• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 08/08/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 130/2004/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Gia Lai, ngày 14 tháng 7 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm

buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010

 

____________________

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

 

Căn cứ Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới;

 

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010 gồm những nội dung chủ yếu sau:

 

1. Mục tiêu: tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội về công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm cơ bản vào năm 2010 tình trạng phụ nữ và trẻ em bị buôn bán.

 

2. Các Đề án chủ yếu của Chương trình:

 

 a) Đề án thứ nhất: Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

b) Đề án thứ hai: Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

 

c) Đề án thứ ba: Tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

 

d) Đề án thứ tư: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

3. Tổ chức thực hiện, kinh phí của Chương trình:

 

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chương trình này.

 

Kinh phí thực hiện Chương trình:

Từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương).

Từ các nguồn huy động hợp pháp khác trong và ngoài nước đóng góp của cộng đồng, tài trợ quốc tế....

(Chương trình cụ thể kèm theo Quyết định này).

 

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình này.

 

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

         

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM

 BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM TỪ NĂM 2004  ĐẾN NĂM 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg

ngày 14 tháng 7 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ) 

Phần I

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM

VÀ CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH 

I. TÌNH HÌNH TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM

 

1. Tình hình: trong những năm gần đây, nhất là khi chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Một bộ phận phụ nữ, trẻ em (PNTE) bị buôn bán ở trong nước, chủ yếu từ các vùng nông thôn, miền núi ra thành phố, thị xã để làm gái mại dâm. Còn lại phần lớn PNTE bị buôn bán ra nước ngoài, đến nhiều nước khác nhau với nhiều hình thức và mục đích khác nhau. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đã có hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán qua biên giới, chủ yếu qua các đường mòn và cửa khẩu, trên tuyến biên giới phía Bắc và phía Tây Nam. Tại phía Bắc, PNTE bị buôn bán tập trung ở các địa bàn biên giới giáp Việt Nam, được sử dụng làm mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc làm vợ một cách bất hợp pháp. Tại phía Nam, PNTE bị buôn bán chủ yếu làm mại dâm tại các thành phố lớn và các tỉnh giáp biên giới. Các nước này còn là địa bàn trung chuyển để buôn bán PNTE đi các nước xa hơn trong khu vực. Ngoài ra, tình hình phụ nữ Việt Nam bị dụ dỗ, lừa gạt, buôn bán sang Đài Loan qua hình thức môi giới hôn nhân, trẻ em Việt Nam bị bán ra nước ngoài qua hình thức cho nhận con nuôi người nước ngoài trong những năm vừa qua cũng là vấn đề rất phức tạp và rất khó kiểm soát. Tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em đã trở thành vấn đề nóng bỏng, nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của xã hội, phong tục, tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của Nhà nước, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS, tiềm ẩn những nhân tố xấu về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Các phần tử xấu lợi dụng vấn đề này để nói xấu, tuyên truyền sai sự thật,ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

2. Nguyên nhân: tình hình trên là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tập trung ở một số vấn đề sau đây:

Về khách quan:

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, nhiều mâu thuẫn trong đời sống kinh tế - xã hội nảy sinh, nhất là phân hoá giàu nghèo, tình trạng thất nghiệp. Một số khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân còn rất khó khăn, dân trí thấp, nhiều phụ nữ, trẻ em và gia đình họ ở trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị lôi cuốn vào quá trình tìm kiếm công việc làm ở đô thị hay ở nước ngoài. Mặt khác,do tác động ảnh hưởng của nhiều yếu tố xấu như các luồng văn hoá độc hại, các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý trong nước và khu vực; bọn tội phạm trong nước móc nối với tội phạm người nước ngoài khai thác lợi dụng các điều kiện này để hoạt động phạm tội.

Về chủ quan:

Nhận thức về tính nghiêm trọng, sự cần thiết và trách nhiệm phải tăng cường phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ở nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ban ngành, đoàn thể còn hạn chế. Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em chưa được triển khai một cách toàn diện, đồng bộ; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ, cơ chế tổ chức bộ máy thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em  trong tình hình mới.

 

 

II. CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA, ĐẤU TRANH 

1. Kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh:

Những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em luôn luôn gắn liền với công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội nói chung. Nhất là sau khi Chính phủ có Chỉ thị số 766/TTg ngày 17 tháng 9 năm 1997 và ban hành Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 "Về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới" thì công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em đã được các ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền quan tâm hơn và bước đầu đem lại một số kết quả.

