• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 12/06/2006
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 109/2006/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 19 tháng 5 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Nam Định

trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của Vùng

Nam đồng bằng sông Hồng

___________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 8696/BKH/TĐ&GSĐT ngày 14 tháng 12 năm 2005; Tờ trình số 269/Tr-UB ngày 22 tháng 8 năm 2005 và Văn bản số 423/UBND-VP5 ngày 16 tháng 11 năm 2005 của ñy ban nhân dân tỉnh Nam Định về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Nam Định trở thành Trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Nam Định trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng với những nội dung chủ yếu sau:

I. CHỨC NĂNG CỦA THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH ĐỐI VỚI VÙNG NAM ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

1. Trung tâm của một số ngành công nghiệp.

2. Trung tâm đào tạo.

3. Trung tâm khoa học - công nghệ.

4. Trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu y học.

5. Trung tâm văn hóa, du lịch.

6. Trung tâm thể thao.

II. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI  CỦA THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển:

a) Quan điểm phát triển:

- Phát triển thành phố Nam Định để đảm bảo vị trí, vai trò của Thành phố đối với Vùng Nam đồng bằng sông Hồng ngày càng tăng lên, có đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế của Vùng.

- Phát triển thành phố Nam Định với tầm nhìn dài hạn, hướng tới văn minh, hiện đại và giữ gìn được bản sắc riêng biệt của Thành phố. Gắn phát triển kinh tế với chỉnh trang, mở rộng đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng.

- Xây dựng thành phố Nam Định mang lại lợi ích không chỉ cho người dân Thành phố và tỉnh Nam Định mà cho cả Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

- Phát triển dựa vào nội lực và lợi thế của Thành phố, nhất là lợi thế về vị trí địa lý và nguồn nhân lực, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương đối với các công trình có tính chất vùng và thu hút đầu tư từ bên ngoài.

- Phát triển kinh tế gắn với các lĩnh vực xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho Thành phố, cho Tỉnh và Vùng.

- Phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là địa bàn trọng yếu giữ vững an ninh, quốc phòng cho cả Vùng và Thủ đô Hà Nội.

b) Mục tiêu phát triển:

- Mục tiêu tổng quát: xây dựng thành phố Nam Định phát triển, hiện đại nhưng vẫn có bản sắc riêng, có vai trò ngày càng lớn, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định và của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng cùng phát triển.

-  Một số mục tiêu cụ thể:

+  Mục tiêu về kinh tế: phấn đấu nhịp độ tăng trưởng GDP của Thành phố giai đoạn 2005 - 2010 đạt bình quân 14%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13,8%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 13,6%/ năm (cao gấp 1,3 - 1,4 lần so với mức tăng bình quân chung của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng và tỉnh Nam Định).

Đưa tỷ trọng GDP của Thành phố trong Vùng Nam đồng bằng sông Hồng từ 8,35% năm 2004 lên 10,2% vào năm 2010, đạt 12,2% vào năm 2015 và 14,4% vào năm 2020.

Đưa tỷ trọng đóng góp của Thành phố vào tăng trưởng kinh tế của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng đạt 12,5% giai đoạn 2005 - 2010, khoảng 15,5% giai đoạn 2010 - 2015 và 18,2% giai đoạn 2016 - 2020.

+ Mục tiêu về phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng: phát triển mở rộng gắn kết với vùng phụ cận; các khu đô thị cũ được cải tạo, chỉnh trang; các khu đô thị mới được xây dựng hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ. Kiến trúc đô thị có bản sắc riêng của Vùng. Xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng của Thành phố đạt các tiêu chí của đô thị loại II và tiến tới đạt các tiêu chí của đô thị loại I, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của đô thị trung tâm Vùng.

+ Mục tiêu xã hội: mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng toàn diện các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, thể thao của Thành phố, đáp ứng yêu cầu của Thành phố loại I. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và của Vùng.

