• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 10/12/2007
BỘ TƯ PHÁP
Số: 08/2001/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 18 tháng 12 năm 2001

THÔNG TƯ

Về việc hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ

thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp

_________________

 

Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ "quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; cụ thể hoá tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động";
Thực hiện Thông tư số 25/2001/TT-BTC ngày 16 tháng 4 năm 2001 của Bộ Tài chính "hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc";
Bộ Tư pháp hướng dẫn về mức tiền thưởng, nguồn kinh phí khen thưởng và sử dụng nguồn kinh phí thi đua khen thưởng; lập dự toán, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp hàng năm như sau:

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1 - Thông tư này hướng dẫn các khoản chi cho công tác thi đua khen thưởng và mức tiền thưởng đối với cá nhân và tập thể được khen thưởng thành tích trong một năm, khen thưởng đột xuất hoặc được khen thưởng thành tích trong cả quá trình nhiều năm liên tục.

2 - Các tập thể trong ngành Tư pháp bao gồm: các đơn vị cơ sở và các tập thể nhỏ trong đơn vị cơ sở được quy định tại điểm 2, mục A, phần I Thông tư số 06/2001/TT-BTP ngày 08 tháng 11 năm 2001 của Bộ Tư pháp "Hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong ngành Tư pháp".

3 - Nguồn kinh phí thi đua khen thưởng hàng năm của toàn ngành được trích từ ngân sách của Bộ Tư pháp được Chính phủ giao. Mức trích tối đa bằng 15% tổng quỹ tiền lương toàn ngành (Mục 100) và được Bộ Tư pháp phân bổ cụ thể cho các đơn vị cơ sở trong ngành.

4 - Mức tiền thưởng được sử dụng theo nguyên tắc: Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nào ra quyết định khen thưởng thì chịu trách nhiệm chi theo mức tiền thưởng từ nguồn kinh phí thi đua khen thưởng do cấp mình quản lý được quy định trong Thông tư này.

5 - Các đơn vị dự toán có trách nhiệm lập dự toán, cấp phát và thanh quyết toán kinh phí thi đua khen thưởng hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

II - MỨC TIỀN THƯỞNG

Trong một đợt xét thi đua khen thưởng, nếu cá nhân, tập thể được khen thưởng nhiều hình thức khác nhau, thì chỉ được nhận một khoản tiền thưởng của hình thức khen thưởng cao nhất.

1 - Mức tiền thưởng đối với cá nhân:

1.1 - Lao động giỏi: 100.000đ

1.2 - Chiến sỹ thi đua cơ sở: 200.000đ

1.3 - Chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp: 400.000đ

1.4 - Chiến sỹ thi đua toàn quốc: 600.000đ

1.5 - Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Giám đốc Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp, Cục trưởng Cục Trợ giúp Pháp lý, Cục trưởng Cục đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Tổng Biên tập Báo Pháp luật, Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (gọi tắt là Thủ trưởng các đơn vị cơ sở): 100.000đ

1.6 - Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 200.000đ

1.7 - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 400.000đ

1.8 - Huân chương Lao động hạng Ba: 800.000đ

1.9 - Huân chương Lao động hạng Nhì: 1.600.000đ

1.10 - Huân chương Lao động hạng Nhất: 2.000.000đ

1.11 - Huân chương Độc lập hạng Ba: 2.600.000đ

1.12 - Huân chương Độc lập hạng Nhì: 2.800.000đ

1.13 - Huân chương Độc lập hạng Nhất: 3.000.000đ

1.14 - Anh hùng Lao động: 3.000.000đ

1.15 - Huân chương Hồ Chí Minh: 6.000.000đ

1.16 - Huân chương Sao vàng: 9.000.000đ

2 - Mức tiền thưởng đối với tập thể:

2.1 - Tập thể lao động giỏi: 200.000đ

2.2 - Tập thể lao động xuất sắc: 600.000đ

2.3 - Tập thể được Giấy khen của Thủ trưởng các đơn vị cơ sở: 200.000đ

2.4 - Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp: 400.000đ

2.5 - Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ: 800.000đ

2.6 - Cờ thi đua của ngành Tư pháp: 3.000.000đ

2.7 - Cờ thi đua của Chính phủ: 6.000.000đ

2.8 - Huân chương Lao động hạng Ba: 1.600.000đ

2.9 - Huân chương Lao động hạng Nhì: 3.200.000đ

2.10 - Huân chương Lao động hạng Nhất: 4.000.000đ

2.11 - Huân chương Độc lập hạng Ba: 5.200.000đ

2.12 - Huân chương Độc lập hạng Nhì: 5.600.000đ

2.13 - Huân chương Độc lập hạng Nhất: 6.000.000đ

2.14 - Tập thể được công nhận Anh hùng Lao động: 6.000.000đ

2.15 - Huân chương Hồ Chí Minh: 12.000.000đ

2.16 - Huân chương Sao vàng: 18.000.000đ

III- NGUỒN KINH PHÍ THI ĐUA KHEN THƯỞNG VÀ SỬ DỤNG NGUỒN KINH PHÍ THI ĐUA KHEN THƯỞNG

1 - Nguồn kinh phí và phân bổ kinh phí thi đua khen thưởng

Hàng năm, trong phạm vi ngân sách của Bộ Tư pháp được Chính phủ giao, Bộ Tư pháp trích 15% tổng quỹ tiền lương toàn ngành (Mục 100) theo biên chế được duyệt cả năm để làm nguồn kinh phí thi đua khen thưởng của ngành Tư pháp.

Số kinh phí này được phân bổ như sau:

1.1 - Bộ Tư pháp trực tiếp quản lý 5% tổng quỹ tiền lương toàn ngành (Mục 100) để thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực Tư pháp và các khoản chi để tổ chức phong trào thi đua trong ngành.

1.2 - Các đơn vị cơ sở: Toà án nhân dân cấp tỉnh, cơ quan Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu khoa học Pháp lý, Cục Trợ giúp Pháp lý, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đào tạo các chức danh Tư pháp trong phạm vi ngân sách Bộ giao, được dự toán tối đa bằng 10% quỹ tiền lương của đơn vị (Mục 100) để thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc và các khoản chi để tổ chức phong trào thi đua theo thẩm quyền quản lý của đơn vị.

1.3 - Các Sở Tư pháp được Bộ Tư pháp cấp kinh phí thi đua khen thưởng bằng 3% quỹ tiền lương (Mục 100) của Phòng Thi hành án, Đội Thi hành án và các Toà án nhân dân cấp huyện thuộc Sở Tư pháp quản lý để thưởng cho các cá nhân, tập thể của Phòng Thi hành án, Đội Thi hành án, Toà án nhân dân cấp huyện, Hội thẩm nhân dân Toà án cấp huyện có thành tích xuất sắc và các khoản chi để tổ chức phong trào thi đua theo thẩm quyền quản lý của Sở Tư pháp.

1.4 - Phòng Thi hành án, Toà án nhân dân cấp huyện trong phạm vi ngân sách Bộ giao, được dự toán tối đa bằng 7% quỹ tiền lương (Mục 100) của đơn vị để chi cho công tác thi đua khen thưởng thuộc quyền quản lý của đơn vị.

1.5 - Các tập thể nhỏ thuộc cơ quan Bộ Tư pháp được sử dụng một phần kinh phí quy định tại điểm 1.2 trên đây để tổ chức phong trào thi đua ở đơn vị.

Hội đồng thi đua cơ quan Bộ có trách nhiệm phân bổ dự toán chi cho việc tổ chức phong trào thi đua trình Bộ trưởng duyệt và thông báo công khai cho các tập thể nhỏ thuộc cơ quan Bộ Tư pháp.

2 - Sử dụng kinh phí thi đua khen thưởng

2.1 - Kinh phí thi đua khen thưởng do Bộ Tư pháp quản lý được dùng để chi cho các nội dung dưới đây:

2.1.1 - Tiền thưởng theo quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong ngành Tư pháp do Bộ Tư pháp trình.

2.1.2 - Tiền thưởng theo quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

2.1.3 - Tiền in Bằng khen, Giấy chứng nhận danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thêu Cờ thi đua của ngành Tư pháp, làm huy hiệu chiến sỹ thi đua ngành Tư pháp.

