THÔNG TƯ
Quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,
quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ
______________________________
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Nghị định số 87/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu;
Căn cứ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế;
Thực thi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 27/12/2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ chuyển phát nhanh đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp).
2. Cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ và các cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân liên quan khác theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan Hải quan.
Điều 3. Tuyến đường, cửa khẩu
Tuyến đường và cửa khẩu đối với phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ như sau:
1. Từ Việt Nam đến Trung Quốc và ngược lại qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - tỉnh Lạng Sơn.
2. Từ Việt Nam đến Lào/Thái Lan/Singapore/Malaysia và ngược lại qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – tỉnh Quảng Trị/cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – tỉnh Hà Tĩnh.
3. Từ Việt Nam đến Campuchia và ngược lại qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài – tỉnh Tây Ninh.
Điều 4. Địa điểm làm thủ tục hải quan
1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được làm thủ tục hải quan tại các địa điểm làm thủ tục hải quan do Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện.
2. Phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa xuất cảnh, nhập cảnh được làm thủ tục hải quan tại các cửa khẩu do Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cầu Treo, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài thực hiện.
Điều 5. Một số quy định cụ thể
1. Doanh nghiệp nhận hàng hóa xuất khẩu và phát hàng hóa nhập khẩu:
1.1. Doanh nghiệp tự tổ chức việc nhận hàng hóa xuất khẩu từ chủ hàng và phát hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan cho chủ hàng; địa điểm làm thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng hóa và thông quan hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
1.2. Doanh nghiệp căn cứ quy định hiện hành về chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu và những quy định do cơ quan có thẩm quyền đã thông báo bằng văn bản có trách nhiệm thông báo, giải thích cho chủ hàng biết những trường hợp hàng hóa không được xuất khẩu, nhập khẩu và phải xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa phải là phương tiện chuyên dùng của doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu niêm phong hải quan, giám sát hải quan. Khi phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh phải làm thủ tục hải quan theo quy định hiện hành. Phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa theo tuyến đường, cửa khẩu cố định, thường xuyên xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu, người điều khiển phương tiện chỉ phải khai hải quan đối với phương tiện 06 tháng 01 lần; các lần xuất cảnh, nhập cảnh tiếp theo do Chi cục Hải quan cập nhật theo dõi bằng sổ hoặc bằng hệ thống mạng vi tính theo quy định của Tổng cục Hải quan.
3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (trừ thư, túi ngoại giao, túi lãnh sự, hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu) thực hiện thủ tục hải quan theo đúng quy định đối với loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng.
4. Trên cơ sở xác định thời gian phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa đến cửa khẩu hoặc chuyến hàng được vận chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp đăng ký trước bằng văn bản gửi Chi cục Hải quan liên quan về thời gian làm thủ tục hải quan đối với phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (bao gồm thời gian làm thủ tục thường xuyên và thời gian làm thủ tục đối với các trường hợp đột xuất).
5. Về xác định hàng hóa đã xuất khẩu:
Đối với hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ là tờ khai hàng hóa xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan (không phải có xác nhận của Hải quan cửa khẩu xuất: “HÀNG HÓA ĐÃ XUẤT KHẨU”), chứng từ vận chuyển và phiếu chuyển hàng hóa xuất khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ (theo mẫu 02-PCCKCPN ban hành kèm theo Thông tư này) có xác nhận của Hải quan cửa khẩu xuất.
6. Về doanh nghiệp sử dụng dấu đóng trên tờ khai hải quan thực hiện theo quy định dưới đây:
6.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
6.1.1. Doanh nghiệp có văn bản đề nghị đăng ký sử dụng dấu đóng trên tờ khai hải quan gửi Cục Hải quan thành phố Hà Nội/Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng/Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh (nơi doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu); nội dung văn bản đề nghị nêu rõ: về mẫu dấu (mẫu dấu tương tự như mẫu dấu của công chức hải quan); số lượng dấu; số lượng nhân viên sử dụng dấu và các thông tin gồm: họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, mẫu chữ ký của nhân viên được giao sử dụng dấu; thời gian được giao sử dụng dấu.