+ Mục tiêu về an ninh, quốc phòng: là khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng cho cả Vùng.

+ Mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái: xây dựng Thành phố xanh, sạch, đẹp; bảo vệ cảnh quan theo hướng truyền thống, hiện đại.

2. Dự báo quy mô của Thành phố:

a) Dự báo về quy mô dân số:

- Dân số thành phố Nam Định năm 2005: 241.100 người.

- Dân số thành phố Nam Định (mở rộng) năm 2010:  511.000 người.

- Dân số thành phố Nam Định (mở rộng) sau năm 2020:  955.000 người.

b) Dự báo quy mô đất đai:

- Năm 2010, diện tích đất của Thành phố: 21.406 ha; tăng khoảng 16.771 ha so với năm 2004.

- Năm 2020, diện tích đất của Thành phố: 45.127 ha; tăng khoảng 23.811 ha so với năm 2010.

c)  Hướng phát triển đô thị:

Không gian đô thị thành phố Nam Định được mở rộng phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế, dân số và các chức năng của đô thị trung tâm Vùng theo hướng sau:

- Phát triển đô thị về phía bên kia sông Đào thuộc khu vực phía Bắc đường tránh Thành phố thuộc địa phận xã Nam Vân, các xã của huyện Nam Trực, Trực Ninh.

- Phát triển về phía Tây Bắc Thành phố thuộc địa bàn xã Lộc Hòa, phường Lộc Vượng, Lộc Hạ và các xã thuộc huyện Mỹ Lộc.

- Phát triển về phía Tây và Tây Nam Thành phố; thuộc địa bàn các xã của huyện Vụ Bản.

3. Các khâu đột phá chủ yếu:

a) Trong lĩnh vực công nghiệp:

- Xây dựng, mở rộng nhà máy chế biến hoa quả, nước giải khát, chế biến thịt, chế biến thuỷ hải sản xuất khẩu để thu hút nguồn nguyên liệu trong Tỉnh và Vùng, thúc đẩy các ngành nông – lâm – ngư nghiệp của Vùng phát triển.

- Phát triển ngành cơ khí đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thuỷ, lắp ráp ô tô, xe máy, cơ khí nông nghiệp, cơ khí sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí dệt.

- Nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá các nhà máy dệt, may.

- Xây dựng ngành công nghiệp điện tử để từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh và Vùng.

b) Trong lĩnh vực dịch vụ:

- Thực hiện dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hoá thời Trần; xây dựng các khách sạn đạt tiêu chuẩn cao cấp, các khu vui chơi giải trí để phát triển Thành phố thành Trung tâm du lịch – văn hoá của Vùng.

- Xây dựng Trung tâm thương mại - hội chợ - triển lãm quy mô Vùng, mạng lưới chợ đầu mối, siêu thị thúc đẩy thương mại phát triển.

c) Trong lĩnh vực xã hội:

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng quy mô Vùng: Bệnh viện đa khoa 700 giường, Bệnh viện phụ sản, các trường đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo nghề, khu liên hợp thể thao đào tạo và tập huấn vận động viên quốc gia.

4. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực:

a) Công nghiệp, khu - cụm công nghiệp:

- Coi trọng đầu tư phát triển các ngành nghề có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

- Kết hợp giữa đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ các cơ sở hiện có và xây dựng mới các cơ sở có lợi thế về nguyên liệu, lao động và các ngành công nghệ cao. Hướng mạnh vào xuất khẩu và thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn.

- Xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng để đón nhận đầu tư trong nước và nước ngoài; di dời các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư.

- Phát triển các ngành công nghiệp cụ thể sau:

+ Phát triển ngành cơ khí, điện, điện tử trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn; trong đó, chú trọng phát triển cơ khí nông nghiệp, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy, sản xuất phụ tùng thiết bị dệt may, cơ khí mỹ nghệ xuất khẩu...

+ Công nghiệp công nghệ cao: đầu tư phát triển các ngành công nghiệp điện tử - tin học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học; xây dựng trung tâm công nghệ thông tin quy mô Vùng.

