QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và
Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách
khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh
____________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang;
Căn cứ Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của điều 1 tại Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của HĐND tỉnh;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 24 tháng 9 năm 2017 và thay thế Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định chi tiết thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Giang; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các ngành có liên quan và các tổ chức, cá nhân căn cứ Quyết định thi hành./.
QUY ĐỊNH
Chi tiết thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
____________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Giang (sau đây gọi là Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
a) Hộ gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã nông, lâm nghiệp, các tổ chức có tư cách pháp nhân (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) thực hiện sản xuất hàng hóa những loại cây trồng, vật nuôi và đầu tư các dự án theo quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND và Điều 1 Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.
b) Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
c) Đối tượng không áp dụng: Các tổ chức, cá nhân đã sử dụng vốn tín dụng ưu đãi từ các chương trình, dự án theo quy định hiện hành của trung ương, sử dụng vốn bảo lãnh tín dụng có nội dung trùng với chính sách theo Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND.
Chương II
ĐIỀU KIỆN, TRÌNH TỰ THỰC HIỆN HỖ TRỢ
Điều 3. Điều kiện hưởng hỗ trợ
1. Đối với cây chè
a) Thâm canh vườn chè
- Đối với tổ chức: Có vườn chè kinh doanh diện tích tối thiểu 3 ha.
- Đối với cá nhân: Có vườn chè kinh doanh diện tích tối thiểu 0,3 ha.
- Thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ.
b) Chế biến chè
- Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
- Công suất tối thiểu 05 tấn chè búp tươi/ngày, có dây chuyền thiết bị hiện đại, tiên tiến được sản xuất sau năm 2010.
- Đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
- Cam kết của tổ chức, cá nhân về thời gian hoạt động tối thiểu của nhà máy là 60 tháng.
2. Đối với cây cam
a) Thâm canh vườn cam
- Đối với tổ chức: Có vườn cam kinh doanh diện tích tối thiểu 3 ha.
- Đối với cá nhân: Có vườn cam kinh doanh diện tích tối thiểu 0,3 ha.
- Thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP.
b) Cơ sở bảo quản cam
- Tổ chức, cá nhân có đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế như: rửa quả, khử trùng, phân loại, bao gói hoặc xây dựng nhà xưởng bảo quản bằng phương pháp bảo quản lạnh trước khi xuất bán.
- Công suất sơ chế, bảo quản tối thiểu 100 tấn/năm.
- Các cơ sở sơ chế và bảo quản phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
3. Đối với cây dược liệu
a) Trồng mới cây dược liệu
- Điều kiện
+ Cây dược liệu trồng mới trong danh mục cây dược liệu ưu tiên theo quyết định số 1435/QĐ-UBND ngày 05/8/2015 và Quyết định số 2185/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
+ Đối với tổ chức: Diện tích trồng mới tối thiểu 2 ha, đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.
+ Đối với cá nhân: Diện tích trồng mới tối thiểu 0,2 ha, đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn Bộ Y tế.
- Thời gian được hưởng chính sách:
+ Thời gian tối đa 12 tháng đối với các cây: Actiso, Bạch chỉ, Đan sâm, Huyền sâm, Ngũ gia bì gai, Tục đoạn, Xuyên khung, Ý dĩ, Kim ngân, Cây Nưa, Địa hoàng, Mạch môn, Giảo cổ lam, Cà gai leo, Hoài sơn.
+ Thời gian tối đa 24 tháng đối với các cây: Đương quy, Bạch truật, Cát cánh, Đẳng sâm, Ngưu tất, Thương truật, Bạch thược.
+ Thời gian tối đa 36 tháng đối với các cây: Hà thủ ô đỏ, Bình vôi, Đinh lăng, Ba kích.
+ Thời gian tối đa 48 tháng đối với cây: Hoàng kỳ.
+ Thời gian tối đa 60 tháng đối với cây: Đỗ trọng, Tam thất.
b) Xây dựng vườn ươm cây giống dược liệu
- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng vườn ươm cây giống dược liệu có phương án sản xuất trình UBND huyện thẩm định và chấp thuận đầu tư bằng văn bản.
- Diện tích vườn ươm cây giống dược liệu tối thiểu 0,1ha trong nhà lưới hoặc 0,5 ha không có nhà lưới.
- Các điều kiện về đất đai, nguồn nước tưới, xử lý chất thải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
c) Sơ chế, bảo quản dược liệu
- Tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế như: rửa, khử trùng, phân loại, phơi sấy khô, bao gói hoặc xây dựng nhà xưởng chưng cất, cô đặc, bảo quản bằng phương pháp bảo quản lạnh trước khi chế biến thành sản phẩm.
- Công suất sơ chế, bảo quản tối thiểu 12 tấn nguyên liệu/năm.
- Các cơ sở sơ chế và bảo quản phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
4. Xây dựng nhà máy chế biến dược liệu và thuê đất trồng dược liệu
a) Xây dựng nhà máy chế biến dược liệu
- Dự án phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được phê duyệt tại quyết định số 3233/QĐ-UBND ngày 26/12/2016.
- Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
- Nhà máy phải đạt các tiêu chuẩn sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế và các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
- Công suất nhà máy tối thiểu 1 triệu sản phẩm/năm (đơn vị tính: viên, gói, lọ, ống).
- Doanh nghiệp phải có trụ sở hoặc có chi nhánh, văn phòng đại diện đặt tại tỉnh Hà Giang.
- Tổ chức, cá nhân có dự án phải cam kết thời gian hoạt động của nhà máy tối thiểu 60 tháng. Nếu thời gian hoạt động sản xuất của nhà máy dưới 60 tháng, thì tổ chức, cá nhân chủ đầu tư nhà máy phải hoàn trả 50% số kinh phí đã được hỗ trợ cho ngân sách nhà nước.
