• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/05/2015
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/2020
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 02/2015/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 25 tháng 2 năm 2015

THÔNG TƯ

Công bố vùng nước cảng biển thành phố Hồ Chí Minh và khu vực quản lý

của Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh

____________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại công văn số 4095/UBND-ĐTMT ngày 19 tháng 8 năm 2014; Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại công văn số 6209/UBND-VP ngày 27 tháng 8 năm 2014; Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tại công văn số 7847/UBND-CNN ngày 25 tháng 8 năm 2014; Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tại công văn số 3441/UBND-KTN ngày 18 tháng 8 năm 2014 và Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang tại công văn số 1885/SGTVT-VTAT ngày 18 tháng 8 năm 2014; Ủy ban nhân dân tỉnh Long An tại công văn số 1471/UBND-KT ngày 24 tháng 7 năm 2014 và Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An tại công văn số 2532/SGTVT-PC ngày 08 tháng 8 năm 2014;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 1. Công bố vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh

Công bố vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm các vùng nước sau:

1. Vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh tại khu vực vịnh Gành Rái.

2. Vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh tại khu vực vịnh Đồng Tranh và khu vực cửa sông Soài Rạp.

3. Vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè, Dừa, Tắc Dinh Cậu và rạch Tắc Rỗi.

4. Vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên các sông Đồng Tranh, Gò Gia, Tắc Ông Cu, Tắc Bài và Tắc Cua.

5. Vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên sông Đồng Nai.

6. Vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên sông Sài Gòn.

7. Vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên sông Soài Rạp.

Điều 2. Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh

Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh tính theo mực nước thủy triều lớn nhất, được quy định cụ thể như sau:

1. Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh tại khu vực vịnh Gành Rái được giới hạn như sau:

Đường kinh tuyến 106°58'12" E (là ranh giới với vùng nước các cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chạy dọc theo bờ biển của huyện Cần Giờ và bờ của Cù lao Phú Lợi đến hai điểm nhỏ xa nhất của cửa sông Ngã Bảy.

2. Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh tại khu vực vịnh Đồng Tranh và khu vực cửa sông Soài Rạp được giới hạn như sau:

a) Các đoạn thẳng nối lần lượt các điểm SR1, SR2, SR3 và SR4 có tọa độ sau đây:

SR1: 10°25'10" N, 106°58'12" E (mũi Cần Giờ);

SR2: 10°24'00" N, 107°00'00" E;

SR3: 10°15'00" N, 107°00'00" E;

SR4: 10°15'00" N, 106°49'30" E.

b) Đường kinh tuyến 106°49'30" E;

c) Biên trái mép luồng Soài Rạp (tính từ biển vào);

d) Đường vĩ tuyến 10°28'56" N.

3. Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè, Dừa, Tắc Dinh Cậu và rạch Tắc Rỗi được giới hạn như sau:

a) Từ hai điểm nhô xa nhất của cửa sông Ngã Bảy chạy dọc theo hai bờ các sông Ngã Bảy, Lòng Tàu, Nhà Bè đến mũi Đèn Đỏ. Trừ phạm vi vùng nước cảng biển Đồng Nai trên sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu do Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai quản lý được giới hạn từ ranh giới biên phải mép luồng cảng biển đến bờ sông về phía thượng lưu cầu cảng Phú Đông 1800 mét và về phía hạ lưu cầu cảng Sanrimjohap Vina 1300 mét;

b) Từ hai điểm nhô xa nhất của cửa sông Dừa (tại ngã ba sông Dừa - sông Ngã Bảy) chạy dọc theo hai bờ sông Dừa đến ngã ba sông Dừa - Tắc Dinh Cậu, chạy dọc theo hai bờ Tắc Dinh Cậu, rạch Tắc Rỗi (từ ngã ba Tắc Dinh Cậu - Tắc Rỗi đến ngã ba Tắc Rỗi - sông Lòng Tàu).

4. Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên các sông Đồng Tranh, Gò Gia, Tắc Ông Cu, Tắc Bài và Tắc Cua được giới hạn như sau:

Từ hai điểm nhô xa nhất của cửa sông Gò Gia (tại ngã ba sông Gò Gia - sông Cái Mép - sông Thị Vải) chạy dọc theo hai bờ sông Gò Gia đến ranh giới phía thượng lưu ngang đường vĩ tuyến 10°35'00" N (tại ngã ba sông Gò Gia - Ba Giỏi - Tắc Cua) và chạy dọc theo hai bờ Tắc Ông Cu, Tắc Bài, Tắc Cua đến ngã ba sông Tắc Ông Cu - sông Đồng Tranh và toàn bộ sông Đồng Tranh.

5. Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên sông Đồng Nai được giới hạn như sau:

Từ ngã ba các sông Đồng Nai, Nhà Bè, Sài Gòn (mũi Đèn Đỏ) chạy dọc theo hai bờ sông Đồng Nai đến đường thẳng cắt ngang ngã ba sông Đồng Nai từ hai điểm nhô xa nhất của Tắc Thầy Bảy (Cù lao Ông Cồn) và xã Long Trường. Ranh giới giữa sông Đồng Nai và sông Sau là đường thẳng cắt ngang sông Sau từ 02 điểm nhô xa nhất của Cù lao Ông Cồn đến xã Đại Phước.

6. Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên sông Sài Gòn được giới hạn như sau:

Từ ngã ba các sông Sài Gòn, Nhà Bè, Đồng Nai (mũi Đèn Đỏ) chạy dọc theo hai bờ sông Sài Gòn đến đường thẳng cắt ngang sông tại mép rạch Thị Nghè phía hạ lưu.

7. Phạm vi vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh trên sông Soài Rạp được giới hạn như sau:

Từ khu vực cửa sông Soài Rạp, quy định tại khoản 2 Điều này, chạy dọc theo hai bờ sông Soài Rạp đến ngã ba sông Soài Rạp - sông Nhà Bè (ngã ba Bình Khánh).

8. Ranh giới cửa nhánh sông, cửa rạch vào các sông quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này được giới hạn bởi đoạn thẳng nối hai điểm bờ nhô xa nhất ở cửa nhánh sông, cửa rạch đó. Đối với rạch Rạch Đôi, sông Đồng Điền thì ranh giới là các đường biên hạ lưu hành lang an toàn cầu Phú Xuân và cầu Đồng Điền.

9. Ranh giới vùng nước cảng biển quy định tại Thông tư này được xác định trên Hải đồ số 1016 tái bản năm 2012 của Cơ quan thủy đạc Vương quốc Anh. Tọa độ các điểm, các đường kinh tuyến và các đường vĩ tuyến quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này áp dụng theo Hệ tọa độ VN-2000 và được chuyển sang Hệ tọa độ WGS-84 tương ứng như sau:

Điểm/Đường

Hệ VN - 2000

Hệ WGS-84

Vĩ độ (N)

Kinh độ (E)

Vĩ độ (N)

Kinh độ (E)

SR1

10°25'10"

106°58'12"

10°25'06"

106°58'19"

SR2

10°24'00"

107°00'00"

10°23'56"

107°00'07"

SR3

10°15'00"

107°00'00"

10°14'56"

107°00'07"

SR4

10°15'00"

106°49’30"

10°14'56"

106°49'37"

Đường kinh tuyến

 

106°58'12"

 

106°58'19"

Đường kinh tuyến

 

106°49'30"

 

106°49'37"

Đường vĩ tuyến

10°28'56"

 

10°28'52"

 

Đường vĩ tuyến

10°35'00"

 

10°35'04"

 

Điều 3. Vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và các khu nước, vùng nước có liên quan khác

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức công bố vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão cho tàu thuyền vào, rời cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và khu nước vùng nước khác theo quy định.

