Sign In

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ RÚT NGẮN THỜI GIAN TIẾP CẬN ĐIỆN NĂNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012; 

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1.   Thông tư này quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, bao gồm:

a)  Sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy trình thực hiện tiếp cận điện năng quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực (sau đây viết là Thông tư số 43/2013/TT-BCT).

b)  Quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc triển khai thực hiện các nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.

2.   Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau:

a)  Khách hàng sử dụng điện có đề nghị đấu nối vào lưới điện phân phối;

b)  Đơn vị phân phối điện;

c)   Đơn vị phân phối điện và bán lẻ điện;

d)  Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

đ) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung Điều 25 Thông tư số 43/2013/TT-BCT

Điều 25. Trình tự, thủ tục điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh không theo chu kỳ

1.  Đối với điều chỉnh Hợp phần Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV:

a)  Chủ đầu tư các dự án hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh có nhu cầu bổ sung, điều chỉnh trong Hợp phần Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110 kV tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo nội dung được quy định tại Khoản 1 Điều 22 của Thông tư này;

b)  Trong quá trình lập điều chỉnh Hợp phần quy hoạch, Chủ đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến của Công ty điện lực tỉnh để hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh Hợp phần quy hoạch trước khi gửi Sở Công Thương xem xét báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản gửi Tổng cục Năng lượng thẩm định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt;

c)   Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, Tổng cục Năng lượng phải có văn bản yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ quy hoạch chưa đầy đủ, hợp lệ;

d)  Hồ sơ điều chỉnh Hợp phần quy hoạch:

- Tờ trình đề nghị điều chỉnh, bổ sung Hợp phần quy hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- 05 bộ Báo cáo điều chỉnh Hợp phần quy hoạch;

- Văn bản góp ý của Công ty điện lực tỉnh, Ủy ban nhân dân các quận/huyện và các Sở, ban ngành có liên quan.

đ) Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm hoàn thành thẩm định hồ sơ điều chỉnh Hợp phần quy hoạch trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt;

e) Trong quá trình thẩm định, Tổng cục Năng lượng lấy ý kiến bằng văn bản của Tổng công ty điện lực miền và Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (nếu cần thiết). 

2.   Đối với điều chỉnh Hợp phần Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110 kV:

a) Đối với các công trình trạm biến áp trung áp có tổng dung lượng lớn hơn 2.000 kVA, Chủ đầu tư các dự án có nhu cầu bổ sung, điều chỉnh trong Hợp phần Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110 kV tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch theo nội dung được quy định tại Khoản 2 Điều 22 của Thông tư này và gửi Sở Công Thương thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Hồ sơ điều chỉnh quy hoạch gồm: Tờ trình đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của Chủ đầu tư; 05 bộ Báo cáo điều chỉnh Hợp phần quy hoạch.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công Thương có trách nhiệm hoàn thành thẩm định hồ sơ điều chỉnh Hợp phần quy hoạch trước khi trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt. Trong quá trình thẩm định, trường hợp cần thiết, Sở Công Thương lấy ý kiến bằng văn bản của Công ty Điện lực tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện  và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

b) Đối với các công trình trạm biến áp trung áp có tổng dung lượng từ 2.000 kVA trở xuống, căn cứ khả năng đáp ứng của lưới điện khu vực, Đơn vị phân phối điện thực hiện đấu nối vào lưới điện và báo cáo cơ quan quản lý quy hoạch có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 4 Điều 27 Thông tư này”.

Điều 3. Sửa đổi, bổ sung Điều 27 Thông tư số 43/2013/TT-BCT

Điều 27. Quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực các cấp

1.  Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm:

a) Công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, bao gồm cả quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt;

b) Tổ chức theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia;

c) Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, sự tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

d) Đầu mối giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các dự án điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được duyệt.

2.  Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

a) Công bố Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bao gồm cả quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt;

b) Chỉ đạo Sở Công Thương  tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh tại địa phương;

c) Định kỳ hàng năm tổng kết, đánh giá kết quả, sự tác động và ảnh hưởng của việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh tại địa phương để báo cáo Bộ Công Thương;

d) Chỉ đạo thực hiện dự án điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh được duyệt.

3.  Chủ đầu tư các dự án điện lực có trách nhiệm:

a)  Thực hiện đầu tư xây dựng các công trình điện theo đúng Quy hoạch phát triển điện lực đã được duyệt;

b)  Định kỳ hàng năm báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực về tình hình triển khai thực hiện dự án.

4.  Trước ngày 15 tháng 7 và ngày 15 tháng 1 hàng năm, Đơn vị phân phối điện có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng và cả năm với cơ quan quản lý quy hoạch tình hình đầu tư xây dựng các công trình điện và thực hiện đấu nối của các khách hàng sử dụng lưới điện phân phối có trạm điện riêng.  

5.  Kinh phí phục vụ công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực hàng năm quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 và Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này được bố trí từ ngân sách nhà nước và thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Điều 4. Thực hiện đấu nối ở cấp điện áp trung áp  

Trình tự, thủ tục thỏa thuận, thực hiện đấu nối ở cấp điện áp trung áp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 39/2015/TT-BCT ngày 18 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hệ thống điện phân phối.

Điều 5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bảo đảm:

a) Thời hạn giải quyết đối với thủ tục thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện (nếu có) không quá 05 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm.

b) Thời hạn giải quyết đối với thủ tục cấp phép thi công xây dựng công trình điện (nếu có) không quá 07 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp trên không và không quá 10 ngày làm việc đối với lưới điện trung áp ngầm.

2. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương về kết quả, đánh giá tình hình thực hiện thời gian tiếp cận điện năng.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1.  Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Thông tư này.

2.  Tổng cục Năng lượng có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 01 năm 2017.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 33/2014/TT-BCT ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định một số nội dung về rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh đến Bộ Công Thương để xem xét, giải quyết./.

 

Bộ Công thương

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Tuấn Anh