Sign In

CHỈ THỊ

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc củng cố tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở

_________________

Ngày 25-12-1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh 09/1998/ PL-UBTVQH “về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở”, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18-10-1999 quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh về tổ chức và hoạt động tổ hòa giải ở cơ sở. Những năm qua, hoạt động của các tổ hòa giải đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, củng cố khối đoàn kết toàn dân, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, phần lớn các tổ viên tổ hòa giải hoạt động tích cực, nhiệt tình, kịp thời giải quyết những xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần làm giảm đáng kể số vụ việc phải đưa đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, ổn định trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động hòa giải đã củng cố, kiện toàn tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở, nhìn chung chưa được các cấp chính quyền, các cơ quan hữu quan quan tâm một cách đúng mức. Nhiều nơi còn chưa thành lập được tổ hòa giải, hoặc có nhưng chưa đi vào nề nếp, hoạt động kém hiệu quả; đa số thành viên tổ hòa giải chưa nắm được văn bản pháp luật mới, ý thức của nhân dân còn hạn chế về nhiều mặt đặc biệt là kiến thức pháp luật của Nhà nước; một số tổ hòa giải ở cơ sở vẫn còn giải quyết theo những tập tục lạc hậu về mê tín dị đoan trong nhân dân...

Để tạo cơ sở pháp lý vững chắc và nhằm nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở, khắc phục những mặt yếu kém việc tổ chức hoạt động hòa giải trong nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân huyện và thành phố Pleiku chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tiến hành tổ chức cho cán bộ, nhân dân học tập các nội dung Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Phòng Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, các đoàn thể nhân dân tham mưu giúp cấp ủy Đảng và Chính quyền địa phương trong việc xây dựng, củng cố tổ chức và hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở; thường xuyên tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác hòa giải bằng nhiều hình thức, đặc biệt cần nêu những điển hình, gương người tốt, việc tốt; giúp nhân dân nhận thức được tầm quan trọng về công tác hòa giải, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, từng bước đổi mới và nâng cao phát động phong trào thi đua trong công tác hòa giải đạt hiệu quả cao hơn.

2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp lựa chọn, giới thiệu người đủ năng lực hành vi dân sự, có uy tín trong nhân dân, có trách nhiệm trong công tác hòa giải để dân bầu làm tổ viên tổ hòa giải ở cơ sở làng, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư nơi tổ hòa giải hoạt động. Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng tận cơ sở nhân dân; có trách nhiệm bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho tổ hòa giải theo sự hướng dẫn của cơ quan Tư pháp cấp trên; tổ chức sơ kết, tổng kết công tác hòa giải; tổ chức thi đua khen thưởng công tác hòa giải ở địa phương. Đồng thời, tiếp tục hoạt động củng cố, kiện toàn, công nhận tổ chức công tác hòa giải theo quy định của Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18-10-1999 của Chính phủ.

3. Sở Tư pháp là cơ quan chuyên môn, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn việc hòa giải ở cơ sở; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác hòa giải; chỉ đạo các phòng Tư pháp huyện, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp lý và nghiệp vụ công tác hòa giải cho các thành viên tổ hòa giải. Phối hợp cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Luật gia, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác hòa giải. Thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật sâu rộng về công tác hòa giải cho cán bộ và nhân dân; đưa tin pháp luật mới về công tác hòa giải; tổ chức sơ kết, trao đổi kinh nghiệm giữa thành viên tổ hòa giải của các địa phương; hàng năm khen thưởng cho những người có thành tích xuất sắc trong tổ chức và hoạt động công tác hòa giải; định kỳ 6 tháng, hằng năm báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp theo dõi chỉ đạo.

4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố Pleiku và các xã, phường và thị trấn trong tỉnh, nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị này của Ủy ban nhân dân tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trong nhân dân đạt kết quả tốt.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà