• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 22/01/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 10/06/2015
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 05/2005/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Giang, ngày 5 tháng 1 năm 2005

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động

 trong các công ty nhà nước theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP

 ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ

Thi hành Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

Phạm vi áp dụng chế độ phụ cấp lưu động theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP là các công ty hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:

1. Công ty nhà nước:

- Tổng công ty nhà nước:

+ Tổng công ty nhà nước được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 1995 và Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập được thành lập theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003;

+ Tổng công ty do các công ty tự đầu tư và thành lập (Tổng công ty theo mô hình công ty mẹ - công ty con);

+ Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.

- Công ty nhà nước độc lập.

2. Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.

Các Tổng công ty, công ty nêu trên được gọi tắt là công ty.

II. MỨC VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG

Phụ cấp lưu động gồm 3 mức: 0,6; 0,4; 0,2 so với mức lương tối thiểu chung, được qui định như sau:

Mức

Hệ số

Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/10/2004

1

0,6

174.000 đồng

2

0,4

116.000 đồng

3

0,2

58.000 đồng

1. Mức 1, hệ số 0,6, áp dụng đối với những người làm việc trong các tổ, đội, công trình, bao gồm:

- Tổ, đội khảo sát, tìm kiếm, khoan, thăm dò khoáng sản;

- Tổ, đội khảo sát, đo đạc xây dựng hệ thống điểm đo đạc quốc gia, hệ thống cơ sở đo đạc chuyên dùng, đo đạc đại địa, địa hình;

- Tổ, đội khảo sát xây dựng công trình thủy điện;

- Tổ đội sửa chữa điện nóng (đường dây cao thế mang điện); quản lý, vận hành đường dây 500 KV;

- Công trình xây dựng ở miền núi cao, đảo xa.

2. Mức 2, hệ số 0,4, áp dụng đối với những người làm việc trong các tổ, đội, công trình, bao gồm:

- Tổ, đội khảo sát đo đạc thành lập các bản đồ địa chính;

- Tổ, đội khảo sát xây dựng chuyên ngành;

- Tổ, đội khảo sát điều tra các nông trường, lâm trường;

- Tổ, đội xây lắp và sửa chữa đường dây tải điện cao thế; quản lý, vận hành đường dây có điện áp 220 KV trở xuống;

- Tổ, đội xây lắp sửa chữa tuyến cáp viễn thông liên tỉnh và ứng cứu thông tin liên tỉnh;

- Công trình xây dựng ở miền núi, trung du.

3. Mức 3, hệ số 0,2, áp dụng đối với những người làm việc trong các tổ, đội, công trình, bao gồm:

- Tổ, đội điều tra, khảo sát còn lại;

- Công trình xây dựng ở đồng bằng;

- Nhân viên đi thu tiền điện, tiền điện thoại, tiền nước tại hộ gia đình;

- Nhân viên đi thu mua hàng nông, lâm, thủy hải sản.

III. CÁC TÍNH TRẢ PHỤ CẤP LƯU ĐỘNG

1. Phụ cấp lưu động được tính trong đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh và được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo số ngày thực tế lưu động.

Các đối tượng được hưởng phụ cấp lưu động thì không áp dụng chế độ công tác phí.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 19/LĐTBXH-TT ngày 02 tháng 6 năm 1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động. Các quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 10 năm 2004.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ quản lý ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các công ty nhà nước phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.