Sign In

CHỈ THỊ

CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Về việc triển khai thực hiện chương trình hành động phòng chống dịch cúm  gia cầm và đại dịch cúm A (H5N1) ở người trên địa bàn tỉnh

________________

Hiện nay, dịch cúm gia cầm và đại địch cúm A (H5N1) ở người đang xảy ra và diễn biến phức tạp ở nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Ở nước ta, dịch cúm gia cầm đang tái phát trở lại và có nguy cơ lây lan ra diện rộng.

Theo cảnh báo của các tổ chức: Y tế thế giới (WHO), Thú y thế giới (OIE), Nông lương thế giới (FAO) thì thế giới đang đứng trước nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A (H5N1) ở người.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số: 15/NQ-CP ngày 04/11/2005; Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số: 30/2005/CT-TTg ngày 26/9/2005, Chỉ thị số: 34/2005/CT-TTg ngày 15/10/2005 và Công điện số: 1686/TTg-NN, ngày 01/11/2005 về việc triển khai cấp bách các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A (H5N1) ở người, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện ngay các việc sau đây:

1/ Phải tập trung chỉ đạo kiên quyết các biện pháp phòng chống dịch, giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm gia cầm đến từng thôn, làng, tổ dân phố, hộ chăn nuôi. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương phải coi đây và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân để triển khai thực hiện. Cụ thể:

- Không được chăn nuôi gia cầm thả rông kể cả chim bồ câu; ngừng nuôi mới gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, chim nuôi); tổ chức quy hoạch chăn nuôi gia cầm tập trung ở xa khu dân cư, có kế hoạch chuyển ngay các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung ở nội thành, nội thị, nơi tập trung đông dân cư; nghiêm cấm chăn nuôi gia cầm kể cả chim cảnh trong nội thành, nội thị (thành phố, thị xã, thị trấn, thị tứ); nghiêm cấm giết mổ và mua bán gia cầm sống ở các chợ đầu mối, các chợ ở khu nội thành, nội thị, không được chăn nuôi gia cầm ở những vùng có nguy cơ về dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi, hộ gia đình chuyển từ chăn nuôi gia cầm sang các ngành nghề khác; hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện các biện pháp phòng chống bảo đảm không để dịch xảy ra.

- Quy hoạch các điểm giết mổ gia cầm tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lí giết mổ gia cầm nghiêm ngặt, tuyệt đối không được giết mổ, tiêu thụ gia cầm bệnh, có biểu hiện bệnh; không được mua bán gia cầm sống, đặc biệt là ở các chợ; chỉ được mua bán gia cầm đã qua giết mổ có nguồn gốc, được cơ quan thú y chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiêm cấm việc chế biến và tiêu thụ tiết canh gia cầm; khuyến cáo nhân dân trong tỉnh không ăn thịt gia cầm không rõ nguồn gốc. Các ngành Quản lí thị trường, thú y, y tế, công an thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của Pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, vắc xin, vật tư, phương tiện, nhân lực và triển khai ngay công tác tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm theo kế hoạch đã được phê duyệt.

- Dừng ngay việc nhập gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh, không được lưu thông mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm giữa các huyện, thị trong tỉnh. Ủy ban nhân dân các huyện có biên giới với tỉnh Ratanakiri (nước Campuchia) phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo chống buôn lậu và gian lận thương mại tỉnh, Bộ đội biên phòng, Hải quan và các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát biên giới, xử lí nghiêm việc nhập lậu gia cầm vào tỉnh và tiến hành tiêu huỷ số gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào tỉnh.

2/ Triển khai ngay công tác khử trùng, tiêu độc, vệ sinh môi trường các cơ sở chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi hộ gia đình, các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối.

3/ Khi có dịch xảy ra, phải công bố dịch, cách ly, bao vây dập tắt dịch và tiến hành khử trùng, tiêu huỷ gia cầm theo quy định; chuẩn bị đầy đủ các cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, phương tiện, nhân lực để chữa trị kịp thời cho nhân dân và chuẩn bị địa điểm mai táng khi có người chết do dịch cúm A (H5N1) gây ra.

