THÔNG TƯ
Quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt trên tàu cá
________________________________
Căn cứ Nghị định 199/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản;
Căn cứ Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt trên tàu cá.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về yêu cầu kỹ thuật và kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy đã qua sử dụng lắp đặt trên tàu cá đối với trường hợp nâng cấp máy thủy có tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản (sau đây gọi là Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc nâng cấp công suất máy tàu cá và kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy đã qua sử dụng trước khi lắp đặt trên tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Máy thủy đã qua sử dụng là một loại động cơ được thiết kế, chế tạo dùng để lắp đặt làm máy chính lai chân vịt trên các phương tiện thủy, có các ký hiệu riêng theo loại sản phẩm do nhà chế tạo quy định, đã được sử dụng làm máy chính lắp đặt trên các phương tiện thủy khác (sau đây gọi là máy thủy cũ).
2. Yêu cầu kỹ thuật đối với máy thủy cũ là việc đưa ra những thông số, tiêu chí kỹ thuật mà máy thủy cũ phải đáp ứng khi lắp đặt xuống tàu cá nhằm đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản.
3. Kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy cũ là việc thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan đăng kiểm tàu cá nhằm kiểm tra, đánh giá sự phù hợp các thông số kỹ thuật máy thủy cũ với các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và tài liệu kỹ thuật của nhà chế tạo.
Điều 4. Yêu cầu kỹ thuật đối với máy thủy cũ
1. Thời gian sử dụng không quá 10 năm kể từ ngày sản xuất.
2. Được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 21:2010/BGTVT - Quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6718:2000 - Quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển, Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 7111:2002 - Quy phạm phân cấp và đóng tàu cá biển cỡ nhỏ hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
3. Trục khuỷu, xy lanh, pít tông hao mòn không vượt quá giới hạn sửa chữa do nhà chế tạo quy định.
4. Tài liệu kỹ thuật kèm theo máy
a) Đối với máy thủy cũ nhập khẩu
Bản chính Chứng thư giám định về năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của máy thủy cũ phù hợp với quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này của tổ chức giám định được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc bản chính Giấy xác nhận của nhà sản xuất về năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của máy thủy cũ; các tài liệu kỹ thuật hướng dẫn lắp đặt, sử dụng, sửa chữa máy của nhà sản xuất; bảng ghi một số thông số kỹ thuật máy do cơ sở cung cấp máy lập theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Đối với máy thủy cũ đã sử dụng tại Việt Nam
Biên bản kiểm tra kỹ thuật lần đầu, định kỳ hoặc hàng năm gần nhất do cơ quan đăng kiểm cấp.
Điều 5. Kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy cũ
1. Kiểm tra trước khi lắp đặt xuống tàu
a) Kiểm tra bên ngoài
Máy không nứt, vỡ, hàn vá, móp méo; các chữ, số in trên nhãn máy rõ ràng phù hợp với tài liệu kỹ thuật của máy; các đồng hồ đo còn đầy đủ, nguyên vẹn.
b) Thử hoạt động
Thử khởi động máy, thử số vòng quay ổn định thấp nhất và số vòng quay lớn nhất, thử tăng tốc và giảm tốc đột ngột; các chỉ số kỹ thuật về áp lực dầu bôi trơn, nhiệt độ nước làm mát, nhiệt độ khí xả ổn định trong giới hạn cho phép của nhà chế tạo.
c) Kết quả kiểm tra
Khi máy thủy cũ thỏa mãn tất cả các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Điều 4 và Khoản 1, Khoản 2 Điều này, cơ quan đăng kiểm tàu cá cấp Biên bản kiểm tra kỹ thuật máy thủy cũ trước khi lắp đặt xuống tàu (theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Kiểm tra sau khi lắp đặt xuống tàu
Thực hiện theo Quy chế đăng kiểm tàu cá ban hành kèm theo Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN ngày 28/11/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm của Tổng cục Thủy sản
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai Thông tư này đến các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan;
b) Hướng dẫn, tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy cũ theo quy định của Thông tư này.
2. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Thông tư này đến các đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan trên địa bàn được giao quản lý;
b) Tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy cũ theo phân cấp quản lý;
c) Báo cáo tình hình triển khai thực hiện Thông tư này về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) khi có yêu cầu.
3. Trách nhiệm của chủ tàu
a) Cung cấp hồ sơ cho cơ quan đăng kiểm theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Thông tư này;
b) Phối hợp với cơ quan đăng kiểm thực hiện việc kiểm tra an toàn kỹ thuật máy thủy cũ theo quy định.
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2016.
2. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh,thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các tổ chức, cá nhân báo cáo kịp thời về Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Tổng cục Thủy sản) để xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.