• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/08/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 46/2007/QĐ-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 28 tháng 5 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH RỪNG TRỒNG, RỪNG KHOANH NUÔI THÀNH RỪNG

 BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/ NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 99/2007/TT-BNN-LN ngày 06/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số Điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Cục tr­uởng Cục Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng.

Điều 2  Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục tru­ởng Cục Lâm nghiệp, Thủ tr­uởng các Cục, Vụ, các đơn vị có liên quan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ­uơng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

QUY ĐỊNH

VIỆC XÁC ĐỊNH RỪNG TRỒNG, RỪNG KHOANH NUÔI THÀNH RỪNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46 /2007/QĐ-BNN ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Bộ tr­ưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Phần 1: QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định nguyên tắc, trình tự tiến hành, tiêu chí xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng cho 3 loại rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất.

2. Đối tượng áp dụng

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện giao, nhận khoán trồng rừng, khoanh nuôi rừng quy định ở khoản 1 Điều này bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp.

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi rừng bằng các nguồn vốn khác .

Điều 2. Mục tiêu

1. Phục vụ cho công tác quản lý rừng, chuyển diện tích thành rừng sang quản lý theo quy định tại Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sau đây gọi chung là Nghị định số 23).

2. Thống kê đầy đủ diện tích thành rừng đến địa bàn cấp xã, bổ sung số liệu cho kiểm kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.

3. Làm cơ sở cho chính quyền các cấp, các chủ rừng thực hiện việc quản lý, bảo vệ rừng.

4. Định hướng các giải pháp kỹ thuật lâm sinh phù hợp để lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng theo quy định hiện hành.

5. Đánh giá chất lượng rừng, làm cơ sở cho việc định giá rừng.

6. Tính toán trữ lượng rừng (nếu có) và độ che phủ của rừng.

Điều 3. Nguyên tắc xác định diện tích thành rừng

Xác định diện tích thành rừng theo từng lô rừng trồng, rừng khoanh nuôi khi đạt tiêu chí thành rừng theo quy định tại Điều 5 Quy định này.

Điều 4. Trình tự tiến hành

1. Đối với lô rừng thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp : Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Chi cục Lâm nghiệp hoặc Chi Cục Kiểm lâm, căn cứ vào hồ sơ quản lý dự án, chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, kiểm lâm địa bàn, tổ chức kiểm tra thực địa, xác định diện tích, đánh giá chất lượng từng lô rừng của chủ dự án theo tiêu chí quy định tại Điều 5 Quy định này.

2. Đối với lô rừng thực hiện bằng vốn tự có của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân : kiểm lâm địa bàn theo dõi hoạt động trồng rừng trên địa bàn xã, báo cáo Hạt Kiểm lâm huyện để kết hợp với Uỷ ban nhân dân xã tổ chức xác định lô rừng thành rừng theo tiêu chí quy định tại Điều 5 Quy định này.

3. Số liệu đo đếm tại hiện trường được tổng hợp theo mẫu biểu 1, 2; kết quả xác định diện tích rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng lập thành biên bản theo mẫu biểu 3, 4 kèm theo Quy định này.

Phần 2: TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH RỪNG TRỒNG, RỪNG KHOANH NUÔI THÀNH RỪNG,

Điều 5. Tiêu chí xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng

1. Rừng trồng: đã khép tán, mật độ cây trồng phân bố tương đối đồng đều trên toàn diện tích, chiều cao bình quân (Hbq) lớn hơn hoặc bằng 2m, đường kính gốc bình quân (D0) lớn hơn hoặc bằng 2cm, diện tích các đám trống nhỏ hơn hoặc bằng 1000m2/ha.

2. Rừng khoanh nuôi

a) Đối với rừng phòng hộ, đặc dụng:

- Rừng cây gỗ: sau thời gian khoanh nuôi có ít nhất 400 cây gỗ mục đích/ha, độ che phủ của cây bụi, thảm tươi và cây gỗ lớn hơn hoặc bằng 50% , tổng diện tích các đám trống nhỏ hơn hoặc bằng 1000m2/ha.

- Rừng tre nứa, le, giang, vầu, diễn, lồ ô... (gọi chung là rừng tre nứa): sau thời gian khoanh nuôi độ che phủ của tre nứa lớn hơn hoặc bằng 60%, tổng diện tích các đám trống nhỏ hơn hoặc bằng 1000m2/ha ;

b) Đối với rừng sản xuất.

- Rừng cây gỗ: sau thời gian khoanh nuôi có ít nhất 500 cây gỗ mục đích/ha, phân bố t­ương đối đều trên toàn diện tích, chiều cao trung bình lớn hơn hoặc bằng 4m, tổng diện tích các đám trống nhỏ hơn hoặc bằng 1000m2/ha.

- Rừng tre nứa: sau thời gian khoanh nuôi độ che phủ của tre nứa đạt lớn hơn hoặc bằng 70%, số cây đạt tiêu chuẩn khai thác lớn hơn hoặc bằng 20%, tổng diện tích các đám trống nhỏ hơn hoặc bằng 1000m2/ha.

c) Đối với những loại rừng không thuộc quy định ở mục a, b, tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chí để thực hiện.

Phần 3 : TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện việc xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng sử dụng từ nguồn kinh phí sự nghiệp hàng năm của đơn vị, được lập cùng kế hoạch chi ngân sách thường xuyên thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về lâm nghiệp.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập dự toán chi phí thực hiện xác định rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng .

2. Khoản chi và định mức chi.

a) Các khoản chi : chi nhân công, vật tư thiết bị, văn phòng phẩm, xăng xe, công tác phí và chi khác (nếu có).

b. Mức chi: thực hiện theo quy định tài chính hiện hành đối với nguồn kinh phí do ngân sách cấp.

Điều 7. Quản lý hồ sơ

Hồ sơ xác định diện tích rừng trồng, rừng khoanh nuôi thành rừng được lưu giữ tại cơ quan quản lý chuyên ngành về lâm nghiệp cấp tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện, Uỷ ban nhân dân xã, Kiểm lâm địa bàn, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi rừng không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp có trách nhiệm báo cáo diện tích rừng với chính quyền xã, thôn/ bản, kiểm lâm địa bàn, đề nghị xác định diện tích thành rừng.

2. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi rừng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước cấp: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Chi cục Lâm nghiệp (hoặc Chi cục Kiểm lâm) chủ trì tổ chức, thực hiện việc xác định diện tích thành rừng.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm bổ sung diện tích rừng được đánh giá, xác định đạt tiêu chuẩn thành rừng vào bản đồ hiện trạng rừng hiện có của tỉnh để quản lý.

4. Hạt Kiểm lâm huyện và Uỷ ban nhân dân xã nơi có rừng có trách nhiệm thống kê diện tích rừng để quản lý, Kiểm lâm địa bàn chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến diện tích rừng.

5. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành lâm nghiệp ở các cấp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về rừng theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP.

6. Căn cứ vào các quy định và các phụ biểu kèm theo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chi tiết phù hợp với điều kiện của địa phương để thực hiện ./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hứa Đức Nhị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.