CHỈ THỊ
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thi hành Bộ luật dân sự
Ngày 28 tháng 10 năm 1995 Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 8 đã thông qua Bộ luật dân sự và Nghị quyết về việc triển khai thi hành Bộ luật dân sự. Đây là một Bộ luật quan trọng, liên quan đến mọi mặt đời sống của người dân, liên quan đến hoạt động của nhiều ngành, nhiều cấp. Việc tổ chức và hướng dẫn thi hành tốt Bộ luật dân sự sẽ góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo vệ có hiệu quả lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Để chuẩn bị thi hành tốt Bộ luật dân sự từ ngày 01 tháng 7 năm 1996, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Về việc rà soát các quy định của pháp luật dân sự hiện hành để huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với Bộ luật dân sự:
Bộ Tư pháp thành lập Tổ công tác chuyên trách gồm các chuyên gia pháp lý của Bộ Tư pháp, của các Bộ, ngành có liên quan do Bộ Tư pháp làm Thường trực để rà soát các văn bản Luật, Pháp lệnh, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và công bố danh mục văn bản pháp luật dân sự có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1996, giúp cho việc thi hành Bộ luật dân sự được thuận lợi.
Các Bộ, ngành tổ chức việc rà soát các văn bản có liên quan do cơ quan mình đã ban hành và phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ xử lý kết quả rà soát đó.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát các quy định liên quan đến pháp luật dân sự do Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp thuộc địa phương mình ban hành và gửi báo cáo kết quả xử lý về Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ.
Việc rà soát các quy định pháp luật dân sự hiện hành ở Trung ương và ở địa phương phải được hoàn thành trước ngày 30 tháng 4 năm 1996.
2. Về việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự:
Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp chuẩn bị kế hoạch cụ thể và đôn đốc thực hiện việc xây dựng các văn bản của Chính phủ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để cụ thể hoá Bộ luật dân sự, trong đó ưu tiên xây dựng các văn bản về các vấn đề cấp bách để thi hành Bộ luật dân sự kể từ ngày 01 tháng 7 năm 1996.
3. Về việc tuyên truyền, phổ biến Bộ luật dân sự:
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Uỷ ban Nhân dân các cấp chỉ đạo, tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Bộ luật dân sự trong cán bộ và nhân dân bằng các hình thức thiết thực, có hiệu quả.
Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức biên soạn các tài liệu, tổ chức tập huấn về Bộ luật dân sự cho đội ngũ cán bộ có liên quan đến việc thực hiện Bộ luật dân sự.
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường triển khai nghiên cứu một số đề tài khoa học cần thiết để làm rõ căn cứ khoa học, thực tiễn trong việc tổ chức thi hành Bộ luật dân sự.
Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị này và hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ và kết quả thực hiện.