• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/10/2021
BỘ XÂY DỰNG
Số: 10/2021/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Giang, ngày 25 tháng 8 năm 2021

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ

­­­­­­­­­­­­____________________

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động; Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư;

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư Hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định chi tiết một số nội dung về quản lý an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng.

Điều 2. Quản lý công tác thí nghiệm trong quá trình thi công xây dựng

1. Công tác thí nghiệm trong quá trình thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định tại Điều 4, khoản 7 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng (sau đây gọi là Nghị định số 06/2021/NĐ-CP).  

2. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu hồ sơ thiết kế, các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng cho dự án, chỉ dẫn kỹ thuật và quy định của hợp đồng xây dựng để lập kế hoạch tổ chức thí nghiệm. Nội dung chủ yếu của kế hoạch tổ chức thí nghiệm bao gồm: đối tượng thí nghiệm (vật liệu, cấu kiện, kết cấu công trình, thiết bị công trình), các phép thử tương ứng và thời điểm thí nghiệm dự kiến; phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được sử dụng. Nhà thầu thi công xây dựng có quyền yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu thiết kế xây dựng cung cấp thông tin, tài liệu và làm rõ các nội dung liên quan trong quá trình lập kế hoạch tổ chức thí nghiệm.

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, chấp thuận kế hoạch tổ chức thí nghiệm do nhà thầu thi công xây dựng trình. Công tác thí nghiệm phải được thực hiện theo đúng kế hoạch tổ chức thí nghiệm đã được chủ đầu tư chấp thuận. Trường hợp điều chỉnh kế hoạch tổ chức thí nghiệm thì phải được chủ đầu tư chấp thuận trước khi tổ chức thực hiện.

Điều 3. Quan trắc công trình trong quá trình thi công xây dựng

1. Việc quan trắc công trình trong quá trình thi công xây dựng theo quy định tại Điều 4, khoản 10 Điều 13 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP do nhà thầu thi công xây dựng tổ chức thực hiện trong các trường hợp sau:

a) Theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật, thiết kế xây dựng đã được phê duyệt và thiết kế biện pháp thi công đã được chấp thuận;

b) Khi công trình có biểu hiện bất thường (ví dụ: công trình bị sụt, trượt, lún, nghiêng, nứt,...) cần phải được quan trắc nhằm đánh giá, xác định nguyên nhân để có biện pháp xử lý hoặc ngăn ngừa sự cố công trình trong quá trình thi công xây dựng.

2. Đề cương quan trắc do nhà thầu lập, trình chủ đầu tư chấp thuận phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau: đối tượng, phạm vi, thông số, tần suất, thời điểm quan trắc; nhân lực, thiết bị quan trắc; quy trình thực hiện quan trắc; phương pháp phân tích, xử lý số liệu quan trắc; đánh giá, kết luận kết quả quan trắc; đề xuất, kiến nghị (nếu có).

3. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác quan trắc, tổng hợp kết quả quan trắc đối với từng chu kỳ theo đề cương quan trắc đã được chấp thuận. Trường hợp kết quả quan trắc có giá trị vượt giá trị giới hạn thiết kế cho phép hoặc có dấu hiệu bất thường khác ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn chịu lực của công trình thì nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm kịp thời báo cáo bằng văn bản gửi chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế xây dựng để có ý kiến đánh giá và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

4. Trường hợp kết quả quan trắc do nhà thầu thi công xây dựng thực hiện có dấu hiệu không trung thực hoặc không đảm bảo độ tin cậy thì chủ đầu tư có thể lựa chọn nhà thầu quan trắc độc lập để thực hiện một số nội dung quan trắc cần thiết nhằm đánh giá lại kết quả quan trắc. Nếu kết quả quan trắc độc lập chứng minh được sai sót hoặc vi phạm của nhà thầu thi công xây dựng thì nhà thầu này phải kịp thời xử lý, khắc phục và chi trả chi phí phát sinh cho công tác quan trắc độc lập.

5. Trường hợp công trình gồm nhiều gói thầu hoặc do nhiều nhà thầu thi công xây dựng thực hiện, chủ đầu tư và các nhà thầu thi công xây dựng có thể thoả thuận để một nhà thầu thi công xây dựng chịu trách nhiệm thực hiện công tác quan trắc chung hoặc có thể lựa chọn nhà thầu quan trắc độc lập để thực hiện công tác quan trắc công trình.

