• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/05/1995
  • Ngày hết hiệu lực: 01/10/1999
CHÍNH PHỦ
Số: 34/CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hải Dương, ngày 27 tháng 5 năm 1995

NGHỊ ĐỊNH

Về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Tổng cục Quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và Tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng - Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp là tổ chức quản lý tài chính chuyên ngành trực thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện chủ sở hữu về vốn và tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp theo uỷ quyền của Chính phủ.

Điều 2. Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp có các nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Xây dựng các dự án Luật, pháp lệnh và các văn bản pháp quy về quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp để Bộ trưởng Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định, hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền.

2. Giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính:

Thực hiện thủ tục giao vốn cho doanh nghiệp Nhà nước; kiểm tra, giám sát việc sử dụng và bảo tồn theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Thẩm định phương án huy động vốn, đầu tư góp vốn liên doanh của doanh nghiệp Nhà nước đối với chủ sở hữu khác để Bộ trưởng Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn theo quy định của Chính phủ.

Bảo lãnh việc vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm tra, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp: chia tách, sáp nhập, giải thể, phá sản.

3. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp Nhà nước chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của Nhà nước trong trường hợp vượt quá thẩm quyền của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.

4. Xây dựng hoặc tham gia xây dựng các chính dách, chế độ và quản lý tài chính trong doanh nghiệp Nhà nước; chỉ đạo và hướng dẫn công tác quản lý tài chính - kế toán đối với doanh nghiệp có vốn của Nhà nước.

5. Tổng hợp báo cáo quyết toán tài chính hàng năm của doanh nghiệp Nhà nước; theo dõi, tổng hợp, phân tích tình hình tài chính, tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp.

6. Giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ cổ phần hoá, đa dạng hóa hình thức sở hữu của doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Chính phủ.

7. Tổng cục được ban hành theo thẩm quyền những văn bản về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật trong công tác quản lý vốn và tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp; được quyền yêu cầu các doanh nghiệp có vốn và tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp; được yêu cầu các doanh nghiệp có vốn và tài sản Nhà nước báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất về tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp và các tài liệu, số liệu liên quan đến quản lý vốn, tài sản của Nhà nước.

Điều 3. Tổ chức bộ máy quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp được tổ chức thành hệ thống thống nhất từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1. ở Trung ương là Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Bộ Tài chính.

Tổng cục có Tổng cục trưởng và các Phó Tổng cục trưởng giúp việc Tổng cục trưởng. Tổng cục trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm và miễn nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các Phó Tổng cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Bộ máy giúp việc Tổng cục trưởng gồm có:

1 - Vụ Tổng hợp.

2 - Vụ Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, gọi tắt là Vụ nghiệp vụ 1.

3 - Vụ Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông, bưu điện, văn hoá, y tế, giáo dục, gọi tắt là Vụ Nghiệp vụ 2.

4 - Vụ Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, hải sản, gọi tắt là Vụ nghiệp vụ 3.

5 - Vụ Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc các ngành thương mại, du lịch, và các ngành khác, gọi tắt là Vụ ngành khác, gọi tắt là Vụ nghiệp vụ 4.

6 - Ban nghiên cứu và triển khai thực hiện cổ phần hoá và đa dạng hoá sở hữu doanh nghiệp, gọi tắt là Ban Cổ phần hoá.

7 - Văn phòng Tổng cục.

2. tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, là đơn vị trực thuộc Tổng cục có nhiệm vụ quản lý vốn và tài sản thuộc sở hữu Nhà nước trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cục có Cục trưởng, các Phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng. Việc bổ nhiệm miễn nhiệm Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

Nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy cụ thể giúp việc Tổng cục, các Cục do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định.

Điều 4. Tổng cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, và các Cục Quản lý vốn và tài sản Nhà nước trong doanh nghiệp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước.

Kinh phí hoạt động của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc do Ngân sách Nhà nước cấp và được tổng hợp chung vào dự toán chi của Bộ tài chính.

Biên chế của Tổng cục và các đơn vị trực thuộc thuộc biên chế quản lý Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định cụ thể trong tổng số biên chế của Bộ Tài chính.

Điều 5. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ các quy định trong các văn bản trước đây trái với Nghị định này.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.