+ Công nghiệp dệt may: phát triển các doanh nghiệp trọng điểm như: Công ty dệt Nam Định, Công ty dệt lụa Nam Định, Công ty cổ phần dệt may Nam Sơn, Công ty cổ phần may Nam Định, Công ty cổ phần may Sông Hồng, Công ty cổ phần may Nam Hà,... Tạo điều kiện để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cho ngành dệt may thay đổi thiết bị, công nghệ hiện đại; tạo điều kiện phát triển các cơ sở sản xuất dân doanh.

+ Công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm: phát triển mạnh công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống. Hình thành các doanh nghiệp trọng điểm. Đầu tư xây dựng mới, mở rộng, đổi mới công nghệ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

+ Công nghiệp vật liệu xây dựng: các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng được đầu tư thiết bị hiện đại; đồng thời, nghiên cứu sản xuất một số loại vật liệu mới.

+ Một số ngành công nghiệp khác: duy trì các cơ sở sản xuất hiện có; khuyến khích các cơ sở dân doanh phát triển sản xuất bao bì, giấy, các chất tẩy rửa, chế biến các sản phẩm từ gỗ, tre nứa... Phát triển công nghiệp sản xuất dược phẩm, nhất là đông dược.

+ Xây dựng các khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung, Thành An, Bảo Minh, Hồng Tiến và các khu - cụm công nghiệp tập trung khác.

b) Thương mại, dịch vụ, du lịch:

- Phát triển các cơ sở thương mại, dịch vụ. Xây dựng các trung tâm thương mại, hội chợ - triển lãm, siêu thị; xây dựng, nâng cấp mạng lưới chợ...

- Phát triển các loại hình dịch vụ như: vận tải, bưu chính - viễn thông, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bảo hiểm...

- Mở rộng quy mô, loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch theo tiêu chuẩn quốc tế. Gắn phát triển du lịch với tôn tạo, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa; khôi phục và phát triển các lễ hội... Đa dạng hóa các loại hình du lịch... xây dựng, nâng cấp các điểm tham quan du lịch, các khu vui chơi giải trí có quy mô cấp Vùng, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế, các trung tâm triển lãm, giới thiệu sản phẩm.

c) Giáo dục - đào tạo:

- Phấn đấu xây dựng hệ thống đào tạo đạt chuẩn theo quy định, trong đó ở mỗi bậc học có ít nhất một trường tiêu biểu chất lượng cao. Ưu tiên đầu tư xây dựng một số cơ sở đào tạo đa ngành nghề đặc trưng như chế biến nông - thủy sản, nghề thủ công, mỹ nghệ xuất khẩu.

- Sắp xếp quy hoạch lại hệ thống đào tạo trên địa bàn Thành phố một cách hợp lý, đảm bảo đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, đồng bộ, có chất lượng cao.

- Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

- Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường đại học hiện có. Nâng cấp, thành lập mới một số cơ sở đào tạo khác, phù hợp quy hoạch chung.

d)  Khoa học - công nghệ:

Đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề. Hình thành trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học; tổ chức lại các trung tâm sự nghiệp.

đ) Y tế và chăm sóc sức khỏe:

Xây dựng bệnh viện đa khoa cấp Vùng quy mô 700 giường; xây dựng trung tâm y tế dự phòng đủ năng lực để giám sát, phân tích và thông báo dịch bệnh kịp thời trong cả Vùng; hỗ trợ kỹ thuật trong y tế dự phòng cho các tỉnh trong Vùng. Phát triển Trung tâm sức khỏe lao động và môi trường của Tỉnh; xây dựng trung tâm kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS. Xây dựng mới, nâng cấp và sắp xếp lại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa. Nghiên cứu thành lập trường Cao đẳng kỹ thuật y - dược. Xây dựng cơ sở vật chất của Trung tâm y tế Thành phố; củng cố y tế xã, phường, phấn đấu các trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia.

