QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế Giải Báo chí tỉnh Hà Giang
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Báo chí ngày 28 tháng 12 năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Báo chí ngày 12 tháng 6 năm 1999;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Kết luận số 92/KL-ƯBND ngày 06/8/2009 của UBND tỉnh Hà
Giang về ban hành quy chế giải báo chí tỉnh Hà Giang;
Căn cứ Kết luận số 217-KL/TU ngày 20/8/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương ban hành quy chế “giải báo chí” tỉnh Hà Giang;
Theo đề nghị của Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Giải Báo chí tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
HÀ GIANG
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Trường Tô
|
QUY CHẾ
Giải Báo chí tỉnh Hà Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định Số 3228/2009/QĐ-UBND ngày 01/9/2009
của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi.
Giải Báo chí tỉnh Hà Giang mang tên: “Giải Báo chí Hà Giang”.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh.
Giải báo chí Hà Giang do UBND tỉnh xét và trao giải mỗi năm một lần.
Năm sau tuyển chọn, thẩm định, trao giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc của
năm trước.
UBND tỉnh giao cho Hội nhà báo tỉnh phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan tổ chức lễ trao giải báo chí hàng năm.
Điều 3. Mục đích, yêu cầu của Giải Báo chí.
1.Mục đích:
Thông qua Giải Báo chí Hà Giang để lựa chọn, trao giải thưởng cho những tác phẩm báo chí xuất sắc, đạt chất lượng cao về tư tưởng, chính trị, văn hoá; có nội dung và hình thức thể hiện hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội cao, phản ánh trung thực phong phú về mọi mặt của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2.Yêu cầu:
Giải Báo chí Hà Giang phải góp phần động viên, cổ vũ được phong trào thi đua lao động sáng tạo báo chí của đội ngũ người làm báo trong toàn tỉnh; phát hiện, bồi dưỡng những tài năng báo chí trong xã hội.
Điều 4. Nguyên tắc xét giải.
Việc xét giải thực hiện theo nguyên tắc: Công khai, công bằng, chính xác, khách quan, trung thực, chất lượng, hiệu quả.
Chương II
NỘI DUNG GIẢI BÁO CHÍ HÀ GIANG
Điều 5. Điều kiện tham dự giải.
1.Về tác giả:
a.Là công dân Việt Nam đang cư trú và làm việc tại Hà Giang bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp có tác phẩm báo chí viết về Hà Giang được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Văn hoá - Thông tin cũ (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp phép.
b.Tác giả tham dự giải phải là người không vi phạm pháp luật và không vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.
2.Về tác phẩm:
Là tác phẩm báo chí đã được các cơ quan thông tin đại chúng trong nước sử dụng từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Những tác phẩm đã được trao giải thưởng tại các cuộc thi cấp quốc gia, khu vực hoặc giải báo chí chuyên đề không thuộc đối tượng tham dự giải.
Điều 6. Thể loại tham dự giải.
1.Tác phẩm báo in: Tin, phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bài phản ánh, xã luận, bình luận, chuyên luận, phỏng vấn, bút ký báo ảnh, ảnh báo chí.
2.Tác phẩm báo hình: Tin, phóng sự, phóng sự điều tra, phỏng vấn, bình luận, giao lưu, toạ đàm, phim tài liệu.
3.Tác phẩm báo nói: Tin, bài phản ánh, phóng sự, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký phát thanh.
4.Tác phẩm báo điện tử: Tin, bài phản ánh, phóng sự, phóng sự điều tra, bình luận, phỏng vấn...
Điều 7. Tiêu chuẩn xét chọn.
Các tác giả có tác phẩm báo chí được cơ sở tuyển chọn gửi lên Ban tổ chức Giải Báo chí Hà Giang phải đạt các yêu cầu sau:
1.Nội dung:
Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, phản ánh kịp thời, sâu sắc tình hình thực tế, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; cập nhật chính xác các diễn biến, sự kiện của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh; tuyên truyền về các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phê phán, đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; động viên được các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, xoá đói giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh sâu sắc cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trên địa bàn.
