• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/01/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 15/03/2013
BỘ TƯ PHÁP
Số: 07/2002/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 16 tháng 12 năm 2002

THÔNG TƯ

Về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002

của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình

 về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

___________________________

Căn cứ Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;

Sau khi trao đổi thống nhất ý kiến với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Uỷ ban Dân số, gia đình và trẻ em;

Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Phạm vi, đối tượng áp dụng

1.1- Theo quy định tại Điều 1 và Điều 79 của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định), việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con và việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài thường trú tại Việt Nam với nhau và giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên hoặc cả hai bên định cư ở nước ngoài phải tuân theo Nghị định và Thông tư này.

Nghị định và Thông tư này cũng được áp dụng đối với việc kết hôn giữa người nước ngoài với nhau mà một bên hoặc cả hai bên không thường trú tại Việt Nam, nếu họ có yêu cầu, và việc nuôi con nuôi giữa người nước ngoài với nhau mà bên được nhận làm con nuôi là trẻ em không quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

1.2- Theo quy định tại Điều 2, Điều 3 và Điều 4 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998, "Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài" là người có quốc tịch Việt Nam cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài, không kể người đó đã nhập quốc tịch nước ngoài hay chưa.

Công dân Việt Nam đang tạm trú có thời hạn ở nước ngoài (nhằm mục đích công tác, học tập, lao động...) hoặc đã hết thời hạn tạm trú ở nước ngoài mà không được nước ngoài cho phép cư trú thì không thuộc diện "định cư" ở nước ngoài (sau đây gọi là công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài). Việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài với nhau hoặc với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định và Thông tư này.

2. Hợp pháp hoá lãnh sự, miễn hợp pháp hoá lãnh sự, công chứng, miễn công chứng đối với giấy tờ của nước ngoài:

Theo quy định tại Điều 4, Điều 6 và Điều 67 của Nghị định, việc hợp pháp hoá lãnh sự, miễn hợp pháp hoá lãnh sự, công chứng, miễn công chứng đối với giấy tờ của nước ngoài để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài được thực hiện như sau:

2.1 Về nguyên tắc, giấy tờ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, công chứng, chứng thực ở nước ngoài để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, phải được hợp pháp hoá lãnh sự. Hợp pháp hoá lãnh sự là việc chứng thực chữ ký, con giấu trên các giấy tờ của nước ngoài để sử dụng tại Việt Nam. Việc chứng thực này do Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự hoặc cơ quan khác của Việt Nam được uỷ nhiệm thực hiện chức năng Lãnh sự ở nước ngoài tiến hành. Thủ tục hợp pháp hoá lãnh sự được thực hiện theo Thông tư số 01/1999/TT-BNG ngày 03 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định thể lệ hợp pháp hoá giấy tờ, tài liệu.

Việc miễn hợp pháp hoá lãnh sự chỉ được thực hiện đối với:

- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của các nước đã ký kết với Việt Nam điều ước quốc tế, trong đó có quy định về việc miễn hợp pháp hoá lãnh sự đối với giấy tờ, tài liệu của nhau (Danh mục các nước đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam được đính kèm Thông tư này và được Bộ Tư pháp cập nhật khi có sự thay đổi);

- Giấy tờ do cơ quan đại diện Ngoại giao, cơ quan Lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam cấp cho công dân nước đó để sử dụng tại Việt Nam, trên nguyên tắc có đi có lại (Danh mục các nước này được đính kèm Thông tư này và được Bộ Tư pháp cập nhật khi có sự thay đổi theo thông báo của Bộ Ngoại giao);

- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cămpuchia (sau đây gọi là các nước láng giềng) cấp cho công dân của họ thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi với công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với nước đó.

2.2- Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, trước khi nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, phải được dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của các nước láng giềng cấp cho công dân của họ thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi với công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với nước đó thì chỉ cần dịch ra tiếng Việt và có cam kết bằng văn bản của người dịch về việc dịch đúng nội dung của thứ tiếng đó, không cần công chứng bản dịch.

Riêng bản dịch ra tiếng Việt các giấy tờ trong hồ sơ xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi của người nước ngoài thường trú tại nước mà nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam phải được công chứng tại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước đó.