Công tác phòng ngừa được triển khai thực hiện với những nội dung trọng tâm là tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật các thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của bọn tội phạm, qua đó nhằm nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho quần chúng nhân dân; thực hiện công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, quản lý các cơ sở kinh doanh như khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng..., quản lý các hoạt động dịch vụ môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi người nước ngoài, xuất nhập cảnh, v.v... nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn các hành vi phạm tội và các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị buôn bán. Đối với các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài đã trở về, các ngành chức năng như: Biên phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể đã phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở giúp họ sớm ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm, tái hoà nhập cộng đồng.

 

Công tác đấu tranh: trước tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em xảy ra ngày càng nghiêm trọng, ngành Công an với vai trò nòng cốt trong đấu tranh chống tội phạm, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiều biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Theo báo cáo của Công an các tỉnh, thành phố, từ năm 1991 đến năm 2002, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện bắt giữ hàng nghìn vụ, với hàng nghìn đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em (bao gồm cả buôn bán trong nước và buôn bán ra nước ngoài). Trong đó đã khởi tố 1.818 vụ, với 3.118 bị can về tội mua bán phụ nữ; khởi tố 451 vụ, với 672 bị can về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (theo Điều 119, Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 1999). Riêng trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 766/TTg của Thủ tướng Chính phủ (1998 - 2002), lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng các cấp đã triệt phá 921 vụ, gồm 1.807 đối tượng phạm tội buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Nhiều vụ án, đường dây tội phạm có quy mô lớn tổ chức buôn bán phụ nữ, trẻ em ra các nước trong khu vực đã được các cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện triệt phá. Từ 1998 - 2002, Toà án nhân dân các cấp đã xét xử hàng nghìn bị cáo về tội mua bán phụ nữ, trẻ em theo các Điều 119, 120 - Bộ luật Hình sự (năm 1999). Hầu hết các bị cáo đều phải chịu hình phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

 

Về hợp tác quốc tế: Trong những năm qua, việc hợp tác quốc tế phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em ngày càng được tăng cường. Việt Nam đã tham gia nhiều văn kiện quốc tế có liên quan, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương, đặc biệt đã có nhiều hoạt động phối hợp tích cực với các nước láng giềng trong đấu tranh chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

 Được sự chỉ đạo của Chính phủ, một số Bộ, ngành hữu quan đã phối hợp, triển khai nhiều dự án về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em do các tổ chức quốc tế tài trợ như: UNICEF, ILO, IOM, UNODC và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Nhìn chung việc thực hiện các dự án đã góp phần tích cực thúc đẩy công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, nhất là trên lĩnh vực giáo dục truyền thông, nghiên cứu pháp luật, khảo sát đánh giá tình hình và tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ một số Bộ, ngành và các địa phương trọng điểm. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các dự án còn một số hạn chế như: sự đầu tư còn phân tán, do nhiều cơ quan làm đầu mối tiếp nhận dự án, việc sử dụng kinh phí tài trợ của dự án kết quả  chưa cao, các dự án mới được triển khai ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm.

 

2. Một số hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em:

 

Mặc dù đã đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em của các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa có ngành nào chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng cơ chế phối kết hợp. Tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án mua bán phụ nữ, trẻ em còn rất thấp so với thực tế đã xảy ra. Công tác điều tra cơ bản nắm tình hình chưa thường xuyên, chưa kịp thời. Công tác phát hiện các vụ việc có liên quan còn mang tính thụ động, hầu như dựa vào đơn thư tố giác của người bị hại hoặc gia đình. Công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu tạm trú, tạm vắng chưa tốt, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em chưa được bổ sung hoàn thiện, nhất là chúng ta chưa nắm được số lượng và thực trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán đang sống ở nước ngoài.

 

Cán bộ làm công tác trong lĩnh vực này ở các ngành, các cấp chưa được thường xuyên cập nhật kiến thức cơ bản, thiếu các thông tin trong và ngoài nước; tổ chức lực lượng và các trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế hiện nay.

 

Phần II

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ

 VÀ TRẺ EM TƯ NĂM 2004 ĐẾN NĂM 2010

 

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

 

 

1. Phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em là vấn đề mang tính xã hội cao, phải đặt trong mối quan hệ giữa phòng, chống tội phạm với giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, huy động sự tham gia của các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội.

 

2. Lấy phòng ngừa là chính; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với đấu tranh xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và luật pháp quốc tế.

 

 

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội về công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và giảm cơ bản vào năm 2010 tình trạng phụ nữ và trẻ em bị buôn bán.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Từ năm 2004 - 2006.

Nâng cao nhận thức, hiểu biết của cộng đồng về thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả của tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em; nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của mọi công dân và tổ chức trong phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và phòng, chống tội phạm nói chung.

Xây dựng và kiện toàn các cơ quan chuyên trách thực thi pháp luật; tăng cường pháp chế và các mặt quản lý xã hội nhằm phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn nhằm giảm dần các tội phạm liên quan đến buôn bán phụ nữ và trẻ em, làm giảm 20% tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tại các địa bàn trọng điểm.

 

b) Từ năm 2007 - 2010.

 

Tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kết hợp chủ động đấu tranh làm giảm trên 50% tình trạng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trên phạm vi toàn quốc; tổ chức giúp đỡ có hiệu quả đối với phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về địa phương, giúp họ nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng. 

 

III. NỘI DUNG VÀ CÁC ĐỀ ÁN CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

 

1. Nội dung của Chương trình:

 

a) Tổ chức điều tra cơ bản, phân tích, dự báo tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

b) Tuyên truyền giáo dục, phát động phong trào quần chúng nhân dân phát hiện, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

c) Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em tại gia đình, cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức.

 

d) Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và các loại tội phạm khác có liên quan, nhất là tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài có tổ chức và có tính quốc tế.

 

đ) Hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm, tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán; đầu tư xây dựng các cơ sở tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về.

 

e) Kiện toàn và đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

g) Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

h) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, nhất là buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài phù hợp với luật pháp quốc gia và công pháp quốc tế.

 

2. Các Đề án chủ yếu của Chương trình:

 

a) Đề án thứ nhất: Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Tập trung vào việc tổ chức tuyên truyền giáo dục thường xuyên, dưới nhiều hình thức, tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng khắp trong cả nước đặc biệt là ở các vùng trọng điểm, tới các nhóm đối tượng nguy cơ cao; lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống các tội phạm và tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội; hỗ trợ, tư vấn cho các gia đình nạn nhân và những phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán.

 

Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, các Bộ, ngành: ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Văn hoá -  Thông tin, Đoàn Thanh niên và các Bộ, ngành khác tham gia.

 

b) Đề án thứ 2: Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.

 

Tập trung vào các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em và các loại tội phạm khác có liên quan, nhất là đối với tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài, tội phạm hoạt động có tổ chức và có tính quốc tế.

 

Kiên quyết truy bắt các đối tượng phạm tội còn lẩn trốn, không để những đối tượng này tiếp tục phạm tội hoặc phát triển thành các băng nhóm tội phạm mới.

 

Tiểu dự án 1: triển khai ở khu vực nội địa do Bộ Công an chủ trì- Tiểu dự án 2: triển khai ở khu vực biên giới do Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chủ trì.

ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành khác phối hợp.

 

c) Đề án thứ 3: Tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

Tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là các cửa khẩu đường bộ; phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng các nước có chung đường biên giới và các ngành hữu quan tiến hành các thủ tục tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về;

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì tiếp nhận, làm các thủ tục bàn giao; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động hỗ trợ, giáo dục, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng.

d) Đề án thứ 4: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ các văn bản và quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em trên các lĩnh vực: pháp luật hình sự, hành chính, hôn nhân và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch và xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh, xử lý các vi phạm và tái hoà nhập cộng đồng cho nạn nhân.

Bộ Tư pháp chủ trì, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và các Bộ, ngành khác tham gia.

 

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

 

I. TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH

Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đến năm 2010 có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc chức năng quản lý của nhiều Bộ, ngành. Vì vậy phải được tổ chức thực hiện đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, đoàn thể.

Thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em “do 01 Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, 01 đồng chí lãnh đạo Bộ Công an làm Phó Trưởng ban. Các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cử 01 lãnh đạo cấp bộ làm thành viên”.

Tại các địa phương thành lập tiểu ban thực hiện chương trình ở cấp tỉnh, thành phố, thành phần tiểu ban tương tự như ở trung ương.

 

II. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

 

1. Bộ Công an:

Bộ Công an là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, có trách nhiệm giúp Chính phủ phối hợp thực hiện chương trình; bố trí lực lượng chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; hướng dẫn, chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức nắm chắc tình hình, thống kê số liệu về phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị buôn bán và đưa trái phép ra nước ngoài.

 

Xác định những địa bàn trọng điểm, tập trung chỉ đạo lực lượng Công an các cấp tăng cường các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các tổ chức đường dây tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em. Quản lý chặt chẽ nhân khẩu, hộ khẩu ở xã, phường, thị trấn; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát động phong trào quần chúng tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Cùng các ngành liên quan và ủy ban nhân dân các địa phương kiểm tra, xử lý các cơ sở dịch vụ môi giới kết hôn, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài trái pháp luật, các dịch vụ du lịch, xuất khẩu lao động vi phạm pháp luật trong việc đưa người ra nước ngoài.