Điều 4. Quan trắc công trình trong quá trình khai thác, sử dụng

1. Các công trình dân dụng, công trình sản xuất vật liệu, sản phẩm xây dựng, công trình công nghiệp nhẹ, công trình hạ tầng kỹ thuật phải quan trắc trong quá trình khai thác, sử dụng được quy định tại Phụ lục I Thông tư này.

2. Việc quan trắc công trình trong quá trình khai thác, sử dụng được quy định trong quy trình bảo trì, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

a) Đối tượng quan trắc: các kết cấu chịu lực chính của công trình (ví dụ: giàn mái không gian, hệ khung chịu lực chính, khán đài sân vận động, ống khói, si lô,...);

b) Thông số quan trắc (ví dụ: biến dạng nghiêng, lún, nứt, võng, ...) và giá trị giới hạn của các thông số này; thời gian quan trắc; chu kỳ đo và các nội dung cần thiết khác.

3. Yêu cầu chung đối với việc quan trắc công trình trong quá trình khai thác, sử dụng:

a) Nhà thầu quan trắc lập đề cương quan trắc phù hợp với các nội dung quy định tại khoản 2 Điều này trình chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình chấp thuận;

b) Nhà thầu quan trắc thực hiện quan trắc theo đề cương quan trắc đã được chấp thuận. Các số liệu quan trắc phải được phân tích, đánh giá; kết quả quan trắc phải được so sánh với giá trị giới hạn thiết kế cho phép và các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng có liên quan.

Trường hợp số liệu quan trắc vượt quá giá trị giới hạn thiết kế cho phép hoặc có dấu hiệu bất thường thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phải tổ chức kiểm định, đánh giá nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.

Điều 5. Kiểm định xây dựng

1. Trình tự thực hiện kiểm định xây dựng:

a) Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình, cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (sau đây gọi là Nghị định số 69/2021/NĐ-CP) tổ chức lập và phê duyệt nhiệm vụ kiểm định; lựa chọn tổ chức kiểm định xây dựng đủ điều kiện năng lực và phù hợp với nội dung nhiệm vụ kiểm định để thực hiện;

b) Tổ chức kiểm định xây dựng được lựa chọn lập đề cương kiểm định trình cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a khoản này phê duyệt, thực hiện kiểm định theo đề cương đã được phê duyệt và lập báo cáo kết quả kiểm định trình cơ quan nêu trên để được xem xét, nghiệm thu theo quy định.

2. Đề cương kiểm định bao gồm các nội dung chính sau:

a) Mục đích, yêu cầu, đối tượng và nội dung kiểm định;

b) Danh mục các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng;

c) Thông tin về năng lực của chủ trì và cá nhân thực hiện kiểm định; phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng thực hiện kiểm định (nếu có);

d) Quy trình, phương pháp thực hiện kiểm định;

đ) Tiến độ thực hiện kiểm định;

e) Dự toán chi phí kiểm định;

g) Các nội dung cần thiết khác.

3. Báo cáo kết quả kiểm định bao gồm các nội dung chính sau:

a) Căn cứ thực hiện kiểm định;

b) Thông tin chung về công trình và đối tượng kiểm định;

c) Nội dung, trình tự thực hiện kiểm định;

d) Các kết quả thí nghiệm, quan trắc, tính toán, phân tích và đánh giá;

đ) Kết luận về nội dung kiểm định và kiến nghị (nếu có).

4. Trường hợp việc kiểm định được thực hiện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5, điểm đ khoản 5 Điều 33 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP (gọi chung là cơ quan yêu cầu) thì chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm trình cơ quan yêu cầu xem xét, chấp thuận nội dung đề cương kiểm định trước khi tiến hành phê duyệt. Trong trường hợp này, tổ chức kiểm định phải độc lập với chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình và các nhà thầu khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, cung ứng vật tư - thiết bị, quản lý dự án và giám sát thi công xây dựng công trình.

5. Trường hợp việc kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP thì việc ban hành kết luận kiểm định và thông báo cho các chủ sở hữu nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Nghị định số 69/2021/NĐ-CP.