2.1.4 - Tiền viết Bằng khen, Giấy chứng nhận danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

2.1.5 - Tiền chi tổ chức hội nghị khu vực thi đua, hội nghị sơ kết và tổng kết phong trào thi đua toàn ngành.

2.1.6 - Các khoản chi khác phục vụ công tác thi đua khen thưởng của toàn ngành.

2.2 - Kinh phí thi đua khen thưởng do các đơn vị cơ sở quản lý được dùng để chi cho các nội dung dưới đây:

2.2.1 - Tiền thưởng theo quyết định khen thưởng của Thủ trưởng đơn vị cơ sở cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua của đơn vị, bao gồm cả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở đơn vị cơ sở.

2.2.2 - Tiền in và viết Giấy khen, Giấy chứng nhận danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng đơn vị, tiền mua khung Giấy khen và khung Bằng khen.

2.2.3 - Tiền chi tổ chức hội nghị sơ kết, hội nghị tổng kết phong trào thi đua tại đơn vị cơ sở, bao gồm cả hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở đơn vị cơ sở.

2.2.4 - Các khoản chi khác phục vụ công tác thi đua khen thưởng của đơn vị cơ sở.

2.3 - Kinh phí thi đua khen thưởng do Phòng Thi hành án, Toà án nhân dân cấp huyện quản lý (quy định tại điểm 1.4, mục 1, phần III của Thông tư này) được dùng để chi cho các nội dung dưới đây:

2. 3.1 - Tiền chi tổ chức hội nghị sơ kết, hội nghị tổng kết phong trào thi đua tại đơn vị; khoản chi này được dự toán ở Mục 112 - Hội nghị.

2.3.2 - Tiền công tác phí cho các đại biểu của Phòng Thi hành án, Đội Thi hành án, Toà án nhân dân cấp huyện đi dự hội nghị sơ kết, hội nghị tổng kết phong trào thi đua do Sở Tư pháp tổ chức; khoản chi này được dự toán ở Mục 113 - Công tác phí.

IV - LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ THI ĐUA KHEN THƯỞNG

1 - Lập dự toán năm

1.1 - Căn cứ vào kinh phí thi đua khen thưởng phân bổ cho các đơn vị được quy định tại mục 1, phần III của Thông tư này, khi thông báo dự toán chi ngân sách năm cho các đơn vị dự toán, Bộ Tư pháp thông báo tổng số kinh phí thi đua khen thưởng phân bổ cho từng đơn vị (kể cả cho Sở Tư pháp).

1.2 - Căn cứ vào kinh phí thi đua khen thưởng được Bộ Tư pháp thông báo hàng năm, các đơn vị dự toán (kể cả Sở Tư pháp) lập dự toán năm chi về thi đua khen thưởng theo nội dung hướng dẫn tại mục 2, phần III của Thông tư này và được hạch toán vào 3 Mục dưới đây của Mục lục Ngân sách Nhà nước:

Mục 104 - Tiền thưởng

Mục 112 - Hội nghị

Mục 113 - Công tác phí

1.3 - Hàng năm, Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Tư pháp căn cứ vào quyết định khen thưởng, mức tiền thưởng được Bộ trưởng duyệt của năm trước, lập dự toán năm về tiền thưởng (quy định tại điểm 2.1, mục 2, Phần III của Thông tư này) do Bộ Tư pháp quản lý gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để tổng hợp vào ngân sách ngành Tư pháp theo Mục chi của Mục lục Ngân sách Nhà nước để có căn cứ cấp phát cho các đơn vị dự toán.

1.4 - Dự toán năm chi về thi đua khen thưởng của các đơn vị dự toán được gửi về Bộ Tư pháp (Vụ Kế hoạch - Tài chính), đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản hạn mức kinh phí để làm căn cứ cấp phát kinh phí hàng quý về thi đua khen thưởng.

2 - Lập dự toán quý và cấp phát kinh phí thi đua khen thưởng

2.1 - Các đơn vị dự toán lập dự toán chi từng quý về thi đua khen thưởng gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính trước ngày 10 tháng cuối của quý trước.