- Chỉ thực hiện hỗ trợ sau khi nhà máy được cơ quan có thẩm quyền (Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh) nghiệm thu các hạng mục theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Thuê đất trồng dược liệu
- Theo danh mục cây dược liệu tại Quyết định số 1435/QĐ-UBND ngày 05/8/2015 và Quyết định số 2185/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
- Có diện tích thuê của người dân để trồng mới tối thiểu 5 ha.
- Hợp đồng thuê đất giữa tổ chức với hộ gia đình, cá nhân phải có thời hạn tối thiểu 60 tháng.
5. Đối với chăn nuôi, xây dựng chuồng nuôi và nhà máy chế biến thực phẩm
a) Mua giống trâu, bò
- Đối với trâu: Là giống trâu Hà Giang, trâu lai F1 Murrah.
- Đối với bò: Là giống Bò vàng vùng cao Hà Giang (giống bò Mông). Riêng các huyện vùng thấp phát triển các giống Red Sindhi, Sahiwal, Brahman, F1 BBB.
- Tiêu chuẩn trâu, bò đực giống: Thân hình cân đối, chắc khỏe, biểu hiện rõ đặc điểm giới tính (đực). Tuổi bắt đầu sử dụng làm giống đối với bò từ 24 tháng tuổi trở lên, trâu từ 36 tháng tuổi trở lên.
- Tiêu chuẩn trâu, bò cái giống: Là những con có tầm vóc to, sức khỏe tốt, các bộ phận thân hình cân đối. Tuổi sử dụng làm giống đối với bò cái sinh sản từ 24 tháng tuổi trở lên và trâu từ 36 tháng tuổi trở lên.
- Con giống được kiểm dịch thú y và tiêm phòng đầy đủ.
b) Chăn nuôi lợn bằng giống địa phương
- Phải là giống địa phương do UBND cấp xã xác nhận.
- Tiêu chuẩn giống: Chọn những con giống khỏe mạnh, thân hình cân đối, lông da bóng mượt, chân thẳng; bộ phận sinh dục phát triển bình thường không khuyết tật. Trọng lượng con giống từ 12 - 15 kg/con.
- Con giống được kiểm dịch thú y và tiêm phòng đầy đủ.
- Quy trình chăn nuôi theo hướng Quy trình VietGAHP nông hộ.
c) Chăn nuôi gia cầm bằng giống địa phương
- Phải là giống địa phương do UBND cấp xã xác nhận.
- Tiêu chuẩn giống: Giống gia cầm phải có đầy đủ các đặc trưng của giống, nhanh nhẹn, lông mượt, mắt tinh nhanh, ham ăn, khỏe mạnh.
- Con giống được kiểm dịch và tiêm chủng đầy đủ các loại vác xin theo lịch vác xin phòng bệnh cho gia cầm trong giai đoạn gia cầm mới nở. Con giống từ 01-21 ngày tuổi tùy vào trình độ của người nuôi.
- Quy trình chăn nuôi theo hướng Quy trình VietGAHP nông hộ.
d) Chăn nuôi dê
- Về con giống: Sử dụng các giống dê có trong danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn quy định như: Giống dê cỏ địa phương hiện có trên địa bàn tỉnh Hà Giang và các giống dê nhập ngoại; giống dê lai.
- Tiêu chuẩn giống: Chọn những con dê có thân hình cân đối, khỏe mạnh, biểu hiện rõ đặc điểm giới tính. Trọng lượng con giống từ 15 – 20 kg/con.
- Con giống được kiểm dịch thú y và tiêm phòng đầy đủ.
đ) Xây dựng chuồng trại gắn với xử lý chất thải theo tiêu chuẩn
- Đối với trâu bò thịt: Diện tích chuồng nuôi tối thiểu 3m2/con;
- Đối với trâu bò sinh sản diện tích chuồng nuôi tối thiểu 5m2/con.
- Diện tích chuồng nuôi nhốt tối thiểu 1m2/con đối với lợn thịt; diện tích chuồng nuôi tối thiểu 5m2/con đối với lợn nái sinh sản; ngoài ra đảm bảo 5m2 sân chơi cho một nái.
- Diện tích nuôi nhốt tối thiểu: chăn nuôi gà từ 4 đến 8con/m2 tùy thuộc vào tuần tuổi của gà; ngan, vịt: từ 2 đến 4 con/m2 và có sân chơi, chỗ tắm cho ngan, vịt.
- Diện tích nuôi nhốt tối thiểu từ 1 - 1,2m2/con đối với dê.
- Chuồng trại phải đảm bảo vững chắc, nền chuồng phải được đổ bê tông, độ dốc nền chuồng đảm bảo từ 30-50 về phía hố phân, hố thu phân phải có tường chắn và có nắp che đậy phía trên; mái được lợp bằng Pro xi măng, ngói, lá cọ hoặc tôn; tường chuồng được xây cao tối thiểu 0,8m đối với nuôi nhốt trâu, bò, lợn. Đối với chăn nuôi gia cầm phải có lưới bao quanh từ trên phần tường xây lên đến mái. Riêng đối với chuồng nuôi nhốt dê phải có sàn cách mặt nền từ 0,5-0,8m làm bằng nan gỗ hoặc tre có kích thước 3 x 3cm khoảng các giữa 2 nan từ 1,5 đến 1,8cm. Khuyến khích sử dụng công trình khí sinh học bioga, đệm lót sinh học và các công nghệ xử lý môi trường khác đối với chăn nuôi lợn và gia cầm.
e) Nhà máy chế biến thực phẩm từ sản phẩm gia súc, gia cầm
- Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
- Có cơ sở, trang trại chăn nuôi hoặc hợp đồng liên kết với các hộ chăn nuôi đảm bảo theo công suất của nhà máy.
