• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/06/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/2015
BỘ NỘI VỤ-THANH TRA CHÍNH PHỦ
Số: 03/2011/TTLT-BNV-TTCP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Giang, ngày 6 tháng 5 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng

____________________________

 

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 4 tháng 8 năm 2007;

Căn cứ Luật Khiếu nại, Tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, Tố cáo ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 65/2008/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ;

Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về khen thưởng cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm: đối tượng, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền và hồ sơ, thủ tục, Quỹ khen thưởng và mức thưởng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Cá nhân người Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, cá nhân người nước ngoài có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng;

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khen thưởng.

Điều 3. Nguyên tắc khen thưởng

Nguyên tắc khen thưởng thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 6 Luật Thi đua, Khen thưởng, Điều 67 Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; có xét đến tính đặc thù của công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều 4. Hình thức khen thưởng

Hình thức khen thưởng áp dụng theo Thông tư này gồm có:

1. Huân chương Dũng cảm;

2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;

3. Bằng khen của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương);

4. Giấy khen của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ … và các cơ quan, đơn vị khác có thẩm quyền.

Điều 5. Tiêu chuẩn khen thưởng

1. Huân chương Dũng cảm để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Không sợ hy sinh tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong toàn quốc; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi tỉnh, thành phố, khu vực trở lên;

b) Không sợ hy sinh tính mạng, lợi ích vật chất, tinh thần của mình và người thân đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) mà giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 500.000.000 đồng trở lên (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) hoặc từ 300.000.000 đồng trở lên (đối với trường hợp nhận hối lộ; đưa hối lộ; môi giới hối lộ);

c) Hy sinh tính mạng của mình hoặc bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên do tố cáo, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

2. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) gây hậu quả rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi khu vực hoặc của nhiều bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên;

b) Đã dũng cảm tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) mà giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) hoặc từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng (đối với trường hợp nhận hối lộ; đưa hối lộ; môi giới hối lộ);

c) Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến dưới 61% do tố cáo, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

3. Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương trở lên;

b) Đã tố cáo, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) mà giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) hoặc từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng (đối với trường hợp nhận hối lộ; đưa hối lộ; môi giới hối lộ);

c) Bị thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến dưới 31% do tố cáo, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

4. Giấy khen để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân đạt được một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo, phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng được các cơ quan, đơn vị cấp cơ sở trở lên công nhận;

b) Đã tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 4, 5, 7, 9, 10, 11, 12 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) gây hậu quả ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi cơ sở trở lên;

c) Đã tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng (quy định tại khoản 1, 2, 3, 6, 8 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng) mà giá trị tài sản thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 2.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng (đối với trường hợp tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) hoặc từ 2.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng (đối với trường hợp nhận hối lộ; đưa hối lộ; môi giới hối lộ);

Điều 6. Thẩm quyền quyết định và trao tặng khen thưởng

1. Thẩm quyền quyết định và trao tặng các hình thức khen thưởng tại Điều 4 Thông tư này thực hiện theo quy định tại Điều 77, 78, 79, 80 và Điều 81 Luật Thi đua, Khen thưởng.

2. Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng được quyết định khen thưởng cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền quản lý và các ngành, lĩnh vực, địa phương mà chưa được cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương khen thưởng.

Điều 7. Hồ sơ, thủ tục khen thưởng

1. Hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản đối với Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo Điều 61, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản đối với bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương gồm 1 bộ (bản chính) có:

a) Tờ trình của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

b) Bản báo cáo tóm tắt thành tích do cá nhân hoặc cơ quan trình khen thưởng ghi rõ hành động, thành tích, công trạng đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản.

3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản đối với giấy khen gồm 1 bộ (bản chính) có:

a) Tờ trình của người hoặc cơ quan, đơn vị được phân công lập hồ sơ khen thưởng;

b) Bản báo cáo tóm tắt thành tích do cá nhân hoặc cơ quan trình khen thưởng ghi rõ hành động, thành tích, công trạng đề nghị khen thưởng theo thủ tục đơn giản.

Điều 8. Quỹ khen thưởng và mức thưởng

1. Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng thực hiện theo Điều 53 Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 67, 68, 69 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

2. Mức thưởng đối với cá nhân được khen thưởng theo qui định tại Điều 72, 75 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng ngoài ra còn được động viên khuyến khích lợi ích vật chất bằng tiền thưởng từ quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng với các mức sau:

a) Huân chương Dũng cảm được thưởng: 30 lần mức lương tối thiểu chung;

b) Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được thưởng: 20 lần mức lương tối thiểu chung;

c) Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương được thưởng: 10 lần mức lương tối thiểu chung.

d) Giấy khen được thưởng: 03 lần mức lương tối thiểu chung.

Điều 9. Xử lý vi phạm

Hành vi vi phạm và hình thức xử lý đối với cá nhân được khen thưởng và cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng được thực hiện theo Điều 80, 81 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của Thông tư này.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) để phối hợp với Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ

Tổng Thanh tra Thanh tra Chính phủ

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Trần Văn Tuấn

Trần Văn Truyền

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.