6.1.2. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước cơ quan Hải quan về việc quản lý mẫu dấu, số lượng dấu và số lượng nhân viên sử dụng dấu (số lượng nhân viên sử dụng dấu phải phù hợp với số lượng dấu đã đăng ký).
6.1.3. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm việc nhân viên sử dụng dấu:
- Chỉ nhân viên có dấu đã đăng ký với Cục Hải quan thành phố mới được khai hải quan và ký tên, đóng dấu nhân viên trên tờ khai hải quan.
- Dấu chỉ được sử dụng đóng trên tờ khai hải quan sau khi nhân viên đã khai hải quan và ký tên trên tờ khai hải quan; nhân viên không được sử dụng dấu trái với mục đích đã đăng ký.
6.2. Trách nhiệm của Cục Hải quan thành phố Hà Nội, Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng, Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh:
6.2.1. Tiếp nhận văn bản đề nghị đăng ký sử dụng dấu đóng trên tờ khai hải quan của doanh nghiệp; xem xét, chấp thuận nội dung đề nghị của doanh nghiệp.
6.2.2. Chuyển nội dung đề nghị của doanh nghiệp (đã được Cục Hải quan thành phố chấp thuận) đến các Chi cục Hải quan liên quan để phối hợp với doanh nghiệp triển khai thực hiện.
Điều 6. Quy định về phân luồng hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu và kiểm tra hải quan
1. Quy định về phân luồng hàng hóa nhập khẩu và kiểm tra hải quan:
1.1. Hàng hóa luồng 1: gồm hàng hóa nhập khẩu là tài liệu, chứng từ thương mại; hàng hóa nhập khẩu được hưởng chế độ ưu đãi miễn trừ theo quy định của pháp luật; hàng hóa nhập khẩu không phải nộp thuế, bao gồm hàng nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, hàng nhập khẩu có thuế (là hàng không có hợp đồng giữa người gửi hàng và người nhận hàng) nhưng được miễn thuế theo quy định hiện hành của pháp luật, trừ hàng hóa quy định tại điểm 1.3 khoản này.
Về kiểm tra hải quan: hàng hóa luồng này được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa. Trường hợp xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 1% đến 5% của cả luồng hàng. Thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Nếu phát hiện lô hàng có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa bằng biện pháp thủ công đối với toàn bộ lô hàng.
1.2. Hàng hóa luồng 2: bao gồm hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế, có trị giá khai báo đến 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).
Về kiểm tra hải quan: hàng hóa luồng này thực hiện kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Trường hợp xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 3% đến 5% của cả luồng hàng bằng biện pháp thủ công.
1.3. Hàng hóa luồng 3: bao gồm hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục quản lý chuyên ngành, hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, hàng hóa nhập khẩu phải nộp thuế có trị giá khai báo trên 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng), hàng hóa nhập khẩu là mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, hàng hóa chưa xác định được nội dung khai báo hải quan, hàng hóa có nghi ngờ về trị giá khai báo theo quy định của pháp luật.
Về kiểm tra hải quan: hàng hóa luồng này thực hiện kiểm tra thực tế 100% hàng hóa bằng biện pháp thủ công. Riêng đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu, kinh doanh thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện theo quy định riêng của từng loại hình hàng hóa nhập khẩu.
2. Quy định về phân luồng hàng hóa xuất khẩu và kiểm tra hải quan:
2.1. Hàng hóa xuất khẩu là tài liệu, chứng từ thương mại, hàng hóa được hưởng chế độ ưu đãi miễn trừ theo quy định của pháp luật, hàng hóa không phải nộp thuế (bao gồm hàng xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, hàng có thuế nhưng được miễn thuế theo quy định của pháp luật) được phân luồng hàng hóa và kiểm tra hải quan tương tự như hàng hóa luồng 1 theo quy định tại điểm 1.1, khoản 1 Điều này.