3- Thời hạn có giá trị của giấy tờ

Thời hạn có giá trị 6 tháng của giấy tờ quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 13 điểm d và c khoản 1 Điều 41 và điểm b khoản 1 Điều 69 của Nghị định được tính kể từ ngày cấp các giấy tờ đó đến ngày nộp hồ sơ tại Sở tư pháp (đối với việc kết hôn hoặc tại cơ quan con nuôi quốc tế của Việt Nam thuộc Bộ Tư pháp (sau đây gọi là cơ quan con nuôi quốc tế) (đối với việc xin nhận con nuôi).

4- Trách nhiệm của Sở tư pháp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 76 của Nghị định, Sở Tư pháp giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ (trừ hồ sơ xin nhận con nuôi do cơ quan con nuôi quốc tế tiếp nhận), thu lệ phí, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, đề xuất ý kiến trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể và các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể khác theo quy định của Nghị định.

Đối với các việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi ở khu vực biên giới, Sở tư pháp kiểm tra, xem xét và cho ý kiến về từng trường hợp cụ thể để Uỷ ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới quyết định.

5- Cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch.

Sau khi ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi mà đương sự yêu cầu cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn, Quyết định cho nhận cha, mẹ, con, Quyết định cho nhận con nuôi, Sở tư pháp căn cứ vào sổ gốc để cấp bản sao cho đương sự; bản sao do giám đốc Sở tư pháp hoặc người được Giám đốc uỷ quyền ký và đóng dấu của Sở tư pháp.

6- Trách nhiệm báo cáo, thống kê

Sở tư pháp có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh việc gửi báo cáo, số liệu thống kê định kỳ 6 tháng và hàng năm cho Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình giải quyết việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định).

Số liệu thống kê kèm theo báo cáo 6 tháng được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 30 tháng 6; số liệu thống kê kèm theo báo cáo hàng năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó. Báo cáo 6 tháng phải được gửi trước ngày 31 tháng 7 và báo cáo hàng năm phải được gửi trước ngày 31 tháng 1 của năm sau.

7- Thanh tra, kiểm tra

Bộ Tư pháp chủ động hoặc phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thi hành Nghị định theo chức năng chuyên ngành, nhằm kịp thời phát hiện, uốn nắn và xử lý theo thẩm quyền những vi phạm trong việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

II- HƯỚNG DẪN MỘT SỐ QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ KẾT HÔN, NHẬN CHA, MẸ, CON, NUÔI CON NUÔI CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

1- Đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

1.1- Về một số giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn.

1.1.1- Mỗi bên phải làm Tờ khai đăng ký kết hôn có dán ảnh (theo mẫu quy định) có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền sau đây về việc hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng:

- Đối với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước, thì do cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.

- Đối với công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó định cư hoặc do cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của Việt Nam tại nước đó xác nhận.

- Đối với người nước ngoài thường trú ở nước ngoài, thì do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người đó có quốc tịch và thường trú xác nhận. Nếu pháp luật nước ngoài không quy định việc xác nhận vào tờ khai dăng ký kết hôn hoặc không cấp giấy tờ xác nhận về tình trạng hôn nhân, thì thay thế bằng văn bản tuyên thệ của người đó về việc hiện tại không có vợ hoặc không có chồng; hình thức của việc tuyên thệ phải phù hợp với pháp luật của nước đó.

- Đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam, thì do Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú xác nhận.

1.1.2- Giấy tờ xác nhận hiện tại đương sự không mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh tâm thần nhưng chưa đến mức không có khả năng nhận thức được hành vi của mình do tổ chức y tế chuyên khoa về tâm thần của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên hoặc do tổ chức y tế chuyên khoa về tâm thần của nước ngoài, nơi người đó thường trú xác nhận.

1.1.3- Trong trường hợp công dân Việt Nam đã có bản án, quyết định ly hôn (với nhau hoặc với người nước ngoài) do Toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài xét xử, quyết định thì phải làm thủ tục ghi chú vào sổ tại Sở tư pháp và nộp giấy xác nhận của Sở tư pháp về việc đã ghi chú bản án, quyết định ly hôn đó (nếu ghi chú tại nơi khác); nếu ly hôn tại Toà án Việt Nam thì nộp bản sao bản án hoặc trích lục án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật. Người nước ngoài kết hôn và ly hôn với nhau ở nước ngoài thì không cần ghi chú việc ly hôn, chỉ cần nộp bản sao bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật; nếu kết hôn với nhau tại Việt Nam hoặc kết hôn với công dân Việt Nam tại Việt Nam và ly hôn ở nước ngoài, thì phải làm thủ tục ghi chú.

Thủ tục ghi chú bản án, quyết định ly hôn nói tại điểm này được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.

1.1.4- Trong trường hợp đương sự có vợ hoặc chồng đã chết, thì phải nộp bản sao giấy chứng tử.

1.2- Về thủ tục nộp hồ sơ kết hôn:

Theo quy định tại Điều 14 của Nghị định, về nguyên tắc, khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, cả hai bên nam nữ đều phải có mặt. Trong trường hợp một bên do ốm đau, bệnh tật, bận công tác hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể có mặt để trực tiếp nộp hồ sơ, thì phải có giấy uỷ quyền cho người kia nộp thay hồ sơ, trong đó nêu rõ lý do vắng mặt; giấy uỷ quyền phải được chứng thực hợp lệ.

1.3- Về trình tự giải quyết hồ sơ kết hôn:

Theo quy định tại Điều 16 của Nghị định, Sở tư pháp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ, đề xuất việc đăng ký hoặc từ chối đăng ký kết hôn và chịu trách nhiệm về hồ sơ kết hôn.

Về trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

1.3.1. Về thủ tục niêm yết việc kết hôn: Việc niêm yết kết hôn được tiến hành trong 07 ngày liên tục tại trụ sở của Sở tư pháp và Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú hoặc tạm trú của công dân Việt Nam hoặc nơi thường trú của người nước ngoài. Văn bản niêm yết việc kết hôn phải gồm các thông tin về hai bên nam nữ như họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi trường trú, tạm trú, tình trạng hôn nhân (không có vợ/ chồng, có vợ/chồng nhưng đã ly hôn hoặc người kia đã chết), dự kiến thời gian đăng ký kết hôn (nếu không có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn trái pháp luật).

Trong trường hợp có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay bằng văn bản cho Sở tư pháp. Nếu không có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn, Uỷ ban nhân dân cấp xã không phải báo cáo Sở tư pháp về kết quả niêm yết.

1.3.2- Trong quá trình thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn trái pháp luật, việc kết hôn là giả tạo (kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình, chỉ kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh ra nước ngoài), Sở tư pháp tiến hành xác minh hoặc yêu cầu đương sự đến trụ sở của Sở để phỏng vấn, làm rõ.

Trong trường hợp nghi ngờ hồ sơ kết hôn có giấy tờ giả mạo hoặc có vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan Công an, Sở tư pháp có công văn gửi cơ quan Công an cùng cấp yêu cầu xác minh, kèm theo 01 bộ hồ sơ kết hôn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định, Cơ quan Công an tiến hành xác minh và trả lời cho Sở tư pháp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Sở tư pháp. Nếu hết thời hạn này mà cơ quan Công an chưa có công văn trả lời, Sở tư pháp vẫn đề xuất ý kiến trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định, trong đó nêu rõ vấn đề đã yêu cầu Cơ quan Công an xác minh.

1.3.3- Trong trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh từ chối đăng ký kết hôn thì Uỷ ban có văn bản thông báo cho đương sự, trong đó nêu rõ lý do từ chối. Đương sự không được hoàn trả lệ phí đăng ký kết hôn.

1.4- Về tổ chức lễ đăng ký kết hôn.

Lễ đăng ký kết hôn được tiến hành theo quy định tại Điều 17 của Nghị định. Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam nữ đều phải có mặt, xuất trình chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế (như giấy thông hành hoặc giấy tờ tuỳ thân có dán ảnh) và tự thể hiện ý chí tự nguyện kết hôn, ký tên vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn.

Trong trường hợp vì ốm đau, bệnh tật, bận công tác hoặc có lý do chính đáng khác mà không thể có mặt vào thời điểm đã định, đương sự phải có đơn đề nghị Sở tư pháp cho hoãn việc đăng ký kết hôn; đơn không cần chứng thực. Thời hạn tạm hoãn việc kết hôn không được quá 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn. Nếu quá thời hạn này mà vẫn không tổ chức đăng ký kết hôn được do vắng mặt đương sự, Sở tư pháp báo cáo bằng văn bản cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về việc này. Nếu sau đó đương sự mới yêu cầu tổ chức đăng ký kết hôn, thì phải làm lại các giấy tờ theo thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.

2- Nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài

2.1- Về điều kiện xin nhận cha, mẹ, con:

Theo quy định tại Điều 28 của Nghị định, Sở Tư pháp chỉ tiếp nhận đơn xin nhận cha, mẹ, con, nếu bên nhận và bên được nhận đều còn sống vào thời điểm nộp đơn yêu cầu, tự nguyện đồng ý và không có tranh chấp; nếu trong quá trình giải quyết hồ sơ mà một trong hai bên chết, không có tranh chấp, thì việc nhận cha, mẹ, con vẫn tiếp tục được giải quyết; nếu cả hai bên chết thì Sở tư pháp đình chỉ việc giải quyết nhận cha, mẹ, con.

Trong quá trình giải quyết hồ sơ mà phát sinh tranh chấp giữa bên nhận và bên được nhận là cha, mẹ, con hoặc với người thứ ba, thì Sở tư pháp đình chỉ và hướng dẫn đương sự nộp đơn yêu cầu Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục tố tụng.

2.2- Về trình tự, thủ tục giải quyết việc xin nhận cha, mẹ, con:

Theo quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Nghị định, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

2.2.1- Trong trường hợp người xin nhận cha, mẹ, con có các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ để chứng minh về quan hệ cha, mẹ, con (như thư từ, phim, ảnh, băng, đĩa hình, kết quả giám định về mặt y học...) thì nộp cùng đơn xin nhận cha, mẹ, con; nếu không có các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ đó, thì Sở tư pháp vẫn xem xét giải quyết (nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ).

Trong trường hợp người con chưa đăng ký khai sinh, thì có thể cho phép kết hợp giải quyết việc xin nhận cha, mẹ, con trước và đăng ký khai sinh sau.

2.2.2- Về thủ tục niêm yết việc nhận cha, mẹ, con: Việc niêm yết được tiến hành trong thời hạn 15 ngày liên tục tại trụ sở của Sở tư pháp và trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của người được nhận là cha, mẹ, con.

Văn bản niêm yết phải gồm các thông tin về người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con như họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, dự kiến thời gian đăng ký việc nhận cha, mẹ, con (nếu không có khiếu nại, tố cáo việc nhận cha, mẹ, con).

Trong thời hạn niêm yết, nếu có khiếu nại, tố cáo việc nhận cha, mẹ, con, thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay bằng văn bản cho Sở tư pháp; nếu không có khiếu nại, tố cáo việc nhận cha, mẹ, con, Uỷ ban nhân dân cấp xã không phải báo cáo Sở tư pháp về kết quả niêm yết.

2.2.3- Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con có giá trị kể từ ngày trao cho các bên đương sự và ghi vào sổ đăng ký.

2.2.4- Trong trường hợp từ chối hoặc đình chỉ việc giải quyết nhận cha, mẹ, con, đương sự không được hoàn trả lệ phí.

3- Đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài

3.1- Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của Nghị định, thì về nguyên tắc, chỉ giải quyết cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi (sau đây gọi là người xin nhận con nuôi), nếu người đó thường trú tại nước mà nước đó đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam (Danh mục các nước được đính kèm Thông tư này và được Bộ Tư pháp cập nhật khi có sự thay đổi). Đối với trường hợp ngoại lệ chỉ xem xét giải quyết cho người nước ngoài thường trú tại nước mà nước đó chưa ký kết hoặc chưa cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, nếu xin đích danh trẻ em sau đây đang sống tại gia đình:

- Bị mồ côi cả cha và mẹ hoặc mồ côi mẹ (hoặc cha) còn người kia không rõ là ai;

- Bị tàn tật;

- Có quan hệ họ hàng, thân thích với người xin nhận con nuôi.

Quan hệ họ hàng là quan hệ giữa cô, cậu, dì, chú, bác với nhau (theo bên nội hoặc bên ngoại); quan hệ thân thích là quan hệ giữa bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Người xin nhận trẻ em mồ côi, tàn tật làm con nuôi nói tại điểm này mà không có quan hệ họ hàng, thân thích, thì phải có thời gian sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam ít nhất từ 6 tháng trở lên.

3.2- Về thủ tục nộp hồ sơ xin nhận con nuôi:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Nghị định, hồ sơ xin nhận con nuôi phải được nộp tại cơ quan con nuôi quốc tế thông qua đường ngoại giao hoặc thông qua tổ chức con nuôi của nước ngoài hữu quan được phép hoạt động tại Việt Nam (sau đây gọi là Văn phòng con nuôi nước ngoài).