- Công suất giết mổ một ngày đêm phải đạt tối thiểu 30 con trâu, bò, ngựa hoặc 100 con tiểu gia súc (lợn, dê) hoặc 1.000 con gia cầm.
- Đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
- Cam kết của tổ chức, cá nhân về thời gian hoạt động của nhà máy tối thiểu là 60 tháng.
- Chỉ thực hiện hỗ trợ sau khi nhà máy được cơ quan có thẩm quyền (Sở Công thương chủ trì) nghiệm thu các hạng mục theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Đối với nhà máy sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi
a) Dự án phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Hà Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được phê duyệt tại quyết định số 3233/QĐ-UBND ngày 26/12/2016.
b) Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
c) Công suất nhà máy tối thiểu 4.000 tấn sản phẩm/năm.
d) Có trụ sở hoặc có chi nhánh, văn phòng đại diện đặt tại tỉnh Hà Giang.
đ) Cam kết thời gian hoạt động của nhà máy tối thiểu 60 tháng. Nếu thời gian hoạt động sản xuất của nhà máy dưới 60 tháng, thì tổ chức, cá nhân chủ đầu tư nhà máy phải hoàn trả 50% số kinh phí đã được hỗ trợ cho ngân sách nhà nước.
e) Nhà máy phải đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
g) Chỉ thực hiện hỗ trợ sau khi nhà máy được cơ quan có thẩm quyền (Sở Công thương chủ trì) nghiệm thu các hạng mục theo dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Đối với nuôi ong
a) Hỗ trợ trong thời gian đàn ong được nuôi trên địa bàn tỉnh và có xác nhận của UBND cấp xã, trưởng thôn về thời gian nuôi ong tại địa bàn.
b) Tiêu chuẩn ong giống: Giống ong nội, chọn đàn ong nhanh nhẹn, khỏe mạnh không bị bệnh, có ít nhất 3 cầu tiêu chuẩn; ong chúa to, dài, thanh, nhanh nhẹn.
8. Đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư phát triển các cây, con ngoài chính sách quy định.
a) Dự án ứng dụng công nghệ cao
- Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
- Dự án đáp ứng các tiêu chí quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.
- Cam kết của tổ chức, cá nhân về thời gian triển khai thực hiện dự án tính từ thời điểm dự án đi vào hoạt động tối thiểu là 60 tháng. Trường hợp không triển khai dự án đầu tư kể từ khi được cấp có thẩm quyền chấp nhận quá 12 tháng nhà nước sẽ thu hồi mặt bằng sạch đã giao cho tổ chức, cá nhân.
- Đối với nội dung hỗ trợ lãi suất: chỉ thực hiện hỗ trợ sau khi dự án được cơ quan có thẩm quyền (Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các Sở, ngành liên quan) nghiệm thu.
b) Dự án phát triển các cây, con ngoài chính sách quy định
- Dự án đầu tư phát triển các cây, con ngoài chính sách quy định phải phù hợp với quy hoạch được duyệt hoặc định hướng phát triển của tỉnh, có triển vọng phát triển trên địa bàn tỉnh và tạo được sản xuất hàng hóa.
- Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
9. Đối với khuyến khích phát triển lâm nghiệp
a) Hỗ trợ chuyển đổi vườn tạp sang trồng rừng kinh tế
- Phải được UBND huyện, thành phố phê duyệt kế hoạch chuyển đổi vườn tạp và kế hoạch giao chỉ tiêu hàng năm của UBND tỉnh.
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải thuộc diện tích đang sử dụng của tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ.
- Trồng rừng kinh tế bằng giống cây lâm nghiệp tốt.
- Hỗ trợ sau khi có kết quả nghiệm thu của cơ quan chuyên môn theo quy trình nghiệm thu trồng cây lâm nghiệp hiện hành của nhà nước (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt Kiểm lâm, BQL rừng các huyện).
b) Hỗ trợ trồng rừng bằng giống tốt
- Phù hợp với quy hoạch phát triển lâm nghiệp của tỉnh.
- Sử dụng giống cây lâm nghiệp tốt để trồng rừng theo đúng tiêu chuẩn về giống gồm cây Keo hoặc cây gỗ lớn.
- Đã được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để trồng rừng kinh tế.
- Diện tích rừng trồng không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương và các chương trình, dự án khác.
- Hỗ trợ sau khi có kết quả nghiệm thu của cơ quan chuyên môn theo quy trình nghiệm thu trồng cây lâm nghiệp hiện hành của nhà nước (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Hạt kiểm lâm/ BQL rừng các huyện).
10. Đối với phát triển HTX nông, lâm nghiệp
a) Hỗ trợ thành lập mới
Hợp tác xã thành lập mới được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã.
b) Giao đất hoặc cho thuê đất theo Luật Đất đai để làm trụ sở và kho bãi sản xuất
- Hợp tác xã được thành lập hoặc chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Hợp tác xã chưa có đất, chưa được nhà nước cho thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh.
- Diện tích giao đất tùy thuộc vào quy mô hoạt động của hợp tác xã và quỹ đất công hiện có của địa phương.
c) Hỗ trợ xây dựng trụ sở làm việc
- Hợp tác xã được thành lập mới hoặc hợp tác xã được chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
- Chưa có trụ sở làm việc.
- Tại thời điểm đề nghị hỗ trợ, hợp tác xã phải có 01 năm hoạt động hiệu quả và được cơ quan thuế địa phương xác nhận.