2.2. Hàng hóa xuất khẩu là hàng hóa phải nộp thuế, hàng hóa thuộc danh mục quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất khẩu có điều kiện, hàng hóa xuất khẩu là mặt hàng thuộc diện kiểm tra trọng điểm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa bằng thiết bị máy soi hàng. Lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định đối với lô hàng cần phải kiểm tra thực tế hàng hóa bằng biện pháp thủ công.
Chương II
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU
Hàng hóa nhập khẩu được làm thủ tục hải quan tại địa điểm làm thủ tục hải quan do Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất thực hiện.
Điều 7. Trước khi chuyến hàng đến
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
1.1. Tiếp nhận bản lược khai hàng hóa từ đối tác nước ngoài; chuyển bản lược khai hàng hóa cho Chi cục Hải quan chậm nhất 02 giờ trước khi chuyến hàng được vận chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan.
1.2. Tiến hành phân luồng hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
1.3. Khai hải quan:
1.3.1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân là người khai hải quan.
1.3.2. Doanh nghiệp thay mặt chủ hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan cho hàng hóa nhập khẩu (trừ thư, túi ngoại giao, túi lãnh sự), chịu trách nhiệm thực hiện chính sách về quản lý hàng hóa nhập khẩu, chính sách thuế, lệ phí, thu khác và các quyền, nghĩa vụ của chủ hàng theo quy định của pháp luật.
1.3.3. Doanh nghiệp thực hiện khai hải quan cho từng chuyến hàng được vận chuyển đến địa điểm làm thủ tục hải quan.
1.3.4. Doanh nghiệp căn cứ nội dung bản lược khai hàng hóa và các chứng từ kèm theo lô hàng (nếu có) để khai hải quan.
1.3.4.1. Việc khai hải quan bao gồm cả việc phân luồng hàng hóa theo quy định tại điểm 1.2, khoản 1 Điều này.
1.3.4.2. Hàng hóa không phải nộp thuế thực hiện khai hải quan theo Bản kê chi tiết hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu không có thuế (theo mẫu HQ 01-BKHCPN ban hành kèm theo Thông tư này).
- Bản kê chi tiết hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu không có thuế có giá trị pháp lý như tờ khai hải quan thông thường.
- Riêng hàng quà biếu tặng, hàng mẫu gửi cho tổ chức, thương nhân tại Việt Nam có trị giá tính thuế dưới 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) nhưng tổng số tiền thuế phải nộp dưới 50.000 đồng (năm mươi ngàn đồng) không phải làm thủ tục xét miễn thuế, thực hiện khai hải quan và kiểm tra hải quan theo quy định đối với hàng hóa không phải nộp thuế.
1.3.4.3. Đối với hàng hóa phải nộp thuế, hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành, kiểm tra chất lượng nhà nước, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh thì thực hiện khai hải quan riêng trên từng tờ khai hải quan cho từng lô hàng.
1.3.4.4. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác các nội dung khai và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về nội dung khai hải quan.
1.3.5. Trường hợp chủ hàng yêu cầu trực tiếp làm thủ tục hải quan thì chủ hàng trực tiếp khai hải quan trên tờ khai hải quan.
1.3.6. Trường hợp chủ hàng yêu cầu tờ khai hải quan riêng cho hàng hóa của mình thì doanh nghiệp khai trên tờ khai hải quan riêng.
1.3.7. Doanh nghiệp tiếp nhận quyết định của Chi cục Hải quan về nội dung khai hải quan phải điều chỉnh (nếu có).
1.4. Đối với doanh nghiệp sử dụng hệ thống mạng vi tính giữa doanh nghiệp với Chi cục Hải quan thì doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các nội dung dưới đây trên hệ thống mạng vi tính:
1.4.1. Thực hiện các điểm 1.1, 1.2, 1.3, khoản 1 Điều này.
1.4.2. Gửi nội dung khai hải quan cho Chi cục Hải quan.
1.4.3. Về nộp và xuất trình các giấy tờ liên quan đến từng loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính thực hiện như sau:
Khi doanh nghiệp nộp các giấy tờ liên quan đến lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu không phải thực hiện sao y bản chính trên các giấy tờ này với điều kiện doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, thống nhất và đồng bộ các thông tin trên giấy tờ liên quan đã nộp cho Chi cục Hải quan với nội dung dữ liệu đã truyền gửi cho Chi cục Hải quan.
