Sign In

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc phê duyệt quy hoạch chung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Gia Lai

_____________________________

 ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

- Căn cứ Điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND ban hành ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ Quản lý Quy hoạch đô thị;

- Căn cứ Quyết định số 1727/QĐ-BXD ngày 22/01/2001 của Bộ Xây dựng v/v phê duyệt nhiệm vụ dự án khảo sát, quy hoạch chung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Gia Lai;

- Căn cứ Thoả thuận số 240/BXD-KTQH ngày 18/2/2003 của Bộ Xây dựng v/v thẩm định nội dung quy hoạch chung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Gia Lai;

- Xét Tờ trình số 187/TT-XD ngày 05/5/2003 của Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai về việc xin phê duyệt quy hoạch chung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Gia Lai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Nay phê duyệt quy hoạch chung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Gia Lai với những nội dung sau:

1/ Tên dự án: Quy hoạch chung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Gia Lai.

2/ Chủ đầu tư dự án quy hoạch: Bộ Xây dựng.

3/ Tính chất: Là hành lang giao thông - hạ tầng kỹ thuật, trục phát triển kinh tế, trục phân bố dân cư chủ đạo của Tỉnh; Có vị trí quan trọng về mặt quốc phòng - an ninh.

4/ Phạm vi, ranh giới và quy mô lập quy hoạch:

+ Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch:

Dọc hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai có tổng chiều dài 101 km với chiều rộng trung bình 2km.

+ Quy mô đất đai:

Tổng diện tích đất đai trong phạm vi nghiên cứu là 21.000 ha.

+ Quy mô dân số:

Hiện trạng: 151.000 người (trong đó dân số đô thị 116.065 người; Dân số nông thôn: 34.935 người)

5/ Nội dung quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến:

5.1. Dự báo đô thị hóa dọc tuyến:

Dự báo tỷ lệ đô thị hóa cao, vì vậy dự báo tỷ lệ đô thị hóa 30 - 35% (2000) - 40% - 42% (2010).

Tốc độ phát triển đô thị hóa: Bình quân 1% năm 2000 -1,2% năm 2010.

5.2. Dự báo quy mô dân số:

Năm 2010: 241.000 người (trong đó dân số đô thị 195.500 người; dân số nông thôn 45.500 người);

Năm 2020: 329.800 người (trong đó dân số đô thị 275.000 người; dân số nông thôn 58.800 người);

5.3. Hình thành trục đô thị hóa:

- Trục đô thị hóa Quốc lộ 14: Đây là trục quan trọng và đô thị hóa mạnh nhất của Tỉnh. Trục nằm suốt dọc dải có nhiều tiềm năng; Khai thác chế biến về nông lâm sản, thuận lợi cho việc tập trung các trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch và dân cư  là trục xương sống và đầu mối cho các trục của toàn vùng và liên vùng. Hướng phát triển theo quốc lộ 14 nối Chư Pah - Pleiku - Chư Sê, hướng phát triển này cho phép gắn kinh tế - du lịch Gia Lai với vùng Tây Nguyên và các vùng ven biển.

- Trục đô thị hóa quốc lộ 19: Đoạn trục giao lưu quốc tế với Căm Pu Chia, là trục quan trọng và đô thị hóa mạnh thứ 2, nối Quy Nhơn - Gia Lai và Căm Pu Chia. Hướng phát triển theo trục Đông Tây, nối Đức Cơ - Pleiku, thị xã An khê, thị trấn Mang Yang, thị trấn Chư Ty, thị trấn cửa khẩu Đức Cơ và các trung tâm thị tứ, cụm xã, trung tâm xã.

- Trục đô thị hóa Quốc lộ 25: Là trục quan trọng và đô thị hóa mạnh thứ ba nối với Tuy Hòa thông qua Quốc lộ 1A tới các tỉnh duyên hải miền Trung. Với khả năng khai thác, chế biến lâm sản, dịch vụ thương mại và du lịch nghỉ mát. Trục đô thị hóa này nằm trong 3 huyện thị (Krôngpa - Ayunpa - Chư Sê - Pleiku) có số lượng thị trấn, thị tứ tập trung khá nhiều.