Căn cứ vào dự toán chi của các đơn vị dự toán, Vụ Kế hoạch - Tài chính cấp kinh phí tiền thưởng vào Mục 104, phần kinh phí phục vụ công tác thi đua khen thưởng được hạch toán vào Mục 112 và Mục 113 được cấp chung vào Mục 134 - Chi khác cho các đơn vị dự toán.

2.2 - Kinh phí thi đua khen thưởng cấp vào quý I hàng năm được sử dụng để chi thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích công tác xuất sắc được khen thưởng của năm trước.

2.3 - Kinh phí thi đua khen thưởng cấp cho Sở Tư pháp được hạch toán vào Mục 104 - Tiền thưởng và Mục 134 - Chi khác. Hàng quý, kinh phí này được cấp vào tài khoản hạn mức kinh phí của Phòng Thi hành án và thông báo cho Sở Tư pháp biết để có kế hoạch sử dụng.

2.4 - Cấp phát kinh phí thi đua khen thưởng do Bộ Tư pháp quản lý:

- Căn cứ vào Quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Vụ Kế hoạch - Tài chính cấp tiền thưởng cho các đơn vị dự toán có tập thể và cá nhân được khen thưởng.

- Những đơn vị được Bộ Tư pháp uỷ quyền tổ chức hội nghị khu vực thi đua phải lập dự toán chi hội nghị theo quy định tại Thông tư số 03/1998/TT-BTP ngày 11/1/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ chi tiêu hội nghị trong ngành Tư pháp gửi về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để thẩm tra trước khi trình Bộ trưởng duyệt và cấp phát kinh phí.

Ngoài số tiền được cấp trực tiếp cho các đơn vị dự toán nói trên, số kinh phí thi đua khen thưởng còn lại được chi về thi đua khen thưởng theo dự toán chi hàng quý được Bộ trưởng duyệt.

2.5 - Bộ Tư pháp cấp: Bằng khen, Giấy chứng nhận danh hiệu thi đua thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Cờ thi đua ngành Tư pháp, Huy hiệu chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp cho các đơn vị cơ sở trong ngành.

2.6 - Trong quá trình thực hiện, nếu các đơn vị không sử dụng hết kinh phí thi đua khen thưởng được phân bổ, thì Thủ trưởng đơn vị được điều chỉnh sang các Mục chi khác của Mục lục Ngân sách Nhà nước để chi phục vụ công tác chung của đơn vị.

Đối với Sở Tư pháp, nếu không sử dụng hết kinh phí thi đua khen thưởng được Bộ cấp, thì Giám đốc Sở Tư pháp được điều chỉnh sang Mục 113 - Công tác phí và Mục 112 - Hội nghị, tập huấn nghiệp vụ cho các Toà án nhân dân cấp huyện và các Đội Thi hành án dân sự.

3 - Thanh quyết toán kinh phí thi đua khen thưởng

3.1 - Cùng với kinh phí quản lý hành chính, kinh phí thi đua khen thưởng được quyết toán hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính; các đơn vị dự toán phải phản ánh vào đúng Mục, tiểu mục chi của Mục lục Ngân sách Nhà nước hiện hành.

3.2 - Phòng Thi hành án cùng với Văn phòng Sở Tư pháp có trách nhiệm tập hợp đầy đủ các chứng từ chi về thi đua khen thưởng do Giám đốc Sở Tư pháp quyết định; lập quyết toán kinh phí thi đua khen thưởng do Sở Tư pháp quản lý. Phòng Thi hành án có nhiệm vụ tổng hợp quyết toán kinh phí thi đua khen thưởng Bộ đã cấp cho Sở Tư pháp vào quyết toán ngân sách hàng năm của Phòng Thi hành án.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2002 và thay thế Thông tư số 15/1999/TT-BTP ngày 29/10/1999 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng trong ngành Tư pháp, Thông tư số 104/2000/TT-BTP ngày 19/01/2000 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ sung Thông tư số 15/1999/TT-BTP.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính) để nghiên cứu, giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Uông Chu Lưu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.