2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan:
2.1. Tiếp nhận bản lược khai hàng hóa và nội dung khai hải quan từ doanh nghiệp.
2.2. Trên cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đã có, các tiêu chí kiểm tra theo quy định, kết hợp áp dụng biện pháp quản lý rủi ro và các biện pháp nghiệp vụ khác như tổ chức thu thập thông tin… để nghiên cứu, phân tích, tiến hành kiểm tra việc khai hải quan (bao gồm cả việc phân loại hàng hóa) của doanh nghiệp.
2.3. Nếu có nội dung khai hải quan phải điều chỉnh thì công chức hải quan (công chức thực hiện theo ủy quyền của lãnh đạo Chi cục Hải quan) quyết định ngay nội dung phải điều chỉnh để doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh (quyết định điều chỉnh được ghi ở cột ghi chú – mẫu HQ 01-BKHCPN); công chức hải quan thực hiện cập nhật các nội dung khai hải quan phải điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu nghiệp vụ quy định tại điểm 2.2, khoản 2 Điều này.
2.4. Nếu không có nội dung khai hải quan phải điều chỉnh thì công chức hải quan thông báo ngay cho doanh nghiệp biết việc Chi cục Hải quan quyết định chấp nhận nội dung khai hải quan.
2.5. Đối với “hàng hóa chưa xác định được nội dung khai báo hải quan” quy định tại điểm 1.3, khoản 1, Điều 6 Thông tư này thì Chi cục Hải quan hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện khai hải quan theo Bản kê hàng hóa nhập khẩu chưa xác định nội dung khai báo hải quan (theo mẫu HQ02-BKHCPN ban hành kèm theo Thông tư này).
2.6. Doanh nghiệp sử dụng hệ thống mạng vi tính giữa doanh nghiệp với Chi cục Hải quan thì Chi cục Hải quan thực hiện nội dung quy định tại các điểm 2.1, 2.2, 2.3, 2.4, 2.5 khoản 2 Điều này trên hệ thống mạng vi tính.
Điều 8. Khi chuyến hàng đến
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
1.1. Căn cứ quyết định của Chi cục Hải quan đối với nội dung khai hải quan để thực hiện phân luồng thực tế hàng hóa. Từng luồng hàng hóa nhập khẩu được đánh dấu bằng việc dán giấy màu khác nhau lên từng kiện hàng, gói hàng trước khi kết thúc việc phân luồng thực tế hàng hóa, cụ thể như sau:
- Hàng hóa luồng 1: dán giấy màu xanh (trừ tài liệu, chứng từ thương mại);
- Hàng hóa luồng 2: dán giấy màu vàng;
- Hàng hóa luồng 3: dán giấy màu đỏ.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm in, quản lý và sử dụng các loại giấy màu nêu trên.
1.2. Nộp hồ sơ hải quan, gồm các giấy tờ sau đây:
- Bản kê chi tiết hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu không có thuế (đối với hàng hóa không phải nộp thuế): 02 bản (in từ máy tính).
- Tờ khai hải quan: 02 bản chính (đối với hàng hóa khác hàng hóa không phải nộp thuế).
- Nộp và xuất trình các giấy tờ liên quan đến từng loại hình hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính.
1.3. Xuất trình hàng hóa phải kiểm tra thực tế cho công chức hải quan.
1.4. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phát được cho chủ hàng thì trước khi hàng hóa trả lại nơi gửi hàng (chuyển hoàn nước gốc), doanh nghiệp thực hiện như sau:
- Doanh nghiệp có văn bản gửi Chi cục Hải quan đề nghị được trả lại nơi gửi hàng đối với hàng hóa nhập khẩu không phát được cho chủ hàng;
- Sau khi được lãnh đạo Chi cục Hải quan chấp thuận, doanh nghiệp nộp bản chính tờ khai hải quan (bản lưu người khai hải quan); xuất trình hàng hóa cho công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi xuất khẩu hàng hóa để trả lại nơi gửi hàng.