- Trụ sở HTX xây dựng diện tích tối thiểu 80m2 .
- Hỗ trợ sau khi được cơ quan có thẩm quyền (Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện chủ trì) nghiệm thu trụ sở làm việc của hợp tác xã.
d) Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại
- Được các ngân hàng thương mại thẩm định và chấp thuận giải ngân.
- Không có dư nợ xấu tại các ngân hàng thương mại.
- Mục đích vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông lâm nghiệp (ghi rõ trong hợp đồng vay vốn với Ngân hàng thương mại).
11. Đối với dồn điền đổi thửa
a) Hỗ trợ trực tiếp dồn điền đổi thửa
- Có trong kế hoạch dồn điền đổi thửa được UBND cấp huyện phê duyệt.
- Có hợp đồng liên kết với tổ chức có tư cách pháp nhân để sản xuất hàng hóa; thời gian hợp đồng 24 tháng trở lên.
b) Hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp
- Chỉ hỗ trợ đối với tổ chức, cá nhân đã được hưởng chính sách hỗ trợ trực tiếp để dồn điền, đổi thửa theo phê duyệt tại điểm a (Đối với cá nhân chỉ hỗ trợ cho 01 hộ đại diện để thực hiện cơ giới hóa đối với diện tích đã dồn điền, đổi thửa).
- Máy móc, thiết bị mới được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu theo danh mục của nhà nước và đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành và có hóa đơn, chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính.
- Hỗ trợ sau khi được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu (Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì với Phòng Tài chính - Kế hoạch và UBND cấp xã).
12. Đối với đăng ký thương hiệu sản phẩm
a) Tổ chức, cá nhân có sản phẩm hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận thương hiệu sản phẩm lần đầu.
b) Sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trên bao bì có ghi rõ xuất xứ tại Hà Giang.
13. Đối với hỗ trợ tiền công cho người dẫn tinh viên
Người dẫn tinh viên yêu cầu phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp chăn nuôi, thú y hoặc đã được tập huấn, đào tạo về dẫn tinh viên do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ đã qua đào tạo.
14. Chính sách xử lý rủi ro: Thực hiện theo quy định hiện hành của Trung ương.
Điều 4. Hồ sơ, trình tự thực hiện
1. Đối với các chính sách hỗ trợ lãi suất để: thâm canh vườn chè; thâm canh vườn cam; trồng mới cây dược liệu, vườn ươm cây giống dược liệu; chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn giống địa phương, gia cầm giống địa phương, xây dựng chuồng nuôi; nuôi ong; cơ sở bảo quản cam; cơ sở sơ chế, bảo quản dược liệu; vay vốn sản xuất kinh doanh của HTX nông lâm nghiệp; vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp
a) Cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay vốn làm đơn đăng ký gửi UBND cấp xã về nhu cầu vay vốn và hỗ trợ lãi suất (cá nhân theo mẫu 01 và tổ chức theo mẫu 02).
b) UBND cấp xã tiếp nhận đơn của các tổ chức, cá nhân xin vay vốn; sàng lọc đối tượng theo đúng quy định của Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND; quy định của UBND tỉnh và quy định của các ngân hàng thương mại; sau đó lập danh sách kèm theo đơn của tổ chức, cá nhân gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT (gọi chung Phòng Nông nghiệp) huyện để xem xét thẩm định.
c) Phòng Nông nghiệp tổng hợp nhu cầu vay vốn của tổ chức, cá nhân, sau đó phối hợp với Ngân hàng thương mại, các đơn vị có liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập phương án hoặc dự án sản xuất, kinh doanh; xây dựng kế hoạch thẩm định và thông báo cho các ngân hàng thương mại, Ủy ban nhân dân xã cùng phối hợp tổ chức thẩm định.
d) Ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thẩm định (thành phần tổ thẩm định do Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định); thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện vay vốn. Quy trình cho vay thực hiện theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
đ) Việc giải ngân cho các cá nhân được thực hiện tại trụ sở ngân hàng thương mại nơi cho vay; trong trường hợp cần thiết, nếu giải ngân cho nhiều khách hàng, với số tiền lớn thì thực hiện giải ngân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.
e) Hàng quý Ngân hàng thương mại tổng hợp danh sách, nội dung liên quan, gửi kèm bản sao Hợp đồng vay vốn ngân hàng của các tổ chức, cá nhân (chỉ gửi lần đầu trong cả thời gian vay) gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT. Phòng Nông nghiệp và PTNT tiếp nhận, chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định hỗ trợ lãi suất.
2. Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất cho tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè; đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao; dự án phát triển cây, con ngoài chính sách quy định
a) Hồ sơ:
- Đơn đề nghị (đối với cá nhân theo mẫu số 01; đối với tổ chức theo mẫu số 02).
- Văn bản chấp thuận dự án đầu tư của cấp có thẩm quyền
- Dự án đầu tư.
- Hợp đồng vay vốn với Ngân hàng thương mại
b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
c) Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở, Ngành có liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh xem xét quyết định hỗ trợ lãi suất.
3. Đối với tổ chức, cá nhân được hỗ trợ trực tiếp để đầu tư xây dựng: nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi; nhà máy chế biến dược liệu
a) Hồ sơ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ (đối với cá nhân theo mẫu số 01; đối với tổ chức theo mẫu số 02).
- Dự án đầu tư.
- Văn bản chấp thuận đầu tư của cấp thẩm quyền.
- Giấy chứng nhận đầu tư (nếu có).