4/ Giao nhiệm vụ:

- Sở Nông nghiệp và PTNT ngoài những nhiệm vụ nêu trên, căn cứ vào Chương trình hành động phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của tỉnh xây dựng và tổ chức triển khai cụ thể kế hoạch hành động phòng, chống dịch cúm gia cầm; phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo nói trên; đồng thời chỉ đạo Chi cục Thú y chuẩn bị nội dung tuyên truyền vận động nhân dân, nhân lực, vật tư, phương tiện, kinh phí để triển khai thực hiện ngay công tác tiêm vắc xin phòng chống dịch cúm gia cầm và công tác vệ sinh tiêu độc.

- Sở Y tế phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT căn cứ vào chương trình hành động phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của tỉnh xây dựng và triển khai cụ thể kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A (H5N1) ở người, chủ động đối phó dịch bệnh với tinh thần cao nhất, chống để xảy ra dịch cúm A (H5N1) ở người; khẩn trương kiểm tra các cơ sở y tế tỉnh, huyện, xã và chuẩn bị đầy đủ cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, phương tiện, nhân lực để tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi có đại dịch cúm xảy ra.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chương trình hành động phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm A (H5N1) của tỉnh, xây dựng chương trình hành động phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch cúm A (H5N1) ở người của địa phương và tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm; kiên quyết không để dịch cúm gia cầm tái phát ra diện rộng, không để xảy ra dịch cúm A (H5N1) ở người; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc chăn nuôi gia cầm tới tận thôn, làng, hộ dân; nếu có dịch xảy ra phải báo ngay về cơ quan thú y để có biện pháp xử lí; chỉ đạo các cơ quan thú y giám sát chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi, những vùng có nguy cơ tái phát dịch, các cơ sở mua bán, giết mổ gia cầm, các chợ đầu mối và tiến hành khử trùng, vệ sinh tiêu độc; thành lập các đội tình nguyện viên tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân (đến tận thôn, làng, bản, tổ dân phố, hộ dân) để nhân dân có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về sự nguy hiểm của dịch bệnh cúm gia cầm, nguy cơ lây lan truyền bệnh sang người nếu không chấp hành đúng quy định của các cơ quan chuyên môn; giúp nhân dân có biện pháp tự bảo vệ sức khoẻ của bản thân và cộng đồng; không sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm trong thời gian tiêm phòng và khi đang có dịch; chủ động tham gia tích cực các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch cúm gia cầm tái phát.

- Các cơ quan thông tin đại chúng (Đài truyền thanh truyền hình Gia Lai, Báo Gia Lai, Đài phát thanh truyền hình các địa phương) có trách nhiệm thu thập thông tin và tuyên truyền kịp thời, sâu rộng, chính xác đến từng khu dân cư, hộ gia đình và nhân dân hiểu tính chất nguy hiểm, diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm.

- Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cập nhật và cung cấp thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền vận động nhân dân; thiết lập ngay hệ thống thông tin thông báo dịch từ tỉnh đến thôn, báo cáo kịp thời mọi thông tin về dịch đến Ủy ban nhân dân tỉnh với thời gian sớm nhất trong ngày.

- Sở Tài chính bố trí ngân sách để phục vụ cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người theo Chương trình kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, trước hết là công tác tiêm vắc xin phòng dịch cúm gia cầm, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, chốt chặn.

- Các sở, ban, ngành và các cơ quan đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch hành động và phối hợp với chính quyền các cấp để tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm người.

- Đề nghị các Cấp ủy Đảng chỉ đạo cả hệ thống chính trị tham gia cùng với các cơ quan chuyên môn để tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chương trình phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người của tỉnh có hiệu quả.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế; các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nếu không làm hết trách nhiệm mà để dịch cúm gia cầm, đại dịch cúm A (H5N1) ở người xảy ra, gây thiệt hại đến tài sản và tính mạng của nhân dân, thì người đứng đầu địa phương, đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

 Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Thế Dũng