1.5. Đối với hàng hóa lạc tuyến quốc tế (hàng hóa từ nước này lạc tuyến sang nước khác) thì doanh nghiệp có văn bản gửi Chi cục Hải quan đề nghị được chuyển hoàn hàng hóa lạc tuyến đến nước gửi (nước xuất khẩu) hoặc chuyển hàng hóa lạc tuyến đến nước có địa chỉ được ghi trên bao bì sau khi được lãnh đạo Chi cục Hải quan chấp thuận.
2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan:
2.1. Giám sát việc doanh nghiệp thực hiện phân luồng thực tế hàng hóa.
2.2. Thực hiện việc kiểm tra hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư này.
2.3. Công chức hải quan kiểm tra lại hàng hóa nhập khẩu đã thông quan mà doanh nghiệp không phát được cho chủ hàng trước khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa để trả lại nơi gửi hàng.
2.4. Tiếp nhận văn bản đề nghị của doanh nghiệp theo quy định tại điểm 1.5, khoản 1 Điều này để xem xét giải quyết việc doanh nghiệp chuyển hoàn hàng hóa lạc tuyến đến nước gửi (nước xuất khẩu) hoặc chuyển hàng hóa lạc tuyến đến nước có địa chỉ được ghi trên bao bì và Chi cục Hải quan thực hiện giám sát hải quan đối với trường hợp này.
Chương III
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU
Điều 9. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
1.1. Thực hiện phân loại hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
1.2. Thực hiện tương tự nội dung quy định tại các điểm 1.2, 1.3, khoản 1, Điều 8 Thông tư này.
1.3. Lập bản lược khai hàng hóa xuất khẩu.
2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan:
2.1. Giám sát việc doanh nghiệp thực hiện phân luồng thực tế hàng hóa.
2.2. Thực hiện việc kiểm tra hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này.
2.3. Trường hợp hàng hóa không đủ điều kiện xuất khẩu thì Chi cục Hải quan thông báo lý do để doanh nghiệp làm thủ tục hoàn trả cho chủ hàng (riêng hàng hóa là mặt hàng cấm xuất khẩu phải xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật).
2.4. Tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan tại các Chi cục Hải quan khác chuyển cửa khẩu đến để xuất sang Trung Quốc/Lào/Campuchia.
Chương IV
THỦ TỤC CHUYỂN CỬA KHẨU ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU
Điều 10. Thủ tục chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu
1. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Mộc Bài:
1.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
1.1.1. Nộp bản lược khai hàng hóa nhập khẩu cho Chi cục Hải quan.
1.1.2. Xuất trình phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa nhập khẩu.
1.1.3. Tổ chức thực hiện việc xếp hàng hóa từ phương tiện vận tải của nước ngoài sang phương tiện vận tải của Việt Nam (nếu có).
1.1.4. Trường hợp toàn bộ chuyến hàng nhập khẩu có tên, địa chỉ của người nhận thuộc khu vực quản lý của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội/Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng/Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì doanh nghiệp có văn bản đề nghị Chi cục Hải quan cửa khẩu lập phiếu chuyển cửa khẩu lô hàng và gửi cho Chi cục Hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu toàn bộ lô hàng) để thực hiện thủ tục hải quan theo quy định; đồng thời doanh nghiệp có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội/ Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng/Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất biết nội dung đề nghị nêu trên của doanh nghiệp và đã được Chi cục Hải quan cửa khẩu lập phiếu chuyển cửa khẩu.
1.1.5. Có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản hồ sơ chuyển cửa khẩu (có niêm phong hải quan); chuyển hồ sơ cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất để thực hiện tiếp các thủ tục theo quy định.