Đối với hồ sơ xin nhận con nuôi của người thường trú tại nước mà nước đó chưa ký két hoặc gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam thì phải do người xin nhận con nuôi trực tiếp nộp tại cơ quan con nuôi quốc tế.

3.3- Về trình tự giới thiệu trẻ em làm con nuôi:

3.3.1- Việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi theo quy định tại Điều 51 của Nghị định chỉ được thực hiện đối với trường hợp người xin nhận con nuôi thường trú tại nước mà nước đó đã ký kết hoặc cùng gia nhập điều ước quốc tế về hợp tác nuôi con nuôi với Việt Nam. Đối với các trường hợp này cũng chỉ được giới thiệu trẻ em đang sống tại các cơ sở nuôi dướng làm con nuôi; không giới thiệu trẻ em đang sống tại gia đình.

3.3.2- Sau khi nhận được hồ sơ, căn cứ vào nguyện vọng của người xin nhận con nuôi (muốn nhận trẻ em tại tỉnh, thành phố nào), Cơ quan con nuôi quốc tế gửi công văn kèm theo bản chụp đơn và nội dung hồ sơ trích ngang của người xin nhận con nuôi cho Sở tư pháp để Sở tư pháp hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng giới thiệu trẻ em có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phù hợp với nguyện vọng của người xin nhận con nuôi, để cho làm con nuôi.

Trong trường hợp người xin nhận con nuôi không thể hiện rõ ý muốn xin nhận trẻ em tại tỉnh, thành phố nào, thì Cơ quan con nuôi quốc tế có công văn gửi cho Sở tư pháp, nơi có cơ sở nuôi dưỡng có khả năng giới thiệu trẻ em, thực hiện việc giới thiệu đó.

3.3.3- Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Nghị định, cơ sở nuôi dưỡng chỉ được giới thiệu trẻ em đang sống tại cơ sở nuôi dưỡng của mình làm con nuôi.

Trong trường hợp không có trẻ em có đủ điều kiện và phù hợp với nguyện vọng của người xin nhận con nuôi, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở tư pháp, người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng phải trả lời bằng văn bản cho Sở tư pháp, để Sở tư pháp báo cáo cho cơ quan con nuôi quốc tế.

Trong trường hợp xác định được trẻ em có đủ điều kiện và phù hợp với nguyện vọng của người xin nhận con nuôi, người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Sở tư pháp để Sở tư pháp báo cáo cho Cơ quan con nuôi quốc tế. Văn bản trả lời của cơ sở nuôi dưỡng bao gồm các thông tin về trẻ em được giới thiệu làm con nuôi như họ và tên; giới tính; ngày tháng năm sinh; dân tộc, quốc tịch; nơi cư trú; nơi sinh (nếu là trẻ sơ sinh); quê quán (nếu biết rõ); họ và tên cha, mẹ (nếu biết rõ); tình trạng sức khoẻ (chiều cao, cân nặng...); khả năng được cho làm con nuôi; các nhu cầu, sở thích đặc biệt của trẻ em (nếu có); các thông tin khác về trẻ em (như mồ côi, bị bỏ rơi, tàn tật...). Kèm theo văn bản 02 tấm ảnh (9x12 hoặc 10 x 15) của trẻ em.

3.3.4- Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 của Nghị định, trong trường hợp xác định được trẻ em có đủ điều kiện và phù hợp với nguyện vọng của người xin nhận con nuôi, Cơ quan con nuôi quốc tế thông báo bằng văn bản cho người xin nhận con nuôi (thông qua Cơ quan con nuôi quốc tế của nước đó hoặc Văn phòng con nuôi nước ngoài). Trong văn bản ấn định rõ thời gian mà người xin nhận con nuôi phải trả lời về việc đồng ý hay không đồng ý về trẻ em được giới thiệu làm con nuôi.

3.3.5- Theo quy định tại khoản 4 Điều 51 của Nghị định, trong trường hợp người xin nhận con nuôi đồng ý nhận trẻ em được giới thiệu làm con nuôi, Cơ quan con nuôi quốc tế có công văn gửi Sở tư pháp để Sở tư pháp hướng dẫn cơ sở nuôi dưỡng làm hồ sơ của trẻ em. Người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm làm hồ sơ của trẻ em gồm các giấy tờ theo quy định tại Điều 44 của Nghị định.

