Sign In

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước

__________

Trong những năm qua, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc thực thi công tác quản lý tài nguyên nước còn nhiều mặt hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó quản lý nước mặt và xả nước thải vào nguồn nước còn nhiều bất cập. Công tác quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên chưa được xúc tiến. Nhiều công trình thăm dò, khai thác, sử dụng nước mặt, nước ngầm được bố trí, xây dựng không phù hợp với đặc điểm phân bố của tài nguyên nước trong khu vực. Nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất, không báo cáo và xin cấp giấy phép với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Tình trạng xả nước thải không qua xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn gây ô nhiễm nguồn nước mặt xuất hiện ở nhiều nơi. Hàng ngàn lỗ khoan thăm dò, khai thác nước dưới đất không sử dụng được nhưng không lấp lỗ đúng yêu cầu kỹ thuật đã tạo thành những lỗ hổng dẫn nước mặt bị ô nhiễm thâm nhập vào các tầng chứa nước dưới đất. Những tình trạng nêu trên là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ làm cho tài nguyên nước sẽ bị suy thoái, cạn kiệt, nhiễm bẩn, nhiễm mặn và gây nên nhiều hậu quả bất lợi khác.

Để bảo vệ và khai thác, sử dụng bền vững có hiệu quả tài nguyên nước phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước vào nề nếp. Thực hiện nghiêm Luật Tài nguyên nước được ban hành ngày 20/5/1998 và Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004 của Chính phủ “quy định việc cấp phép thăm dò , khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước”. Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường. UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau đây:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp với các ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền rộng rãi trong các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân về Luật Tài nguyên nước và các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (Nghị định số 179/1999/NĐ-CP, ngày 30/12/1999 quy định việc thi hành Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 149/2004/NĐ-CP, ngày 27/7/2004, quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước; Nghị định số 34/2005/NĐ-CP, ngày 17/3/2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước).

Tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý Tài nguyên và Môi trường ở các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn về công tác quản lý tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

b) Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Xác định mức độ ảnh hưởng tới nguồn nước (mức độ suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn, nhiễm bẩn và chất độc hại). Đề xuất các biện pháp xử lý, khắc phục với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

c) Phối hợp với các ngành lập quy hoạch điều tra, thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trước mắt thực hiện ở những vùng trọng điểm, bao gồm: Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực nuôi trồng thuỷ sản, khu vực tập trung dân cư, đô thị, khu vực khai thác nước tập trung.

d) Xây dựng quy định chi tiết cho các trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước không phải xin cấp giấy phép theo phân cấp quản lý của Chính phủ tại Nghị định số 149/2004/NĐ-CP để trình UBND tỉnh ra quyết định thực hiện trước ngày 31/10/2005.

đ) Tổ chức kiểm tra, thanh tra các tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Luật Tài nguyên nước.

Hướng dẫn lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, báo cáo UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước cho các tổ chức, cá nhân theo thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Thông tư số 02/2005/TT-BTNMT ngày 24/6/2005).

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp nuôi trồng thuỷ sản có nhu cầu sử dụng tài nguyên nước.

Chỉ đạo Chi cục quản lý nước và công trình thuỷ lợi lập quy hoạch phát triển các công trình thuỷ lợi và hồ chứa. Phối hợp với các ngành và các đơn vị lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các công trình thuỷ lợi đang sử dụng trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo ban quản lý rừng quy hoạch và phát triển rừng ở các huyện miền núi để chống xói mòn và nước lũ, giảm lượng bốc hơi nước.

Chỉ đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phối hợp với các địa phương và đơn vị lập hồ sơ xin cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cho các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang sử dụng.

3. Sở Xây dựng

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng nước mặt, nước ngầm và hệ thống xả nước thải tập trung cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu tập trung dân cư, đô thị.

Chỉ đạo Công ty Cấp nước Hải Dương lập quy hoạch xây dựng các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa vào hoạt động các công trình cấp nước ở các huyện Chí Linh, Tứ Kỳ, Bình Giang. Lập hồ sơ xin cấp giấy phép cho các công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước ngầm thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty Cấp nước Hải Dương.

4. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan tuyên truyền và Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật về quản lý tài nguyên nước đối với các tổ chức, cá nhân và toàn thể cộng đồng. Triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn. Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Tài nguyên nước theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

5. Tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước

Tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước phải lập đề án báo cáo với cơ quan có thẩm quyền quản lý về tài nguyên nước để thẩm định phê duyệt. Đồng thời lập hồ sơ xin cấp giấy phép theo quy định  của Chính phủ tại Nghị Định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27/7/2004, trừ các trường hợp khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong phạm vi gia đình có quy mô hạn chế, khai thác sử dụng nước mặt được hình thành từ nguồn nước mưa ở các ao, hồ trên diện tích đất được giao hoặc cho thuê (có quy định cụ thể của UBND tỉnh).

Đối với các tổ chức, cá nhân đang sử dụng các công trình khai thác nước mặt, xả nước thải vào nguồn nước chưa làm thủ tục xin cấp giấy phép theo quy định tại Nghị Định số 149/2004/NĐ-CP phải lập ngay hồ sơ xin cấp giấy phép, việc cấp giấy phép cho các công trình đang sử dụng phải xong trước ngày 31/12/2005.

6. Các cơ quan thông tin đại chúng

Báo Hải Dương, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố tăng thời lượng phát sóng, phát thanh, tin, bài phổ biến tuyên truyền pháp luật về tài nguyên nước cho các tổ chức và nhân dân. Nêu gương những tổ chức, cá nhân chấp hành, thực hiện tốt. Đồng thời phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trên các lĩnh vực thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước có trách nhiệm thi hành chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.

Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Bùi Thanh Quyến