 e) Văn hóa - thông tin:

Coi trọng việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Gắn việc tôn tạo, nâng cấp các khu di tích lịch sử, văn hóa và tổ chức lễ hội phát triển du lịch. Tập trung xây dựng một số công trình văn hóa có quy mô lớn, có khả năng phục vụ cho cả Vùng như: Khu di tích lịch sử thời Trần, Bảo tàng tổng hợp; các khu vui chơi giải trí, trung tâm điện ảnh sinh viên. Xây dựng trung tâm phát thanh và truyền hình cấp Vùng tại thành phố Nam Định.

g)  Thể dục - thể thao:

Xây dựng thành phố Nam Định trở thành Trung tâm huấn luyện, đào tạo vận động viên tài năng trẻ và tổ chức thi đấu của Vùng. Có đầy đủ điều kiện tổ chức các cuộc thi đấu thể dục, thể thao trong nước và quốc tế, các đại hội thể dục - thể thao, các hoạt động văn hóa quần chúng. Kết hợp giữa phát triển thể dục - thể thao quần chúng với phong trào thể thao thành tích cao. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho ngành thể dục - thể thao như: Khu liên hợp thể thao tài năng trẻ, Trung tâm huấn luyện quốc gia, Khu liên hợp thể thao quy mô vùng, Trung tâm y tế thể dục - thể thao.

h) Nông nghiệp – ngư  nghiệp:

Phát triển nông nghiệp theo hướng đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ sinh học; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao.. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; kết hợp với công nghiệp chế biến vừa và nhỏ. Mở rộng các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản ở các hồ, ao. Phát triển mô hình lúa - cá ở vùng trũng. Ưu tiên đầu tư sản xuất giống thủy sản nước ngọt; xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, cơ sở chế biến, dịch vụ, thương mại thủy sản. Kết hợp phát triển nông nghiệp - ngư nghiệp với du lịch sinh thái, gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái.

5. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng:

a) Mạng lưới giao thông:

Phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết được các phương thức vận tải, đảm bảo giao thông thông suốt, nhanh chóng an toàn và thuận lợi trên phạm vi Thành phố, toàn Tỉnh và khu vực Nam đồng bằng sông Hồng bao gồm các mạng lưới đường bộ, đường sắt, đường thủy.

b) Bưu chính - viễn thông:

Phát triển mạng lưới bưu chính - viễn thông theo hướng hiện đại và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ bưu chính - viễn thông. Nâng số máy điện thoại bình quân lên 25 máy/100 dân vào năm 2010 và lên 35 máy/100 dân vào năm 2020. Xây mới các bưu cục và điểm cung cấp dịch vụ bưu chính - viễn thông cho các phường mới thành lập, các khu công nghiệp tập trung và các khu dân cư lớn.

c) Cấp điện:

Tiếp tục tiến hành cải tạo lưới điện 6 KV và 35 KV thành lưới điện 22 KV; ngầm hóa lưới điện hạ thế khu vực trung tâm Thành phố khi có điều kiện; cải tạo các trạm biến áp hiện có thành trạm 22/04 KV...

d) Cấp nước:

Nâng công suất Nhà máy nước Nam Định lên 75.000 m3/ngày đêm; trong giai đoạn tiếp theo xây thêm một số nhà máy nước mới với công suất 35.000 m3/ngày đêm để đến năm 2010 có trên 80% và đến năm 2020 có trên 90% dân số được dùng nước máy; cải tạo và lắp đặt mới hệ thống đường ống dẫn nước thô, đường ống truyền dẫn và phân phối nước sạch.

đ)  Thoát nước và vệ sinh môi trường:

- Hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước Thành phố; xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải.

- Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống công viên, cây xanh.

- Xây dựng mới lò hỏa táng tại nghĩa trang Cánh Phượng; quy hoạch xây dựng mới các nghĩa trang nhân dân.

