NGHỊ QUYẾT
Quy định mức hỗ trợ một số nội dung đặc thù kinh phí sự nghiệp Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn
tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 - 2025
_______________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
KHOÁ XVIII - KỲ HỌP CHÍN (CHUYÊN ĐỀ)
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025;
Căn cứ Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ Tài chính về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;
Xét Tờ trình số 82/TTr-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang đề nghị ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức hỗ trợ một số nội dung chi thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; Báo cáo thẩm tra số 33 ngày 22 tháng 9 năm 2022 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định mức hỗ trợ một số nội dung chi thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025 theo Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ Tài chính (gọi tắt là Thông tư số 53/2022/TT-BTC), gồm:
a) Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương bổ sung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
b) Nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu khác và huy động, đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
c) Nguồn vốn sự nghiệp ngân sách địa phương đối ứng thực hiện chương trình.
2. Đối tượng áp dụng:
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng, quyết toán và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ
1. Mức hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
a) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha;
b) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/ha.
2. Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở
a) Chi mua sắm thiết bị đài truyền thanh xã bao gồm: thiết bị phần cứng, phần mềm đáp ứng danh mục thành phần cơ bản theo Thông tư 39/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông: Mức hỗ trợ tối đa 30 triệu đồng/cụm.
b) Chi sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng đài truyền thanh xã: gồm thiết bị phần cứng, phần mềm đáp ứng Thông tư 39/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông: mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/cụm.
c) Chi mua sắm, sửa chữa, thay thế phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện: mức hỗ trợ theo thực tế phát sinh và các quy định hiện hành. Hàng năm căn cứ dự toán được giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ cụ thể khi phân bổ giao dự toán kinh phí.
3. Hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn: mức hỗ trợ theo thực tế phát sinh và các quy định hiện hành, tối đa không quá 70% kinh phí thực hiện mô hình được phê duyệt. Hàng năm căn cứ dự toán được giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ cụ thể khi phân bổ giao dự toán kinh phí.
4. Chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân tổ chức: Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng (lần đầu) cho các cá nhân, tổ chức.
5. Hỗ trợ các dự án, kế hoạch liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp:
- Mức hỗ trợ: thực hiện theo quy định tại Điều 2, Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND, ngày 19 tháng 7 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Giang nhưng tối đa không quá mức hỗ trợ quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 21, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
- Phương thức hỗ trợ: sau đầu tư.
6. Hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp:
Mức hỗ trợ: theo thực tế phát sinh và các quy định hiện hành, tối đa không quá 50% tổng kinh phí hỗ trợ cho 1 cơ sở, tổ chức, cá nhân theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hàng năm căn cứ dự toán được giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ cụ thể khi phân bổ giao dự toán kinh phí.
7. Bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn:
a) Nội dung hỗ trợ: thực hiện theo các nhiệm vụ của địa phương tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam.
b) Mức hỗ trợ: tối đa 50% dự toán kinh phí được duyệt, nhưng không quá 100 triệu đồng cho (01) một làng nghề.
8. Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền:
Mức hỗ trợ: theo thực tế phát sinh và các quy định hiện hành. Hàng năm căn cứ dự toán được giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ cụ thể khi phân bổ giao dự toán kinh phí.
9. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
a) Mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của địa phương. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá:
- Trung tâm Văn hóa tỉnh: 1.000 triệu đồng/thiết chế;
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện: 500 triệu đồng/thiết chế;
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã: 80 triệu đồng/thiết chế;
- Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn: 50 triệu đồng/thiết chế;
b) Hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Thư viện cấp huyện; tủ sách cho Trung tâm Văn hóa, Thể thao cấp xã, Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá:
- Thư viện, tủ sách tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện: 100 triệu đồng/01 tủ sách;
- Thư viện, tủ sách xã: 50 triệu đồng/01 tủ sách;
- Tủ sách thôn: 30 triệu đồng/tủ sách;
c) Chi hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã, thôn. Mức hỗ trợ tối đa:
- Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã: Kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã là 50 triệu đồng/01 năm;
- Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn: Kinh phí tổ chức giải thể thao cấp thôn là 30 triệu đồng/01 năm.
10. Chi thiết kế, sản xuất và lắp biển địa chỉ số đến từng địa chỉ hộ gia đình, cơ quan, tổ chức trên địa bàn nông thôn: mức hỗ trợ theo thực tế phát sinh và các quy định hiện hành. Hàng năm căn cứ dự toán được giao, Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ cụ thể khi phân bổ giao dự toán kinh phí.
11. Chi tổ chức các hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội nông dân nghề nghiệp, Tổ hội nông dân nghề nghiệp; chi hỗ trợ thành lập mô hình và duy trì sinh hoạt mô hình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương; chi hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng mô hình sẵn có; thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”; chi thí điểm và nhân rộng mô hình giám sát an ninh hiện đại và giám sát của cộng đồng, huy động người dân tham gia giám sát cộng đồng do địa phương thực hiện:
Mức hỗ trợ theo thực tế phát sinh và các quy định hiện hành (Đối với chi hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng mô hình sẵn có; thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch tối đa không quá 30 triệu đồng/mô hình). Hàng năm căn cứ dự toán được giao, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét quyết định mức hỗ trợ cụ thể khi phân bổ giao dự toán kinh phí.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn trong Nghị quyết được sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới thì sẽ áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang Khóa XVIII, Kỳ họp thứ Chín (chuyên đề) thông qua ngày 23 tháng 9 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2022./.