- Biên bản nghiệm thu công suất đối với nhà máy đã hoàn thành đi vào hoạt động do Sở Công thương chủ trì.
b) Số lượng hồ sơ: 06 bộ
c) Trình tự thực hiện: Tổ chức cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Giang) tiếp nhận, lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành có liên quan thẩm định trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ đầu tư; Sở Tài chính có trách nhiệm thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ.
4. Đối với tổ chức, cá nhân thuê đất trồng dược liệu
a) Hồ sơ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê đất (đối với cá nhân theo mẫu số 01; đối với tổ chức theo mẫu số 02).
- Dự án hoặc phương án đầu tư.
- Giấy chứng nhận đầu tư (nếu có).
- Danh sách Hợp đồng thuê đất giữa tổ chức với hộ gia đình, cá nhân (có xác nhận của thôn, xã).
- Biên bản nghiệm thu do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì.
b) Số lượng hồ sơ 06 bộ
c) Trình tự thực hiện: Sau khi cây trồng được Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức nghiệm thu; tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Giang) tiếp nhận thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ đầu tư; Sở Tài chính có trách nhiệm thanh toán, quyết toán kinh phí hỗ trợ.
5. Đối với tổ chức, cá nhân được thuê đất có mặt bằng sạch để đầu tư dự án ứng dụng công nghệ cao; hợp tác xã thuê đất để xây dựng trụ sở và kho bãi
a) Hồ sơ:
- Đơn xin thuê đất (theo mẫu số 01 thông tư 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và môi trường).
- Bản đồ thu hồi và giao cho thuê.
- Bản sao giấy chứng nhận đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư kèm theo thuyết minh dự án đầu tư.
- Văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất của Sở Tài nguyên và môi trường.
b) Số lượng hồ sơ: 06 bộ.
c) Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Tài nguyên và Môi trường (Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Giang) tiếp nhận, lấy ý kiến tham gia của các của các sở, ngành có liên quan thẩm định trình UBND tỉnh quyết định.
6. Đối với tổ chức, cá nhân phát triển lâm nghiệp
a) Hỗ trợ trực tiếp chuyển đổi vườn tạp
- Hồ sơ
+ Đơn đề nghị.
+ Biên bản xác minh tiêu chí vườn tạp của cơ quan chuyên môn cấp huyện.
+ Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch của huyện cho tổ chức, cá nhân.
+ Biên bản nghiệm thu kết quả chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng rừng của cơ quan có thẩm quyền.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến UBND xã tổng hợp gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình UBND huyện quyết định hỗ trợ.
b) Hỗ trợ trồng rừng kinh tế bằng giống tốt
- Hồ sơ:
+ Đơn đề nghị.
+ Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch của huyện cho tổ chức, cá nhân.
+ Hồ sơ trồng rừng bằng giống tốt được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với tổ chức).
+ Biên bản nghiệm thu kết quả trồng rừng bằng giống tốt của cơ quan có thẩm quyền.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến UBND xã tổng hợp gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định và trình UBND huyện quyết định hỗ trợ.
7. Đối với hỗ trợ Hợp tác xã nông, lâm nghiệp
a) Hỗ trợ trực tiếp thành lập mới:
- Hồ sơ:
+ Đơn đề nghị.
+ Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã được cơ quan có thẩm quyền cấp (Bản sao).
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Trình tự thực hiện: HTX gửi hồ sơ đến Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định và trình UBND huyện ra quyết định hỗ trợ.
b) Hỗ trợ trực tiếp Hợp tác xã xây dựng trụ sở
- Hồ sơ:
+ Đơn đề nghị.
+ Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã được cấp có thẩm quyền cấp.
+ Xác nhận của UBND huyện nơi Hợp tác xã đăng ký hoạt động chưa có trụ sở làm việc.
+ Xác nhận của cơ quan thuế địa phương về nộp thuế thu nhập của HTX.
+ Biên bản nghiệm thu công trình trụ sở Hợp tác xã đã xây dựng hoàn thành của UBND huyện.
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
- Trình tự thực hiện: Hợp tác xã gửi hồ sơ đến Phòng Kinh tế và hạ tầng chủ trì phối hợp với các phòng liên quan thẩm định trình UBND huyện xem xét quyết định hỗ trợ.
8. Đối với tổ chức, cá nhân liên kết thực hiện dồn điền, đổi thửa
a) Hồ sơ:
- Đơn đề nghị.
- Hợp đồng liên kết giữa tổ chức có tư cách pháp nhân với với các hộ gia đình để sản xuất hàng hóa; hợp đồng ký kết có thời gian từ 24 tháng trở lên.
- Phê duyệt kế hoạch dồn điền, đổi thửa của UBND cấp huyện.
- Nghiệm thu kết quả dồn điền, đổi thửa của UBND cấp xã kèm theo Danh sách thống kê diện tích trước, sau dồn điền của từng cá nhân có xác nhận của UBND cấp xã.
- Hợp đồng vay vốn với Ngân hàng thương mại (đối với nội dung hỗ trợ lãi suất vay vốn). Tổ chức, cá nhân chỉ được hỗ trợ lãi suất vay vốn mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp khi đã thực hiện hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa.
b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
c) Trình tự thực hiện: Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - KH thẩm định, trình UBND huyện quyết định hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đủ điều kiện.
9. Đối với tổ chức, cá nhân đăng ký thương hiệu sản phẩm
a) Hồ sơ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ (đối với cá nhân theo mẫu số 01; đối với tổ chức theo mẫu số 02).
- Hợp đồng, thanh lý hợp đồng và hóa đơn giá trị gia tăng thanh toán chi phí xây dựng thương hiệu (bản sao).