- Xây dựng thành phố Nam Định theo hướng xanh, sạch, đẹp; bảo vệ cảnh quan kết hợp hài hoà giữa truyền thống, hiện đại.

e) Thủy lợi:

Củng cố đê, kè, cống; cứng hóa mặt đê Nam Phong; tiếp tục kiên cố hóa kênh mương; xây dựng các trạm bơm phục vụ tưới tiêu.

6. Định hướng tổ chức không gian Thành phố:

a) Phân khu chức năng:

Dự kiến đến năm 2020, Thành phố được chia thành 4 khu chức năng, bao gồm:

- Khu vực trung tâm (là khu các phố cũ): là nơi đặt trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa của Tỉnh và Thành phố.

- Khu phát triển mở rộng về phía Bắc: xây dựng một số công trình có quy mô, tính chất Vùng như: công viên văn hóa - du lịch Tức Mạc, làng cổ Tức Mạc, Khu di tích đền Trần, Chùa Tháp, Khu liên hợp thể dục - thể thao, khu các trường đại học - trung học chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học, các bệnh viện...

- Khu phát triển mở rộng về phía Tây và Tây Nam: bố trí các khu công nghiệp tập trung, kho bãi, là đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt.

- Khu phát triển mở rộng về phía Nam sông Đào: cải tạo, xây dựng các khu dân cư, làng xóm cũ thành một quần thể làng sinh thái. Trồng hoa, cây cảnh với xây dựng mô hình làng sinh thái. Vùng đất phía Tây gần sông Đào dự phòng để phát triển công nghiệp.

b) Định hướng phát triển không gian theo các giai đoạn:

- Giai đoạn I: tập trung phát triển 7 khu đô thị mới đã được phê duyệt và chỉnh trang, cải tạo các khu đô thị cũ.

-  Giai đoạn II: phát triển đô thị về phía Nam sông Đào.

- Giai đoạn III: tiếp tục mở rộng phát triển đô thị về phía Nam sông Đào và phía Tây – Tây Nam Thành phố.

c) Định hướng phát triển kiến trúc:

- Xây dựng thành phố Nam Định mang đậm bản sắc Vùng Nam đồng bằng sông Hồng: gìn giữ các phố cũ, các khu đô thị mới xây dựng theo kiểu đô thị vườn. Xây dựng các cửa ô vào Thành phố.

- Xây dựng Thành phố với đặc điểm kiến trúc thể hiện nền văn minh lúa nước, kết hợp các công trình tiêu biểu (điểm nhấn) như Trung tâm thương mại, Bảo tàng tổng hợp...

7. Bước đi và các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư:

a) Bước đi trong quy hoạch phát triển Thành phố:

- Giai đoạn I (1 - 2 năm) - Giai đoạn chuẩn bị: tiến hành lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết các khu chức năng. Thực hiện công tác tổ chức bộ máy quản lý của Thành phố. Xây dựng các chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư. Phối hợp với các Bộ, ngành đưa các công trình có quy mô Vùng vào quy hoạch, kế hoạch đầu tư của các ngành.

- Giai đoạn II (3 - 5 năm) - Tạo các tiền đề cơ bản: xây dựng cơ sở vật chất, các công trình có quy mô Vùng, mạng lưới kết cấu hạ tầng. Thu hút mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Giai đoạn III (8 - 10 năm) - Giai đoạn phát triển: hoàn thiện các công trình có quy mô Vùng; phát huy hiệu quả các công trình trên địa bàn Thành phố.

b) Các chương trình ưu tiên nghiên cứu đầu tư:

- Phát triển kết cấu hạ tầng.

- Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

- Phát triển dịch vụ.

- Phát triển nguồn nhân lực và các lĩnh vực văn hóa - xã hội.

- Phát triển nông nghiệp - ngư nghiệp.

c) Các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư:

(Chi tiết xem Phụ lục kèm theo).

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Các giải pháp huy động vốn đầu tư:

- Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, ODA) chủ yếu tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội.