Trong trường hợp Người xin nhận con nuôi từ chối nhận trẻ em đã được giới thiệu, Cơ quan con nuôi quốc tế có công văn gửi Sở tư pháp để Sở tư pháp thông báo lại cho cơ sở nuôi dướng biết để giới thiệu cho người khác. Nếu người xin nhận con nuôi muốn xin trẻ em khác làm con nuôi, thì hồ sơ của người này chỉ được xem xết giải quyết sau 12 tháng, kể từ ngày người đó từ chối nhận trẻ em đã được giới thiệu.

3.4- Về trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhận con nuôi:

3.4.1- Theo quy định tại các điều từ Điều 45 đến Điều 49 của Nghị định, Sở tư pháp có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc thẩm tra và chịu trách nhiệm về toàn bộ hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi, bảo đảm đúng tiến độ, giải quyết hồ sơ theo quy định.

Nếu xét thấy hồ sơ của trẻ em có đủ các giấy tờ cần thiết theo quy định tại Điều 44 của Nghị định, mọi giấy tờ đều hợp lệ, nguồn gốc của trẻ em rõ ràng, trẻ em có đủ điều kiện để cho làm con nuôi, thì Sở tư pháp gửi công văn báo cáo Cơ quan con nuôi quốc tế, kèm theo 01 bộ hồ sơ của trẻ em.

Trong trường hợp xét thấy trẻ em có nguồn gốc không rõ ràng hoặc có nghi ngờ trong hồ sơ có giấy tờ giả mạo hoặc nghi ngờ có dấu hiệu mua bán, đánh tráo, bắt cóc trẻ em làm con nuôi, Sở tư pháp có công văn gửi cơ quan Công an cùng cấp yêu cầu xác minh, kèm 01 bộ hồ sơ của trẻ em. Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Nghị định, cơ quan Công an có trách nhiệm xác minh và trả lời cho Sở tư pháp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Sở tư pháp. Nếu hết thời hạn này mà cơ quan Công an chưa có công văn trả lời, Sở tư pháp vẫn gửi văn bản báo cáo, kèm theo 01 bộ hồ sơ, cho Cơ quan con nuôi quốc tế xem xét. Trong báo cáo cần nêu rõ vấn đề đã yêu cầu cơ quan công an xác minh.

3.4.2- Theo quy định tại Điều 46 của Nghị định, Cơ quan con nuôi quốc tế có trách nhiệm kiểm tra toàn bộ các giấy tờ trong hồ sơ của trẻ em. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, thì Cơ quan con nuôi quốc tế gửi công văn cho Sở tư pháp để thông báo cho người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng hoặc cha mẹ đẻ hay người giám hộ của trẻ em bổ sung, hoàn thiện; trong công văn cần ấn định rõ thời hạn phải bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

Trong trường hợp hồ sơ của trẻ em đã hợp lệ và đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại Điều 44 của Nghị định, cơ quan con nuôi quốc tế gửi công văn, kèm theo 01 bộ hồ sơ của người xin nhận con nuôi cho Sở tư pháp (không gửi trả lại hồ sơ của trẻ em). Trong công văn của Cơ quan con nuôi quốc tế phải nêu rõ ý kiến của mình về việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi.

3.4.3- Theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Nghị định, trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được công văn trả lời của Cơ quan con nuôi quốc tế kèm theo 01 bộ hồ sơ của người xin nhận con nuôi, Sở tư pháp có trách nhiệm gửi thông báo cho người xin nhận con nuôi (có thể thông qua Văn phòng con nuôi nước ngoài) để họ đến Việt Nam hoàn tất thủ tục xin nhận con nuôi; trong công văn cần ấn định rõ thời hạn mà người xin nhận con nuôi phải có mặt tại Việt Nam.

3.4.4- Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 7 của Nghị định, Sở tư pháp thu lệ phí đăng ký việc con nuôi do người xin nhận con nuôi nộp hoặc tổ chức được uỷ quyền nộp thay, đồng thời hướng dẫn người xin nhận con nuôi làm Bản cam kết (theo mẫu quy định) thành 04 bản chính. Sau khi người xin nhận con nuôi hoàn tất các thủ tục, Sở tư pháp làm báo cáo kết quả thẩm tra và đề xuất ý kiến giải quyết việc người nước ngoài xin nhận trẻ em làm con nuôi, trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ của trẻ em và 01 bộ hồ sơ của người xin nhận con nuôi.