Điều 6. Giám định xây dựng

1. Trình tự thực hiện giám định xây dựng:

a) Cơ quan có thẩm quyền chủ trì tổ chức giám định xây dựng (gọi tắt là cơ quan giám định) thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình về việc tổ chức giám định với các nội dung chính, bao gồm: căn cứ thực hiện, đối tượng, thời gian, nội dung giám định;

b) Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tập hợp hồ sơ, tài liệu và các số liệu kỹ thuật có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của cơ quan giám định;

c) Cơ quan giám định tổ chức thực hiện giám định xây dựng trên cơ sở hồ sơ, tài liệu, số liệu kỹ thuật có liên quan và kết quả kiểm định đã thực hiện (nếu có). Trường hợp cần thiết, cơ quan giám định chỉ định tổ chức kiểm định xây dựng phù hợp thực hiện kiểm định để phục vụ công tác giám định;

d) Cơ quan giám định thông báo kết luận giám định theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều này cho các bên có liên quan. Trường hợp cần thiết, cơ quan giám định tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung kết luận giám định.

2. Thông báo kết luận giám định bao gồm các nội dung chính sau:

a) Căn cứ thực hiện giám định;

b) Thông tin chung về đối tượng giám định;

c) Nội dung giám định;

d) Trình tự tổ chức thực hiện giám định;

đ) Kết quả giám định;

e) Phân định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp xử lý, khắc phục (nếu có).

Điều 7. Quản lý vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị nhập khẩu sử dụng cho thi công xây dựng công trình

1. Các yêu cầu về chủng loại, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị nhập khẩu sử dụng cho thi công xây dựng công trình (nếu có) phải được thể hiện trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng (hoặc nhà thầu cung ứng, chế tạo, sản xuất), bao gồm các thông tin chủ yếu sau: tên chủng loại vật liệu xây dựng, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng; các thông số kỹ thuật chính phù hợp với yêu cầu thiết kế; nhà sản xuất, chế tạo; nơi sản xuất, chế tạo và các chứng từ chứng minh xuất xứ.

2. Hình thức của chứng chỉ chứng minh xuất xứ phải được thỏa thuận trong hợp đồng nêu tại khoản 1 Điều này, phải phù hợp với quy định tại điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP, bao gồm một trong các hình thức sau:

a) Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;

b) Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa do nhà sản xuất hoặc thương nhân phát hành, trong đó phải nêu rõ nhà sản xuất, chế tạo và nơi sản xuất, chế tạo.

Điều 8. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi công xây dựng công trình

1. Chủ đầu tư và các nhà thầu được quyền thoả thuận thực hiện các nội dung sau:

a) Lựa chọn ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin để quản lý thi công xây dựng công trình;

b) Sử dụng định dạng tập tin điện tử đối với nhật ký thi công xây dựng công trình, biên bản nghiệm thu công việc xây dựng và sử dụng chữ ký số trên các tài liệu này theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Khi sử dụng biên bản nghiệm thu công việc xây dựng dạng tập tin điện tử thì việc nghiệm thu công việc xây dựng vẫn phải thực hiện tại công trường và đảm bảo quy định tại Điều 21 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

2. Chủ đầu tư và các nhà thầu khi thực hiện các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Ghi nhận đầy đủ các nội dung cần được quản lý trong quá trình thi công theo quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Đảm bảo tính chính xác, trung thực của các hồ sơ, tài liệu có liên quan;

c) Thể hiện rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với phần việc do mình thực hiện;

d) Phù hợp với quy định pháp luật về giao dịch điện tử;

đ) Tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ an toàn của các hồ sơ, tài liệu điện tử đối với phần việc do mình thực hiện.

3. Các hồ sơ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này là thành phần của hồ sơ hoàn thành công trình theo quy định tại Phụ lục VIb Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Khi cần thiết hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các hồ sơ này phải được trích xuất, in thành bản giấy và được chủ đầu tư xác nhận.

Điều 9. Quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ

1. Việc thiết kế xây dựng, thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ phải tuân thủ quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và quy định khác có liên quan được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Các tổ chức thực hiện việc thiết kế xây dựng, thẩm tra thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định tại các điểm b, c khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP phải có năng lực phù hợp với cấp công trình theo quy định tại Thông tư quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

3. Nhà ở riêng lẻ phải được cấp giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014 (sau đây gọi là Luật số 50/2014/QH13) được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020 (sau đây gọi là Luật số 62/2020/QH14). Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ theo quy định tại Điều 93 Luật số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 32 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14.

4. Việc xây dựng nhà ở riêng lẻ thuộc dự án đầu tư xây dựng, nhà ở riêng lẻ kết hợp các mục đích dân dụng khác (ví dụ: thương mại, dịch vụ, …) phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng và quy định của pháp luật khác có liên quan.

5. Trường hợp chủ nhà chuyển đổi công năng sử dụng một phần hoặc toàn bộ nhà ở riêng lẻ:

a) Nếu việc chuyển đổi công năng sử dụng kèm theo việc sửa chữa, cải tạo công trình không thuộc trường hợp được miễn giấy phép quy định tại điểm d khoản 2 Điều 89 Luật số 50/2014/QH13 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 thì chủ nhà phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng theo quy định pháp luật. Việc thiết kế xây dựng, thi công xây dựng công trình trong trường hợp này phải tuân thủ quy định của quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng và phù hợp với công năng mới của công trình;

b) Nếu việc chuyển đổi công năng sử dụng không kèm theo việc sửa chữa, cải tạo thì chủ nhà vẫn phải thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống cháy, nổ, pháp luật về môi trường và quy định của pháp luật khác có liên quan (nếu có).

Điều 10. Cơ sở dữ liệu về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Địa chỉ truy cập phần mềm trực tuyến quản lý cơ sở dữ liệu kiểm định (sau đây gọi là phần mềm):

http://cucgiamdinh.gov.vn/CSDL-kiem-dinh-duoc-cong-bo.aspx

2. Cơ sở dữ liệu về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bao gồm:

a) Thông tin của các tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, bao gồm: tên, địa chỉ, mã số đăng ký chứng nhận của tổ chức; danh mục các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng (sau đây gọi là máy, thiết bị) thuộc phạm vi kiểm định; ngày cấp, ngày hết hiệu lực của giấy chứng nhận; các lỗi vi phạm (nếu có);

b) Thông tin của các cá nhân được cấp chứng chỉ kiểm định viên, bao gồm: họ và tên, số hiệu của kiểm định viên; danh mục các máy, thiết bị thuộc phạm vi kiểm định; ngày cấp, ngày hết hiệu lực của chứng chỉ kiểm định viên; các lỗi vi phạm (nếu có);

c) Thông tin của các máy, thiết bị đã được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động do tổ chức, cá nhân cập nhật vào phần mềm theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có trách nhiệm:

a) Sử dụng phần mềm để cập nhật thông tin của các máy, thiết bị đã được kiểm định, bao gồm: tên, mã hiệu, số chế tạo, năm sản xuất; tên của tổ chức, cá nhân đề nghị kiểm định; tên của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định; thời điểm, hình thức, kết quả kiểm định; thời hạn kiểm định lần kế tiếp; 

b) Thực hiện báo cáo qua phần mềm về tình hình hoạt động kiểm định đối với các máy, thiết bị thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.

Điều 11. Huấn luyện, bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được thực hiện đối với cá nhân có trình độ đại học trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật, chưa được cấp chứng chỉ kiểm định viên hoặc đã bị thu hồi chứng chỉ kiểm định viên.

2. Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được thực hiện đối với cá nhân là kiểm định viên. Kiểm định viên phải tham gia khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động ít nhất một lần trong khoảng thời gian từ 30 tháng đến 36 tháng kể từ ngày được cấp chứng chỉ kiểm định viên.

3. Các cá nhân tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải được sát hạch theo quy định.

Điều 12. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Nội dung huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động gồm phần lý thuyết và phần thực hành, được quy định trong chương trình khung huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động do Bộ Xây dựng ban hành.

2. Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động gồm: cập nhật văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, các thông tin quản lý nhà nước về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng; trao đổi các kỹ năng, kinh nghiệm về kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và các nội dung cần thiết khác có liên quan.

Điều 13. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Bộ Xây dựng giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là cơ quan chuyên môn tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

2. Cơ quan chuyên môn có trách nhiệm:

a) Xây dựng và trình Bộ Xây dựng ban hành chương trình khung huấn luyện, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

b) Lựa chọn tổ chức thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Các tổ chức được lựa chọn phải là các tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và có tài liệu, giáo trình huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp với chương trình khung huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

c) Công bố thông tin của tổ chức thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng;

d) Kiểm tra hoạt động huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Xây dựng tài liệu, giáo trình huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp với chương trình khung huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, phù hợp với đặc điểm, đối tượng kiểm định và yêu cầu thực tế.

2. Xây dựng kế hoạch huấn luyện, bồi dưỡng và sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, bao gồm các nội dung chính sau:

a) Thời gian, địa điểm dự kiến tổ chức khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; số lượng học viên dự kiến;

b) Danh sách giảng viên tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

c) Kế hoạch tổ chức sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động sau khi kết thúc khóa huấn luyện, bồi dưỡng.

3. Sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động:

a) Học viên đủ điều kiện được sát hạch nếu đảm bảo tham gia tối thiểu 80% thời lượng quy định của khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;

b) Nội dung sát hạch đối với việc huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bao gồm phần lý thuyết và phần thực hành. Nội dung sát hạch đối với việc bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định an toàn lao động bao gồm phần lý thuyết liên quan đến nội dung bồi dưỡng quy định tại khoản 2 Điều 12 Thông tư này và phần thực hành (nếu có);

c) Kết quả sát hạch đối với việc huấn luyện nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được đánh giá theo thang điểm 100, trong đó phần lý thuyết là 50 điểm, phần thực hành là 50 điểm. Kết quả sát hạch của học viên đạt yêu cầu khi điểm sát hạch của từng phần lý thuyết và phần thực hành đạt từ 40 điểm trở lên;

d) Kết quả sát hạch đối với việc bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động được đánh giá theo thang điểm 100. Kết quả sát hạch của học viên đạt yêu cầu khi điểm sát hạch đạt từ 80 điểm trở lên. Kết quả sát hạch khóa bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động là một trong các căn cứ để cấp lại chứng chỉ kiểm định viên khi hết hạn.

4. Đảm bảo đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất và con người để phục vụ công tác huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ.

5. Thu và sử dụng kinh phí huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định.

6. Lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến khóa huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định của pháp luật.

7. Cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục II Thông tư này.

Điều 15. Chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động

1. Chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình bao gồm:

a) Chi phí lập và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn;

b) Chi phí huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; chi phí thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị; chi phí thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Chi phí trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

d) Chi phí cho công tác phòng, chống cháy, nổ;

đ) Chi phí phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; chi phí tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn lao động.

2. Chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng công trình quy định tại khoản 1 Điều này là một nội dung của chi phí gián tiếp trong chi phí xây dựng của dự toán xây dựng công trình, được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Điều 16. Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng

1. Chi phí thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP bao gồm:

a) Chi phí kiểm tra của cơ quan chuyên môn về xây dựng, bao gồm công tác phí theo quy định và chi phí khác phục vụ cho công tác kiểm tra;

b) Chi phí thuê cá nhân (chuyên gia) do cơ quan chuyên môn về xây dựng mời, bao gồm chi phí đi lại, chi phí thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác và tiền công chuyên gia;

c) Chi phí thuê tổ chức tham gia thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

2. Chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng là một thành phần chi phí thuộc khoản mục chi phí khác và được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng.

3. Dự toán chi phí quy định tại khoản 1 Điều này được lập căn cứ vào đặc điểm, tính chất của công trình; địa điểm xây dựng công trình; thời gian, số lượng cán bộ, chuyên gia (nếu có) tham gia kiểm tra công tác nghiệm thu và khối lượng công việc phải thực hiện. Đối với công trình sử dụng vốn đầu tư công hoặc vốn nhà nước ngoài đầu tư công, chi phí quy định tại điểm c khoản 1 Điều này không vượt quá 20% chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình. Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 24 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

4. Chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán các chi phí quy định tại điểm a khoản 1 Điều này khi kết thúc đợt kiểm tra. Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng mời tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp tham gia thực hiện việc kiểm tra, chủ đầu tư thực hiện ký hợp đồng và thanh toán theo quy định đối với các chi phí nêu tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều này.

Điều 17. Đánh giá an toàn công trình

1. Tổ chức đủ điều kiện thực hiện đánh giá an toàn công trình là tổ chức kiểm định đáp ứng điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 1 Điều 97 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng (sau đây gọi là Nghị định số 15/2021/NĐ-CP). Phạm vi hoạt động của tổ chức này được thực hiện như đối với tổ chức kiểm định quy định tại khoản 2 Điều 97 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP.

2. Việc đánh giá an toàn công trình được thực hiện theo quy trình do Bộ Xây dựng ban hành.

3. Thời điểm và tần suất đánh giá an toàn công trình được quy định như sau:

a) Thời điểm đánh giá an toàn công trình lần đầu được thực hiện sau thời gian 10 năm kể từ khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật;

b) Đối với lần đánh giá tiếp theo, việc đánh giá an toàn công trình được thực hiện theo tần suất 05 năm/lần.

4. Danh mục các công trình phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình được quy định tại Phụ lục III Thông tư này.

5. Sau khi nhận được báo cáo kết quả đánh giá an toàn công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP có trách nhiệm:

a) Kiểm tra điều kiện năng lực tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đánh giá an toàn công trình;

b) Kiểm tra sự tuân thủ các quy định của pháp luật về đánh giá an toàn công trình bao gồm: việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy trình đánh giá an toàn công trình; nội dung, trình tự, đối tượng, thời điểm đánh giá an toàn công trình; kết quả thực hiện đánh giá an toàn công trình và quy định khác có liên quan (nếu có);

c) Thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình theo quy định tại khoản 3 Điều 39 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP.

Điều 18. Chi phí đánh giá an toàn công trình

Chi phí đánh giá an toàn công trình là một thành phần thuộc chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình xây dựng, bao gồm:

1. Chi phí thực hiện khảo sát, lập hồ sơ hiện trạng công trình (nếu có).

2. Chi phí thực hiện đánh giá an toàn công trình.

3. Chi phí thuê tổ chức thẩm tra đề cương đánh giá an toàn công trình, chi phí thuê tổ chức tư vấn giám sát thực hiện công tác đánh giá an toàn công trình (nếu có).

4. Các chi phí khác có liên quan.

Điều 19. Công bố công trình hết thời hạn sử dụng theo thiết kế

1. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình lập và gửi báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Báo cáo bao gồm các nội dung chủ yếu như sau: tên công trình; địa điểm xây dựng; loại và cấp công trình; tên và địa chỉ của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình; các thông số kỹ thuật chính của công trình; thời hạn sử dụng theo thiết kế và thời điểm hết thời hạn sử dụng của công trình; dự kiến phương án xử lý đối với công trình sau khi hết thời hạn sử dụng.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 39 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP có trách nhiệm thực hiện các công việc như sau:

a) Xem xét sự phù hợp, tính chính xác của các nội dung trong báo cáo;

b) Công bố công trình hết thời hạn sử dụng trong trong danh mục trên trang thông tin điện tử thuộc thẩm quyền quản lý, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: tên công trình; địa điểm xây dựng; loại và cấp công trình; tên và địa chỉ của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình; các thông số kỹ thuật chính của công trình; thời hạn sử dụng theo thiết kế và thời điểm hết thời hạn sử dụng của công trình; yêu cầu về việc tổ chức phá dỡ công trình và thời gian thực hiện việc phá dỡ công trình theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP trong trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình không có nhu cầu sử dụng tiếp.

Điều 20. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với công trình được đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật trên 08 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình lần đầu trong thời gian không quá 24 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực. Đối với công trình còn lại, thời điểm đánh giá an toàn công trình lần đầu thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 17 Thông tư này.

2. Đối với công trình xây dựng khởi công trước ngày Nghị định số 06/2021/NĐ-CP có hiệu lực thuộc đối tượng kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021 và thay thế các thông tư: Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Thông tư số 04/2019/TT-BXD ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình; Thông tư số 03/2019/TT-BXD ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2017/TT-BXD ngày 30 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, tổ chức, cá nhân gửi ý kiến về Bộ Xây dựng để xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Quang Hùng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.