- Để tăng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cần tăng tỷ lệ tích lũy từ nội bộ nền kinh tế của Thành phố, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và có các biện pháp khuyến khích tiết kiệm để đầu tư phát triển. Trung ương và Tỉnh hỗ trợ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng lớn có quy mô, tính chất Vùng.

- Huy động nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp và của nhân dân: Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng; có các biện pháp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích các doanh nghiệp và nhân dân đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố. Tiếp tục thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất để thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, các khu đô thị mới, các khu công nghiệp...

- Huy động vốn tín dụng, liên doanh, liên kết và các nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư.

2. Về cơ chế, chính sách:

Tập trung xây dựng và thực hiện một số cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực: công tác kế hoạch hóa; quản lý đầu tư, xây dựng; quản lý ngân sách, quản lý hành chính, quản lý và sử dụng đất, quản lý thị trường.

3. Chính sách phát triển nguồn nhân lực:

Tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa để nâng cao sức khỏe và trình độ dân trí, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Sắp xếp lại và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước. Liên kết, phối hợp với các cơ sở đào tạo, cơ sở khoa học - công nghệ... ở Trung ương và các địa phương khác để nâng cao trình độ của cán bộ Thành phố. Có chính sách đãi ngộ để thu hút lực lượng cán bộ khoa học cho các ngành của Thành phố. Tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp, mở rộng đào tạo nghề.

4. Tổ chức bộ máy quản lý:

Nghiên cứu phương án tổ chức bộ máy quản lý phù hợp với chức năng trung tâm Vùng; kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước của Thành phố.

5. Tăng cường công tác quản lý đô thị :

- Tăng cường công tác quy hoạch và quản lý đô thị theo quy hoạch.

Tiến hành thiết kế đô thị và quản lý kiến trúc các đường phố chính của Thành phố để tạo ra phong cách và bộ mặt kiến trúc riêng của thành phố Nam Định - Trung tâm Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

- Có cơ chế, chính sách để giải quyết các vấn đề xã hội khi mở rộng đô thị; chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm, tái định cư…

- Tiếp tục phân cấp cho Thành phố trong vấn đề quản lý, phát triển đô thị, nhất là trong xây dựng và quản lý mạng lưới kết cấu hạ tầng đô thị.

Điều 2. Đề án được phê duyệt được xem như một tài liệu "khung" với những mục tiêu, những định hướng và phương hướng phát triển lớn, các cơ chế, chính sách và các giải pháp tổ chức thực hiện; làm cơ sở cho việc lập Đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới Thành phố, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch ngành khác, kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm và đề xuất các chương trình phát triển cũng như các dự án đầu tư cụ thể trên địa bàn Thành phố theo tinh thần phát triển thành phố Nam Định trở thành Trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của Vùng Nam đồng bằng sông Hồng.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập và trình duyệt theo quy định:

- Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định phù hợp với mục tiêu phát triển thành phố Nam Định.

- Lập đề án điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định phù hợp với từng giai đoạn phát triển, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định.

- Lập quy hoạch xây dựng chi tiết và các quy hoạch ngành quan trọng khác trên địa bàn thành phố Nam Định.

- Nghiên cứu ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khuyến khích, thu hút đầu tư... để đảm bảo việc thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển thành phố Nam Định nêu trong Đề án.

Điều 4. Giao các Bộ, ngành liên quan phối hợp và hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định và thành phố Nam Định trong việc nghiên cứu lập, điều chỉnh, bổ sung các đề án, quy hoạch, kế hoạch và các cơ chế, chính sách nói trên; đẩy nhanh việc đầu tư, thực hiện các công trình, dự án có quy mô, tính chất vùng đã được quyết định đầu tư trên địa bàn Thành phố. Nghiên cứu, xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan dự kiến sẽ được đầu tư trên địa bàn thành phố Nam Định.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch ñy ban nhân dân tỉnh Nam Định chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.