• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/03/1994
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 90/TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Giang, ngày 7 tháng 3 năm 1994

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Trên cơ sở việc sắp xếp và làm thủ tục thành lập và đăng ký lại doanh nghiệp Nhà nước theo qui chế về thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 388/HĐBT ngày 20 tháng 11 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã được các Bộ, địa phương và các doanh nghiệp Nhà nước triển khai thực hiện, đến nay đã hoàn thành một bước quan trọng;

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước và tăng cường quản lý Nhà nước;

Căn cứ kết luận của Chính phủ tại phiên họp ngày 6 tháng 1 năm 1994;

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Tiếp tục làm thủ tục thành lập và đăng ký lại những doanh nghiệp Nhà nước chưa làm trong đợt I. Tiến hành kiểm tra, rà soát, phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước chưa thành lập và đăng ký lại trong đợt I, áp dụng các biện pháp chấn chỉnh, củng cố để doanh nghiệp Nhà nước có đủ điều kiện thành lập lại. Các thủ tục thành lập lại phải xem xét chặt chẽ tuân thủ Quy chế ban hành kèm theo Nghị định số 388-HĐBT ngày 20-11-1991.

a) Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động có lãi thì lập hồ sơ và tiến hành các thủ tục thành lập và đăng ký lại theo quy định hiện hành.

b) Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đang kinh doanh chưa có lãi hoặc còn bị lỗ, nhưng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế Quốc dân, trước mắt cũng như lâu dài cần phải duy trì hình thức doanh nghiệp Nhà nước, thì phải có đề án sắp xếp lại kèm theo bản thuyết trình các giải pháp cụ thể về vốn, công nghệ và tổ chức quản lý để nâng dần hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó xem xét và cho thành lập lại những doanh nghiệp thực sự cần thiết.

c) Đối với các doanh nghiệp Nhà nước không đủ điều kiện tồn tại và phát triển thì Bộ trưởng (Đối với doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ quản lý) hoặc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố (Đối với doanh nghiệp Nhà nước địa phương quản lý) tổ chức xem xét và có quyết định thích hợp như qui định trong Quyết định số 315-HĐBT ngày 1-9-1990 và số 330-HĐBT ngày 23- 10- 1991.

d) Đến ngày 30 tháng 9 năm 1994 phải kết thúc việc nhận hồ sơ ở các cơ quan có trách nhiệm thẩm định và đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 phải hoàn thành các thủ tục quyết định thành lập và đăng ký lại.

Điều 2. Đánh giá kết quả hoạt động, chấn chỉnh tổ chức quản lý, tiếp tục sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước đã được thành lập lại trong đợt I để nâng cao hiệu quả kinh doanh và từng bước tổ chức lại một cách hợp lý các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động cùng ngành nghề trên cùng một địa bàn theo hướng không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương hay địa phương quản lý.

Điều 3. Những đơn vị có tính chất sự nghiệp kinh tế, văn hoá xã hội, khoa học kỹ thuật, dịch vụ công cộng, thuần tuý phục vụ Quốc phòng và an ninh hoạt động không vì mục đích lợi nhuận thì vẫn cần xem xét, sắp xếp về tổ chức quản lý nhưng không cần làm lại thủ tục thành lập, đăng ký như các doanh nghiệp. Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ hoạch toán kế toán, tài chính riêng cho các đơn vị sự nghiệp, không lẫn lộn các tổ chức này với doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 4. Chấn chỉnh việc thành lập mới doanh nghiệp Nhà nước:

4.1. Thành lập mới.

a) Chỉ thành lập mới những doanh nghiệp Nhà nước trong những ngành then chốt, những lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước, những lĩnh vực có nhu cầu của thị trường nhưng các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh chưa có điều kiện đầu tư phát triển. Dành ưu tiên các nguồn vốn cho yêu cầu đổi mới công nghệ và mở rộng năng lực của những doanh nghiệp hiện đang hoạt động, nhất là những doanh nghiệp Nhà nước có yêu cầu phát triển.

b) Không thành lập thêm những doanh nghiệp Nhà nước đã có nhiều năng lực kinh doanh cùng ngành đang hoạt động cùng một địa bàn (kể cả năng lực ngoài quốc doanh).

4.2. Kể từ tháng 3 năm 1994 tất cả các doanh nghiệp Nhà nước thành lập mới phải có mức vốn pháp định ít nhất bằng 5 lần mức vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn cùng ngành nghề theo Nghị định số 222-HĐBT ngày 23-7-1991 cụ thể hoá một số Điều qui định trong Luật Công ty.