5.4. Định hướng về hướng tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các đô thị:

- Giai đoạn trước mắt tuyến đường vẫn đi trên Quốc lộ 14 hiện hữu xuyên qua các đô thị.

- Giai đoạn sau xác định theo quy hoạch:

+ Đoạn đi qua thành phố Pleiku: hướng tránh đô thị về Phía Tây (phương án 1) so với quốc lộ 14 cũ (Hướng tránh Phía Đông, Tỉnh sẽ thực hiện theo phương án quy hoạch của Tỉnh).

+ Đoạn đi qua thị trấn Phú Hòa: hướng tránh đô thị về phía Tây quốc lộ 14 cũ.

+ Đoạn đi qua trị trấn Chư Sê: hướng tránh đô thị về phía Đông quốc lộ 14 cũ.

5.5. Định hướng quy hoạch hệ thống dân cư dọc tuyến:

Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai có 33 điểm dân cư, bao gồm: 5 đô thị và 28 điểm dân cư tập trung.

Trong đó:

+ 01 thành phố: Thành phố Pleiku (đô thị loại II- dự kiến)

+ 01 thị xã: thị xã Chư Sê (đô thị loại IV - dự kiến)

+ 03 thị trấn: 01 thị trấn cũ Phú Hòa, 02 thị trấn mới: Nhơn Hòa và IaLe (đô thị loại V)

+ Cải tạo 28 điểm dân cư làng bản và dự kiến phát triển 3 điểm dân cư tập trung mới dọc tuyến.

 Trong toàn bộ 33 điểm dân cư dọc tuyến: Cải tạo, nâng cấp 7 điểm trung tâm cụm xã  trên tuyến trở thành các hạt nhân phát triển, tạo động lực thúc đẩy các điểm dân cư nông thôn trong vùng (như các trung tâm cụm xã Ia Khươi, Hòa Phú, Biển Hồ, IaBăng, Nhơn Hòa, IaLe).

6. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

6.1. Các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng:

- Cấp điện sinh hoạt: 100 W/người/ngày đêm cho 100% dân cư thị trấn, thị tứ, 200W/người/ngày đêm cho 100% dân cư thị xã.

- Cấp nước sinh hoạt cho các đô thị: 100 lít/người/ngày đêm cho 90% dân cư.

- Thoát nước thải: Tính bằng 80% lượng nước cấp.

- Thoát nước mưa: Sử dụng hệ thống cống chung, rãnh xây đậy đan BTCT hoặc cống tròn BTCT.

- Giao thông: Mật độ lưới đường 7.5km/km2

- Rác thải: 1kg/người/ ngày

6.2. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật các điểm dân cư dọc tuyến đến năm 2010.

6.2.1.  Chuẩn bị kỹ thuật khu đất xây dựng.

+ San nền:

- Qui hoạch phát triển các điểm dân cư chủ yếu là tận dụng quĩ đất hiện có.

- Cần kết hợp trồng rừng bảo vệ sườn dốc, cải tạo môi trường, ngăn ngừa lũ quét ở một số khu vực dự báo có khả năng xảy ra.

- Tận dụng nền đất tự nhiên, san ủi cục bộ để tạo mặt bằng xây dựng cho khu vực trung tâm các thị trấn và các công trình lớn có mặt bằng xây dựng rộng.

- Các trục đường quy hoạch: San ủi tạo điều kiện cho các phương tiện giao thông thô sơ hoạt động trong giai đoạn chưa có kinh phí xây dựng đường hoàn chỉnh..

+ Thoát nước mưa:

- Tận dụng tự chảy theo địa hình tự nhiên đổ ra các khe núi, sông suối.