3.4.5- Theo quy định tại Điều 48 và Điều 49 của Nghị định, việc giao nhận con nuôi chỉ được tiến hành sau khi có Quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cho phép nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, người xin nhận con nuôi đang có mặt tại Việt Nam để trực tiếp nhận con nuôi và phải có mặt những người theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Nghị định. Không chấp nhận việc uỷ quyền giao con nuôi, nhận con nuôi. Nếu vì lý do khách quan (ốm đau, bệnh tật, bận công tác...) mà người xin nhận con nuôi không thể có mặt để nhận con nuôi, thì việc giao nhận phải hoãn lại. Trong trường hợp hai vợ chồng cùng xin nhận con nuôi mà một trong hai người vì lý do khách quan không thể có mặt, thì phải có giấy uỷ quyền cho người kia; giấy uỷ quyền phải được cơ quan có thẩm quyền của nước đó xác nhận. Trong trường hợp bên giao con nuôi là cha mẹ đẻ của trẻ em, nhưng vì lý do khách quan mà một trong hai người không thể có mặt, thì cũng phải có giấy uỷ quyền cho người kia; giấy uỷ quyền phải được Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi người đó cư trú, xác nhận.

Đại diện của Văn phòng con nuôi nước ngoài có thể tham dự lễ giao nhận con nuôi với tư cách người chứng kiến; tuyệt đối không cho phép đại diện Văn phòng con nuôi nước ngoài được nhận trẻ em với tư cách bên nhận.

Biên bản giao nhận con nuôi phải có đầy đủ chữ ký của bên nhận, bên giao, đại diện Sở tư pháp và đóng dấu của Sở tư pháp.

3.4.6- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày giao nhận con nuôi, Sở tư pháp có trách nhiệm gửi cho cơ quan con nuôi quốc tế toàn bộ các giấy tờ cần thiết theo quy định tại khoản 6 Điều 49 của Nghị định.

4- Đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới.

Trong khi giải quyết việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, cần lưu ý một số điểm sau đây:

4.1- Về phạm vi, đối tượng áp dụng:

Các quy định tại Chương V của Nghị định chỉ áp dụng đối với việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam thường trú tại các xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới Việt Nam với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam (Danh sách các xã, phường, thị trấn thuộc khu vực biên giới được ban hành kèm theo Thông tư số 179/2002/TT-BQP ngày 22 tháng 1 năm 2001 của Bộ Quốc phòng, được đính kèm Thông tư này).

Việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới Việt Nam với công dân của nước láng giềng không thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam hoặc giữa công dân Việt Nam không thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam với công dân của nước láng giếng thường trú ở khu vực biên giới Việt Nam, không thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Chương V Nghị định.

4.2- Về trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi

4.2.1- Tờ khai đăng ký kết hôn, Đơn xin nhận cha, mẹ, con, Đơn xin nhận con nuôi được áp dụng chung theo mẫu dành cho công dân Việt Nam ở trong nước theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.

4.2.2- Thủ tục, nội dung niêm yết việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con được thực hiện như việc niêm yết đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, giữa công dân Việt Nam với nhau ở trong nước theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.

Riêng nội dung niêm yết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới phải bao gồm các thông tin về người xin nhận con nuôi và trẻ em như họ và tên, giới tính, ngày tháng năm sinh (tuổi), dân tộc, quốc tịch, nơi thường trú, nghề nghiệp, thời gian dự định đăng ký việc nhận con nuôi.

4.2.3- Giấy chứng nhận kết hôn, Quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, Quyết định cho nhận con nuôi được áp dụng chung theo mẫu dành cho công dân Việt Nam ở trong nước, theo quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch.

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 01 năm 2003.

2- Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập có quy định khác với quy định tại Thông tư này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

3- Căn cứ vào Nghị định, Thông tư này và tình hình cụ thể tại địa phương, Sở tư pháp dự thảo Quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở Tư pháp với Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ban, ngành địa phương nhằm thực hiện tốt các quy định của Nghị định và Thông tư này.

4- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những việc mới, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp gửi công văn về Bộ Tư pháp để kịp thời hướng dẫn./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Uông Chu Lưu

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.