1.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Mộc Bài:
1.2.1. Tiếp nhận bản lược khai hàng hóa nhập khẩu.
1.2.2. Kiểm tra seal của hãng vận tải.
1.2.3. Giám sát việc xếp hàng hóa từ phương tiện vận tải của nước ngoài sang phương tiện vận tải của Việt Nam (nếu có).
Nhằm giảm thiểu thời gian xếp dỡ hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, doanh nghiệp được trao đổi các phương tiện chứa hàng hóa như kệ sắt, túi chuyên dùng, container thay vì phải bốc dỡ từng kiện hàng nhập khẩu ra khỏi phương tiện nêu trên.
1.2.4. Niêm phong hải quan phương tiện vận tải chứa hàng nhập khẩu.
1.2.5. Lập 02 Phiếu chuyển cửa khẩu (theo mẫu HQ03-PCCKCPN ban hành kèm theo Thông tư này).
1.2.6. Giao hồ sơ chuyển cửa khẩu có niêm phong hải quan (gồm bản lược khai hàng hóa nhập khẩu, 02 Phiếu chuyển cửa khẩu) cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất/Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu toàn bộ chuyến hàng.
1.2.7. Tiếp nhận 01 phiếu chuyển cửa khẩu có nội dung xác nhận của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất/Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu toàn bộ chuyến hàng chuyển lại.
1.2.8. Thanh khoản hồ sơ chuyển cửa khẩu theo quy định.
2. Tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu toàn bộ chuyến hàng:
2.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
2.1.1. Nộp hồ sơ chuyển cửa khẩu do Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Mộc Bài chuyển cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu toàn bộ chuyến hàng.
2.1.2. Xuất trình phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa nhập khẩu.
2.1.3. Chứng kiến công chức hải quan kiểm tra tình trạng seal của hãng vận tải, niêm phong hải quan.
2.1.4. Dỡ hàng hóa từ phương tiện vận tải đưa vào kho chứa hàng.
2.1.5. Lập bản kê hàng chuyển cửa khẩu (ký tên, đóng dấu doanh nghiệp); nội dung bản kê gồm: tên, địa chỉ người nhận, tên hàng hóa, đơn vị tính, lượng hàng, trị giá.
2.1.6. Đề nghị Chi cục Hải quan làm thủ tục chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu sau khi doanh nghiệp đã phân loại thực tế hàng hóa theo địa chỉ người nhận theo khu vực.
2.1.7. Tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu toàn bộ chuyến hàng thì doanh nghiệp không phải thực hiện nội dung tại các điểm 2.1.5, 2.1.6 nêu trên.
2.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan:
2.2.1. Tiếp nhận hồ sơ chuyển cửa khẩu từ doanh nghiệp, kiểm tra niêm phong hồ sơ.
2.2.2. Tiếp nhận phương tiện vận tải vận chuyển hàng nhập khẩu; kiểm tra tình trạng seal, niêm phong hải quan, đối chiếu với nội dung xác nhận của Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Mộc Bài trên phiếu chuyển cửa khẩu.
2.2.3. Xác nhận đầy đủ nội dung quy định trên phiếu chuyển cửa khẩu; lưu 01 phiếu; chuyển trả 01 phiếu cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị/cửa khẩu Cầu Treo/cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Mộc Bài.
2.2.4. Giám sát doanh nghiệp dỡ hàng hóa từ phương tiện vận tải để chuyển vào kho chứa hàng và phân loại thực tế hàng hóa.
2.2.5. Làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu theo đề nghị của doanh nghiệp.
2.2.6. Làm thủ tục chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa nhập chuyển cửa khẩu theo đề nghị của doanh nghiệp.
2.2.6.1. Niêm phong hải quan phương tiện vận tải vận chuyển hàng chuyển cửa khẩu hoặc niêm phong hải quan cổ túi, kệ sắt chuyên dùng chứa hàng chuyển cửa khẩu. Trường hợp hàng nhập khẩu không thực hiện được niêm phong hải quan thì Chi cục Hải quan giao hàng nhập khẩu cho doanh nghiệp và doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguyên trạng của hàng hóa.