-  Cải tạo hệ thống thoát nước các đô thị hiện có, xây mới hệ thống thoát nước mặt, phát triển đồng bộ với hệ thống giao thông.

6.2.2. Giao thông:

- Xây dựng các tuyến giao thông chính tạo tiền đề phát triển hoàn thiện hệ thống giao thông tương lai.

- Xử lý kè đá, xây tường chắn mới tạo các đoạn đường nằm trên sườn dốc để tránh lún sụt đường.

- Xây dựng các cống ngang hoàn chỉnh đảm bảo thoát nước tốt nhất, tránh gây ảnh hưởng của mưa lũ đến tuyến đường.

- Hạn chế đến mức thấp nhất việc lưu thông trực tiếp của các phương tiện giao thông và người đi bộ với đường Hồ Chí Minh.

- Tiến hành xây dựng các tuyến đường gom tại các điểm đô thị, lựa chọn các điểm giao cắt và hình thức giao cắt phù hợp với quy mô tính chất của từng đô thị. Chủ yếu nên sử dụng các loại giao cắt đồng mức hoặc giao đơn khác mức để giảm kinh phí.

6.2.3. Cấp nước:

- Hoàn thiện, nâng cấp hệ thống cấp nước cho thành phố Pleiku, đảm bảo cung cấp với tiêu chuẩn 200l/người/ngày đêm cho 90% dân cư.

- Đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho các thị trấn Phú Hòa, Chư Sê, Nhơn Hòa đảm bảo cung cấp với tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày đêm cho 90% dân cư.

- Các cụm dân cư nhỏ dọc tuyến: Với những điểm dân cư gần nguồn nước thì xây dựng các trạm cấp nước tập trung đảm bảo chất lượng. Những nơi dân cư phân tán, xa nguồn nước, không có khả năng xây trạm cấp nước thì cần hỗ trợ nhân dân phát triển các bể chứa nước mưa, đào giếng khơi, giọt nước hoặc đào giếng.

6.2.4. Hệ thống cấp điện:

 Phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% số dân thị xã, thị trấn được cung cấp điện với tiêu chuẩn 150w/người. Lắp đặt hoàn chỉnh trạm trung gian Gia Lai 220/110/35kv - 2x25MVA, cải tạo hoàn chỉnh lưới điện 35/22KV đi các thị trấn huyện lỵ.

Dự kiến xây dựng trạm biến thế 110/35Kv Chư Sê cấp điện cho thị trấn Chư Sê và các khu phụ cận.

Xây dựng bổ xung các trạm biến thế 35/22/0,4 Kv tại các thị trấn thị tứ nhằm đảm bảo nhu cầu cấp điện theo kịp sự phát triển của đô thị.

Xây dựng  đường dây 35/22Kv và các trạm hạ áp 35/22/0,4Kv đến các xã chưa có điện lưới quốc gia.

Xây dựng hoàn chỉnh lưới điện hạ thế và điện chiếu sáng đèn đường cho các thị xã và thị trấn.

6.2.5. Thoát nước thải vệ sinh môi trường:

- Sử dụng hệ thống thoát nước chung cho các đô thị, nước thải từ các hộ dân cư phải qua bể tự hoại trước khi đổ vào hệ thống thoát nước mưa.

Nước thải công nghiệp, bệnh viện bắt buộc phải xử lý đạt tiêu chuẩn loại B theo TCVN - 5945-195 trước khi thải ra hệ thống thoát nước chung.

+ Thu gom, xử lý chất thải rắn:

- Tiêu chuẩn chất thải rắn sinh hoạt 1kg/người/ngày. Tăng cường năng lực thu gom chất thải rắn tại các đô thị, phấn đấu đạt tỷ lệ thu gom là 80%.

- Quy hoạch lựa chọn vị trí thích hợp các bãi chôn lấp hợp vệ sinh cho các đô thị.

- Chất thải y tế: Thu gom 100% và phải được xử lý bằng phương pháp đốt.