- Bản sao văn bằng bảo hộ đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp (bản sao).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức (bản sao).
b) Số lượng hồ sơ: 06 bộ
c) Trình tự thực hiện: Tổ chức cá nhân gửi hồ sơ đến Sở Khoa học và công nghệ thẩm định trình UBND tỉnh ra quyết định hỗ trợ. Trường hợp không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ, Sở Khoa học và Công nghệ có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
10. Đối với dẫn tinh viên
a) Hồ sơ:
- Đơn đề nghị hỗ trợ tiền công cho người dẫn tinh viên theo mẫu quy định tại mẫu số số 01.
- Danh sách có xác nhận của từng hộ gia đình có đại gia súc được thụ tinh nhân tạo thành công và Trưởng thôn, Trưởng ban thú y và UBND cấp xã.
b) Số lượng hồ sơ 01 bộ
c) Trình tự thực hiện: Tổ chức cá nhân gửi hồ sơ đến phòng Nông nghiệp tiếp nhận, thẩm định trình UBND cấp huyện xem xét quyết định hỗ trợ.
11. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan, bất khả kháng
a) Trình tự, thủ tục hỗ trợ, định mức hỗ trợ được thực hiện theo Nghị định số 02/2017/NĐ- CP, ngày 09 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ và Quyết định số 806/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Đối với hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương; đối với các tổ chức có tư cách pháp nhân khác sử dụng nguồn kinh phí ngân sách địa phương.
b) Trình tự, thủ tục cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, dãn nợ, xóa nợ được thực hiện theo hướng dẫn của các ngân hàng thương mại giải ngân cho tổ chức, cá nhân vay vốn.
c) Các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan, bất khả kháng được vay vốn để khôi phục lại sản xuất. Trình tự, hồ sơ, thủ tục được thực hiện theo quyết định này.
Chương III
NGUỒN VỐN, LẬP DỰ TOÁN VÀ PHƯƠNG THỨC CẤP PHÁT, THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
Điều 5. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách
1. Bố trí từ nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các chính sách hỗ trợ sau:
a) Hỗ trợ sản xuất chế biến dược liệu quy định tại tiết 1, điểm a, Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND.
b) Hỗ trợ chế biến thức ăn chăn nuôi quy định tại điểm c, Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND.
c) Hỗ trợ trồng rừng kinh tế bằng giống tốt quy định tại tiết 2, điểm g, Khoản 6, Điều 1, Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND.
d) Hỗ trợ trụ sở làm việc cho hợp tác xã nông lâm nghiệp quy định tại tiết 3, điểm h, Khoản 6, Điều 1, Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND.
2. Bố trí từ nguồn sự nghiệp kinh tế để hỗ trợ cho các nội dung còn lại của Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND.
Điều 6. Lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách
1. Căn cứ kết quả thực hiện của năm trước, ước thực hiện của năm hiện hành, UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với các ngân hàng thương mại để lập dự toán kinh phí.
2. Căn cứ dự toán kinh phí do các huyện, thành phố lập, Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm tổng hợp dự toán gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu cho UBND tỉnh cân đối nguồn kinh phí để thực hiện chính sách.
Điều 7. Phương thức cấp phát, thanh toán
1. Cấp phát, thanh toán đối với các chính sách hỗ trợ lãi suất do cơ quan cấp huyện thẩm định (tại Khoản 1 Điều 4):
a) Trước ngày 15 của tháng cuối quý, căn cứ các hợp đồng vay vốn theo chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 209/2015/NQ-H%C4%90ND&area=2&type=0&match=False&vc=True&org=53&lan=1" target="_blank">209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND; các ngân hàng thương mại có trách nhiệm lập bảng kê chi tiết lãi tiền vay của các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT, lãi tiền vay được tính đến hết thời điểm ngày cuối quý.
b) Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định đối tượng, nội dung hỗ trợ và số tiền vay vốn theo Hợp đồng ký kết giữa Ngân hàng thương mại với các tổ chức, cá nhân được vay vốn, trình UBND huyện cấp tạm ứng kinh phí hỗ trợ lãi suất trước ngày 25 của tháng cuối quý.
c) Căn cứ Quyết định cấp tạm ứng kinh phí của UBND huyện, Phòng Tài chính - KH chuyển trả trực tiếp kinh phí hỗ trợ lãi suất cho Ngân hàng thương mại bằng hình thức Lệnh chi tiền đối với hỗ trợ lãi suất cho các cá nhân. Đối với hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức chuyển trực tiếp cho các tổ chức bằng hình thức Lệnh chi tiền vào tài khoản của tổ chức mở tại ngân hàng thương mại nơi cho vay. Thời gian chuyển trả kinh phí hỗ trợ lãi suất trước ngày cuối quý.
Huyện nào thực hiện chuyển trả kinh phí hỗ trợ lãi suất không đúng quy định để phát sinh lãi trả chậm, thì huyện đó phải tự cân đối ngân sách để thanh toán lãi chậm trả theo mức lãi suất quy định của ngân hàng thương mại.
d) Hàng quý, Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất báo cáo UBND huyện trình UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) cấp kinh phí trước ngày 15 của tháng đầu quý sau.
đ) Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trình UBND tỉnh cấp bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố.
e) Căn cứ Quyết định cấp bổ sung kinh phí của UBND tỉnh, Sở Tài chính thông báo bổ sung có mục tiêu kinh phí về huyện, thành phố.
g) Căn cứ nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp bổ sung, các huyện, thành phố thực hiện chuyển kinh phí đã cấp tạm ứng sang thực chi ngân sách.