2.2.6.2. Lập 02 Phiếu chuyển cửa khẩu gửi Chi cục Hải quan nơi hàng đến.
2.2.6.3. Giao hồ sơ chuyển cửa khẩu có niêm phong hải quan (gồm Bản kê hàng chuyển cửa khẩu, 02 Phiếu chuyển cửa khẩu) cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển đến Chi cục Hải quan nơi hàng đến.
2.2.6.4. Tiếp nhận 01 phiếu chuyển cửa khẩu (có nội dung xác nhận) do Chi cục Hải quan nơi hàng đến chuyển lại.
2.2.6.5. Thanh khoản hồ sơ chuyển cửa khẩu theo quy định.
2.2.7. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi hàng đến:
2.2.7.1. Tiếp nhận hồ sơ chuyển cửa khẩu từ doanh nghiệp, kiểm tra niêm phong hồ sơ.
2.2.7.2. Tiếp nhận phương tiện vận tải vận chuyển hàng nhập khẩu; kiểm tra tình trạng niêm phong hải quan, đối chiếu với nội dung xác nhận trên phiếu chuyển của Chi cục Hải quan cửa khẩu lập phiếu.
2.2.7.3. Xác nhận đầy đủ nội dung quy định trên phiếu chuyển cửa khẩu; lưu 01 phiếu; chuyển trả 01 phiếu cho Chi cục Hải quan cửa khẩu lập phiếu.
2.2.7.4. Giám sát doanh nghiệp dỡ hàng hóa từ phương tiện vận tải để chuyển vào kho chứa hàng.
2.2.7.5. Thực hiện thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định.
Chương V
THỦ TỤC CHUYỂN CỬA KHẨU ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU
Điều 11. Thủ tục chuyển cửa khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu
1. Hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu bao gồm: hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan tại các Chi cục Hải quan khác chuyển đến, hàng hóa xuất khẩu được thu gom và làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
2. Đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều này:
2.1. Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội thực hiện thủ tục chuyển cửa khẩu từ địa điểm làm thủ tục hải quan đến cửa khẩu Hữu Nghị để xuất đi Trung Quốc.
2.2. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng thực hiện thủ tục chuyển cửa khẩu từ địa điểm làm thủ tục hải quan đến cửa khẩu Lao Bảo/ Cầu Treo để xuất đi Lào/Thái Lan/Singapore/Malaysia.
2.3. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thực hiện thủ tục chuyển cửa khẩu từ địa điểm làm thủ tục hải quan đến cửa khẩu Mộc Bài để xuất đi Campuchia.
3. Thủ tục chuyển cửa khẩu đối với hàng xuất khẩu thực hiện như sau:
3.1. Tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu toàn bộ chuyến hàng:
3.1.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
3.1.1.1. Nộp bản lược khai hàng hóa xuất khẩu cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.
3.1.1.2. Xuất trình phương tiện vận tải để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan.
3.1.1.3. Tổ chức thực hiện việc xếp hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan lên phương tiện vận tải để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đến Chi cục Hải quan liên quan.
3.1.1.4. Tiếp nhận, bảo quản hồ sơ chuyển cửa khẩu (có niêm phong hải quan) từ Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu toàn bộ chuyển hàng (như Chi cục Hải quan khu chế xuất, công nghiệp…) và chuyển hồ sơ cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để thực hiện tiếp các thủ tục theo quy định.
3.1.1.5. Tiếp nhận, bảo quản hồ sơ chuyển cửa khẩu (có niêm phong hải quan) từ Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và chuyển hồ sơ cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Mộc Bài để thực hiện tiếp các thủ tục theo quy định.
3.1.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan:
3.1.2.1. Tiếp nhận bản lược khai hàng hóa xuất khẩu.
3.1.2.2. Giám sát việc xếp hàng xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan lên phương tiện vận tải để vận chuyển hàng xuất khẩu đến cửa khẩu xuất liên quan.
