà giao cho UBND các huyện để đồng bào được biết và lựa chọn./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà