• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/08/2003
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 137/2003/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Giang, ngày 11 tháng 7 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho

công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003 – 2010

_________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27-11-2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế (ban hành kèm theo Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ);

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003 -2010 (ban hành kèm theo quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG

 

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGUỒN NHÂN LỰC CHO CÔNG TÁC

HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2003 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 137/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2003

 của Thủ tướng Chính phủ)

Hội nhập kinh tế quốc tế đã bước vào giai đoạn quan trọng với việc thực hiện các cam kết quốc tế, có ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 27 tháng 11 năm 2001 của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế đã chỉ rõ một nhiệm vụ cụ thể là "đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực". Trong các chương trình hành động của mình, Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế.

Thời gian qua, các Bộ, ngành và địa phương đã có cố gắng ban đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, như phổ biến, quán triệt các chủ trương chính sách hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, kiến thức về luật pháp quốc tế, các hiệp định thương mại quốc tế và một số nghiệp vụ cụ thể phục vụ quá trình đàm phán, tổ chức hội nghị, hội thảo,... Những hoạt động đào tạo, bồi dưỡng này đã góp phần trang bị một số kiến thức cơ bản, cần thiết đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua còn nhiều khó khăn và hạn chế. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu mới tập trung vào quán triệt đường lối, chính sách chung và phổ cập một số kiến thức về thị trường thế giới, luật pháp quốc tế, các hiệp định thương mại trong đó có Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và một số nghiệp vụ cụ thể có tính chất ứng phó trước những yêu cầu đặt ra của công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Nội dung, chương trình, giáo trình tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, chưa đi sâu vào nghiệp vụ, kỹ năng. Trình độ giáo viên giảng dạy chương trình hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chưa có kế hoạch thống nhất, còn phân tán tuỳ thuộc vào từng Bộ, ngành. Do đó, để đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới cần có kế hoạch tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tham gia công tác này từ Trung ương đến địa phương, trong các ngành và trên các lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế.

I. MỤC TIÊU, ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

1. Mục tiêu.

Đào tạo, bồi dưỡng để đến năm 2010 có đội ngũ những người làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế thông thạo về nghiệp vụ, ngoại ngữ, am hiểu luật pháp quốc tế, đáp ứng được những yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ 2003 đến năm 2005, tập trung xây dựng hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu về hội nhập kinh tế quốc tế hoàn chỉnh phục vụ đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng tham gia công tác hội nhập kinh tế quốc tế; đào tạo được đội ngũ giáo viên (bao gồm cả giáo viên kiêm chức) đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tham gia công tác hội nhập kinh tế quốc tế; tiến hành quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cho được đội ngũ cán bộ chủ chốt tham gia trực tiếp vào công tác hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và đào tạo nguồn cho giai đoạn sau.

Giai đoạn 2006-2010, bổ sung, hoàn thiện nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các đối tượng tham gia hội nhập và hình thành được lực lượng chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế trên các lĩnh vực.

2. Đối tượng.

- Cán bộ, công chức hành chính làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế ở các Bộ, ngành và địa phương; cán bộ quản lý các doanh nghiệp (Nhà nước, các thành phần kinh tế khác) và các hiệp hội ngành hàng;

- Các chức danh tư pháp, trong đó chủ yếu là luật sư và thẩm phán liên quan đến công tác hội nhập kinh tế quốc tế;

- Lực lượng lao động tham gia hội nhập, trong đó chủ yếu là lao động xuất khẩu, công nhân của các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu và học sinh các trường dạy nghề;

- Cán bộ quản lý, nghiên cứu viên, giảng viên của các viện nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và sinh viên, học sinh (nguồn cho cán bộ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế) được đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp theo các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Nội dung.

a) Những kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế, bao gồm :

Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; các cam kết quốc tế của Việt Nam về hợp tác kinh tế -thương mại; thị trường thế giới và luật pháp quốc tế, luật pháp của các đối tác, hệ thống luật pháp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN và các tổ chức đa phương khác; các hiệp định thương mại song phương.

Đây là nội dung cần được phổ cập cho tất cả những người tham gia công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Những kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng hội nhập kinh tế quốc tế của từng lĩnh vực tham gia hội nhập.

Các kiến thức cơ bản về luật pháp quốc tế, kinh tế phát triển, thương mại quốc tế; nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách kinh tế - thương mại, các công cụ và biện pháp bảo vệ các quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp trong nước, hiểu rõ về các rào cản thương mại của các nước, kỹ năng đàm phán, khai thác thông tin về thị trường quốc tế; kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp thương mại của nước ngoài, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ,...

Các kiến thức chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Các nội dung bổ trợ, gồm:

Tin học, ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh), ngôn ngữ và phong tục tập quán của các nước có quan hệ hợp tác với Việt Nam.

4. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng.

Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế được tổ chức theo các hình thức: tập trung, tại chức; đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, đào tạo qua công việc, tham quan khảo sát; đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và ngoài nước.

II. TIẾN ĐỘ VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Tiến độ thực hiện kế hoạch.

a) Giai đoạn 2003 - 2005.

Tiến hành xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đối với các đối tượng tham gia hội nhập kinh tế quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên (cả giáo viên kiêm chức) và tập trung đào tạo, bồi dưỡng những người trực tiếp tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể là:

- Đối với cán bộ, công chức hành chính và cán bộ quản lý doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia tiến trình hội nhập: bồi dưỡng kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế cho 27.000 lượt cán bộ; bồi dưỡng nghiệp vụ cho 5.800 lượt cán bộ và đào tạo chuyên sâu cho 320 lượt cán bộ.

- Đối với các chức danh tư pháp: đào tạo 7.290 cán bộ nguồn cho các chức danh tư pháp, trong đó có 1.500 thẩm phán, 900 chấp hành viên, 300 công chứng viên, 90 trọng tài viên và 4.500 luật sư. Bồi dưỡng 8.210 lượt cán bộ thuộc các chức danh tư pháp, trong đó có 1.800 chấp hành viên; 300 công chứng viên; 110 trọng tài viên; 2.400 luật sư và 3.600 cán bộ tham gia xét xử.

- Đối với lao động xuất khẩu và công nhân tham gia hội nhập: tập trung bồi dưỡng cho 1.200 cán bộ quản lý lao động xuất khẩu; 150.000 lao động xuất khẩu và cho đại bộ phận công nhân sản xuất trong các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu; đồng thời, đào tạo 600.000 học sinh trong các trường dạy nghề.

- Đối với đào tạo nguồn cán bộ kỹ thuật và cán bộ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế: bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế cho 4.500 lượt cán bộ quản lý, nghiên cứu viên, giảng viên của các viện nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Mở rộng quy mô đào tạo các lớp kỹ sư chất lượng cao, cử nhân và kỹ sư tài năng ở một số trường đại học. Tập trung đào tạo từ 4.500 sinh viên trở lên những ngành nghề mũi nhọn, tiên tiến như cơ điện tử, kỹ thuật hàng không, vật liệu mới, công nghệ thông tin; đào tạo 25.000 chuyên gia phần mềm và 50.000 cán bộ công nghệ thông tin; đào tạo 450.000 sinh viên các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật,..; đào tạo 30.000 học sinh ở trình độ trung học chuyên nghiệp để xuất khẩu lao động, cung cấp cho các khu chế xuất, khu công nghiệp.

b) Giai đoạn 2006 - 2010.

Bổ sung, hoàn thiện nâng cao chất lượng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên sâu; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; tiến hành đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các đối tượng tham gia hội nhập và hình thành được lực lượng chuyên gia hội nhập kinh tế quốc tế trên các lĩnh vực. Cụ thể là:

- Đối với cán bộ, công chức hành chính, cán bộ quản lý doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia hội nhập: 26.500 lượt người được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế; 2.900 lượt người được bồi dưỡng, nâng cao về nghiệp vụ công tác hội nhập kinh tế quốc tế; 280 lượt người được đào tạo chuyên sâu về công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đối với các chức danh tư pháp: đào tạo được 17.000 cán bộ, trong đó có 2.500 thẩm phán và 12.500 luật sư; bồi dưỡng được 18.200 lượt cán bộ, trong đó có 5.100 cán bộ tham gia xét xử và 12.500 luật sư.

- Đối với lao động và công nhân tham gia hội nhập kinh tế quốc tế: bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế cho 600 cán bộ quản lý lao động xuất khẩu và 200.000 lao động xuất khẩu; đào tạo 1.600.000 học sinh trong các trường dạy nghề để tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đối với nguồn cán bộ kỹ thuật và cán bộ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế: bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế cho 7.500 lượt cán bộ quản lý, nghiên cứu viên, giảng viên các viện nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đào tạo từ 250.000 đến 350.000 sinh viên các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, ngoại thương, luật. Đào tạo khoảng 50.000 học sinh ở trình độ trung học chuyên nghiệp để xuất khẩu lao động và cung ứng nhân lực cho các khu chế xuất, khu công nghiệp.

2. Kinh phí thực hiện kế hoạch.

Kinh phí để triển khai kế hoạch này được huy động từ các nguồn: ngân sách nhà nước, của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các dự án, tài trợ của các tổ chức quốc tế, nước ngoài và của bản thân người tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

- Tiến hành điều tra khảo sát, phân loại từng đối tượng của nguồn nhân lực hội nhập kinh tế quốc tế để xác định chương trình và tổ chức các hình thức đào tạo, bồi dưỡng thích hợp.

- Tổ chức xây dựng hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hội nhập kinh tế quốc tế trong đó có chương trình bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế và các chương trình bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thuộc các lĩnh vực của các Bộ, ngành liên quan.

- Khảo sát nắm thực trạng đội ngũ giáo viên (cả giáo viên kiêm chức) để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có cả về nội dung và phương pháp giảng dạy và đào tạo nguồn cho giáo viên.

- Rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và nguồn nhân lực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.

- Tăng cường hoạt động, phối hợp giữa các cơ quan trong Uỷ ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế và với các bộ phận làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế của các Bộ, ngành và các địa phương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hội nhập kinh tế quốc tế.

- Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường, trung tâm tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đa dạng hóa nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội nhập kinh tế quốc tế. Nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước cần tập trung vào các nhiệm vụ: xây dựng chương trình, giáo trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; trang thiết bị dạy và học; tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, chuyên gia, luật sư giỏi, công nhân có tay nghề bậc cao.

- Tăng cường quan hệ quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội nhập kinh tế quốc tế. Cần dành kinh phí đáng kể cho việc cử các cán bộ tham gia hội nhập kinh tế quốc tế đi tham quan, khảo sát, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài.

- Các Bộ, ngành và địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Bộ Thương mại, Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò chủ yếu.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Căn cứ Kế hoạch này:

1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn, tổ chức kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch và định kỳ tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp cân đối các kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thành một chương trình tổng thể, hàng năm hướng dẫn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hội nhập kinh tế quốc tế cho các Bộ, ngành, địa phương; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế, hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành; định kỳ tổ chức sơ kết việc thực hiện kế hoạch này.

2. Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế ở các Bộ, ngành trung ương và địa phương; cán bộ quản lý các doanh nghiệp (nhà nước, các thành phần kinh tế khác), các hiệp hội ngành hàng.

3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp thuộc phạm vi quản lý và đào tạo nguồn thẩm phán tòa án nhân dân các cấp.

4. Toà án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các chức danh tư pháp thuộc phạm vi quản lý.

5. Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý lao động xuất khẩu, lao động xuất khẩu; công nhân của các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất nhập khẩu và học sinh của các trường dạy nghề.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nghiên cứu viên, giảng viên của các viện nghiên cứu và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và sinh viên, học sinh (nguồn cho cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế).

7. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo của các Bộ, ngành, địa phương và các trường đại học, cao đẳng có trách nhiệm xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy nội dung hội nhập kinh tế quốc tế.

8. Bộ Văn hoá -Thông tin, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch chương trình tuyên truyền giáo dục kiến thức phổ thông về hội nhập kinh tế quốc tế.

9. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch ngân sách và hướng dẫn việc huy động, sử dụng các nguồn kinh phí khác, đảm bảo thực hiện các nội dung của Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003 - 2010.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2003 - 2010, phối hợp với cơ quan có liên quan để thực hiện có kết quả kế hoạch này.

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.