2.Chất lượng và hiệu quả xã hội của tác phẩm:
a.Tác phẩm đạt giải phải có thông tin chính xác, trung thực, khách quan; có tính phát hiện, nêu được vấn đề mới; đề cập những nội dung trọng tâm được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh quan tâm; Có tính định hướng dư luận cao; có sức hấp dẫn, thuyết phục đối với công chúng; có tác động tích cực đến đời sống xã hội, được các tầng lớp nhân dân hoan nghênh, ủng hộ.
b.Các tác phẩm biểu dương điển hình tiên tiến, nhân tố mới phải có tác dụng thiết thực, phát huy hiệu quả trong thực tế.
c.Tác phẩm đề cập những vụ việc tiêu cực phải được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là đúng sự thật hoặc đã được các tổ chức, cá nhân sai phạm thừa nhận và sửa chữa, khắc phục.
d. Tác phẩm đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành khoa học tự nhiên, xã hội còn có những ý kiến khắc nhau phải được cơ quan có thẩm quyền chuyên ngành thẩm định.
3.Hình thức thể hiện của tác phẩm:
a.Đối với báo in, báo nói, báo hình: Tác phẩm phản ánh về một chủ đề, một sự kiện, một đối tượng chính. Được đăng, phát sóng trong một kỳ hoặc nhiều kỳ và cùng một thể loại báo chí.
b.Đối với báo điện tử: Tác phẩm tham dự giải phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu; Mang đặc trưng của loại hình thông tin đa phương tiện.
Điều 8. Ban tổ chức, Hội đồng sơ khảo và chung khảo.
1. Ban tổ chức Giải Báo chí Hà Giang do Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định thành lập. Thành phần cơ cấu, số lượng Ban tổ chức giải do Hội Nhà báo tỉnh đề xuất. Phó Chủ tịch ƯBND tỉnh (phụ trách khối văn hoá - xã hội) là Trưởng ban tổ chức Giải Báo chí Hà Giang. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh là Phó Trưởng ban Thường trực. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh là Phó Trưởng ban. Thành viên là đại diện các cơ quan báo chí của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uy, sở Thông tin và Truyền thông, sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh.
2. Hội đồng sơ khảo của từng cơ quan báo chí do Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh quyết định thành lập. Thành phần, cơ cấu, số lượng do các chi hội nhà báo cơ sở đề xuất gồm lãnh đao cơ quan báo chí, đại diện chi hội, đại diện phóng viên biên tập viên xuất sắc đang làm việc tại đơn vị. Hội đồng sơ khảo có Chủ tịch Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên. Số lượng từ 5 - 7 người.
3. Hội đồng chung khảo do Trưởng Ban tổ chức giải quyết định thành lập. Thành phần, số lượng do Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đề xuất nhưng không quá 9 người. Hội đồng chung khảo có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các thành viên.
Tham gia Hội đồng sơ khảo, chung khảo phải là những người có uy tín nghề nghiệp, có trách nhiệm và khả năng thẩm định chất lượng tác phẩm báo chí một cách khách quan, công bằng, chính xác.
Các thành viên Ban tổ chức, Hội đồng sơ khảo và chung khảo có quyền tham dư giải nhưng không được bỏ phiêu chấm điểm cho tác phẩm của mình.
Điều 9. Quy trình, thủ tục, phương pháp và thời gian công bố trao giải
1.Quy trình:
a.Định kỳ hàng năm, Ban tổ chức công bố thể lệ Giải Báo chí Hà Giang gồm: Tác phẩm, đối tượng tham gia, giới hạn thời gian tác phẩm được cơ quan báo chí sử dung, thời hạn nhân tác phẩm, thời điểm tiến hành lễ trao giải.
b.Hội Nhà báo tỉnh là cơ quan tiếp nhận tác phẩm từ các Hội đồng sơ khảo, phân loại, lập biên bản tổng hợp số lượng tác giả, tác phẩm tham dự giải nộp cho Ban tổ chức để Ban tổ chức giao cho Hội đồng chung khảo chấm.
Ban tổ chức Giải Báo chí Hà Giang không nhận tác phẩm chưa qua thẩm định ở vòng sơ khảo.
2.Thủ tục:
a.Tác phẩm tham dự giải cần ghi rõ thể loại, tên thật của tác giả.
b. Đối với các tác phẩm báo in: gửi phần bài được in cắt từ các báo, tạp chí kèm theo tác phẩm gốc.
c.Đối với tác phẩm báo nói, báo hình: Gửi phần thuyết minh hoặc kịch bản, lời bình kèm theo đĩa tiếng, đĩa hình ghi nội dung tác phẩm và phải ghi rõ thời lượng của tác phẩm.
d.Đối với tác phẩm là báo điện tử: Gửi phần nội dung được in từ trang Web mà các báo đã phát hành kèm theo tác phẩm gốc.