 

Kiện toàn tổ chức, tăng cường cán bộ chuyên trách từ Trung ương đến các địa phương để phát hiện kịp thời, điều tra nhanh chóng, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, đưa trái phép phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.

Là đầu mối trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; phối hợp với Interpol và cảnh sát các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc, Campuchia để phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.

Thường xuyên tổng hợp tình hình, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp khắc phục các khó khăn, vướng mắc.

 

2. Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng):

Tăng cường các biện pháp kiểm soát tại cửa khẩu biên giới nhằm ngăn chặn đưa trái phép phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về qua biên giới.

 

Phối hợp với lực lượng cảnh sát trong nước và các nước có chung đường biên như: Trung Quốc, Campuchia... phát hiện, ngăn chặn các đường dây đưa trái phép phụ nữ, trẻ em qua biên giới.

Phối hợp với các ngành chức năng trong tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân ở địa bàn khu vực biên giới tham gia chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

3. Bộ Ngoại giao:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an về mặt chính trị, đối ngoại trong lĩnh vực hợp tác với nước ngoài phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài. Thực hiện các biện pháp để nắm được tình hình và số lượng phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài đang sinh sống ở các nước. Có chính sách thích hợp để làm việc với các tổ chức quốc tế và các nước liên quan về vấn đề xoá bỏ tình trạng phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị đưa trái phép ra nước ngoài.

 

Phối hợp với các đoàn thể nhân dân trong việc vận động tranh thủ các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tham gia giải quyết tình hình trên.

 

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Y tế, ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ủy ban nhân dân các cấp tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm, tái hoà nhập cộng đồng cho số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài trở về, đưa số bị mắc các bệnh xã hội vào các cơ sở chữa bệnh.

 

Nghiên cứu bổ sung danh mục nghề, công việc cấm sử dụng lao động nữ, lao động trẻ em nhằm bảo vệ họ khỏi bị xâm hại.

 

5. Bộ Tư pháp:

 

 Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các tội phạm liên quan đến buôn bán phụ nữ, trẻ em; tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

 

 Phối hợp với Bộ Tài chính bố trí ngân sách cho chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong kế hoạch hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

 

7. Bộ Tài chính:

 

Hàng năm, hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đến năm 2010 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; thực hiện kiểm tra việc quản lý và sử dụng kinh phí theo đúng mục đích; chủ trì nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp, nhằm huy động sự đóng góp kinh phí từ các nguồn khác nhau ở trong và ngoài nước để hỗ trợ chương trình hoàn thành tốt mục tiêu đề ra.

 

8. Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam:

 

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, tư vấn tại cộng đồng về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ, giúp đỡ cho số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán trở về tái hoà nhập cộng đồng.

 

9. Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em:

 

 Chỉ đạo và phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tình trạng trẻ em bị buôn bán, bị xâm hại tình dục vì mục đích thương mại.

 

10. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ:

 

 Có kế hoạch chỉ đạo việc thực hiện các nội dung, biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình.

 

11. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

 

Có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nội dung và đề án của Chương trình phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, nhất là Đề án 1, 2, 3, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp với tình hình địa phương; chọn các địa bàn triển khai điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Xác định rõ trách nhiệm của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện Chương trình này.

 

12. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao:

 

Tăng cường chỉ đạo hệ thống các cơ quan thuộc ngành ở các địa phương và có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật khác trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em một cách kịp thời, nghiêm minh.

 

13. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao độgn Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cấp chính quyền trong việc vận động giáo dục các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

 

 

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

 

Kinh phí thực hiện Chương trình này được huy động từ nhiều nguồn:

 

1. Ngân sách trung ương: hàng năm Chính phủ dành một khoản kinh phí để thực hiện chương trình, hỗ trợ có mục tiêu cho các nhiệm vụ trọng tâm và các đề án.

 

2. Ngân sách địa phương: hàng năm địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách cho các hoạt động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án khác trên địa bàn.

 

3. Từ các nguồn huy động hợp pháp khác ở trong và ngoài nước  (đóng góp của cộng đồng, tài trợ quốc tế...).

 

Vốn được ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước do Ban Chỉ đạo Chương trình lập kế hoạch phân bổ, trình Chính phủ quyết định và trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện.

 

 Các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện, thường xuyên kiểm tra theo dõi, đôn đốc chương trình; xây dựng kế hoạch từng giai đoạn, từng năm để thực hiện chương trình và các dự án một cách phù hợp, có hiệu quả./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.