- Chất thải công nghiệp: Phải được xử lý triệt để tại các nhà máy trước khi thải ra ngoài.

7. Quy hoạch phát triển các khu chức năng:

7.1. Các khu công nghiệp

1. Khu công nghiệp Trà Đa.

- Địa điểm: xã Chư Á và Trà Đa - thành phố Pleiku (phía Đông thành phố).

- Diện tích:120ha.

- Loại hình công nghiệp: Vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, đồ hộp, hàng tiêu dùng.

2. Khu công nghiệp Hàm Rồng.

- Địa điểm: phía Nam thành phố Pleiku

- Diện tích: 150 đến 200 ha.

- Loại hình công nghiệp: Vật liệu xây dựng, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản, cà phê.

3. Cụm công nghiệp Chư Păh.

- Địa điểm: huyện Chư Păh

- Diện tích: 50 - 100ha.

- Loại hình công nghiệp: Vật liệu xây dựng, chế biến cao su, hóa chất, phân bón.

4. Cụm công nghiệp Bắc Hàm Rồng.

- Diện tích: 100ha, đã hình thành trong những năm qua.

- Loại hình công nghiệp: chế biến nông sản

5. Cụm công nghiệp Chư Sê.

- Diện tích: 100 ha.

- Loại hình công nghiệp: Chế biến nông sản, vật liệu xây dựng.

7.2. Các khu, điểm du lịch và dịch vụ:

Phát triển du lịch của tỉnh theo 2 trục sau:

1.  Theo Quốc lộ 14 nối Chư Păh - Pleiku - Chư Sê:

Hướng phát triển này cho phép gắn du lịch Gia Lai với du lịch vùng Tây Nguyên và các vùng du lịch ven biển.

2. Theo trục Đông Tây và Đông Nam:

Nối Đức Cơ - Pleiku - An Khê - KBang theo trục 19 và Đức Cơ - Chư Păh - Ayunpa theo trục đường 25. Hướng phát triển này cho phép khai thác các tiềm năng du lịch to lớn ở phía đông tỉnh, gắn với khu du lịch Văn Phong - Đại Lãnh.

3. Các điểm du lịch khai thác và sử dụng:

- Biển Hồ (Hồ Tơ Nưng)

- Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và Kon Ka King.

- Hồ YaLy; hồ Ayun Hạ; núi Hàm Rồng.

- Huyện An Khê: Các khu di tích lịch sử: An Khê Đình, Gò Chợ, hòn đá Ông Bình, hòn đá Ông Nhạc, Tây Sơn thượng đạo.

- Huyện KBang: Làng kháng chiến Stở, Vườn Mít, cánh đồng Cô Hầu.

- Huyện Kong Chro: Kho tiền và nền nhà Ông Nhạc, thác YaMa, Yarung.

- Huyện Chư Prông: Đồn PleiMe, thung lũng IaĐrăng.

- Huyện ChưPăh: Làng dân tộc JơRai.

- Huyện Chư Sê: Làng vườn Nhơn Hòa, thác Phú Cường, Kon Thoa, Làng A.

- Huyện AyunPa: Thác suối tiên, di tích vua lửa (Pơ tao Pui)

- Huyện Mang Yang: Cụm các làng dân tộc Bahna

7.3 . Các điểm dừng chân và dịch vụ công cộng:

1. Các điểm dừng chân:

+ Pleiku - Biển Hồ

+ Nhơn Hòa - Chư Sê

2. Dịch vụ cung cấp xăng dầu:

+ Gắn với phục vụ phát triển giao thông

+ Gắn với phục vụ dân cư.

+ Gắn với phục vụ sản xuất.

8. Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm thị trấn Nhơn Hòa - Chư Sê:

8.1. Vị trí, giới hạn khu đất, qui mô thiết kế:

1. Vị trí, giới hạn:

Thị trấn Nhơn Hòa thuộc địa phận xã Nhơn Hòa huyện Chư Sê

- Phía Đông giáp: đường Hồ Chí Minh dự kiến

- Phía Tây giáp: Quốc lộ 14

2. Diện tích khu đất:

Tổng diện tích quy hoạch chi tiết khu trung tâm thị trấn là: 45ha

8.2. Tính chất:

Theo định hướng trước mắt là thị trấn thuộc huyện Chư Sê, tương lai trở thành thị trấn huyện lị.

