QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
Về việc phê duyệt quy hoạch thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai
______________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI
- Căn cứ điều 41 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 1994;
- Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17-08-1994 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý quy hoạch đô thị;
- Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang tại tờ trình số 07/TT-UB ngày 25 tháng 10 năm 2000 và Giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai tờ trình số 324/VB-XD ngày 26 tháng 10 năm 2000
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt quy hoạch xây dựng thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tính chất:
Kon Dơng là thị trấn huyện lỵ của huyện Mang Yang có tính chất sau: Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật và dịch vụ của huyện Mang Yang.
2. Vị trí, phạm vi ranh giới lập quy hoạch:
Phạm vi lập quy hoạch gồm 226,73 ha được xác định như sau:
+ Phía Bắc: Ranh giới được xác định là chân núi Chư Grăng.
+ Phía Nam: Ranh giới được xác định là cầu Linh Nham.
+ Phía Tây: Ranh giới được xác định là giáp với các làng: Đê Rốp, Kon Dơng Kơ Ru, Đêh Rel.
+ Phía Đông: Ranh giới được xác định là cầu Châu Khê.
3. Quy mô dân số thị trấn:
+ Dân số hiện trạng 01-4-1999 là: 4.745 người.
+ Dự báo dân số đến năm 2005 là: 7.670 người.
+ Dự báo dân số đến năm 2020 là: 12.000 người.
4. Quy mô sử dụng đất đai xây dựng đô thị:
a) Cơ cấu sử dụng đất:
Đất xây dựng đô thị có diện tích 226,73 ha được quy hoạch gồm:
- Đất ở: 98,26 ha chiếm 43,3%.
- Đất khu công trình công cộng: 1,67 ha chiếm 13,9%.
- Đất cây xanh thể dục thể thao: 59,0 ha chiếm 26,0%.
- Đất giao thông: 13,6 ha chiếm 6,0%.
- Đất dự phòng: 24,2 ha chiếm 10,8%.
b) Định hướng kiến trúc thị trấn và phân khu chức năng:
- Đất xây dựng thị trấn được xác định hai bên trục QL 19, kéo dài từ cầu Linh Nham đến cầu Châu Khê và tỉnh lộ 670 đoạn giáp QL 19 đến đường vành đai.
- Trung tâm của thị trấn được định hướng bao gồm đường bao của 3 trung tâm thương mại, trung tâm hành chính, trung tâm văn hoá thể dục thể thao và công viên.
- Trung tâm thương mại và dịch vụ đặt gần với bến xe nơi bắt đầu thị trấn từ hướng đi Quy Nhơn.
- Trung tâm hành chính nằm trên trục đường đôi song song với QL 19 và phía trước nó có một quảng trường rộng thông với QL 19.
- Các khu dân cư xen kẽ và xung quanh khu trung tâm.
- Trung tâm thể dục thể thao: Được định hướng phát triển về phía trục tỉnh lộ 670 đi Kon Tum.
- Hoa viên và dãi công viên cây xanh nằm gắn liền với khu TDTT và trường Phổ thông cấp 2, 3 tạo thành một khu liên hoàn, khu vực ngã ba quốc lộ 19 và tỉnh lộ 670 bố trí hoa viên và đặt đài tưởng niệm.
- Khu công nghiệp và kho tàng tập trung ở đầu hướng đi Pleiku, có dãi cây xanh cách ly với khu dân cư.
5. Quy hoạch mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội:
a) Nhà ở:
Tổ chức ba loại đất ở:
+ Loại 150 m2/hộ, bố trí ven đường trục chính kiêm dịch vụ, xây dựng nhà nhiều tầng, tạo bộ mặt đô thị.
+ Loại 200 - 300 m2/hộ, bố trí xa đường trục chính, xây dựng nhà một tầng đến hai tầng có vườn nhỏ.
+ Loại tại các bản làng ven thị trấn sản phẩm nông nghiệp, lô đất có diện tích từ 500 - 2.000 m2/hộ xây dựng nhà vườn đặc trưng.
b) Đất cho mạng lưới công trình phục vụ:
+ Giáo dục:
Trường mẫu giáo: 850 chỗ 5.400 m2.
. Trường cấp 1: 1.200 chỗ 8.000 m2.
. Trường cấp 2: 960 chỗ 13.000 m2.
. Trường cấp 3: 3.000 chỗ 18.000 m2.
. Trường PTDTNT: 11.000 m2.
+ Y tế: Bệnh viện 150 giường 22.000 m2.
+ Thể dục thể thao:
. Sân tập luyện: 18.000 m2.
. Sân thể thao: 10.000 m2.
(rải rác trong các cơ quan)
. Sân vận động: 36.000 m2.
+ Chợ: 18.200 m2.
+ Bến xe: 11.800 m2.
+ Nghĩa địa, nghĩa trang, bãi rác: 170.000 m2.
- Các công trình cơ quan hành chính như UBND huyện, UBND thị trấn, Huyện ủy, MTTQ và các cơ quan ban ngành khác được bố trí tập trung tạo nên quần thể kiến trúc có sắc thái hài hoà và có chiều cao tầng tối thiểu là 2 tầng, có bố sân bãi, cây xanh tạo thêm cho đô thị thêm xanh.
6. Quy hoạch cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
a) Giao thông:
- Chỉnh trang các tuyến đường chính và cắm mốc lộ giới.
- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường nội bộ trong các khu dân cư mới.
- Mở mới một số đường quy hoạch và tráng nhựa thêm các đường nội thị trấn đã có.
b) Chuẩn bị kỹ thuật đất đai:
- Tại những khu đất có địa hình sườn núi độ dốc lớn hơn 2% cần san ủi cục bộ để giữ nguyên vẻ đẹp đặc trưng. Đối với những công trình dự kiến xây dựng gần khu đất sông suối cần chú ý đến hiện tượng sạt lở và đất yếu.
- Khi xây dựng công trình cần phải dựa vào bản đồ địa hình để thiết kế san nền cho từng công trình cụ thể tránh tình trạng bị ngập nước trong mùa mưa.
- Các khu vực địa hình có độ dốc từ 0,005 đến 0,05 không cần phải san nền, chỉ cần dọn cục bộ tuỳ theo quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng.
- Khi san đường bộ dốc ngang đường 0,02, chiều cao bó vỉa 0,1 - 0,3 m.
- Khi xây dựng đến đâu san lấp đến đó, đặc biệt là giữ lại cây xanh hiện có.
c) Cấp nước:
+ Nguồn cấp nước lấy từ các giếng khoan, bơm lên thủy đài tạo áp lực cung cấp cho toàn vùng. Nên bố trí 2 khu cấp nước ở vị trí cao và có thể cung cấp hết cho các khu dân cư, dân dụng.
+ Tổng nhu cầu dùng nước 1.500 m3/ngày đêm.
d) Cấp điện:
- Tổng công suất yêu cầu 3.500 KVA, lấy từ lưới điện 35 KV nguồn điện lưới quốc gia.
e) Thoát nước bẩn và vệ sinh môi trường:
* Thoát nước bẩn:
- Chọn hệ thống thoát nước chung gồm: nước mưa và nước thải sinh hoạt để tiết kiệm trong điều kiện quy mô thị trấn nhỏ.
- Nước thải khu vực vệ sinh phải xử lý đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi cho vào hệ thống nước thải chung.
- Các dạng cống qua đường sử dụng cống tròn và cống hộp BTCT. Ngoài ra ở các khu dân cư và các trục đường chính dùng hệ thống mương xây đá hộc có nắp đan đậy, hay loại rãnh đất ở các đường nhỏ.
* Vệ sinh môi trường:
- Rác thải: Quy tập lượng rác thải từ khắp các khu về bãi rác thải để xử lý.
- Bãi rác dự kiến bố trí ngoài thị trấn phía hướng đường đi nghĩa địa. Điều quan trọng là nên sớm thành lập đội vệ sinh môi trường để thu gom rác.
- Các tiêu chuẩn như sau:
+ Năm 2020: 0,7 kg người/ngày đêm.
+ Nghĩa địa cần có quy hoạch tường rào, cổng ra vào, chôn cất ngay thẳng lối để tiết kiệm đất.
+ Để đảm bảo nguồn nước ngầm cấp cho sinh hoạt, thì không nên dùng nguồn này để tưới cây. Để cung cấp cho việc tưới cây tiêu, cà phê... nên có nguồn nước từ thuỷ lợi.
Điều 2: Giao cho uỷ ban nhân dân huyện Mang Yang.
1. Tổ chức công bố quy hoạch để các tổ chức, cá nhân biết và thực hiện: lập hồ sơ cắm mốc đường đỏ, chỉ giới xây dựng. Ban hành điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
2. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân thị trấn Kon Dơng quản lý, triển khai quy hoạch.
Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang và Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.