• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/12/2007
BỘ Y TẾ
Số: 04/2007/CT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Giang, ngày 8 tháng 11 năm 2007

CHỈ THỊ

Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông

_______________________

Tai nạn giao thông hiện nay đang gây ra những thiệt hại to lớn về người, tài sản Nhà nước và nhân dân, là vấn đề nghiêm trọng gây bức xúc cho xã hội. Trong 10 năm gần đây số vụ tai nạn giao thông tăng 4 lần so với thập kỷ trước, trong đó tai nạn giao thông đường bộ chiếm 97%. Tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông thống kê được tại các bệnh viện chiếm 56% tổng số tử vong do tai nạn thương tích. Hơn 79% các trường hợp tai nạn là do không sử dụng mũ bảo hiểm và các thiết bị an toàn khi tham gia giao thông. Khoảng 6% tai nạn thương tích do giao thông liên quan đến sử dụng rượu bia. Trung bình một ngày ở Việt Nam có khoảng 30 người chết và 70 người bị tàn phế do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông gây thiệt hại khoảng 885 triệu đô la Mỹ một năm, phần lớn người bị tử vong và tàn tật trong độ tuổi lao động, chưa kể đến nguồn lực lớn của ngành y tế dành cho việc cứu chữa, phục hồi chức năng cho nạn nhân.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Để triển khai thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Thủ trưởng các đơn vị trong ngành y tế, lãnh đạo Y tế các bộ/ngành tập trung thực hiện tốt các công việc sau:

1. Vụ Điều trị có trách nhiệm:

a) Chủ trì và phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành các văn bản sau:

- Tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện cơ giới, chú trọng các chỉ tiêu đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông (sửa đổi, bổ sung);

- Cơ chế thực hiện hình thức khám kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ sức khỏe của người điều khiển phương tiện cơ giới;

- Quy định việc thành lập các trạm cấp cứu tai nạn giao thông trên các quốc lộ;

- Tiêu chuẩn về trang thiết bị, kiến thức và kỹ năng của nhân viên ý tế trong chăm sóc chấn thương thiết yếu.

b) Chỉ đạo các Sở Y tế xây dựng mạng lưới các trạm cấp cứu, các bệnh viện nhằm kịp thời cứu chữa nạn nhân bị tai nạn giao thông trên các quốc lộ trọng điểm.

2. Cục Y tế dự phòng Việt Nam có trách nhiệm:

- Phối hợp với các Bộ/ngành cập nhật các thông tin liên quan nhằm đưa ra các kế hoạch, giải pháp phù hợp;

- Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động kinh phí từ các nguồn cho công tác phòng chống tai nạn giao thông thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế;

- Chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng cộng đồng an toàn tại các tỉnh, thành phố trong đó tập trung công tác tuyên truyền về phòng chống tai nạn giao thông;

- Thống kê, báo cáo tình hình tai nạn thương tích tại các cơ sở y tế theo quy định, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng ghi chép thống kê báo cáo các trường hợp mắc và tử vong do tai nạn giao thông.

3. Vụ Kế hoạch – Tài chính có trách nhiệm kết cấu hoạt động và kinh phí cho hoạt động hạn chế tai nạn giao thông của ngành y tế trong kinh phí của ngành; phối hợp với Cục Y tế dự phòng Việt Nam trong việc trao đổi, đối chiếu, cung cấp số liệu về tai nạn thương tích và tai nạn giao thông.

4. Các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế, Y tế các Bộ, ngành có trách nhiệm:

- Phổ biến Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông. Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị được học tập, tuyên truyền và tự giác thực hiện cũng như tuyên truyền trong cộng đồng về pháp luật trật tự an toàn giao thông;

- Phối hợp với Công đoàn, Đoàn thanh niên tại các cơ sở tổ chức phát động 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đăng ký cam kết đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường từ tháng 11/2007; cam kết không sử dụng rượu bia, các chất gây nghiện khi điều khiển phương tiện giao thông cơ giới. Bổ sung vào quy định của cơ quan, đơn vị không xét các danh hiệu thi đua và mọi hình thức khen thưởng đối với những người vi phạm các quy định về an toàn giao thông tới mức bị xử phạt;

- Lập bản đồ mạng lưới cấp cứu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh: quy định địa bàn của từng cơ sở y tế dọc trên tuyến quốc lộ chịu trách nhiệm cấp cứu tai nạn giao thông;

- Rà soát lại quy hoạch và thực trạng trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 đề bổ sung các trạm, chốt và trang thiết bị cho trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 và các cơ sở y tế trên các quốc lộ trọng điểm và nơi có nguy cơ tai nạn giao thông cao;

- Tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ trong cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp, trường học trong đó lồng ghép tiêu chuẩn kiểm tra sức khỏe đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông cơ giới;

- Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định khám sức khỏe tuyển dụng, sức khoẻ định kỳ và kiểm tra đột xuất sức khỏe đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và các đơn vị được phân công thực hiện công tác này;

- Tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức và huấn luyện kỹ năng sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông cho đội ngũ cộng tác viên tại các trạm, chốt cấp cứu và các đối tượng liên quan đến cứu hộ, cứu nạn và giải quyết tai nạn giao thông;

- Khi có yêu cầu, phối hợp tổ chức với ngành Công an kiểm tra nồng độ cồn trong máu và khí thở, xét nghiệm chất gây nghiện đối với những người tham gia điều khiển phương tiện giao thông cơ giới.

5. Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe xây dựng chương trình thường xuyên phổ biến các quy định của pháp luật trật tự an toàn giao thông cho cán bộ trong ngành y tế và tại cộng đồng. Lồng ghép tuyên truyền trong các phong trào xây dựng làng/xã/khu dân cư sức khỏe, xây dựng cộng đồng an toàn phòng chống tai nạn thương tích.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Nhận được Chỉ thị này, Lãnh đạo các Vụ, Cục trong Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các Bộ/ngành cần nghiêm túc tổ chức thực hiện. Giao cho Cục Y tế dự phòng theo dõi, kiểm tra và giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị và tổng hợp báo cáo kết quả cho Lãnh đạo Bộ Y tế./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trịnh Quân Huấn

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.