8.3. Qui mô dân số:

- Hiện trạng dân số là: 4.800 người

-  Dự báo cho các năm sau:

+ Đến năm 2007:   10.000 người

+ Đến năm 2012:    15.000 người

8.4. Định hướng quy hoạch xây dựng thị trấn:

1. Hướng chọn đất phát triển không gian và phân khu chức năng:

- Khu trung tâm nằm ở phía Đông thị trấn, nằm trên dãy đất cao nhất. Khối trung tâm chính trị các phòng ban nằm dọc theo trục đường đôi vuông góc với trục đường Quốc lộ 14.

- Khu công viên cảnh quan là điểm kết nối giữa các khu chức năng với nhau, tạo điểm nhấn tốt cho đô thị.

- Khu trung tâm thương mại ở vị trí nông trường Nam Phú Nhơn hiện nay.

- Khu văn hóa - giáo dục thể thao kết hợp với hệ thống cây xanh nằm về phía Đông thị trấn, chạy dọc theo trục đường song hành với đường Hồ Chí Minh (dự kiến).

-  Các trường học nhà trẻ, mẫu giáo bố trí đan xen vào các khu dân cư.

- Khu ở: Phần lớn giữ nguyên các khu ở hiện có, quy hoạch một số khu tái định cư cho các hộ nằm trong diện giải tỏa và các hộ từ nơi khác đến.

- Khu nghĩa địa, bãi rác trung tâm bố trí về hướng Tây - Bắc thị trấn, nằm ngoài khu trung tâm và phía trước khu Công viên mặt nước dự kiến.

2. Bảng cân đối sử dụng đất đai:

TT

Loại đất

Chỉ tiêu (m2/người)

Diện tích (ha)

Tỉ lệ (%)

1

Đất ở

60

10

22

2

Đất CTCC

20

25

56

3

Đất giao thông

12

8

18

4

Đất cây xanh

8

2

4

 

 

100

45

100

 

3. Quy hoạch chi tiết khu trung tâm:

a. Khu trung tâm chính trị - hành chính:

Các khối: Huyện ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc nằm ở phía Đông thị trấn, trên trục đường đôi vuông góc với Quốc lộ 14.

Các khối: Viện kiểm sát, Tòa án trên trục đường chính, Khối Công an, Huyện đội ở hai đầu vào thị trấn.

Khối các phòng ban tổ chức thành từng cụm phía Đông và Đông Bắc khu trung tâm chính trị, dọc theo trục chính đô thị.

Trung tâm y tế ở phía Đông - Nam thị trấn thoáng mát và bán kính phục vụ tốt.

b. Khu trung tâm thương mại dịch vụ:

Trên cơ sở quy hoạch chỉnh trang các khu ở, hình thành các dãy phố trung tâm mang tính dịch vụ cao, đáp ứng được bán kính phục vụ cũng như khả năng giao lưu. Bến xe đặt phía nam thị trấn trên đường quốc lộ 14, phía ngoài khu trung tâm.

c. Khu thể thao, văn hóa giáo dục:

Bố trí thành khu liên hoàn trải dài theo đường song hành Hồ Chí Minh dự kiến, có khoảng cách ly gồm công viên cây xanh, Khu thể thao, các trường trung học, trường phổ thông dân tộc nội trú... góp phần làm sống động khu vực trung tâm thị trấn, ngoài ra còn đan xen các trường Tiểu học, Mầm non vào các khu dân cư.

d. Khu ở:

Các khu ở chủ yếu giữ nguyên, cải tạo chỉnh trang lại cho phù hợp với quy hoạch chung.