Điều 5. Sắp xếp, thành lập và đăng ký lại các Liên hiệp xí nghiệp, Tổng công ty (dưới đây gọi chung là Tổng công ty).

5.1 Những Tổng công ty được xem xét thành lập và đăng lý lại khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Tổng công ty là doanh nghiệp Nhà nước có ít nhất 5 đơn vị thành viên quan hệ với nhau về công nghệ, tài chính, chương trình đầu tư phát triển, dịch vụ về cung ứng, vận chuyển, tiêu thụ, thông tin, đào tạo.

b) Toàn Tổng công ty có vốn pháp định trên 500 tỷ đồng, đối với một số Tổng công ty trong những ngành đặc thù thì vốn pháp định có thể thấp hơn nhưng không được ít hơn 100 tỷ đồng.

c) Tổng công ty thực hiện hạch toán kinh tế theo một trong hai hình thức sau:

Hạch toán toàn Tổng công ty, các đơn vị thành viên hạch toán báo sổ.

Hạch toán tổng hợp có phân cấp cho các đơn vị thành viên.

d) Có luận chứng kinh tế - kỹ thuật về việc thành lập Tổng công ty và đề án kinh doanh của Tổng công ty và văn bản giám định các luận chứng đó.

e) Có phương án bố trí cán bộ lãnh đạo và quản lý đúng tiêu chuẩn, đủ năng lực điều hành toàn bộ hoạt động của Tổng công ty.

g) Có điều lệ tổ chức và hoạt động đã được cơ quan chủ quản phê duyệt và được tuân thủ trong thực tế.

5.2 Phân loại để sắp xếp lại các Tổng công ty hiện có.

Loại A: Những Tổng công ty đang thực sự hoạt động có hiệu quả, đáp ứng các điều kiện đã qui định trong điểm 5.1 trên đây thì làm thủ tục thành lập và đăng ký lại.

Loại B: Những Tổng công ty hoạt động chưa có hiệu quả, nhưng có nhu cầu duy trì hình thức Tổng công ty thì cần chấn chỉnh, củng cố đáp ứng các điều kiện qui định trong điểm 5.1 để tiến hành như loại A.

Loại C: Những Tổng công ty ngoài hai loại trên, hoạt động mang tính hành chính trung gian cần phải xử lý theo các hình thức thích hợp, như:

Chuyển thành doanh nghiệp cơ sở.

Sáp nhập vào Tổng công ty hoặc doanh nghiệp khác.

Giải thể theo các Quyết định số 315-HĐBT ngày 1-9-1990 và số 330-HĐBT ngày 23-10-1991.

5.3 Phân công thực hiện:

a) Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước:

Dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành điều lệ mẫu của Tổng công ty thay cho Nghị định số 27-HĐBT ngày 22-3-1989.

Làm đầu mối hướng dẫn các thủ tục sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo Quyết định này.

Chủ trì thẩm định các hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp Nhà nước và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định hiện hành.

b) Bộ Tài chính:

Hướng dẫn cụ thể chế độ hạch toán của Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên và chế độ hạch toán trong các đơn vị sự nghiệp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.

Hướng dẫn việc kiểm kê và thủ tục giao nhận vốn phù hợp với qui định hiện hành.

c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

Tiến hành phân loại, sắp xếp và làm thủ tục thành lập, giải thể doanh nghiệp Nhà nước (Trong đó có Tổng công ty) theo đúng quy định hiện hành.

5.4 Tiến độ thực hiện:

Các văn bản hướng dẫn phải ban hành trước ngày 31 tháng 3 năm 1994.

Danh mục phân loại Tổng công ty phải hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 4 năm 1994.

Những Tổng công ty thuộc loại A: Hoàn thành việc thành lập lại trước ngày 30 tháng 9 năm 1994.

Những Tổng công ty thuộc loại B: Hoàn thành việc thành lập lại trước ngày 31 tháng 12 năm 1994.

Những Tổng công ty thuộc loại C: Phải xử lý xong trước ngày 30 tháng 9 năm 1995.

Trong khi chưa làm xong thủ tục thành lập lại hoặc giải thể, các Tổng công ty vẫn hoạt động cho đến lúc kết thúc tiến độ quy định trên đây.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký./.

 

Thủ tướng Chính phủ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.