2. Cấp phát, thanh toán đối với các chính sách hỗ trợ lãi suất do cơ quan cấp tỉnh thẩm định (tại Khoản 2 Điều 4):
- Căn cứ quyết định hỗ trợ lãi suất của UBND tỉnh, căn cứ hợp đồng vay vốn, trước ngày 15 tháng cuối quý, Ngân hàng thương mại có trách nhiệm lập bảng kê chi tiết tiền vay của tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất gửi Sở Tài chính, lãi tiền vay được tính đến hết thời điểm ngày cuối quý.
- Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí và chuyển trả trực tiếp cho cho tổ chức, cá nhân được hỗ trợ bằng hình thức Lệnh chi tiền vào tài khoản của tổ chức, cá nhân mở tại ngân hàng thương mại nơi cho vay. Thời gian chuyển trả kinh phí hỗ trợ lãi suất trước ngày cuối quý.
3. Cấp phát, thanh toán đối với các chính sách hỗ trợ trực tiếp
3.1. Đối với chính sách hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư:
- Cơ quan chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan chủ trì thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân:
+ Trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ: trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ.
+ Trường hợp không đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ: có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
- Căn cứ Quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh, Sở Tài chính cấp kinh phí cho tổ chức, cá nhân được hưởng chính sách hỗ trợ bằng hình thức Lệnh chi tiền.
3.2. Đối với chính sách hỗ trợ từ nguồn kinh phí sự nghiệp
a) Cấp tỉnh thực hiện (Chính sách hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ tiền thuê đất trồng dược liệu):
- Sở Tài chính căn cứ quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh, cấp kinh phí hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân vào nguồn không thực hiện chế độ tự chủ của:
+ Sở Khoa học và Công nghệ đối với chính sách hỗ trợ đăng ký thương hiệu sản phẩm.
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê đất trồng dược liệu.
- Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý và chi trả kinh phí tỉnh hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.
b) Cấp huyện thực hiện:
- Chính sách hỗ trợ tiền công cho dẫn tinh viên:
+ Căn cứ Quyết định hỗ trợ của UBND huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch trình UBND cấp huyện cấp tạm ứng kinh phí để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.
+ Phòng Tài chính - Kế hoạch chuyển kinh phí hỗ trợ tiền công cho dẫn tinh viên về Trạm Thú y.
+ Trạm Thú y căn cứ hồ sơ được duyệt để chi trả tiền công cho dẫn tinh viên.
- Chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, phát triển hợp tác xã nông lâm nghiệp, dồn điền, đổi thửa:
+ Căn cứ quyết định hỗ trợ của UBND huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch trình UBND huyện cấp tạm ứng kinh phí để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân.
+ Căn cứ Quyết định cấp tạm ứng kinh phí của UBND huyện, Phòng Tài chính - Kế hoạch chuyển kinh phí hỗ trợ cho Phòng Nông nghiệp và PTNT.
+ Phòng Nông nghiệp và PTNT căn cứ hồ sơ được duyệt để chi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân.
- Sau khi hoàn thành việc chi trả chính sách hỗ trợ cho các đối tượng, phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách báo cáo UBND huyện trình UBND tỉnh (qua Sở Tài chính) cấp kinh phí.
- Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố.
- Căn cứ Quyết định cấp bổ sung kinh phí của UBND tỉnh, Sở Tài chính thông báo bổ sung có mục tiêu kinh phí về huyện, thành phố.
- Căn cứ nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp bổ sung, các huyện, thành phố thực hiện chuyển kinh phí đã cấp tạm ứng sang thực chi ngân sách và hoàn trả nguồn đã cấp tạm ứng từ ngân sách huyện.
Điều 8. Quy định về bảo lãnh tín dụng
1. Điều kiện để được bảo lãnh: Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hợp tác xã có đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh được hỗ trợ lãi suất tiền vay theo quy định tại Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND.
2. Tổ chức thực hiện bảo lãnh tín dụng:
a) Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã thực hiện bảo lãnh đối với các hợp tác xã.
b) Quỹ bảo lãnh tín dụng tỉnh thực hiện bảo lãnh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều 9. Quyết toán kinh phí
Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 209/2015/NQ-H%C4%90ND&area=2&type=0&match=False&vc=True&org=53&lan=1" target="_blank">209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND được quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Điều khoản chuyển tiếp
1. Tổ chức, cá nhân đang hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 47/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nếu mức hỗ trợ lãi suất tại Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND cao hơn và còn hiệu lực về thời gian hỗ trợ. Tổ chức, cá nhân được chuyển tiếp sang hưởng theo Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 86/2017/NQ-HĐND.
2. Điều kiện, hồ sơ, trình tự thực hiện theo các điều khoản của quy định này.
Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan
1. Uỷ ban nhân dân cấp xã
a) Tuyên truyền, phố biến cho nhân dân trên địa bàn hiểu biết về chính sách và triển khai thực hiện tốt chính sách.
b) Tiếp nhận đơn đề nghị vay vốn và hỗ trợ lãi suất của các tổ chức, cá nhân (trừ hỗ trợ trực tiếp); rà soát sơ bộ, sàng lọc đối tượng vay vốn theo các tiêu chí, điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định; kịp thời gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT đề nghị hỗ trợ lãi suất của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin xác nhận vào hồ sơ đề nghị hỗ trợ lãi suất của các tổ chức, cá nhân theo quy định.
d) Kiểm tra việc thực hiện chính sách tại địa bàn mình quản lý, kịp thời phát hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý đối với các đối tượng lợi dụng chính sách để sử dụng vốn vay không đúng mục đích.
đ) Phối hợp với ngân hàng thương mại, phòng Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan có liên quan thẩm định hồ sơ, điều kiện vay vốn, giải ngân vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn vay, đôn đốc, thu hồi công nợ khi đến hạn. Tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ các ngân hàng thương mại trong việc xử lý các khoản nợ xấu và các vấn đề phát sinh trong quá trình cho vay.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện
a) Chỉ đạo các ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các tổ chức, cá nhân biết để tiếp cận với chính sách của Nghị quyết.
b) Hàng năm chỉ đạo rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh để tham mưu giao kế hoạch cho các huyện, thành phố.
c) Thành lập tổ thẩm định do Phòng Nông nghiệp làm Tổ trưởng, thành phần tham gia là các ngân hàng cho vay và một số thành viên là các phòng, ban khác do huyện quyết định. Tổ thẩm định có trách nhiệm thẩm định điều kiện vay vốn và điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định để công tác thẩm định được thực hiện thống nhất chung toàn tỉnh.
d) Phối hợp với các Ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện, thành phố kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức, cá nhân đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
đ) Định kỳ hàng tháng, UBND cấp huyện, thành phố tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh.
3. Trách nhiệm của các Ngân hàng thương mại
a) Các ngân hàng thương mại áp dụng cơ chế cho vay và lãi suất cho vay đối với các nhu cầu vay vốn thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất phù hợp với quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quy chế cho vay hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (hoặc các văn bản bổ sung, sửa đổi) và các văn bản pháp luật có liên quan.
b) Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất để ghi trong hợp đồng tín dụng các nội dung về hỗ trợ lãi suất theo quy định. Hướng dẫn khách hàng vay, bảo đảm việc cho vay được thuận tiện, an toàn và đúng đối tượng. Nghiêm cấm việc cho vay mới để trả nợ cũ.
c) Thực hiện việc kiểm tra vốn vay theo quy định để bảo đảm khoản vay sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy được hiệu quả. Khi nhận được thông báo của UBND xã về kết quả kiểm tra phát hiện việc sử dụng vốn sai mục đích của khách hàng thì tiến hành điều chỉnh các thông tin về khoản cho vay hỗ trợ lãi suất (giảm toàn bộ hoặc một phần dư nợ ứng với số tiền vi phạm ra khỏi danh mục) để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
d) Định kỳ hàng quý tổng hợp danh sách các tổ chức, cá nhân đã được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND gửi Phòng Nông nghiệp và PTNT, đồng gửi Phòng Tài chính – Kế hoạch làm cơ sở để ngân sách thanh toán tiền hỗ trợ lãi suất.
đ) Tổ chức việc theo dõi, thống kê kịp thời, chính xác các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất để phục vụ cho việc báo cáo các cấp, ngân hàng cấp trên và việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
e) Lưu hồ sơ các khoản cho vay được hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các hồ sơ, tài liệu về cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định.
4. Các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh
a) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Hàng năm hướng dẫn UBND cấp huyện lập kế hoạch các nội dung hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ đầu tư theo các nội dung chính sách hỗ trợ của Nghị quyết.
- Phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giao kế hoạch, cân đối kinh phí cấp cho các huyện, thành phố.
- Chủ trì cùng các sở, ngành liên quan thực hiện kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tại các huyện, thành phố theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ 6 tháng tổng hợp kết quả thực hiện chính sách báo cáo UBND tỉnh; đồng thời tham mưu cho tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức cá nhân đề nghị hỗ trợ trực tiếp; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu tư để thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu tại Khoản 1, Điều 5 của Quy định.
c) Sở Tài chính
- Tham mưu cho UBND tỉnh cân đối bố trí kinh phí sự nghiệp thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu tại Khoản 2 Điều 5 của Quy định. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục thanh quyết toán.
- Đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn Phòng Nông nghiệp và PTNT, Tài chính – Kế hoạch, Ngân hàng thương mại trong việc lập hồ sơ, trình tự, thủ tục để chi trả lãi suất tiền vay từ ngân sách nhà nước theo chính sách quy định.
d) Sở Khoa học và Công nghệ
Tham mưu cho UBND tỉnh thẩm định các hồ sơ, thủ tục của các tổ chức, cá nhân đề nghị hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, các dự án ứng dụng công nghệ cao và phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách.
e) Sở Tài nguyên và Môi trường
Tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn, thẩm định các hồ sơ, thủ tục của các tổ chức, cá nhân đề nghị giao đất, cho thuê đất và phối hợp với các ngành có liên quan đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách.
f) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Giang
- Chỉ đạo các các Ngân hàng thương mại có chi nhánh trên địa bàn tỉnh Hà Giang thực hiện cho vay theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết 86/2017/NQ-HĐND; thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ lãi suất khi có yêu cầu.
g) Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã: Các quỹ có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức có nhu cầu bảo lãnh vay vốn để thẩm định và thực hiện bảo lãnh tín dụng tại các ngân hàng thương mại theo quy định hiện hành.
h) Các cơ quan có liên quan (Sở Công Thương, Sở Y tế và các tổ chức chính trị xã hội) căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp triển khai thực hiện nghị quyết có hiệu quả.
5. Đối với các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ trực tiếp
a) Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu để chứng minh mục đích vay vốn được hỗ trợ lãi suất; hỗ trợ trực tiếp và chịu trách nhiệm trước pháp luật và tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp.
b) Sử dụng vốn vay, kinh phí hỗ trợ trực tiếp đúng mục đích. Nếu sử dụng vốn vay, kinh phí hỗ trợ trực tiếp không đúng mục đích, đúng đối tượng sẽ bị thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật.
c) Thực hiện các quy định của ngân hàng cho vay về thủ tục vay vốn, điều kiện vay vốn, thủ tục hỗ trợ lãi suất và chế độ báo cáo theo quy định.
d) Chịu sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc đề nghị các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.