3.1.2.3. Niêm phong hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan/bao bì/phương tiện vận tải chứa hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan để thực hiện chuyển cửa khẩu hàng hóa xuất khẩu đến cửa khẩu xuất liên quan. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không thực hiện được niêm phong hải quan hoặc hàng hóa xuất khẩu miễn kiểm tra hải quan thì Chi cục Hải quan giao hàng hóa xuất khẩu cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguyên trạng của hàng hóa và Chi cục Hải quan thực hiện niêm phong hải quan đối với phương tiện vận tải.
3.1.2.4. Lập 02 phiếu chuyển cửa khẩu.
3.1.2.5. Giao hồ sơ chuyển cửa khẩu có niêm phong hải quan (gồm bản lược khai hàng hóa xuất khẩu, 02 phiếu chuyển cửa khẩu) cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chuyển cho Chi cục Hải quan liên quan thực hiện tiếp các thủ tục theo quy định.
3.1.2.6. Tiếp nhận 01 phiếu chuyển cửa khẩu có nội dung xác nhận của Chi cục Hải quan liên quan chuyển lại.
3.1.2.7. Thanh khoản hồ sơ chuyển cửa khẩu theo quy định.
3.1.2.8. Riêng Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất sau khi tiếp nhận hồ sơ và hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu do Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục xuất khẩu toàn bộ chuyến hàng chuyển đến thì căn cứ nội dung quy định tại tiết 3.2.2, điểm 3.2, khoản 3, Điều 11 Thông tư này để thực hiện thủ tục phù hợp với thực tế.
3.2. Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Mộc Bài:
3.2.1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
3.2.1.1. Nộp hồ sơ chuyển cửa khẩu do Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất chuyển cho Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Cầu Treo, cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu Mộc Bài.
3.2.1.2. Xuất trình phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu.
3.2.1.3. Chứng kiến công chức hải quan kiểm tra tình trạng seal của hãng vận tải, niêm phong hải quan.
3.2.1.4. Tổ chức thực hiện việc xếp hàng hóa từ phương tiện vận tải của Việt Nam sang phương tiện vận tải của nước ngoài (nếu có).
3.2.2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan:
3.2.2.1. Tiếp nhận hồ sơ chuyển cửa khẩu từ doanh nghiệp, kiểm tra niêm phong hồ sơ.
3.2.2.2. Tiếp nhận phương tiện vận tải vận chuyển hàng xuất khẩu; kiểm tra tình trạng seal, niêm phong hải quan, đối chiếu với nội dung xác nhận của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất trên phiếu chuyển cửa khẩu.
3.2.2.3. Xác nhận đầy đủ nội dung quy định trên phiếu chuyển cửa khẩu; lưu 01 phiếu; chuyển trả 01 phiếu cho Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.
3.2.2.4 Giám sát việc doanh nghiệp xếp hàng hóa từ phương tiện vận tải của Việt Nam sang phương tiện vận tải của nước ngoài (nếu có).
Chương VI
THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA QUÁ CẢNH
Điều 12. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp:
1.1. Sau khi hàng hóa nhập khẩu quá cảnh được chuyển cửa khẩu từ cửa khẩu nhập đến Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất thì doanh nghiệp tiến hành lập bản kê hàng nhập khẩu quá cảnh (ký tên, đóng dấu doanh nghiệp); nội dung bản kê gồm: tên, địa chỉ người nhận, tên hàng hóa, đơn vị tính, lượng hàng, trị giá.
1.2. Đối với hàng nhập khẩu quá cảnh của nhiều chủ hàng, doanh nghiệp được phép khai hải quan chung 01 tờ khai hàng quá cảnh (HQ/2002-QC) kèm bản kê hàng nhập khẩu quá cảnh.
1.3. Đề nghị Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất làm thủ tục hải quan đối với hàng nhập khẩu quá cảnh.
2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất:
Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan.
Chương VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.
2. Bãi bỏ Quyết định số 93/2008/QĐ-BTC ngày 29/10/2008 của Bộ Tài chính ban hành quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa, vật phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh đường bộ.
3. Quá trình thực hiện, nếu văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố liên quan chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và thực hiện nội dung quy định tại Thông tư này.
Quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, người khai hải quan báo cáo và phản ánh cụ thể Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết cụ thể./.