Hình thành các khu ở mới phục vụ cho việc tái định cư.

8.5. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật:

1. Giao thông:

- Đường chính đô thị (Quốc lộ 14 cũ):

32m: (4+11,25+1,5+11,25+4)

- Đường khu vực:

11,25m: (3+5,5+3)

- Đường nội bộ:

6,5m: (1,5+3,5+1,5)

2. San nền:

Khu đất quy hoạch tương đối bằng phẳng, xây dựng thuận lợi nên chỉ san lấp cục bộ tại các vị trí cần thiết, chủ yếu giữ nguyên địa hình.

3. Quy hoạch cấp nước:

3.1. Nguồn nước: Sử dụng nguồn nước giếng khoan

3.2. Cấp nước:

- Tiêu chuẩn dùng nước: Q = 100 l/người/ngày, đêm.

- Công suất trạm: 1600 m3/ngđ.

4. Thoát nước:

4.1 Thoát nước:

- Hình thức thoát nước: Thoát nước mưa kết hợp nước sinh hoạt dựa vào địa hình dời bát úp, xây dựng hệ thống thoát nước về 2 phía của thị trấn.

- Công suất hệ thống: Q = 1600m3/ngđ. Lúc đầu thoát nước sinh hoạt kết hợp với thoát nước mưa ra các họng xả, dùng nước thải để tưới cây công nghiệp, dùng cây xanh để làm sạch nước. Sau 20-30 năm xử lý một phần lượng nước thải nói trên.

4.2. Vệ sinh môi trường:

- Chất thải lỏng được xử lý sơ bộ trước khi chảy vào hệ thống thoát.

- Thành lập tổ vệ sinh chuyên thu gom rác chuyển đến khu xử lý rác nằm hướng Tây - Bắc thị trấn.

5. Quy hoạch cấp điện:

5.1. Tính toán phụ tải:

Trên cơ sở chỉ tiêu cấp điện ở trên và quy mô dân số (số hộ) của điểm dân cư ĐắkGô, chọn tổng phụ tải như sau:

+ Điện dân dụng:

Đến năm 2007: 550KW.

                             

Đến năm 2012: 2250KW

+ Điện sản xuất TTCN:

Đến năm 2007: 275KW

                                       

Đến năm 2012: 2250KW

+ Tổng công suất phụ tải:

5325 KW, trong đó:

                                            

Đến năm 2007: 825KW

                                            

Đến năm 2012: 4500 KW

5.2. Giải pháp quy hoạch mạng lưới điện:

- Nguồn điện: Sử dụng từ tuyến điện nổi 15KW/22KV, bằng trạm biến áp theo yêu cầu cung cấp phụ tải, bán kính phục vụ < 600m.

- Tuyến 0,4KV lắp mới sẽ chạy theo hình xương cá, phân bố theo công suất mỗi trạm.

+ Đến năm 2007: Lắp thêm 1 trạm: 560KVA/22KV/15KV/0,4KV

+ Đến năm 2012: Lắp thêm 6 trạm: 560KVA/22KV/15KV/0,4KV

Điều 2: Giao cho Sở Xây dựng:

1. Tổ chức  công bố quy hoạch chung dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Gia Lai để các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện.

2. Chỉ đạo việc thực hiện dự án quy hoạch, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành trong trường hợp huy động các nguồn vốn để xây dựng công viên theo pháp luật.

3. Hoàn chỉnh Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch để ban hành sau khi có Quyết định này.

4. Khi có những thay đổi bổ sung thật sự cần thiết theo yêu cầu, Sở Xây dựng có ý kiến trình lên UBND Tỉnh quyết định.

Điều 3: Các ông: Chánh Văn phòng HĐND và UBND Tỉnh; Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Địa chính, Giao thông - Vận tải, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - Thông tin; Chủ tịch các huyện, thành phố thuộc Tỉnh, Thủ Trưởng các sở, ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./. hi hành quyết định này kể từ ngày ký ban hành./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Vỹ Hà