Điều 4. Trách nhiệm của Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan

1. Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm:

a) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan đối với hoạt động hàng hải tại các bến cảng và vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh;

b) Căn cứ quy định và tình hình thực tế về điều kiện khí tượng thủy văn, trọng tải của tàu thuyền và tính chất hàng hóa, chỉ định vị trí cụ thể cho tàu thuyền đón, trả hoa tiêu, kiểm dịch, neo đậu, chuyển tải và tránh bão trong vùng nước theo quy định, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

2. Trách nhiệm phối hợp quản lý giữa Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đối với tàu thuyền vào, rời cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh:

a) Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh:

Thông báo cho Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu biết tên, quốc tịch, hô hiệu, các thông số kỹ thuật chính và những thông tin cần thiết khác của tàu thuyền, chậm nhất 02 giờ trước khi tàu thuyền đến vùng đón trả hoa tiêu Vũng Tàu;

Thông báo cho Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu biết việc điều động tàu thuyền rời vị trí do Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chỉ định để vào vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh chậm nhất 01 giờ trước khi tàu thuyền rời vị trí;

Thực hiện thủ tục tàu vào, rời cảng, biển thuộc địa phận Thành phố Hồ Chí Minh.

b) Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu:

Đối với tàu thuyền vào, rời vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh nhưng phải đón trả hoa tiêu, kiểm dịch, neo đậu, tránh bão tại vùng nước cảng biển thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu căn cứ vào tình hình thực tế về thời tiết, sóng gió, mớn nước và trọng tải của tàu thuyền để chỉ định vị trí cụ thể cho tàu thuyền đón trả hoa tiêu, kiểm dịch, neo đậu, tránh bão, bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường và chậm nhất 01 giờ trước khi tàu thuyền đến vùng đón trả hoa tiêu phải thông báo cho Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh biết.

3. Trách nhiệm phối hợp quản lý giữa Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh và Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho:

a) Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm căn cứ vào tình hình thực tế về thời tiết, sóng gió, mớn nước và trọng tải của tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng trên sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, sông Soài Rạp thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang nhưng phải neo đậu, tránh bão trong vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ định vị trí cụ thể cho tàu thuyền neo đậu, tránh bão và chậm nhất 01 giờ, kể từ khi nhận được thông báo của Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho và phải xác báo cho Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho biết.

b) Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho có trách nhiệm:

Phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh bảo đảm trật tự, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường đối với tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng trên sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, sông Soài Rạp thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang nhưng phải neo đậu, tránh bão trong vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh;

Thông báo cho Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh biết tên, quốc tịch, hô hiệu, các thông số kỹ thuật chính và các thông tin cần thiết khác của tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng có tuyến hành trình đi qua khu vực vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh chậm nhất 02 giờ trước khi tàu thuyền đến vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh; riêng tàu thuyền rời cầu cảng, bến cảng trên sông Nhà Bè và sông Lòng Tàu, thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, sông Soài Rạp thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang phải thông báo trước khi tàu thuyền rời cầu cảng, bến cảng;

Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai thực hiện thủ tục tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng trên sông Đồng Nai, sông Nhà Bè, sông Lòng Tàu thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương. Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho thực hiện thủ tục tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng trên sông Soài Rạp thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang.

4. Những vụ việc phát sinh của tàu thuyền xảy ra tại vùng nước cảng biển do Cảng vụ Hàng hải nào quản lý thì Cảng vụ Hàng hải đó chủ trì giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc xảy ra tại ranh giới vùng nước cảng biển của hai Cảng vụ Hàng hải thì do Cảng vụ Hàng hải nơi tàu thuyền vào, rời cầu cảng, bến cảng đó chủ trì giải quyết.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2015. Bãi bỏ Quyết định số 49/2007/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 9 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố vùng nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực quản lý của Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Đồng Nai, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Mỹ Tho, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.