3.Phương pháp chấm điểm:
a.Các tác phẩm tham dự giải đều phải được thẩm định qua 2 vòng:
-Vòng sơ khảo: Tiến hành tại các cơ quan báo chí của tỉnh và do các Hội đồng sơ khảo chấm.
-Vòng chung khảo: Do Hội đồng chung khảo chấm.
Điểm chấm của các vòng sơ khảo, chung khảo là điểm trung bình cộng của các thành viên trong Hội đồng sơ khảo hoặc Hội đồng chung khảo.
b.Đối với các tác phẩm thuộc loại hình báo nói, báo hình, Hội đồng sơ khảo và chung khảo nghe, xem, thẩm định và đánh giá trực tiếp bằng cách bỏ phiếu kín.
c.Đối với tác phẩm thuộc thể loại báo in, các thành viên của Hội đồng sơ khảo và chung khảo nghiên cứu, thẩm định, viết nhận xét về tác phẩm, sau đó họp thảo luận, nhận xét công khai và đánh giá bằng cách bỏ phiếu kín.
d.Sau khi hoàn thiện việc chấm điểm, các thành viên Hội đồng chung khảo có trách nhiệm ký vào phiếu nhận xét và gửi về Ban tổ chức. Ban tổ chức họp, thống nhất kết quả và hoàn chỉnh thủ tục để báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
Phương pháp chấm điểm và xếp giải do Ban tổ chức quy định nhưng phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương trong từng thời điểm giải được tiến hành.
4.Thời gian:
Công bố, trao giải vào dịp kỷ niệm “Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam” 21/6 hàng năm.
Điều 10. Giải thưởng.
Giải báo chí Hà Giang có 4 nhóm giải tương ứng với 4 loại hình báo chí: Báo in, báo hình, báo nói, báo điện tử; mỗi nhóm giải thưởng có các loại giải tương ứng với các thể loại tác phẩm báo chí; mỗi thể loại tác phẩm báo chí có 4 mức giải, đó là: giải A, B, C và giải khuyến khích.
Mức thưởng do Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định cụ thể cho từng năm xét giải.
Điều 11. Kinh phí tổ chức giải.
1. Nguồn kinh phí:
a.Ngân sách địa phương.
b.Tài trợ của các tổ chức, cá nhân.
c.Các nguồn hợp pháp khác.
Riêng đối với nguồn ngân sách địa phương: Hàng năm Hội Nhà báo tỉnh có trách nhiệm lập dự toán kinh phí tổ chức giải báo chí tổng hợp chung vào kinh phí của đơn vị và thực hiện việc báo cáo quyết toán tài chính giải theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
2. Nội dung chi:
a.Chi cho các tác phẩm đạt giải.
b.Chi thù lao cho hoạt động của Ban tổ chức, Hội đồng sơ khảo và chung khảo.
c.Chi cho các công việc phục vụ trực tiếp Giải Báo chí Hà Giang.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12.
1.Hội Nhà báo tỉnh:
a.Là cơ quan thường trực của Ban tổ chức Giải Báo chí Hà Giang.
b.Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ và các cơ quan liên quan xây dựng tiêu chí, hướng dẫn tuyển chọn, thẩm định và chấm tác phẩm dự giải, bảo đảm khách quan, minh bạch; tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh.
2.Sở Thông tin và Truyền thông:
a.Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và hiệu quả xã hội của Giải Báo chí Hà Giang.
b.Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động của giải Báo chí theo quy định của pháp luật.
3.Sở Tài chính:
a.Bố trí kinh phí thực hiện Giải báo chí Hà Giang trong dự toán chi phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí giải theo các chế độ tài chính hiện hành.
b.Chủ trì, phối hợp với sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra, báo cáo ủy ban Nhân dân tỉnh tình hình sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ Giải Báo chí Hà Giang.
Trong quá trình triển khai, nếu có vấn đề gì chưa phù hợp, các cá nhân, tổ chức có liên quan phản ánh về Hội Nhà báo tỉnh để tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung.